LỄ BÁI ĐƯỢC CỐT TỦY
Thiền sư Đạo Nguyên – Ngọc Bảo dịch
(trích trong Chánh Pháp Nhãn Tạng)
Lời người dịch:
Lễ bái không có nghĩa là van vái
thần linh để mong cầu điều gì có lợi cho mình, mà là sự khiêm cung biết hạ mình
để học hỏi chân lý. Sự phóng khoáng của bình đẳng tính là một nét ưu việt trong
đạo Phật. Với tinh thần “phá chấp”, cái nhìn “không thấy tướng trong mọi tướng”,
đặc tính này đã được khai triển đến mức tuyệt đỉnh đặc biệt là trong Thiền tông.
Trải qua bao thế kỷ, sau nhiều cuộc tranh đấu cho nữ quyền, đến ngày nay nữ giới
mới tương đối có được sự tự do và bình đẳng trong một số các quốc gia trên thế
giới. Nhưng gần 1000 năm trước, ngay trong thời kỳ đất nước Nhật Bản còn đang
dưới chế độ phong kiến đầy những phân biệt và thành kiến, Thiền sư Đạo Nguyên
đã nói đến sự bình đẳng của nam và nữ trong bài Lễ Bái đắc Tuỷ của tuyển tập “Chánh Pháp Nhãn
Tạng”. Ngài đã thẳng tay đả phá quan niệm
xem phụ nữ như đối tượng cám dỗ tình dục cho người tu. Một vị tăng chân chính, đệ tử của Phật, không vướng
vào trần cảnh, cũng không xa lìa trần cảnh – như tổ Tăng Sán nói: “Dục thú nhất thừa, mạc ố lục trần” (Muốn đến nhất thừa, chớ ghét sáu trần). Người tu phải tự
có trách nhiệm làm chủ thân tâm đối với những việc đến trước mắt, không đổ lỗi
hay trốn tránh đối tượng. Đạo Nguyên đã minh xác vai trò của nữ giới theo đúng
địa vị của một người con Phật trong tứ chúng của Đức Từ Phụ. Bài viết này đã thể
hiện tinh thần giải thoát và bình đẳng của một bậc bồ tát. Chúng ta hãy trân trọng
học hỏi những lời nói chánh pháp này.
Ngọc Bảo
Trên
bước đường tu tập để đạt đến Chánh Đẳng Chánh Giác, điều khó khăn nhất là tìm
được một vị minh sư hướng dẫn. Không kể đến hình tướng bên ngoài nam hay nữ, vị
thầy dạy đạo phải là một bậc đại trượng phu, một người đã có được cái nhìn Như
Thị. Vị ấy không phải là người của quá khứ hay tương lai, mà là một vị thầy hướng
dẫn tốt với tinh thần thật bén nhậy. Đó là những nét của một người đã đạt đến cốt
tủy (1); người ấy
có thể là người soi đường chỉ lối, là một ân nhân; người ấy không bao giờ lầm lẫn
nhân quả; người ấy có thể là bạn, là tôi, hay là bất cứ một người nào khác.
Đã
có cơ duyên gặp được thầy dạy đạo rồi, chúng ta phải dứt hết mọi duyên ràng buộc,
và không phí phạm một giây phút nào, nỗ lực tập trung cho sự tìm cầu chân lý.
Chúng ta phải tu tập với ý thức, tu tập với vô thức, và tu tập với một nửa ý thức
(semi-consiousness). Như thế, chúng ta phải tập cho có sự tỉnh giác luôn luôn,
như người đi chân nhón gót, để dập tắt ngọn lửa trong đầu. Khi hành động như vậy,
chúng ta sẽ không bị quấy nhiễu bởi những ác ma. Vị Tổ đã tự chặt đứt cánh tay
để đạt đến cốt tủy của đạo (2) không phải là một người khác với
chúng ta, và vị thầy đã buông hết cả thân lẫn tâm (3) cũng chính
ở nơi chúng ta chứ không đâu khác. Đạt đến cốt tủy của Đạo bao giờ cũng do lòng
chân thành và niềm tin. Sự chân thành không có ở ngoài, cũng không có ở trong –
mà chỉ là đặt hết trọng tâm vào Pháp mà xem nhẹ thân mình, mục đích để có được sự
tự do, giải thoát khỏi những hệ lụy phàm trần và đạt tới chân lý nơi chính mình.
Nếu chúng ta chỉ cần coi trọng thân mình hơn Pháp một chút, chúng ta sẽ không cảm
nhận được Pháp, và không đạt tới chân lý. Những người có ý chí cương quyết đặt
hết trọng tâm vào Pháp không phải là đặc thù, và họ không cần những lời khen tặng
của người khác để làm điều ấy. Người xưa
nói rằng những người nào đặt hết trọng tâm vào Pháp sẽ gieo cả thân tâm xuống (4) để kính
trọng cúng dường những gì nuôi dưỡng và hộ trì Chánh Pháp, những gì đã đạt cốt
tủy của Đạo, dù đó chỉ là một cái trụ cột ngoài sân, một cây đèn bằng đá, dù là
những vị phật, hay một con chó hoang, thần linh hay quỷ, nam hay nữ. Thân và tâm
này rất dễ có: chúng đầy dẫy trên thế giới này như gạo thóc, như tre sậy. Nhưng
Pháp thì ít khi gặp được. Đức Phật Thích Ca nói rằng: “Khi gặp những vị thầy đang tuyên dương đạo pháp, đừng để ý đến sắc tộc
hay giòng dõi của họ, đừng chấp vào hình tướng của họ, đừng chê bai những khuyết
điểm của họ, và đừng xét nét những hành động của họ. Vì kính phục trí tuệ của họ,
hãy cho họ ăn trăm ngàn cân vàng mỗi ngày, hãy cúng dường họ những thực phẩm
tuyệt hảo của cõi trời, hãy trải hoa trời để cúng dường, lễ lậy và kính trọng họ
ba ngày một lần, và không bao giờ để cho những ý tưởng lo lắng hay phiền hà khởi
lên trong tâm. Nếu hành xử như vậy, thế nào ta cũng ngộ được Đạo. Từ khi ta lập
tâm như vậy, ta đã thực hành tu tập như vậy, và ngày nay ta đã đạt được Chánh Đẳng
Chánh Giác.”
Với
tâm như thế, ta còn cầu mong cho cây, đá cũng có thể thuyết pháp cho ta (5), ngay cả
những cánh đồng, làng mạc cũng có thể thuyết pháp cho ta (6). Chúng ta phải đặt câu hỏi đến những cây cột
ngoài sân, chúng ta phải tìm hiểu cả những bức tường và hàng rào. Xưa có chuyện
Trời Đế Thích đã bái lậy cả một con chó hoang làm thầy, xin nó thuyết pháp, và đã
được giác ngộ. Được tôn làm thầy không nhất thiết phải là một người tương đối có
địa vị cao quý. Tuy nhiên, những kẻ ngu si không biết trọng Pháp Phật thường
nghĩ rằng, “Ta là một bậc tỳ kheo trưởng
thượng. Ta không thể đảnh lễ một người hiểu pháp nhưng có địa vị thấp hơn.” “Ta
đã tu tập lâu rồi, ta không thể đảnh lễ một người mới nhập chúng nhưng đã hiểu
được Pháp.” “Ta có danh vị của một vị hòa thượng. Ta không thể đảnh lễ một người
không có danh vị hòa thượng.” “Ta thuộc
dòng giõi quý tộc. Ta không thể đảnh lễ người thuộc gia đình tầm thường dù cho
người ấy đã ngộ được Pháp” v.v… Những kẻ ngu muội như thế vô tình đã đi xa
rời lãnh địa giầu có của cha mình mà lang thang lưu lạc tứ xứ (như câu chuyện
trong kinh Liên Hoa), vì vậy họ không thấy, cũng chẳng nghe được chân lý của Phật.
Vào
thời xa xưa, trong đời nhà Đường, có vị đại thiền sư là Triệu Châu đã lập tâm tìm
cầu học đạo bằng cách đi hành khước khắp nơi. Ngài đã nói rằng, “Tôi sẽ học hỏi từ bất cứ người nào hơn tôi,
dù cho đó là một đứa bé lên bẩy tuổi. Và tôi sẽ dạy lại cho bất cứ người nào
kém tôi, dù cho người ấy có một trăm tuổi.” Lão tăng này đã sẵn sàng bái lậy một đứa bé bẩy tuổi để học Pháp – thật
là tấm gương hiếm có của một ý chí cương quyết, thể hiện tinh thần của một vị
phật vĩnh cửu. Khi có một vị tỳ kheo ni đã đạt được Pháp trong đời sống, các tỳ
kheo còn đang trên đường tu tập học hỏi Pháp phải dốc lòng tuân theo vị tỳ kheo
ni này, bái lậy và học hỏi Pháp nơi vị ấy – đó là một tấm gương thù thắng về cách
học hỏi tu tập, ví như là đang khát nước đi tìm nước uống vậy.
Thiền
sư Trung Hoa Quán Khê Nhàn (Kankei Shikan, tịch năm 895) là một hòa thượng thuộc
hàng Tổ trong tông Lâm Tế. Ngày xưa, khi Lâm Tế thấy sư đến diện kiến liền nắm
lấy sư. Sư bảo, “Hiểu rồi”. Lâm Tế bèn
thả ra, nói: “Ta sẽ để ông ở đây một thời
gian.” Từ lúc đó, sư đã trở thành đệ tử của Lâm Tế. Sư rời Lâm Tế và đến núi
Mạt Sơn gặp ni Liễu Nhiên. Liễu Nhiên hỏi: “Thượng
tọa từ đâu đến đây?” Sư đáp: “Từ cửa ở
ngoài đường”. Liễu Nhiên hỏi: “Sao không
biết che đậy lại?”(7) Sư không
trả lời được, bèn đảnh lễ như một đệ tử đối trước thầy, rồi hỏi: “Thế nào là Mạt Sơn?” Liễu Nhiên đáp: “Chẳng thấy đỉnh”. Sư hỏi: “ Thế nào là chủ của Mạt Sơn?” Liễu Nhiên
đáp: “Vượt ngoài tướng nam hay tướng nữ”.
Sư nạt: “Sao không biến hóa đi?” Liễu
Nhiên đáp: “Chẳng phải chồn tinh, biến
cái gì?” Sư cúi đầu bái lậy, sau đó ở lại ba năm chăm sóc và làm việc trong
vườn rau của chùa. Sau này, khi xuất thế, sư thượng đường giảng rằng: “Ta đã được một nửa gáo ở lão gia gia Lâm Tế,
một nửa gáo ở lão mẫu mẫu Mạt Sơn Liễu Nhiên. Với hai nửa gáo này ta có một gáo
nguyên, đã uống xong rồi, và đã đến đây, trong hiện tại này, ta hoàn toàn mãn
nguyện.”
Đọc
những lời lẽ như thế, nghĩ đến phong thái của người xưa thật là đáng kính phục.
Mạt Sơn Liễu Nhiên là một đệ tử xuất sắc của thiền sư Đại Ngu. Bà có năng lực từ
trong huyết quản, vì vậy đã trở thành “mẫu mẫu” của sư Quán Khê Nhàn. Lâm Tế là
người kế vị chân truyền của thiền sư Hoàng Bá Hy Vận. Ông có năng lực qua những
nỗ lực tinh tấn, vì vậy đã trở thành “gia gia” của sư Quán Khê Nhàn. “Gia” có nghĩa là cha, và “mẫu” có nghĩa là mẹ.
Thiền sư Quán Khê Nhàn bái lậy và tu học Pháp dưới trướng của Ni Liễu Nhiên là
tấm gương sáng về một ý chí cương quyết, một tấm lòng chánh trực mà kẻ hậu thế
phải noi theo. Ta có thể nói rằng sư đã phá vỡ được tất cả mọi chướng ngại, dù lớn
cũng như nhỏ.
Ni
Diệu Tâm (Myoshin) là đệ tử của thiền sư Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Có một lần, Nguỡng
Sơn muốn tuyển người để làm chức Trưởng phòng Tài Vụ. Ông hỏi quanh những quan
chức đã về hưu và những người khác trên núi Ngưỡng Sơn, “Ai là người đúng nhất?” Họ bàn tới bàn lui, rồi cuối cùng Ngưỡng Sơn
nói, “Ni Diệu Tâm từ sông Wai, tuy là nữ
giới, nhưng có chí khí của một đại trượng phu. Chắc chắn cô ấy sẽ là người đúng
nhất để làm Trưởng phòng Tài Vụ.” Tất cả các vị tăng đều đồng ý. Thế là cuối
cùng Diệu Tâm đã được chỉ định làm Chánh phòng Tài Vụ. Những long, tượng (những
người tài giỏi) trong tăng chúng của Ngưỡng Sơn không hề tức tối mảy may với sự
việc này. Tuy rằng chức vụ này thật ra không có gì to tát lắm, nhưng người được
tuyển chọn chắc cũng lấy làm hãnh diện. Khi ni được điều đến Phòng Tài Vụ, có
mười bẩy vị tăng từ vùng Shoku (nay là vùng Szechuan) làm thành một nhóm đi du
phương cầu đạo đến núi Ngưỡng Sơn. Lúc ấy trời tối, họ ngụ tại Phòng Tài Vụ ở
dưới chân núi qua đêm trước khi leo núi ngày hôm sau. Trong lúc nghỉ ngơi ban đêm,
họ bàn cãi với nhau về giai thoại Gió và Phướn của Lục Tổ Huệ Năng (8). Những lời
nói của mười bẩy vị tăng này chứng tỏ họ không hiểu biết một chút gì cả. Trong
khi đó, ở phía bên kia tường, vị Trưởng phòng Tài Vụ đã nghe hết tất cả, mới thốt
lên rằng: “Mười bẩy con lừa mù này! Không
biết đã đi mòn gót hết bao nhiêu đôi giầy rồi, mà chẳng nên cơm cháo gì? Dù có ở
trong mơ, họ cũng chưa thấy được Pháp Phật.” Một gia nhân trong chùa lúc đó
nghe được những lời phê bình này của vị Trưởng phòng Tài Vụ mới học lại cho mười
bẩy vị tăng kia biết, nhưng không một ai trong bọn họ tỏ ra tức giận trước sự
phê bình đó. Xấu hổ trước khả năng kém cỏi không ngộ được chân lý, họ lập tức
khoác áo cà sa, đến đốt hương lễ bái thỉnh cầu Ni nói pháp. Trưởng phòng Tài Vụ
nói: “ Lại đây!” Mười bẩy vị tăng tiến
đến gần, và khi họ còn đang đi tới, Trưởng phòng Tài Vụ nói: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động,
ấy là tâm không động!” Khi ni dạy như vậy, tất cả mười bẩy vị tăng đều chợt
được khai ngộ. Họ đảnh lễ cám ơn và xin nhận làm đệ tử của ni. Sau đó, họ không
leo núi Ngưỡng Sơn như dự định, mà quay trở về thẳng quê hương ở miền tây
Shoku. Sự khai ngộ này xét ra còn vượt trên cả tiến trình thứ lớp của ba hạng bồ
tát hay thập địa bồ tát (9)
–
đó là sự giao cảm của tâm truyền tâm, như các vị tổ chân chính của Phật giáo đã
làm, từ đời này sang đời khác.
Vì
vậy, ngay trong hiện tại, khi một tự viện có chỗ trống cho một vị thầy dạy Pháp,
một tỳ kheo ni đã ngộ Đạo cũng có thể được mời làm chức vị ấy. Dù cho một tỳ
kheo có nhiều thâm niên hơn trong tuổi đạo và kinh nghiệm, nhưng nếu vị ấy chưa
ngộ được đạo, thì đâu có quan trọng gì? Một sư trưởng lãnh đạo tăng chúng phải
luôn luôn có cái nhìn sáng suốt. Thế nhưng có nhiều vị sư vẫn chìm đắm trong thân
tâm của một kẻ quê mùa khờ khạo; họ quá u mê đến nỗi đáng bị chê cười ngay cả
trong thế giới phàm tình. Họ có đáng được đề cập đến trong Phật Pháp hay không? Lại nữa, có những vị tăng còn từ chối không
chịu lễ bái các vị ni dạy đạo, những người đã được công nhận là chứng ngộ và là
sư tỷ, hay có tuổi đạo cao hơn trong tông phái v.v… Bởi vì họ không hiểu biết và
cũng chẳng chịu học hỏi, họ ở gần cõi giới của loài súc sinh, và còn cách rất xa
với các vị Tổ trong đạo Phật. Khi một
người dốc hết thân tâm kính mộ Pháp Phật, lòng từ bi luôn luôn được gợi lên
trong tâm thức người ấy. Ngay cả những phàm nhân hay quỷ thần còn đang trong vô
minh cũng có tình cảm phản ứng đối với lòng thành, huống gì những vị phật với
chánh kiến, chẳng lẽ lại không có sự từ bi cảm ứng với lòng chân thành? Cái
tinh thần cao thượng phản ứng lại với lòng chân thành tồn tại ngay cả nơi đất đá,
cát, sỏi. Trong những tự viện của đại vương
quốc Tống thời nay, nếu một vị tỳ kheo ni được cho là đã đắc Pháp, triều đình sẽ
sắc phong cho vị ấy làm ni trưởng trụ trì một tự viện ni, và bà sẽ được thuyết
Pháp ngay trong Pháp đường của ngôi chùa đang cư trú. Tất cả những vị tăng, từ
sư trưởng trở xuống, đều đến thính Pháp, lắng nghe và đặt câu hỏi, đó là lề lối
truyền thống. Người đã đạt được Pháp là một vị phật vĩnh cửu, ngay bây giờ và ở
đây, và người ấy đã vượt ra khỏi con người của quá khứ. Khi người ấy nhìn chúng
ta, cả hai gặp nhau trong một trạng thái mới mẻ và đặc thù. Khi ta nhìn người ấy,
sợi dây giao cảm này là một bước chân qua ngưỡng cửa hiện tại hôm nay. Ví dụ,
khi các a la hán, bích chi phật, hay bồ tát thập địa đến gặp một vị tỳ kheo ni đã
chứng ngộ được chánh pháp nhãn tạng, họ đều lễ bái và học hỏi Pháp từ vị ấy, việc
đảnh lễ vị tỳ kheo ni ấy là chuyện đương nhiên. Tại sao nam giới lại phải được
xem như cao hơn nữ giới? Không gian là không gian, tứ đại là tứ đại, ngũ uẩn là
ngũ uẩn, nữ giới cũng là như thế. Trong việc đạt Đạo, cả nam lẫn nữ đều có khả
năng như nhau, và chúng ta phải thành tâm kính ngưỡng bất cứ người nào đã đạt
được Pháp. Đừng có luận bàn nam hay là nữ. Đây chính là một trong những điều vi
diệu nhất của đạo Phật.
Dưới
thời nhà Tống (Trung Hoa), danh từ “cư sĩ” là nói đến những người nam tu tại
gia. Một số còn sống chung với vợ, một số độc thân sống đời thanh tịnh, nhưng dù
thế nào, có thể nói rằng họ vẫn còn rất bận rộn với những hệ lụy trần ai. Tuy
nhiên, nếu có một người nào đã thông suốt được Pháp, thì những vị tăng sẽ khoác y vân tập về nơi người ấy lễ bái và thỉnh cầu nghe Pháp, y như đối với một
vị đã xuất gia. Chúng ta cũng phải hành xử như vậy đối với nữ giới, hoặc ngay cả
đối với một con vật. Khi một người chưa bao giờ thấy được chân lý Pháp Phật dù
chỉ là trong giấc mơ, nếu người ấy có là một lão tỳ kheo trăm tuổi đi nữa cũng
không thể sánh bằng một người nam hay nữ đã đạt được Pháp, vì vậy chúng ta không
cần phải kính ngưỡng người ấy, mà chỉ vái chào thông thường như một hậu bối đối
với một tiền bối. Khi một người đã hành được Pháp, nói được Pháp, dù chỉ là một
bé gái lên bẩy, cô bé ấy cũng là vị thầy hướng dẫn cho cả tứ chúng, là cha lành
của tất cả chúng sinh. Chúng ta phải kính trọng cúng dường cô bé ấy như một vị
phật, ví như câu chuyện Long Nữ ngộ đạo thành phật vậy (10). Đây là một
nghi thức được bảo tồn từ nhiều đời trong Phật giáo. Người nào không biết điều đó,
và chưa bao giờ nhận được tâm ấn trao truyền, thật là đáng thương hại.
Một
trường hợp khác: Trong thời quá khứ xa xưa ở Nhật Bản và Trung Hoa, đã có những
nữ hoàng đế. Tất cả vương quốc thuộc về sở hữu của vị nữ hoàng đế ấy, và tất cả
dân chúng đều là thần dân của bà. Điều đó không phải là do sự kính trọng con
người của bà ta, mà do sự kính trọng địa vị của bà. Cũng vậy, một tỳ kheo ni được
kính trọng không phải là vì con người của bà ta, mà chỉ là vì kính trọng sự đạt
Đạo của bà. Ngoài ra, một tỳ kheo ni đã chứng được tứ thánh quả (11) cũng đạt
luôn cả những hạnh lành kèm theo các quả vị ấy. Với người có công hạnh như vậy,
có phàm nhân hay thiên nhân nào mong vượt qua được không? Tất cả thiên nhân trong
cõi tam thiên thế giới này đều không sánh được với bà. Trong khi những kẻ phàm
nhân không biết quý trọng, thì những thiên nhân đều một mực kính trọng bà. Không
biết người ta còn lơ là đến thế nào đối với những vị đã đạt được Chánh Pháp chân
truyền của Như Lai, và đã có một tâm nguyện rộng lớn của Bồ tát? Nếu chúng ta
không biết kính trọng một người như vậy là ta đã sai lầm. Và nếu ta không biết
kính trọng ngay cả tâm vô thượng bồ đề của chính ta, thì ta là kẻ ngu si đã phỉ
báng Pháp Phật. Có những người mặc áo cà sa, cạo trọc đầu, nhưng dù mang tướng
của một vị tăng, họ vẫn tham đắm và đam mê sắc dục, vi phạm chánh pháp của Như
Lai, gây tạo nên tội nghiệp nặng. Tất cả chỉ vì họ đã quên rằng những gì trên
thế gian này chỉ là mộng huyễn, như hoa đốm hư không. Thật là đáng tiếc. Vì sao,
đã quy y nơi pháp vô thượng Bồ Đề, họ lại có thể coi thường không biết kính trọng
những người đáng kính đã đạt được Pháp? Đó là bởi vì họ chỉ có lòng tin hời hợt
nơi Pháp, và không có ý chí dũng mãnh để tu tập hành trì Pháp. Khi người ta ham muốn một báu vật nào đó họ
không nghĩ đến việc từ chối báu vật đó chỉ vì nó đang ở trong tay một phụ nữ.
Khi muốn đạt được Pháp, ta phải vượt qua những điều như vậy. Có như thế, ta mới
có thể thấy được Chánh Pháp ngay cả nơi những cây cỏ, hàng rào, tường vách, và thế
giới vũ trụ này với trời và đất, với muôn vàn sự vật và sum la vạn tượng đều có
thể chia xẻ được Chánh Pháp với ta. Đó là một sự thật mà ta phải luôn nhớ trong
lòng. Trước khi dấy lên được một quyết tâm
như thế để đi tìm Đạo, ví dù có gặp được thiện tri thức, ta cũng không thể đắm
mình được trong làn nước tốt lành của Pháp. Hãy chú ý cẩn thận đến điều đó.
Lại
nữa, ngày nay có những kẻ cực kỳ ngu si cố chấp nơi thành kiến, nhìn phụ nữ chỉ
như đối tượng của sự ham muốn tình dục. Đệ tử của Phật không được làm như vậy.
Nếu bất cứ cái gì có thể trở thành đối tượng của lòng ham muốn tình dục đều là đáng
ghét, thế thì tất cả phái nam không đáng ghét sao? Nói đến những nhân duyên đưa
đến sự ô nhiễm, người nam cũng có thể là đối tượng, người nữ cũng có thể là đối
tượng, không nam không nữ cũng có thể là đối tượng, những giấc mơ, vọng tưởng,
hoa đốm hư không cũng có thể là đối tượng, và cũng có những hành động bất tịnh
làm với mặt trời trên không là đối tượng (12). Một vị thần cũng có thể là
đối tượng, một con quỷ cũng có thể là đối tượng. Không thể nào kể cho xiết được
những đối tượng; có cả tám mươi bốn ngàn đối tượng trên thế giới này, làm sao
chúng ta gạt bỏ hết chúng được? Ta không được nhìn vào chúng ư? Trong giới luật
có nói: “Lạm dụng tình dục đàn ông hay
đàn bà đều là phạm trọng giới, và người phạm giới ấy sẽ phải ra khỏi tăng
đoàn.” Theo như thế, nếu ta ghét tất
cả những gì có thể trở thành đối tượng tình dục, tất cả đàn ông và đàn bà sẽ ghét
nhau, và ta sẽ chẳng bao giờ có cơ hội đuợc giải thoát. Ta phải xem xét vấn đề
này một cách kỹ lưỡng. Có những người không phải Phật tử sống đời độc thân không
có vợ: tuy rằng họ không có vợ, nhưng họ không biết đến Pháp Phật, như thế họ
chỉ là những người vô minh còn nhiều tà kiến trong tâm. Có những đệ tử của Phật,
như nam cư sĩ và nữ cư sĩ, có chồng hay có vợ: tuy rằng họ có chồng hay có vợ,
nhưng họ là đệ tử của Phật, và như thế không có chúng sinh nào sánh bằng họ
trong cõi trời người.
Ngay
cả ở Trung Hoa, có một tăng sĩ ngu si đã có lời thề như sau: “Qua tất cả mọi kiếp,
trong mọi lớp tuổi, tôi sẽ không bao giờ nhìn một người nữ”. Không biết lời thề
này dựa trên căn bản đạo đức nào? Dựa trên đạo đức thế gian chăng? Hay là dựa
trên Pháp Phật? Dựa trên đạo đức của kẻ ngoại đạo chăng? Hay dựa trên đạo đức của
thiên ma? Nữ thì có gì xấu? Nam thì có gì tốt lành? Trong những kẻ xấu có những
người nam xấu. Trong những người tốt có những người nữ tốt. Muốn được nghe Pháp,
muốn được giải thoát, không bao giờ nên tuỳ thuộc vào giới tính của người nam
hay người nữ. Khi còn ở trong vô minh, nam hay nữ đều phải phá vô minh như
nhau. Khi đã phá được vô minh và chứng
ngộ rồi, không còn gì để lựa chọn giữa một người nam và người nữ. Hơn nữa, nếu
một người nam thề không bao giờ nhìn một người nữ, thế thì người ấy sẽ chừa nữ
giới ra khi phát hoằng thệ nguyện độ vô biên chúng sinh sao? Nếu ông ta chừa nữ
giới ra, tất không phải là một vị bồ tát. Lòng từ bi của ông ta thiếu sót rất
nhiều so với Đức Phật. Lời thề này chỉ là một câu nói say sưa của một kẻ uống
quá nhiều rượu thanh văn. Không có một
người nào, ở cõi nhân gian hay cõi trời, nên tin lời thề này là thật.
Lại
nữa, nếu ta ghét bỏ những người nào đó vì những điều sai lầm họ đã làm trong quá
khứ, ta phải ghét ngay cả đến các vị bồ tát. Nếu ta có tâm hay ghét như vậy, ta
sẽ bác bỏ tất cả mọi người, thế thì làm sao ta có thể giác ngộ được Pháp Phật? Những lời lẽ như lời thề của vị tăng nói trên
là những lời nói điên rồ của một kẻ ngu si không hiểu biết Pháp Phật. Ta phải
thương hại cho người ấy. Nếu lời thề ấy là thật, chẳng lẽ Đức Phật Thích Ca và
các vị bồ tát trong thời ngài hiện thế đều hành động sai lầm hết sao (vì đã nhìn
vào phụ nữ). Chẳng lẽ bồ đề tâm của các ngài lại không sâu xa hơn ý chí của vị
tăng này sao? Ta phải yên lặng quán chiếu đến vấn đề này. Ta phải tìm hiểu
trong sự tu hành, xem những vị Tổ đã truyền được Pháp bảo, và những vị bồ tát
trong thời Đức Phật khi tu học Pháp có cần đến lời thề như thế hay không. Nếu lời
thề ấy là thật, không những ta không cứu độ được nữ giới, mà khi một người nữ đạt
Đạo thị hiện trên thế gian này giảng Pháp cho trời người, ta cũng sẽ bị cấm không
được đến nghe hay sao? Bất cứ ai không nghe giảng Pháp sẽ không phải là một bồ
tát, mà chỉ là một kẻ ngoại đạo.
Nhìn lại vương quốc Tống ngày nay, có những vị
tăng đã tu tập lâu dài, nhưng chỉ như người đếm cát sông Hằng một cách vô ích (13), dật dờ trôi lăn như những đợt sóng
trên biển cả mênh mông của luân hồi sinh tử. Cũng có những người, tuy là phụ nữ,
nhưng đã đến gặp các thiện tri thức, nỗ lực tinh tấn tìm cầu chân lý, và do đó
họ đã trở thành những vị thầy hướng dẫn cho cả cõi trời người. Có những người
như bà lão bán bánh đã từ chối không chịu bán bánh cho thiền sư Đức Sơn, chỉ vì
sư đã không trả lời được câu hỏi (Kinh
Kim Cương nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất
khả đắc, xin hỏi Thượng Tọa điểm tâm nào?) Thật là tội nghiệp cho Đức Sơn,
tuy là một vị tăng, một tỳ kheo, đường đường một đấng nam nhi mà từ đó tới nay
chỉ biết ngồi đếm cát của biển triết học một cách vô ích, và chưa bao giờ thấy
được Pháp Phật, dù chỉ là ở trong mơ. Nói chung, chúng ta phải tập tìm hiểu rõ
ràng tất cả những hoàn cảnh đến với chúng ta. Nếu chúng ta học chỉ để sợ hãi và
trốn chạy hoàn cảnh, đó là cách học và hành của hàng thanh văn tiểu thừa. Khi
chúng ta bỏ bên đông mà cố trốn chạy qua bên tây, bên tây cũng có những hoàn cảnh
riêng của nó. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng đã trốn chạy khỏi hoàn cảnh, trừ
khi chúng ta hiểu biết rõ ràng, những hoàn cảnh ấy cũng vẫn còn đó tuy có vẻ như
đã xa vời, chúng ta vẫn không được giải thoát – những hoàn cảnh ở xa đó vẫn quấy
rầy chúng ta, nhiều hơn và sâu xa hơn.
Lại
nói chuyện bên Nhật, có một cơ sở đặc biệt đáng nực cười, một loại thánh
thất được
gọi là “Kết Giới”, có nghĩa một khu vực biệt lập, còn gọi là “nơi tu tập
pháp Đại
Thừa”, trong đó tỳ kheo ni và nữ giới không được phép bước vào. Cái tập tục sai
trái này đã được kéo dài từ lâu, vì vậy người ta không thể nhận diện được ý nghĩa
thực sự của nó là gì nữa. Những người muốn lập lại tập tục của người xưa
thường
không muốn sửa đổi nó, và những người có kiến thức rộng rãi lại không nghĩ gì đến
việc ấy. Gọi đó là điều luật của kẻ có
quyền thế, hay là di sản của những người bảo vệ truyền thống, họ không bao giờ
bàn đến việc ấy. Nếu ai có lên tiếng cười nhạo, người ấy sẽ bị mất mạng ngay. Những người gọi là có quyền thế này là ai? Họ có phải hiền nhân hay thánh nhân
không? Họ là thần hay là quỷ? Họ là thập địa bồ tát hay ba hạng bồ tát (trí tuệ
bồ tát, tín đức bồ tát, tinh tấn bồ tát)? Họ là bồ tát có bình đẳng tánh
trí
hay diệu quan sát trí? Nếu như những lề lối xưa phải giữ nguyên không bao giờ sửa
đổi, chúng ta có buộc mình phải tiếp tục lang thang trong cuộc hành trình vô tận
ở cõi luân hồi sinh tử này không?
Lại nữa, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là người đã
đạt đến chánh đẳng chánh giác, và ngài đã minh định tất cả những gì cần minh định,
đã tu tập tất cả những gì cần tu tập, đã giải thoát tất cả những gì cần giải
thoát. Thế nhưng khi Đức Phật còn tại thế đệ tử của ngài đã gồm cả bốn chúng: tỳ
kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc (cư sĩ nam), ưu bà di (cư sĩ nữ), và gồm cả tám loài
thiên long bát bộ hộ pháp, ba mươi bẩy loại chúng sanh, và tám mươi bốn ngàn loại
chúng sanh. Thế thì có pháp hội nào mà không có tỳ kheo ni, không có phụ nữ, không
có thiên long bát bộ? Chúng ta không bao giờ được mơ tưởng đến việc lập ra những
thánh thất vượt qua các giới thanh tịnh mà Đức Phật đã đặt ra cho tăng đoàn
trong thời ngài còn tại thế, bởi vì đó chính là cõi giới của thiên ma. Không có
sự khác biệt nào trong pháp tướng của các đệ tử Phật, dù trong thế giới này hay
thế giới khác, dù trong chư phật của ba đời quá khứ hiện tại vị lai. Ta phải biết
rằng một tăng đoàn đặt ra luật lệ khác tức không phải là tăng đoàn của Phật.
Thánh
quả thứ tư trong Tứ Thánh Quả (tức A La Hán) là quả vị tối thượng. Dù là Đại Thừa
hay Tiểu Thừa, những hạnh lành bao hàm trong quả vị tối thượng này đều không có
khác biệt. Đã có nhiều vị tỳ kheo ni đã
chứng ngộ được thánh quả thứ tư này. Thế thì có nơi nào – dù là trong ba cõi
tam đồ, hay trong những quốc độ Phật ở mười phương thế giới – mà một vị tỳ kheo
ni không đến được? Ai có thể cản trở được vị ấy? Đồng thời, Diệu Quan Sát Trí là
quả vị cao nhất của hàng bồ tát. Khi một người nữ đã đạt đến quả vị ấy và trở
thành một vị phật, có cái gì trong mười phương thế giới này mà bà ta không nhận
biết rõ ràng được? Ai có thể tìm cách ngăn chận không cho bà ta đi qua được? Bà
ta đã có đầy đủ hạnh lành trải rộng khắp mười phương, hàng rào biên giới nào có
nghĩa lý gì? Có ai cản trở được các tiên nữ không cho đi qua không? Ngay cả các
nữ thần và tiên nữ vẫn còn chưa dứt được vô minh; họ chỉ là những chúng sinh bình
thường đi lang thang khắp nơi không mục đích. Khi họ sai lầm, là họ sai lầm;
khi họ không sai lầm, họ là không sai lầm. Những phụ nữ trên thế gian cũng thế, khi họ sai lầm, là họ sai lầm; khi
họ không sai lầm, là họ không sai lầm. Nhưng ai có thể cản đường được những vị
trời hay tiên thánh? Tỳ kheo ni đã có mặt trong tăng đoàn của Đức Phật trong thời
quá khứ, hiện tại và vị lai; họ đã tu tập
nơi đạo tràng của Đức Phật. Nếu ở chỗ khác với đạo tràng Phật và ra ngoài tăng đoàn,
ai có thể tin họ là những người có Pháp Phật? Những kẻ nào muốn loại họ ra ngoài
chỉ là những kẻ điên rồ ngu si muốn lừa đảo và che mắt thế gian. Họ còn ngu hơn
một con chó hoang lo lắng người ta có thể lục tìm ăn cắp những đồ ăn nó đã chôn
lấp. Đệ tử của Phật, dù là hàng bồ tát hay thanh văn, có những hạng sau đây: thứ
nhất, tỳ kheo; thứ hai: tỳ kheo ni; thứ ba: cư sĩ nam; thứ tư: cư sĩ nữ. Những
hạng này được công nhận cả trong cõi trời và người, và đã được biết đến từ xưa
đến nay. Với lẽ đó, những người thuộc hạng hai trong bốn chúng đệ tử của Phật là
cao hơn cả những vị chuyển luân thánh vương, cao hơn cả thần Indra. Không bao
giờ được có những nơi chốn giới hạn không cho họ vào. Ngay cả khi vị tỳ kheo ni
chỉ được đặt ngang hàng với những tiểu vương và quan lại của một quốc gia nhỏ bé
trong một vùng đất xa xôi, nhưng nếu ta nhìn đến hiện trạng của những “thánh thất”
này, thì trong khi những tỳ kheo ni không
được phép đi vào, tất cả những kẻ phàm phu tục tử trong hàng nông dân, thợ thuyền…đều
có thể vào được bất cứ lúc nào, đừng nói chi đến những thành phần cao như thiên
hoàng, vương gia, quan lại … So sánh những kẻ quê mùa khờ khạo với tỳ kheo ni,
trên phương diện học hỏi chân lý và đạt quả vị, hãy kết luận xem ai là cao hơn
và ai là kém hơn? Dù có bàn luận vấn đề này theo những luật lệ thế gian hay
theo Pháp Phật, người ta cũng nghĩ rằng những kẻ phàm phu tục tử phải không được
phép đi vào những nơi tỳ kheo ni đi vào mới đúng.
Hiện tình này ở Nhật Bản thật
là hoàn toàn điên đảo; đất nước nhỏ bé của chúng ta là nơi đầu tiên để lại vết
nhơ này trong lịch sử Phật giáo. Thật là đáng tội nghiệp. Khi trưởng nữ của đấng
từ phụ trong ba cõi đến xứ sở nhỏ bé này, họ thấy có những nơi ngăn chận không
cho họ vào. Trong khi đó, những kẻ sống trong chỗ gọi là “thánh thất” không sợ làm
mười điều thập ác, và họ đều lần lượt vi phạm hết cả mười pháp thiện. Có thể nào
giải thích một cách giản dị là, vì họ đã làm những điều sai trái, nên họ ghét
những người không làm điều sai trái chăng? Lại nữa, giết người là điều ác rất nghiêm
trọng; thế mà những người sống trong thánh thất ấy có thể làm cả đến điều ác đó
nữa. Chúng ta phải trừ bỏ những cõi giới
ma quỷ ấy. Ta phải học hỏi giáo lý thập thiện của Đức Phật và gia nhập vào thế
giới Phật. Đó là một cách tự nhiên để đền ơn Phật. Những kẻ bảo vệ truyền thống
này có hiểu thế nào là nghĩa của một thánh thất hay không? Họ đã được ai truyền lại điều đó? Ai đã ấn chứng
cho họ làm như vậy? Bất cứ những gì đến trong thế giới bao la này được chư phật
làm cho thánh thiện – dù đó là chư phật, chúng sanh, trái đất, hay hư không – cũng
đều dứt sạch mọi chướng ngại ràng buộc, và trở về trạng thái nguyên thủy tức là
Pháp thân của chư phật. Như thế, một khi chúng sanh bước vào cõi giới này, họ đã
hoàn toàn có được các hạnh lành của Phật. Họ có được hạnh tự chế không làm điều
ác, và họ có hạnh giữ giới thanh tịnh. Khi một phương được thánh hóa, toàn thể pháp
giới cũng lập tức được thánh hóa, và khi một cấp bậc được thánh hóa, toàn thể
pháp giới cũng được thánh hóa. Có những
nơi dùng nước để thánh hóa, có những nơi dùng tâm để thánh hóa, và đôi khi có
những nơi dùng không gian để thánh hóa. Mọi
phương cách đều bắt nguồn từ một truyền thống đã được truyền thừa và phổ biến
cho mọi người biết. Hơn nữa, khi thánh hóa một nơi chốn nào đó, sau khi cử hành
lễ tịnh thủy rảy nước cam lồ và đê đầu xuống quy mạng lễ, ta phải nói câu kệ như
sau:
cho cõi giới này và toàn thể pháp giới Đều
được tự nhiên thánh hóa và thanh tịnh.
Không
biết những kẻ bảo vệ truyền thống và những bậc trưởng thượng của họ đang cổ võ
cho những thánh thất hiện nay có hiểu ý nghĩa này không? Tôi chắc họ không thể
hiểu được rằng toàn pháp giới được thánh hóa chỉ ngay trong một
hành động thánh thiện. Rõ ràng là những kẻ say sưa trong men rượu thanh văn chỉ
biết đến một góc nhỏ của thế giới bao la này. Mong rằng họ sẽ thức tỉnh ra khỏi
sự mê lầm say sưa từ bấy lâu, và sẽ không còn xâm phạm đến sự đồng bộ của thế
giới phật bao la. Ta phải đê đầu lễ bái để cảm niệm ơn chư Phật đã làm những hạnh
lành phổ độ cho tất cả chúng sanh trong pháp giới. Ai có thể chối cãi rằng lễ bái
không đưa đến sự đạt ngộ cốt tủy của chân lý?
Viết
tại chùa Kannon-
Dori- Kosho- Horin Ji (Quan Âm Thăng Lợi
Hoàng Thánh Bảo Lâm Tự) , ngày Thanh
Minh, năm 1240
Đạo Nguyên
(Ngọc Bảo phóng dịch)
Chú
thích:
(1) Đạt đến cốt tủy (đắc tủy): Sư Huệ Khả khi được Tổ Bồ Đề Đạt
Ma bảo trình kiến giải, chỉ lậy ba lậy rồi đứng im. Tổ Đạt Ma nói: “Ngươi đã được
tủy của ta”.
(2) Huệ Khả khi đến cầu đạo với Đạt Ma đã chặt đứt cánh tay để
tỏ lòng chân thành, sau này Tổ Đạt Ma đã ấn chứng ngài với câu nói: “Ngươi đã được
tủy của ta.”
(3) “Thân tâm thoát lạc” (buông hết thân tâm) là câu nói thường
được thầy của Đạo Nguyên là Thiền sư Tendo Nyojo dùng đến.
(4) Gieo cả thân tâm xuống: ngụ ý một thái độ khiêm cung.
(5) “Nhược thụ nhược thạch”
(Cây đá thuyết pháp): theo sự tích trong kinh Đại Bát Niết Bàn: Trời Đế Thích
hiện làm Quỷ La Sát đến thử một vị bồ tát tu khổ hạnh trong rừng, cất tiếng
thanh nhã đọc hai câu kệ của Phật quá khứ: “Các
hạnh vô thường, Là pháp sanh diệt”. Bồ tát khổ hạnh nghe được hai câu kệ ấy
rất đỗi vui mừng, bèn khẩn cầu La Sát đọc nốt hai câu kệ tiếp theo. La Sát bảo đang
đói, cần phải ăn thịt người nên không nói kệ được. Bồ tát bèn bố thí thân mình
để được nghe hai câu kệ sau. La Sát mới đọc tiếp hai câu sau: “Sanh diệt diệt rồi, Tịch diệt là vui”.
Trước khi sửa soạn chết, bồ tát mới viết bài kệ ấy lên cây, lên đá.
(6) Cánh đồng làng mạc thuyết pháp: theo Kinh Liên Hoa, phẩm Tuỳ
Hỷ Công Đức: “Lúc bấy giờ Phật
bảo Di-lặc Bồ-Tát Ma-ha-tát: “Này Vô Năng Thắng! Sau khi Như Lai nhập diệt,
nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, cùng bất kỳ người trí nào, hoặc
già hay trẻ, mà nghe Kinh này và tùy hỷ, sau khi rời Pháp hội và đi đến nơi
khác, như là nơi chư Tăng cư trú, hoặc ở
tại nơi hoang vắng, thành ấp, đường sá, thôn xóm, hay cánh đồng, rồi đem những
lời nghe được, vì cha mẹ thân thuộc và thiện hữu tri thức mà diễn nói tùy theo
sức của họ. Khi những người này nghe xong và tùy hỷ, họ lại chuyển sang dạy
người khác. Người khác nghe rồi, lại tùy hỷ và chuyển sang dạy tiếp. Triển chuyển
như thế cho đến người thứ 50.”
(7) Sao không biết
che đậy lại: nghĩa câu này có thể gợi ý như một lời quở của Ni Liễu Nhiên đối với
Quán Khê rằng: đôi khi nên nói lời nhã nhặn hơn là cộc lốc kiểu nhà Thiền.
(8) Gió và Phướn: hai ông tăng đang tranh cãi với nhau. Một ông nói: “ Phướn động.” Ông kia nói: “Gió
động.” Huệ Năng (Tổ thứ sáu của Thiền tông Trung Hoa) lúc ấy đến nghe được
mới nói rằng: “Chẳng phải gió động, chẳng
phải phướn động, mà là tâm các ngài động.”
(9) Tiến trình tu của một vị bồ tát cho đến quả Phật được nói là
phải qua 52 bậc. Mười bậc đầu là mười giai đoạn của niềm tin. Nhóm ba bậc với
10 giai đoạn tiếp sau là ba hạng bồ tát: trí tuệ, tín đức, tinh tấn. Bậc thứ năm
trong nhóm 10 giai đoạn là thập thánh địa. Bậc thứ 51 là Bình Đẳng Tánh Trí, và
bậc thứ 52 là Diệu Quan Sát Trí.
(10) Chuyện Long Nữ thành
Phật trong kinh Liên Hoa: Long
nữ nói: “Lấy sức thần của các ông xem tôi thành Phật lại mau hơn việc đó.” Đang lúc đó cả chúng hội đều thấy Long Nữ
thoạt nhiên biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ Tát, liền qua cõi Vô Cấu ở phương
Nam, ngồi tòa sen báu, thành bậc Đẳng Chánh Giác, đủ ba mươi hai tướng, tám
mươi món đẹp, khắp vì chúng sinh trong mười phương mà diển nói pháp mầu. Khi
ấy, trong cõi Ta Bà, hàng Bồ Tát, Thanh Văn, Trời, Rồng, Bát bộ, nhân, cùng phi
nhân đều xa thấy Long Nữ kia thành Phật khắp vì hàng nhân thiên trong hội đó mà
nói pháp, sinh lòng vui mừng, đều xa kính lậy, vô lượng chúng sinh nghe pháp tỏ
ngộ được bậc Bất Thối Chuyển, vô lượng chúng sinh được lãnh lời thụ ký thành
Phật.
(11) Tứ Thánh Quả: từ
phàm qua thánh qua bốn quả vị: Tu Đà Hoàn (Nhập Lưu), Tu Đà Hàm (Nhất Lai), A Na
Hàm (Bất Lai), A La Hán (thật sự giải thoát).
(12) Theo Cổ
Sự
Ký (Kojiki), một tập tích truyện xưa của Nhật Bản, có truyện một
người đàn bà được hưng phấn nhờ những tia nắng mặt trời.
(13) Trong Chứng Đạo
Ca của ngài Vĩnh Gia Huyền Giác có câu: “Vào
biển đếm cát tự chuốc hận”, tượng trưng cho người khó thể đạt Đạo vì chỉ biết
chấp vào giáo lý kinh điển.
Ngọc Bảo
(ngocbao.org)
Discussion about this post