TT THÍCH THANH QUYẾT:
“ĐỐT VÀNG MÃ CHO TÂM AN”
Lê Na – Thu Hiền (thực hiện)
Trong khi không ít ý kiến chỉ trích sự lãng phí của việc đốt vàng mã thì Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam cho rằng, nguồn gốc của tục lệ này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và nếu để cho tâm mình thanh thản, an vui thì đó cũng là việc có
thể làm.
Nhà Phật không có nghi lễ đốt mã
Lễ Vu Lan đang đến gần, thời gian này đến bất kỳ ngôi chùa nào cũng gặp cảnh nhộn nhịp chuẩn bị cho ngày lễ. Xin Thượng tọa cho biết nguồn gốc lễ Vu Lan vào ngày rằm tháng 7 là từ đâu?
Theo Kinh Vu Lan bồn, đệ tử Phật là ngài Mục Kiền Liên dùng thiên nhãn trông thấy thân mẫu bị đọa vào đường quỷ đói, gầy ốm chỉ còn da bọc xương, ngày đêm khổ não, ngài dùng bát đựng cơm đưa đến dâng cho mẹ. Nhưng do mẹ ngài chịu quả báo của nghiệp ác nên cơm biến thành lửa. Ngài
Mục Kiền Liên bèn xin đức Phật chỉ dạy cách giải cứu mẹ thoát khỏi nghiệp khổ.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam Hà Nội |
Phật dạy vào ngày rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (kết thúc ba tháng kiết hạ an cư), khi đó công đức tu hành tăng lên rất nhiều, nên có thể nhờ vào phúc đức của tăng chúng để cứu bạt chúng sinh.
Nếu dùng thức ăn uống đựng trong bồn Vu Lan cúng dường Tam bảo vào dịp này sẽ được vô lượng công đức, cứu được cha mẹ 7 đời… Ngài Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy đã cứu được mẹ. Từ đó mới có lễ Vu Lan Bồn, là nghi thức cầu siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thân thuộc nhiều đời, được cử hành vào ngày rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.
Trong câu chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ không thấy có nhắc đến nghi lễ đốt vàng mã. Nhưng thực tế trong ngày Vu Lan, cũng như rất nhiều dịp lễ khác, chúng ta vẫn thường đốt vàng mã cho người thân quá cố. Cách làm này có trong đạo Phật không, thưa Thượng tọa?
Trong đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá cố, mà đây chỉ là quan niệm dân gian vì cho rằng trần sao âm vậy. Từ thời phong kiến cách đây mấy nghìn năm, vua chúa các nước, đặc biệt là Trung Quốc, được hưởng
thụ vinh hoa phú quý, không muốn dứt bỏ.
Để sau khi chết vẫn được sung sướng họ
có di nguyện phải chôn sống những người này, từng kia vàng bạc châu báu… nhằm mục đích sang thế giới bên kia vẫn có người hầu hạ. Tục tuẫn
táng đó đã gây ra nhiều điều oán thán, làm mất nhiều nhân tài, hao phí của cải.
Trải qua hàng nghìn năm, hình nhân thế mạng ra đời đã xóa bỏ tục tuẫn táng dã man. Sau này mới có phong tục đốt hình người bằng rơm, giấy thay
thế cho mạng người, đốt vàng giấy để thay thế vàng bạc châu báu. Vì thế, tôi đánh giá tại thời điểm đó vàng mã ra đời mang tính nhân đạo hơn
tất cả các hình thức nhân đạo nào trên thế giới.
Đừng đốt vàng mã để cầu vật chất
Vậy theo Thượng tọa thì việc đốt vàng mã như ngày nay có nên không?
Việc đốt vàng mã trong nhà Phật là không có, nhưng trong tín ngưỡng dân gian thì có. Do vậy, chuyện đốt hay không là xuất phát từ nhận thức của mỗi người. Tôi không cổ súy cho việc lạm dụng quá mức vàng mã, nhưng tôi
nghĩ vẫn nên duy trì hình thức đốt vàng mã mang tính kỷ niệm, vì ý nghĩa nhân văn của nó.
Người đốt vàng mã sẽ được gì, thưa Thượng tọa?
Cái được lớn nhất là được báo hiếu. Tâm mình sẽ cảm thấy đã làm được điều gì đó báo ân, báo hiếu cho cha mẹ, tổ tiên, rộng hơn nữa là dân tộc, là quảng đại chúng sinh. Khi tâm niệm này đã ăn vào máu thịt, đến ngày đó nếu không làm lễ, sẽ có cảm giác tâm mình bất an, thấy như mình chưa làm tròn trách nhiệm. Do vậy, theo tôi nếu việc đốt vàng mã là để cho tâm mình an vui, thanh thản thì cũng nên làm.
Chứ không phải đốt vàng mã để những lời cầu nguyện của mình được linh ứng hay sao?
Đừng ai nghĩ đến chuyện đốt vàng mã để cầu vật chất. Điều đó là không có.
Trong đạo Phật lại có thuyết về sự siêu thoát, đầu thai của các vong hồn. Thượng tọa giải thích thế nào về ý
kiến cho rằng nếu các vong đã đầu thai sang cõi khác thì còn “ai” ở lại
để nhận đồ hóa vàng mã?
Việc có đầu thai hay không là lĩnh vực khác tôi không bàn. Uống nước nhớ
nguồn, nhớ đến người đã mất là việc làm mang ý nghĩa nhân văn, quảng đại. Còn những khoảng trống tâm linh chưa thể giải thích được thì cũng không nên động chạm vào. Vấn đề tâm linh, tình cảm không thể cân đo, đong đếm chính xác được, nên cần một cách nhìn đôn hậu, bao dung.
Dân gian hóa đạo Phật
Việc làm lễ cúng gia tiên như làm mâm cơm, đốt vàng mã không chỉ là việc làm có ý nghĩa báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ, anh em mà nó còn mang ý nghĩa sâu sắc đối với người đang sống. Qua việc làm này như thầm giáo dục con cháu sống có hiếu, hòa thuận và luôn hướng đến điều thiện, đây là điều xuyên suốt trong tư tưởng Phật giáo cũng như truyền thống dân tộc. |
Như vậy thì chính văn hóa dân gian chứ không phải niềm tin về Phật pháp “thôi thúc” người ta báo hiếu bằng việc đốt vàng mã?
Người Việt Nam ta không chỉ có Phật pháp mà còn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, đạo giáo và tín ngưỡng dân gian, tư tưởng Đông, Tây… Sống trong sự tổng hòa của các mối quan hệ đó nên gần như không còn phân biệt rạch ròi việc này hay việc kia có gốc
gác từ đâu nữa.
Hơn nữa đạo cũng nằm trong nước, nên việc hành đạo phải hợp với lẽ nước,
lòng dân, và việc gì đã thuộc về dân gian, tín ngưỡng dân tộc, hợp với tâm nguyện, với lòng dân thì cũng có thể hòa cùng đạo pháp.
Trụ trì chùa Phúc Khánh và chùa Yên Tử, Thượng tọa có cấm việc đốt vàng mã ở chùa của mình hay không?
Người ta đến chùa không chỉ vì tín ngưỡng Phật giáo mà còn vì tín ngưỡng dân gian. Nếu nhà chùa chỉ dành riêng cho tăng ni, Phật tử thuần túy, những người có tư tưởng Phật pháp thì công việc của chúng tôi sẽ nhẹ nhàng rất nhiều. Chắc sẽ không phải mỗi ngày rằm, mồng một phải đón tiếp bao nhiêu du khách, hóa bao nhiêu vàng hương, ô nhiễm nhiều. Điều này nhà chùa phải chịu trước chứ ai.
Người đi lễ chùa là mang theo cả văn hóa dân gian vào chùa, mà theo tôi thì không nên cấm dân gian làm những việc theo tín ngưỡng dân gian. Dù tôi không khuyến khích nhưng cũng không cấm đốt vàng mã ở chùa tôi trụ trì.
Xin cảm ơn Thượng tọa!
(bee.net.vn)
Xem thêm bài viết liên quan đến chủ đề:
Discussion about this post