Thế nhưng, vì nghiệp lực nên có người rơi vào những hội chúng nhiều bất hòa, thường nghi kỵ, tranh giành, đấu đá lẫn nhau. Nguyên nhân của tranh đấu thì rất nhiều nhưng căn bản vẫn là lợi và danh. Lúc mới xuất gia, với sơ tâm dũng mãnh thì lợi và danh thật bọt bèo. Nhưng rồi, chúng vẫn là cội nguồn để người ta tranh chấp. Thế mới biết tâm vô thường, đổi thay đến chóng mặt. Không phải bây giờ mà từ thời Thế Tôn, thời của Chánh pháp mà các Tỳ-kheo đã từng “có lúc dùng dao gậy đập nhau”.
“Một thời Phật ở thành Câu-thâm trong vườn Cù-sư-la.
Bấy giờ Tỳ-kheo ở Câu-thâm hằng ưa tranh tụng, phạm các hạnh ác, đối mặt cãi cọ, hoặc có lúc dùng dao gậy đập nhau. Bấy giờ Thế Tôn sáng sớm đến chỗ các Tỳ-kheo ấy. Đến rồi, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
– Tỳ-kheo các thầy, cẩn thận chớ gây gổ, chớ tranh phải trái với nhau. Này các Tỳ-kheo, nên cùng hòa hợp, là bạn bè cùng một thầy, đồng nhất như nước với sữa, sao lại gây gổ?
Khi ấy Tỳ-kheo ở Câu-thâm bạch Thế Tôn:
– Cúi mong Thế Tôn chớ lo việc này, chúng con tự lo liệu lẽ này. Lỗi lầm như thế, chúng con tự biết tội này.
Thế Tôn bảo:
– Thế nào, các thầy vì vua mà hành đạo, hay vì sợ hãi mà hành đạo, hay vì đời sống thiếu thốn mà hành đạo?
Các Tỳ-kheo đáp:
– Không phải thế, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn bảo:
– Thế nào các Tỳ-kheo, các thầy há chẳng phải muốn xa lìa sanh tử, cầu đạo vô vi mà hành đạo sao? Nhưng thân ngũ ấm thật chẳng thể bảo toàn.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Đúng vậy, Thế Tôn, như lời Thế Tôn dạy. Chúng con là con nhà vọng tộc, sở dĩ xuất gia học đạo vì cầu đạo vô vi, diệt thân ngũ ấm, thế nên học đạo.
Thế Tôn bảo:
– Các Tỳ-kheo không chịu học đạo mà lại tranh đấu đấm, đánh nhau, đối mặt gây phải trái, nói ác với nhau. Các thầy phải nên thành tựu hạnh này. Cùng đồng một pháp, một thầy dạy, cũng nên hành pháp lục hòa này, cũng nên hành thân, khẩu, ý hành này, cũng nên hành việc cúng dường những vị Phạm hạnh.
Các Tỳ-kheo đáp:
– Đây là việc của chúng con. Thế Tôn chớ lo việc này.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo ở Câu-thâm:
– Thế nào, các người ngu, các thầy chẳng tin lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các thầy sẽ tự chịu quả báo tà kiếp này…”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm 24.Cao tràng 3 [trích],
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.513)
Đành rằng, khi chưa thành tựu các Thánh quả thì đôi lúc người tu cũng bị phiền não chi phối. Nhưng vì tham ái lợi danh che mắt mà dẫn tới đấu đá và tranh giành trong chốn thiền môn thì thật xót xa. Bởi không thấy được những tác động tiêu cực nhiều chiều từ việc tranh chấp kiên cố của mình, nghĩ rằng mình làm như vậy là đúng rồi kiên quyết bảo vệ quan điểm bạo động, tranh đấu, gây bất hòa. Cũng như các Tỳ-kheo ở thành Câu-thâm, trước lời khuyên của Thế Tôn mà vẫn ngoan cố “Đây là việc của chúng con. Thế Tôn chớ lo việc này”. Sự việc căng đến nỗi Thế Tôn phải cứng rắn “Thế nào, các người ngu, các thầy chẳng tin lời của Như Lai sao mà nói Như Lai chớ lo việc này? Các thầy sẽ tự chịu quả báo tà kiếp này”.
Hình ảnh các Tỳ-kheo thường tranh đấu, bất hòa với nhau như thế tục đã cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Xét cho cùng thì vấn đề cũng không ngoài tham ái và vô minh, nguyên nhân căn bản của khổ đau. Nên xả buông với danh lợi thì tranh chấp, đấu đá sẽ giảm. Sống chung với nhau mà bất hòa là “oán tắng hội khổ”. Nên mỗi người hãy tự buông bỏ một phần chấp ngã, tham ái thì cơ hội hòa hợp sẽ mở ra. Buông hết thì mới thực sự lục hòa, thanh tịnh và an vui.
Quảng Tánh
Discussion about this post