LỜI TỰA
Tôi cảm thấy xấu hổ với cư sĩ Nguyên Giác Phan Tấn Hải khi biết mình viết bài tựa nầy cạn lợt, mà lại lâu lắc khiến tác giả chắc phải chờ. Có thể Nguyên Giác chờ nhưng không sốt ruột. Tánh ông là thế, an nhiên, nhẹ nhàng, ít khi coi chuyên đời thường dính dáng đến quyền lợi và công việc mình là điều quan trọng để phiền hà ai. Nhưng tôi vẫn áy náy.
Cạn lợt vì quyển sách nầy bao quát nhiều nhà văn hóa Phật giáo, nhiều nhà văn nhà thơ có khuynh hướng Phật giáo, tôi từng biết hoặc nghe danh mà chưa từng đọc kỹ hết những tác phẩm của các vị nầy. Đó là chưa kể một vài tác giả tôi chưa đủ duyên lành để đọc tác phẩm thì làm sao nhận định chi tiết về sách của Nguyên Giác được. Những buổi sinh hoạt văn học mà sách nầy nói đến tôi càng mù mờ vì mình sống xa trung tâm sinh hoạt của người Việt lưu vong là Tiểu Sàigòn.
Đành để đó chờ thời điểm ngộ ra điều gì đặc biệt, cốt lõi của quyển sách mới có thể viết lời tựa ngắn.
Và tôi ngộ ra cái tâm lành của người viết lộ rõ nét trong từng bài nhận định về từng ấy tác phẩm, tác giả. Tâm thành với cụ thiền giả đáng ngưỡng mộ Nghiêm Xuân Hồng thì ai cũng hiểu được, với các nhà sư danh tiếng bác học Tuệ Sĩ và Trí Siêu cũng thế vì các vị nầy cống hiến cho đời những tác phẩm Phật giáo mà người đời và tu sĩ trân trọng thưởng thức và học tập bao nhiêu năm nay, những tác phẩm được công nhận là kinh điển không ai chối cãi biện luận. Đến nhà văn Phạm Công Thiện, Nguyên Giác gọi là Bồ Tát hóa thân thì tôi biết dầu được độc giả coi như thiên tài, bàng dân thiên hạ nhiều người sẽ không coi nhà văn Phạm Công Thiện như Bồ Tát hóa thân, bởi vì cuộc đời nửa cư sĩ nửa trần thế của Thiện, bởi vì tác phẩm Phật giáo của Thiện không nhiều và ảnh hưởng không có bao nhiêu. Ảnh hưởng của tác phẩm văn học thì có, nhưng đây là chuyện khác.
Cái tâm lành của Nguyên Giác còn tỏa sáng khi ông viết về nhà văn Vũ Huy Quang về hai nhà thơ Lê Giang Trần và Nguyễn Lương Vỵ Với Vũ Huy Quang là một sự trìu mến tột cùng khi nhắc đến chi tiết về cuộc sống và hướng viết của Quang, với hai nhà thơ sau là ca tụng về những gì hay ho đặc biệt mà hai nhà thơ nầy viết về Phật giáo.
Tôi gọi là tâm lành là áp dụng lời dạy của một Hòa thượng khi dẫn kinh điển có nhắc: Mỗi cá nhân đều có ít nhiều điểm linh quang, có ít nhiều điểm hay ho hoặc là trong lời nói, hoặc là trong cách sống, trong sự suy nghĩ hay trong việc viết lách. Ta hãy nhìn – và làm nổi bật – các điểm linh quang đó, rồi ta sẽ thấy được vài viên ngọc trong số hằng hà hạt cát ở bờ biển.
Tôi biết chắc cư sĩ Nguyên Giác từng nghe lời giảng nầy và với tâm lành ông thấy liền những điều hay của từng tác giả trong số sách của họ, trong đời sống mấy chục năm của họ mà ông biết được hay có giao tình. Và khi thấy điểm hay mà ta thường gọi là điểm căn bản cốt lõi trong tư tưởng của một nhà văn hay một nhà văn hóa, cư sĩ Nguyên Giác nói ra cho người đọc biết với sự trân trọng để nắm bắt dễ dàng. Đó là một điểm son của quyển sách.
Từ đó ta mới có những nhóm chữ rất cô động về những đóng góp của các người làm văn hóa nghiêng về tư tưởng Phật giáo hiện đại của Việt Nam. Chẳng hạn: Lê Giang Trần Trạm Người Quá Bước, Lữ Quỳnh Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày Tháng, Vũ Hoàng Chương Gươm Báu Cài Lưng, Võ Đình Một Ngọn Núi, Tỉnh Mê Một Cõi Từ Địa Ngục tới Tịnh Độ, Hoàng Quốc Bảo Khúc Vô Thanh, Khánh Trường Nét vẽ chân phương thiền ý, Chân Thiền “Chân Thật Nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh”, Nghiêm Phú Phát Dòng Nhạc Mới, Minh Đức Triều Tâm Ảnh Thơ Thiền.
Với nhiều tác giả khác, Nguyên Giác, trong vai trò của một nhà văn, một người điều hành một nhật báo lớn, cần có bài nóng hổi mà tạo sự chú ý của người đọc về mặt văn học nên ông không bỏ lỡ thời điểm để giúp độc giả nhìn qua những quyển sách – công việc điểm sách – mới xuất hiện mà có giá trị nào đó. Cũng vậy những sinh hoạt văn học nổi bật cũng được ghi nhận.
Nhắc lại, trong tuyển tập Khoảnh Khắc Chiêm Bao nầy những tác giả tác phẩm, hay sinh hoạt đều có tính cách văn hóa Phật giáo. Làm được điều nầy phải có cái tâm lành và cái huệ trí của người tắm nhuần trong tư tưởng Phật giáo. Nguyên Giác có được điều kiện đó từ khi rất trẻ ở quê nhà và trong bao nhiêu năm sống ở nước ngoài ông vẫn đi theo con đường sáng đó.
Xưa ta có cụ Lê Đình Thám ngoài Trung, các cụ Mai Thọ Truyền, Đoàn Trung Còn hay học giả Phan Văn Hùm trong Nam, hoằng dương Phật giáo suốt đời bằng việc viết sách, dịch kinh. Công lao lớn nhưng những vị nầy chỉ ở vai trò của người cư sĩ. Người cư sĩ có cuộc sống với xã hội, khi viết lách thì có độc giả, người tu sĩ có cuộc sống trong chùa chiền kinh kệ, khi thuyết giảng thì có tín hữu tín đồ. Hai bên khác nhưng không đối lập mà bổ túc cho nhau. Tôi từng nghe GS Nguyễn Văn Trường nói chuyện tu hành bản thân và nhà văn Nguyễn Mộng Giác nói về văn hóa Phật giáo tại chùa Việt Nam bên Houston độ nào. Họ cũng được thính chúng lúc đó ngưỡng mộ, Tôi biết thính chúng ngưỡng mộ và thu nhận những bài nói chuyện nầy như một kiến thức chớ không phải là những tín điều để theo đó mà tu tập.
Sách Khoảnh Khắc Chiêm Bao của cư sĩ Nguyên Giác cũng vậy, đem kiến thức đến với người đọc hôm nay và mãi xa sau trong tương lai, nhưng chắc chắn không phải là những tín điều. Và tác giả Nguyên Giác Phan Tấn Hải, xứng đáng là một cư sĩ góp nhiều công cho văn hóa Phật giáo như những tên tuổi Lê Đình Thám, Mai Thọ Truyền, Đoàn Trung Còn, Phan Văn Hùm trong quá khứ.
Duyên may biết bao nhiêu cho những ai được đọc Khoảnh Khắc Chiêm Bao.
Nguyễn Văn Sâm
(Victorville, CA tháng 11, 2018)
LỜI THƯA
Tuyển tập này thuần là cảm xúc riêng, mang tính chủ quan của tác giả đối với một số người hoạt động văn học nghệ thuật liên hệ tới nhà Phật. Tất cả những dòng chữ được viết lên vì thiện ý. Một số bài điểm sách cũng được viết từ cương vị thân tình riêng, hoàn toàn không phải là phê bình văn học.
Tác giả viết trong tấm lòng trân trọng tất cả những người đã đem chữ nghĩa, âm nhạc, hội họa để làm đẹp hơn cho cuộc đời, cùng lúc là để làm sáng tỏ ý nghĩa Phật pháp. Các bài trong sách không để theo thứ tự nào, vì vừa trình bày, vừa tìm lại một số bài đã quên bẵng đi để đưa vào. Sách này không dùng hình ảnh nào, vì vấn đề tác quyền nhiếp ảnh, và cũng vì hình in ra đen trắng trên giấy sẽ làm xa sự thực.
Nhan đề sách “Khoảng Khắc Chiêm Bao” là mượn bốn chữ cuối bài thơ bốn câu của Thầy Tuệ Sỹ. Xin chép bài thơ của Thầy Tuệ Sỹ như sau.
MỘT THOÁNG CHIÊM BAO
Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn
Khóe môi cười nắng quái cũng gầy hao
Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận
Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao
Quá khứ không hề có, vì chỉ là ký ức trong tâm. Tương lai không hề có, vì chỉ là phóng chiếu của tâm. Hiện tại không hề có, vì chỉ là khoảnh khắc giữa hai thời không hề có, và cũng vì không ai nắm giữ được. Nhưng đau đớn đã hiển lộ trong cõi này, bất kể thực tướng là vô ngã. Những dòng chữ này được viết từ các khoảnh khắc chiêm bao đó.
Nguyên Giác, 2018
MỤC LỤC
Lời Tựa i
Lời Thưa iv
1 Nén Hương Dâng Cụ Nghiêm Xuân Hồng 01
2 ‘Tuệ Sỹ Đạo Sư’ Và Các Phương Trời Viễn Mộng 08
3 Đọc Kệ Trần Nhân Tông và Thơ Nguyễn Lương Vỵ 18
4 Tưởng Nhớ Nhà Văn Vũ Huy Quang 25
5 Nghĩ Về Nhà Thơ Phạm Công Thiện 37
6 Lê Giang Trần: Trạm Người Quá Bước 49
7 Huệ Trân: Tuyển Tập ‘Sen Bát Nhã’ 57
8 Lữ Quỳnh Với Những Con Chữ Lang Thang Không Ngày Tháng 63
9 Nhà Thơ Vũ Hoàng Chương: Gươm Báu Cài Lưng 71
10 Từ Biệt Nhà Thơ Kinh Bắc 82
11 Tuyển Tập “Tâm Trong”: Khi 10 Nhà Thơ Hội Ngộ 84
12 Để Nhớ Một Ngọn Núi — Họa Sĩ Võ Đình 96
13 Đọc “Thiền Lâm Tế Nhật Bản” – Bản Dịch HT Thích Như Điển 101
14 Đọc “Bát Cơm Hương Tích” của TT Thích Nguyên Tạng 111
15 Viết Về Thầy Thích Nhật Từ 120
16 Tỉnh Mê Một Cõi: Từ Địa Ngục tới Tịnh Độ 126
17 Ngô Thế Vinh và 18 Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hoá 143
18 Nhạc Sĩ Hoàng Quốc Bảo: Khúc Vô Thanh 153
19 Tranh Khánh Trường: nét vẽ chân phương thiền ý 162
20 Ni sư Chân Thiền: “Chân Thật Nghĩa của Bát Nhã Tâm Kinh” 167
21 Thơ Cho Ngày Mưa Bom 172
22 Nhạc Sĩ Nghiêm Phú Phát Với Dòng Nhạc Mới 177
23 Đêm Thơ Thiền Minh Đức Triều Tâm Ảnh 182
24 Giới Thiệu Sách “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường” 205
25 Đọc Đào Văn Bình: Đạo Phật: Đất nước, cuộc sống & tâm linh 214
26 Cơ Duyên Thiền Ca Với Trần Chí Phúc 221
Sách Ebook Bản PDF:
Khoanh Khac Chiem Bao -Final – 6 x 9
Quý độc giả yêu thích đọc sách in trên giấy có thể tìm sách trên mạng Amazon bằng cách gõ chữ không dấu tên sách. Thí dụ: “khoanh khac chiem bao” hay click vào đây để link trực tiếp tới trang mạng Amazon. Hay click vào đây để link trực tiếp tới trang mạng Lulu Books
Riêng độc giả ở Việt Nam xin xem chú thích dưới đây:
Chú thích:
Độc giả trong Việt Nam không mua trực tiếp từ Amazon hay Lulu Books được, nhưng có thể mua sách trên thông qua một trong 3 Công ty sau đây. Xin độc giả trực tiếp liên lạc và tìm hiểu quy trình cũng như giá cả trước khi tự mình quyết định có xử dụng dịch vụ nầy hay không. Thông tin nầy chỉ có tính cách tham chiếu mà thôi:
1- VietAir Cargo: https://vietaircargo.com/tin-deal/mua-ho-sach-tren-amazon-gia-re-va-van-chuyen-ve-viet-nam/
2- Phong Duy: http://phongduy.com/mua-hang-tren-amazon/
3- Fado: http://fado.vn/nhan-dat-mua-ho-ship-sach-tu-tren-amazon-ve-viet-nam-gia-re.n522/
Mong muốn sách được lưu truyền rộng rãi, tác giả và nhà xuất bản không giữ bản quyền sách. Giá bán khi độc giả đặt mua là giá thành tối thiểu của Amazon hoặc Lulu.com nhằm trang trải chi phí in ấn cho một quyển theo hình thức POD (Print on Demand).
Discussion about this post