GIÁO DỤC VÀ THÔNG TIN
Nguyên tác: Đức Đạt
Lai Lạt Ma – Chuyển ngữ: HT Thích Trí Chơn
Trích từ cuốn sách:
Ethics for the New Millennium
Muốn sống một cuộc sống
đạo đức, trước tiên chúng ta nên nghĩ đến nhu cầu của người khác nhằm đáp ứng
hạnh phúc của họ, có nhiều liên quan đến xã hội ngày nay. Nếu chúng ta tu sửa
nội tâm, tự loại bỏ các ý nghĩ và tình cảm tiêu cực để xây dựng, chúng ta có thể
thay đổi toàn thế giới. Chúng ta có nhiều công cụ mạnh mẽ để xây dựng một xã
hội đạo đức và hoà bình. Tuy nhiên, một vài khí cụ đó chưa được sử dụng đúng
mức. Về điểm này, tôi muốn chia xẻ vài ý kiến về các lãnh vực nào chúng ta có
thể bắt đầu một cuộc cách mạng tinh thần của lòng nhân đạo, tâm từ bi, sự nhẫn
nhục, bao dung, tha thứ và khiêm tốn.
Khi chúng ta dấn thân vì
lý tưởng giúp cho tất cả mọi người, tiếp theo đó cần thông báo các chính sách
về xã hội và chính trị của chúng ta. Tôi nói vậy không phải giả định rằng chúng
ta có thể giải quyết mọi vấn đề xã hội trong một đêm. Đúng hơn, tôi tin rằng
trừ phi một ý thức rộng rãi về tâm từ bi mà tôi đã kêu gọi nơi các độc giả sẽ
gây nguồn cảm hứng cho đường hướng chính trị và chủ trương của chúng ta thì các
chính sách chỉ gây tai hại thay vì phục vụ cho toàn thể nhân loại.
Tôi tin rằng chúng ta
cần phải có những bước tiến thực tiễn hầu nhận thức trách nhiệm của mình đối
với mọi người khác trong hiện tại cũng như tương lai. Điều này là đúng thực cho
dù có những sai biệt nhỏ giữa các chính sách với động cơ là tâm từ bi và đường
lối khác, chủ yếu vì quyền lợi quốc gia.
Giờ đây, cho dù trong
trường hợp chắc chắn là các lời đề nghị của tôi liên hệ đến từ bi, giới luật
nội tâm, nhận thức trí tuệ và tu tập đạo đức được thực hành rộng rãi, thì thế
giới tự động sẽ trở thành nơi chốn an lạc và hoà bình hơn. Tôi tin rằng thực
tại bắt buộc chúng ta phải giải quyết các vấn đề trên bình diện xã hội cũng như
cá nhân. Thế giới sẽ được chuyển hoá khi mỗi cá nhân đều cố gắng chống lại các
ý tưởng và cảm xúc tiêu cực và khi chúng ta thực hành tâm từ bi đối với những
người dù có hay không liên hệ trực tiếp với mình.
Với quan điểm đó, tôi
tin có một số vấn đề trên thế giới mà chúng ta cần đặc biệt quan tâm và nêu lên
trước ánh sáng của trách nhiệm toàn cầu. Chúng bao gồm các vấn đề giáo
dục, thông tin, môi sinh, chính trị, kinh tế, hoà bình, giải giới và đoàn kết
tôn giáo. Mỗi lãnh vực đều giữ một vai trò cốt yếu trong việc tạo thành thế
giới chúng ta đang sống, và tôi đề nghị nên lần lượt phân tích ngắn gọn từng
vấn đề.
Trước khi làm việc này,
tôi cần nhấn mạnh rằng các ý kiến tôi trình bày hoàn toàn với tư cách cá nhân.
Đó cũng là quan điểm của một người không hề tự xưng là thành thạo với sự tôn
trọng các kỹ thuật chuyên môn về các vấn đề này. Nhưng nếu điều tôi nói có thể
bị phản đối, tôi hy vọng là ít ra nó sẽ khiến độc giả ngừng lại giây lát để suy
nghĩ. Vì dù không có gì đáng ngạc nhiên khi thấy một sự sai khác trong ý kiến
liên hệ đến các điều đang được trình bày trong các chính sách hiện nay, nhu cầu
của tâm từ bi, như là nền tảng căn bản cho các giá trị tâm linh, giới luật nội
tâm và sự quan trọng của hành vi đạo đức, nói chung là quan điểm hiển nhiên của
tôi.
Tâm con người là nguồn
gốc và nếu được hướng dẫn đúng đắn, sẽ là giải pháp cho tất cả mọi vấn đề của
chúng ta. Những người có trình độ kiến thức cao nhưng thiếu tâm từ bi sẽ làm
mồi nguy hiểm cho các sự lo lắng và bất an như là kết quả của lòng ham muốn
không bao giờ biết đủ và mãn nguyện. Trái lại, một sự hiểu biết chân thực các
giá trị tâm linh sẽ có ảnh hưởng đối nghịch.
Khi chúng ta nuôi dạy
con trẻ mình cho có kiến thức mà thiếu từ bi, thái độ của chúng đối với người
khác sẽ giống như một hỗn hợp của các tính xấu đố kỵ với kẻ hơn mình, tranh
chấp với người ngang hàng và khinh miệt kẻ thua kém. Điều này dẫn đến một
khuynh hướng về lòng tham, tánh tự cao, sự thái quá và nhanh chóng đánh
mất hạnh phúc. Kiến thức rất quan trọng. Nhưng việc cần thiết hơn là biết
cách sử dụng nó cho có lợi ích. Điều đó tuỳ thuộc vào tâm và trí của người sử
dụng.
Giáo dục là một công tác
lớn hơn là chỉ nhằm mang lại kiến thức và sự tinh xảo hầu thành đạt các mục
tiêu giới hạn. Nó còn giúp làm mở mắt cho con trẻ thấy được nhu cầu và quyền
lợi của người khác. Chúng ta phải dạy dỗ cho các trẻ em hiểu rằng hành động của
chúng có ảnh hưởng đến toàn cầu. Và chúng ta phải tìm cách xây dựng một tình
cảm tự nhiên hướng thiện hầu giúp chúng có được ý thức trách nhiệm đối với tha
nhân. Vì đây chính là điều thúc đẩy chúng ta hành động.
Thực vậy, nếu chúng ta
phải chọn lựa giữa học vấn và đạo đức thì thứ sau hẳn nhiên có giá trị nhiều
hơn. Một trái tim biết thương yêu như là kết quả của đức hạnh, tự nó sẽ mang
lợi lạc to lớn đến cho nhân loại. Chỉ riêng kiến thức, không làm được vậy. Tuy
nhiên, làm sao chúng ta dạy luân lý cho các trẻ em? Tôi nhận thấy rằng nói
chung hệ thống giáo dục hiện nay không quan tâm đến vấn đề đạo đức. Đây có thể
không phải là cố ý mà gần như là một thứ sản phẩm phụ của thực tại lịch sử. Hệ
thống giáo dục thế tục được phát triển vào thời kỳ các cơ sở tôn giáo đang còn
có ảnh hưởng lớn lao trong xã hội.
Vì các giá trị đạo đức
và nhân bản vẫn còn đặt trong phạm vi của tôn giáo cho nên vấn đề giáo dục trẻ
em hầu như được chăm sóc, đảm trách bởi tôn giáo. Công việc này đã hoạt động
khá tốt cho đến lúc ảnh hưởng của tôn giáo bắt đầu sút giảm mặc dù nhu
cầu vẫn còn đó nhưng lại không được đáp ứng. Do đó, chúng ta phải tìm một
phương pháp khác nhằm hướng dẫn cho trẻ em hiểu rõ sự quan trọng về những giá
trị căn bản của con người. Và chúng ta cần giúp chúng phát huy được các giá trị
đó.
Sau cùng, dĩ nhiên việc
quan trọng giúp đỡ tha nhân được học hỏi không chỉ bằng lời nói mà còn qua hành
động. Ví dụ như từ chính chúng ta. Đó là lý do tại sao môi trường gia đình là
thành phần chủ yếu trong việc dạy dỗ một đứa trẻ. Khi một không khí chăm sóc và
tình thương thiếu vắng trong nhà, khi trẻ em bị cha mẹ hất hủi, kết quả tai hại
rất có thể xảy ra. Trẻ em có khuynh hướng cảm thấy mình không được giúp đỡ và
thiếu an toàn và tâm trí chúng thường bị rối loạn.
Trái lại, khi trẻ em
nhận được sự trìu mến và bảo bọc thường xuyên chúng cảm thấy hạnh phúc và tự
tin vào khả năng của mình hơn, sức khoẻ thể xác của chúng cũng tốt hơn. Và ta
thấy chúng không phải quan tâm nghĩ tưởng riêng chúng mà cả đến người khác nữa.
Môi trường gia đình cũng rất quan trọng vì trẻ em học hỏi thái độ tiêu cực từ
cha mẹ chúng. Thí dụ, nếu người cha thườnng hay tranh chấp với bạn bè, hoặc có
người cha hay mẹ luôn luôn gây gỗ cải cọ nhau, mặc dù lúc đầu đứa trẻ cảm thấy
điều ấy đáng chê trách nhưng lâu ngày chúng xem như việc bình thường. Rồi chúng
mang sự học hỏi ấy ra khỏi nhà và áp dụng vào trong thế giới.
Khỏi cần nói, các trẻ em
sẽ đem ra thực hành trước tiên những điều mà chúng học biết những hành vi đạo
đức ở nhà trường. Về điểm này, các thầy giáo phải đặc biệt chịu trách nhiệm.
Bằng chính thái độ của họ khiến các em sẽ nhớ đến họ suốt đời. Nếu hành vi này
là nguyên tắc kỷ luật và tình thương thì những giá trị đó sẽ gây ấn tượng tốt đẹp trong tâm trí các em. Bởi vì những bài học do các thầy dạy dỗ với sự
tích cực xây dựng sẽ thấm sâu vào tâm trí những học sinh của họ. Nhờ chính kinh
nghiệm bản thân mà tôi biết rõ điều này. Lúc đó còn nhỏ tôi rất lười biếng,
nhưng khi tôi nhận thức được tình thương và sự chăm sóc của các thầy giáo,
những bài giảng của họ sẽ được khắc ghi vào tâm não sâu đậm hơn là nếu vào thời
ấy có một vị trong nhóm lại quá khắt khe hoặc thiếu tình thương.
Cho đến bây giờ các giáo
chức phục vụ trong ngành giáo dục đều do các chuyên gia đảm trách. Vì thế tôi
chỉ xin lược tóm vài đề nghị. Trước hết để thức tĩnh lớp người trẻ hiểu biết
được tầm quan trọng của những giá trị nhân bản, tốt hơn không nên trình bày các
vấn đề xã hội thuần tuý như là chủ đề đạo đức hay tôn giáo. Điều quan trọng cần
nhấn mạnh rằng đó là trụ cột cho sự tiếp tục sinh tồn của chúng ta.
Bằng cách ấy, giới trẻ
sẽ nhận thấy rằng tương lai nằm trong tay của chúng. Kế đến, tôi tin rằng
cuộc đối thoại đó nên được dạy trong lớp học. Trình bày với các học sinh một đề
tài có tính cách tranh luận và để các em bàn cãi thảo luận với nhau, đó là
phương pháp rất hiệu quả nhằm giới thiệu cho lớp trẻ khái niệm giải quyết cuộc
tranh chấp một cách bất bạo động. Thực vậy, hy vọng rằng khi học đường ưu tiên
quan tâm đến việc này sẽ mang lại kết quả lợi lạc cho chính đời sống của gia
dình. Khi thấy cha mẹ gây gỗ cãi cọ với nhau, một đứa trẻ hiểu được giá trị của
đối thoại sẽ tự nhiên nói: “Ồ, không nên. Cách đó không phải rồi. Cha mẹ cần
nói chuyện, thảo luận với nhau một cách nhã nhặn ôn hoà hơn”.
Sau cùng, điều cốt yếu
là phải loại khỏi chương trình giảng dạy bất cứ khuynh hướng nào mang màu sắc
tiêu cực. Ví dụ, tại vài nơi trên thế giới, người ta giảng dạy lịch sử với lý
thuyết cuồng tín hoặc kỳ thị chủng tộc đối với các cộng đồng khác. Dĩ nhiên đó
là điều sai lầm. Nó chẳng đóng góp được gì cho hạnh phúc nhân loại. Bây giờ hơn
lúc nào hết, chúng ta cần chỉ dẫn cho các em hiểu rằng sự phân biệt giữa “nước
ta” và “nước người”, “tôn giáo ta” và “tôn giáo người” là không quan trọng.
Đúng hơn, ta phải nhấn mạnh trên sự nhận thức rằng quyền hưởng hạnh phúc của
tôi không cân nặng hơn quyền của người khác. Nói vậy không phải bảo rằng chúng
ta nên dạy con em từ bỏ và không biết đến truyền thống văn hoá và lịch sử
của nơi chúng sinh ra. Trái lại, điều quan trọng là phải đặt nền tảng
trên đó.
Rất tốt cho trẻ em được
học biết yêu quê hương, tôn giáo và văn hoá của chúng. Nhưng nguy hiểm sẽ đến
khi điều đó phát triển thành một thứ chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, chủ nghĩa vị
chủng và cuồng tín tôn giáo. Thí dụ của thánh Gandhi rất thích hợp
nhắc tới ở đây. Mặc dù chịu ảnh hưởng sâu đậm phương pháp giáo dục của Tây
Phương, nhưng ngài không bao giờ lảng quên hay trở thành xa lạ với di sản phong
phú từ nền văn hoá Ấn Độ của ông.
Nếu giáo dục thành lập
được một trong các loại vủ khí mạnh mẽ nhất với sự tìm cầu mang lại một thế
giới an lạc và hoà bình hơn thì truyền thông là một thứ khác. Mọi chính trị gia
đều biết họ không còn duy nhất là những người có quyền lực trong xã hội. Thêm
vào đó còn có sách báo, truyền thanh, điện ảnh và truyền hình đã cùng chung tạo ảnh hưởng lớn lao trên những cá nhân không thể tưởng tượng nổi vào
khoảng một trăm năm trước. Sức mạnh này đã ban cho những người hoạt động trong
lãnh vực thông tin cũng như mỗi chúng ta, các cá nhân được nghe, đọc và xem một
trách nhiệm lớn lao. Chúng ta cũng có dự phần vào. Trong truyền thông chúng ta
không phải vô quyền lực. Một cái bấm nút để kiểm soát đài nằm trong tay
chúng ta.
Điều này không có nghĩa
là tôi biện hộ cho các báo cáo khô khan hay giải trí thiếu hấp dẫn. Trái lại,
cho đến nay trong lãnh vực báo chí điều tra, tôi kính trọng và đánh giá cao sự
can thiệp của giới thông tin. Không phải mọi người phục vụ công cộng đều thành
thực trong khi thi hành bổn phận của họ. Cho nên, rất thích hợp cần có các ký
giả với mũi dài như vòi của voi đánh hơi rình mò xung quanh để phơi bày các
điều sai quấy mà họ khám phá ra. Chúng ta cần biết đến những cá nhân rất nổi
tiếng đã che giấu một khía cạnh đặc biệt nào đó bên dưới vẻ mặt dễ mến của họ.
Có thể có sự khác biệt giữa bề ngoài và đời sống nội tâm của một cá nhân. Rốt
cuộc cũng chỉ là cùng một người. Sự khác nhau đó đã khiến họ trở nên khó tin
cậy. Cùng lúc, việc quan trọng là nhân viên điều tra không thể hành động vì
những lý do không chính đáng. Không công bằng và không kính trọng lẽ phải của
người khác thì cuộc điều tra tự nó đã bị ung thối.
Trong vấn đề thông tin,
người ta thường nhấn mạnh về dục tính và bạo động có nhiều yếu tố cần cứu xét.
Trước hết rõ ràng là đa số quần chúng và khán giả đều ham muốn các cảm giác
được kích thích bởi loại chất liệu đó. Thứ đến, tôi nghĩ rằng các sản phẩm chứa
đựng nhiều hình ảnh khêu gợi dục tình và bạo động ấy có ý định gây tai hại. Mục
đích của họ chắc chắn chỉ nhằm vào thương mại. Dù cho tự nó là tích cực hay
tiêu cực, theo tôi điều đó không quan trọng bằng vấn đề nó có mang lại ảnh
hưởng đạo đức lành mạnh gì không? Nếu kết quả sau khi xem một phim với nhiều
bạo động giúp khơi dậy được lòng từ bi nơi khán giả thì việc diễn tả hành vi
bạo động đã được chứng minh. Nhưng nếu sự tích luỹ nhiều hình ảnh bạo động dẫn
đến sự thờ ơ không để ý thì kết quả ngược lại. Thực vậy làm chai đá con tim là
một điều rất tai hại. Nó dễ dàng đưa đến khiến lòng người không còn tình
thương.
Khi giới truyền thông
chú trọng quá nhiều vào các khía cạnh tiêu cực của bản tính con người, điều
nguy hiểm là chúng ta sẽ được thuyết phục để tin rằng bạo lực và sự gây hấn là
các đặc điểm chính yếu. Tôi tin đó là một điều sai lầm. Sự kiện bảo rằng chỉ có
tin tức bạo hành mới đáng xem là ý kiến hoàn toàn trái ngược. Những tin tức hấp
dẫn ít khi được chú ý bởi vì có quá nhiều. Hảy xem vào bất cứ thời điểm nào
cũng có hàng trăm triệu hành động tốt đang xảy ra khắp nơi trên thế giới. Mặc
dù cùng lúc cũng có nhiều việc làm bạo động đang diễn tiến, nhưng chắc chắn con
số sẽ ít hơn. Do đó, nếu thông tin có trách nhiệm đạo đức cần nên phản ảnh sự
thực đơn giản đó.
Việc đưa ra các luật lệ
truyền thông rõ ràng là cần thiết. Sự kiện ngăn cấm con em chúng ta không nên
xem một số tin tức nào đó, chứng tỏ chúng ta đã phân biệt những điều gì có lợi
và bất lợi tuỳ theo các hoàn cảnh khác nhau. Nhưng pháp luật có phải là phương
cách đúng để giải quyết công việc ấy chăng là một việc khó xét đoán. Trong tất
cả những vấn đề đạo đức, giới luật chỉ thực sự có kết quả khi phát xuất từ nội
tâm. Cách tốt nhất để bảo đảm sự lành mạnh của sản phẩm đa dạng xuyên qua
truyền thông là chúng ta cần giáo dục cho các trẻ em. Nếu ta hướng dẫn các em
biêt ý thức trách nhiệm của mình, chúng sẽ trở nên có kỷ luật hơn khi tham dự
vào truyền thông.
Mặc dù không mấy hy vọng
giới thông tin sẽ truyền bá các lý tưởng và nguyên tắc của tâm từ bi, ít ra
chúng ta mong chờ những người liên hệ sẽ quan tâm khi có tiềm ẩn ảnh hưởng tiêu
cực. Ít ra không nên dành chỗ cho sự khuyến khích các hành động tiêu cực như
bạo hành và kỳ thị chủng tộc. Nhưng vượt lên trên điều đó, tôi chưa biết thế
nào.Chúng ta có thể tìm phương cách gì hầu liên kết trực tiếp hơn những người
viết ra các câu chuyện cho nguồn tin tức và giải trí cùng với các khán giả, độc
giả và thính giả chăng?
Discussion about this post