ĐẠO PHẬT VÀ CON ĐƯỜNG DẤN THÂN
Thích Đạt Ma Phổ Giác
Lịch sử nhân loại từ ngàn xưa cho đến nay cũng chưa ai xác định rõ ràng, trái đất và tất cả muôn loài muôn vật có mặt tự bao giờ. Chúng ta chỉ biết rằng khi con người dần dần được phát triển, bắt đầu dùng sức mạnh lấn áp và chiếm đoạt các tài nguyên thiên nhiên nhằm phục vụ cho đời sống hiện tại, mạnh hiếp yếu, lớn hiếp nhỏ, hoặc tàn nhẫn hơn nhân danh một đấng tối cao để giết hại nhiều người. Ai theo thì được bảo tồn mạng sống và hưởng vinh hoa phú quý bên đấng tối cao, ai không theo thì bị đoạ địa ngục. Chính vì vậy mà một số người lợi dụng quyền năng đó, để trục lợi cho riêng mình. Do đó có một người nói rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại, thế giới chiến tranh giết hại lẫn nhau cũng đã cho chúng ta thấy rõ ràng như vậy. Biết bao cuộc tàn sát đẩm máu cũng vì nhân danh đấng tối cao, ngày nay thế giới loài người nhờ nghiên cứu tìm tòi quán chiếu, nên đã biết được không ai có quyền ban phước giáng hoạ mà chính con người tự tạo ra hoạ hay phúc.
Đạo Phật không phải là tôn giáo như chúng ta thường gọi bây giờ, mà là một con đường sáng để phá tan tối tăm mờ mịt, là một phương pháp giáo dục nhân cách sống đạo đức, từ bi và trí tuệ, giúp cho mọi người tự tin chính mình làm chủ bản thân, không lệ thuộc vào một đấng thần linh thượng đế. Có chăng chỉ là thượng đế của chính mình, mình làm lành được hưởng nhiều phước báo, mình làm ác thì phải chịu các quả khổ đau. Từ sự thương yêu luyến ái muốn bảo vệ quyền lợi riêng cho mình để hưởng thụ khoái lạc cảm giác. Vì thương yêu con mình nên cha mẹ phải lo lắng đủ cách, để bảo đảm đời sống hiện tại và tương lai của nó. Nếu sau này con cái bất hiếu, sẽ làm cho cha mẹ thất vọng và buồn khổ vô cùng.
Ai cũng biết, đã làm người khi lớn lên cũng cần có tình yêu thương, rồi dẫn đến lập gia đình và bắt đầu từ đó phải gánh lấy nhiều trách nhiệm nặng nề, nếu không có phước báo thì sẽ chịu nhiều phiền muộn khổ đau. Như chúng ta đã biết, khi có yêu thương thì có luyến ái muốn bảo vệ cho riêng mình, từ đó phát sinh lòng ham muốn và nó không giới hạn chỉ có tình yêu thương giữa hai người, mà còn tham muốn nhiều thứ khác nữa. Tất cả những thứ yêu thương luyến ái đó, đều phát xuất từ sự ham muốn khoái lạc cho chính mình. Hình như chúng ta chỉ yêu mến người nào đem lại hạnh phúc cho chúng ta và sẽ oán hận người nào đem lại đau khổ cho mình. Và tại sao có người chết chúng ta sẽ buồn khổ bi thương, có người chết chúng ta lại dửng dưng như không có chuyện gì xảy ra. Người nào chúng ta từng thương mến thì mới buồn khổ sầu muộn và ngược lại thì không buồn, không khổ.
Cũng vậy, người không tham quyền lực, thì đâu cần địa vị cao. Người không ham giàu có, thì nghèo đâu phải là nỗi khổ. Người không yêu thương luyến ái quá mức, thì xa nhau có gì phải tiếc nuối nhớ nhung. Người không có tâm ganh ghét hận thù, thì gần nhau có gì phải bực bội phiền toái. Thấy thân này không thật do nhân duyên hoà hợp giả có, nên khi bị mạ nhục hoặc mất mát người thân, không là nỗi khổ niềm đau. Luyến ái chấp thân này là thật nên phát sinh tình ái, rồi từ đó bám víu ràng buộc lẫn nhau như tình yêu nam nữ vợ chồng, cha mẹ với con cái, anh chị em cùng chung huyết thống. Các thứ tình yêu thương ấy cho dù có sâu sắc và đậm đà đến đâu, vẫn không thể bền lâu và tồn tại mãi được. Sự sống chết xa lìa là lẽ đương nhiên, ai cũng phải già bệnh chết, càng yêu thương nhiều, càng khổ đau nhiều chừng ấy, đó là một sự thật không thể chối cãi được, xin mọi người hãy nên quán chiếu soi sáng để không bị luyến ái tham đắm ràng buộc.
Nhưng làm người không yêu thương làm sao được, con người đâu phải là vật vô tri vô giác, như gỗ đá mà không có tình cảm. Đã có tình cảm thì phải có tình yêu lứa đôi và dẫn đến tình dục ở thân thể của mỗi người và thêm phần khởi lên sự ham muốn của ý thức. Con người là một chúng hữu tình, tức là loài có tình cảm, vì có tình cảm nên con người mới luyến ái rồi sinh chấp thủ, từ đó phát sinh tư tưởng chiếm hữu muốn là của mình nên trở thành tình thương vị kỷ. Nhưng đi xa hơn có một thứ tình thương không vị kỷ, nó không giới hạn ở người thân mà vượt lên trên tất cả. Chính tình thương này đã làm cho nhân loại không còn thấy ai là kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm với nhau mà thôi.
Bởi thấy biết sai lầm tưởng thân tâm này là thật, nên si mê chấp ngã thấy mình là ta, là của ta, do đó sinh luyến ái yêu thích bám giữ vì vậy sinh ra tham sân si, thành hung thần phiền não mà không hay không biết. Một thứ tình thương đích thực thường cho ra nhiều hơn mà không cần suy xét phân biệt, như có một kiếp Bồ tát thấy cọp mẹ đang đói khát nhiều ngày chuẩn bị ăn thịt cọp con, động lòng thương xót Bồ tát liền gieo mình xuống chỗ cọp mẹ nằm để cứu mấy chú cọp con. Bồ tát bố thí thân mạng vì lòng bi mẫn thương xót chúng sinh, đây gọi là bố thí ba la mật vì không còn thấy mình thí, kẻ thọ thí và vật mình thí. Đó mới chính là tình thương đích thực không còn phân biệt ta người hay chúng sinh. Đối với loài thú dữ mà Bồ tát vẫn sẵn sàng mở rộng lòng thương xót, để cho chúng được sống còn nuôi con. Do đó Bồ tát đối với con người nghĩa tình sâu sắc và mở rộng tấm lòng từ bi hỷ xả nhiều hơn nữa.
Tình thương này vượt lên trên tất cả mọi thứ tình trên thế gian, nó cao quý và không thể nghĩ bàn. Chính tình thương này giúp cho nhân loại mở sáng mắt ra, bao nhiêu sai lầm từ nghìn xưa đến nay chỉ vì bảo vệ bản ngã độc tôn, mà con người đành lòng tàn sát giết hại lẫn nhau. Đến năm 1999 đại hội đồng liên hiệp quốc đã sáng suốt công nhận đại lễ Phật đản với tên gọi là Vesak, là lễ hội văn hoá của loài người mang tính quốc tế toàn cầu, để tôn vinh các giá trị văn hoá đạo đức, hiểu biết và yêu thương cùng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trên tinh thần vô ngã vị tha của đạo Phật. Đạo Phật đã mở ra trang sử mới, vén lên bức màn vô minh phá tan bao si mê tối tăm từ nhận thức sai lầm của con người với tinh thần từ bi và trí tuệ, để chuyển hoá các phiền muộn khổ đau do si mê chấp ngã mà ra.
Discussion about this post