Truy sát kinh hoàng tại chùa Bửu Quang. Ba vị sư đổ máu, một cô tu nữ thiệt mạng. Bạo lực đã xuất hiện nơi chùa chiền, một cú sốc lớn đối với rất nhiều người. Nhưng nếu hiểu biết cho thấu đáo, HIỂU BIẾT ĐÚNG NHƯ THẬT thì chùa chiền cũng thuộc về Thế Gian, mà Bạo Lực là một thuộc tính của Thế Gian.
Sự thật thì con người gây ra vụ truy sát kinh hoàng tại chùa Bửu Quàng bị một “ngoại lực” chiếm cứ và điều khiển, hoàn toàn không còn biết gì về hành vi bạo lực của mình và nếu đem so sánh với bức tranh toàn cảnh về hành vi bạo lực có chủ ý của con người, thì sẽ còn sốc gấp nhiều lần.
Trong một nhà máy biết bao công trình sư tài giỏi, đội ngũ công nhân lành nghề với vẻ ngoài rất lương thiện, với đầu óc vô cùng tỉnh táo đang thiết kế, sản xuất ra những công cụ, những vũ khí tân tiến, tối tân … với mục đích làm đổ máu, làm chết càng nhiều người càng tốt. Một viên phi công với đầu óc tỉnh táo, ném những quả bom với mục đích phá huỷ mục tiêu và truy sát càng nhiều người càng tốt. Một cuộc nhảy múa, reo hò ăn mừng chiến thắng của những con người rất tỉnh táo khi giết chết được vô số người khác trên chiến tuyến … Đó chính là sự thật về Bạo Lực Thế gian, xẩy ra với tất cả con người kể cả những đầu óc thông minh và tỉnh táo nhất.
Nhưng phải quan sát để thấy như thật Nguyên Nhân Bạo Lực không phải ở bên ngoài, không ở nơi thế giới ngoại cảnh mà nó có mặt trong “kho chứa thông tin “của tâm thức nhân loại. Thế Gian này vận hành bởi VÔ MINH và THAM ÁI, mà lượng thông tin VÔ MINH và THAM ÁI đã và đang có mặt trong kho chứa tâm thức của mỗi một con người. Do Vô minh và Tham ái mà phát sinh tư tưởng HƠN THUA, và do tư tưởng HƠN THUA mà phát sinh BẠO LỰC.
Tư tưởng bạo lực đã có sẵn, được lưu giữ trong kho chứa tâm thức và khi có nhân duyên bên ngoài thì nó bột phát ra thành Lời nói hoặc Hành động bạo lực. Ví như, xem một video clip về một nữ sinh nhỏ tuổi bị túm tóc, bị đấm đá, bị chà đạp lên mặt bởi các nữ sinh hung hãn khác, tất cả đều phẫn nộ, đều muốn tát tai, đá đít các nữ sinh hung hãn kia. Đó là phản ứng thường tình của con người, của nhân loại, là phản ứng BẠO LỰC TRƯỚC BẠO LỰC. Phản ứng bạo lực xẩy ra trong nội tâm và mỗi một lần phản ứng như vậy, bạo lực đang từng giây phút được nuôi dưỡng, được lưu vào kho chứa và nó sẽ bột phát thành lời nói và hành động bạo lực trong tương lai. Thấy biết như thật Bạo Lực chính là SÂN, là bản chất, là thật tánh của Thế Gian, chính là Giác Ngộ Sự Thật Khổ và Sự Thật Nguyên Nhân Khổ, sẽ đưa đến nhàm chán, ly tham Thế Gian, hướng đến Xuất Thế Gian.
Trên đường vào bệnh viện cấp cứu có người đã nói với tôi. “Xuất gia vào chùa rồi mà vẫn còn tai nạn, vẫn còn khổ, vẫn không yên”. Thực chất trong Thế Gian này, cho dù trên trời cao, dưới biển sâu, giữa sa mạc hoang vắng hay nơi đô thị phồn hoa không có chổ nào không có tai nạn, không có chổ nào mà thân này được yên ổn. Bản thân Đức Phật vẫn bị đệ tử của mình là Đề Bà Đạt Đa âm mưu lăn đá giết chết và Ngài bị một mảnh đá đâm vào chân chảy máu. Ma ha Mục Kiền Liên bị ngoại đạo đánh chết … Vì sao vậy?
Vì thân này là kết quả của Nghiệp quá khứ và nơi thân này còn lưu giữ các thông tin về Nghiệp nhân đã tạo tác trong quá khứ nên khi có tác nhân xẩy ra trong hiện tại, tương tác được với Nghiệp nhân đó thì sẽ phát sinh các kết quả trên thân. Kết quả đó chính là sự tiếp xúc giữa Sáu Căn ( Thân ) và Sáu Trần ( Thế Giới ) phát sinh các Cảm Thọ : Lạc thọ, Khổ thọ hoặc Bất khổ bất lạc thọ. Đó có thể là các Khổ thọ do đá ném, gậy đâm, dao cắt… tiếp xúc với thân này. Nếu người không có Văn Tư Tu về Tứ Thánh Đế thì khi thân bị gậy đâm, đá ném, dao cắt phát sinh một Khổ thọ trên thân thì nội tâm tức tối, hoảng hốt, lo sợ, đau khổ. Họ bị trúng hai mũi tên, kết quả là thân khổ và tâm khổ. Lộ trình đó là Bát Tà Đạo mà Đức Phật đã chỉ rõ : XÚC – Thọ – Ái – Thủ – Hữu – Khổ
Những người đã thuần thục Tứ Thánh Đế, lộ trình tâm là Bát Chánh Đạo siêu thế thì khi thân bị gậy đâm, đá ném, dao cắt tuy vẫn phát sinh một Khổ thọ nhưng NỘI TÂM TỊCH TĨNH, họ an trú Không giải thoát, Vô tướng giải thoát, Vô tác giải thoát. Lộ trình đó là :
XÚC – Thọ – Không – Vô Tướng – Vô Tác
An trú Bát Chánh Đạo siêu thế là an trú Không Giải Thoát, Vô Tướng Giải Thoát, Vô Tác Giải Thoát hay Tâm Giải Thoát, Tuệ Giải Thoát là an trú NỘI TÂM bậc Thánh, mới là nơi không còn tai nạn, nơi không có bạo lực, nơi vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Đó chính là Xuất Thế Gian.
Khi con dao xúc chạm vào cánh tay, tôi cảm nhận Cảm Giác đó nhưng Chánh Niệm BUÔNG ( nhớ đến BUÔNG ) tự động khởi lên, và Chánh Kiến BUÔNG liên tục có mặt. Vì vậy, khi bước ra cổng, đi trên đường, nằm lên giường cấp cứu, trên bàn mổ và cả mấy ngày nằm viện vẫn Thấy, Nghe, Cảm Nhận các sự việc nhưng trong đầu vắng lặng, chỉ có một chử BUÔNG. Nội tâm vắng bặt mọi tư tưởng, mọi suy nghĩ, không có những hình ảnh vừa xẩy ra, không có vui, không có buồn. Nội tâm tịch tĩnh, tất cả đều CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC TRÚ XẢ.
Không thể có được sự yên ổn tuyệt đối nơi tấm thân này vì nó vẫn thuộc về Thế Gian mà chỉ có an trú nội tâm Bát Chánh Đạo siêu thế mới là nơi vô thượng an ổn khỏi mọi khổ ách, nơi đó không có Vô minh, không có Tham ái, không có hơn thua, không có bạo lực, không có kỳ thị, không có khổ đau. Nơi đó, Bát Chánh Đạo chính là Xuất Thế Gian hay Siêu Thế.
Để an trú Bát Chánh Đạo siêu thế, nơi vô thượng an ổn thoát khỏi mọi khổ ách thì phải từ bỏ mọi nương tựa, từ bỏ tư tưởng chư Phật, bồ tát, chư thiên, long thần, hộ pháp sẽ gia hộ cho thân này được xinh đẹp, mạnh khoẻ, sống lâu, vô bệnh, không còn bị tai nạn nước lửa, gươn đao … Đức Phật và các Bậc giác ngộ không gia trì, không bảo hộ được cho bất kỳ một ai, kể cả dòng họ Thích ca của Ngài vẫn bị tàn sát khi Ngài còn tại thế, vì vậy, phải ghi khắc Phật ngôn : ” Hãy tự mình nương tựa nơi chính mình, nương tựa nơi Chánh Pháp, đừng nượng tựa một gì khác. Và thế nào là tự mình nương tựa nơi chính minh, nương tựa nơi Chánh Pháp, không nương tựa một gì khác ? Đó là, vị Tỷ kheo sống trú quán thân nơi thân với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời, sống trú quán thọ nơi thọ …, sống trú quán tâm nơi tâm …, sống trú quán pháp nơi pháp với chánh niệm, nhiệt tâm, tỉnh giác để nhiếp phục tham ưu ở đời. Đó là tự mình nương tựa nơi chính mình, nương tựa nơi Chánh Pháp, không nương tựa một gì khác”.
Một số người đã nghe tôi giảng dạy và hướng dẫn thực hành Chánh Pháp, trong số đó khi nghe “sư Nguyên Tuệ” bị truy sát tại chùa Bửu Quang, một số bị sốc, một số khác không còn bị sốc mà vẫn bình thản. Những người chưa thuần thục trong an trú Tứ Niệm Xứ, họ vẫn còn nhiều nương tựa, đặc biệt là nương tựa vào vị thầy của mình. Còn nương tựa là còn dao động nên khi thầy bị dao đâm, đá ném, họ sẽ lo lắng cho tính mạng và sức khoẻ của thầy, họ sợ mất đi chổ nương tựa, do đó họ bị sốc. Những người tu tập Tứ Niệm Xứ thuần thục, họ đã tự mình nương tựa nơi chính mình, nương tựa nơi Chánh Pháp nên cho dù rất kính trọng, rất tri ân thầy, nhưng không ràng buộc với thầy, họ không còn bị sốc. Khi thầy họ bị dao đâm, đá ném mà họ bình thản được thì khi sự việc tương tự có xẩy ra nơi thân họ thì họ sẽ không còn sốc mà sẽ bình thản, Chánh Niệm Tỉnh Giác Trú Xả.
Sẽ có hai thái độ đối với hiện tượng bạo lực xẩy ra tại chùa Bửu Quang phát sinh trên hai tư tưởng cực đoan Chấp Ngã. Một là, những người có tư tưởng ” Phật giáo là CỦA TA, LÀ TA” khi nghe tin đó sẽ bị sốc, sẽ đau buồn, bức xúc bởi tư tưởng ” Phật giáo là của Ta, là Ta” sẽ làm cho họ vui khi Phật giáo thành công, sẽ làm cho họ buồn khi Phật giáo thất bại. Hai là, những người theo đạo giáo đối lập có tư tưởng “Phật giáo KHÔNG PHẢI LÀ CỦA TA, KHÔNG PHẢI LÀ TA” sẽ vui mừng, hoan hỷ bởi tư tưởng đó làm cho họ vui khi Phật giáo thất bại và buồn khi Phật giáo thành công. Khi một người thực hành Bát Chánh Đạo, an trú Tứ Niệm Xứ thì chấm dứt cả hai tư tưởng cực đoan Chấp Ngã ” Phật giáo là CỦA TA, LÀ TA” cũng như ” Phật giáo KHÔNG PHẢI CỦA TA, KHÔNG PHẢI LÀ TA”. Do vậy, họ không còn bị sốc, bình thản với mọi thăng trầm của Phật giáo, của Chánh Pháp.
Trong Kinh Mật Hoàn thuộc Trung Bộ Kinh, Đức Phật đã tuyên bố : “Pháp mà Ta thuyết giảng không tranh luận một ai ở đời”. Vì vậy, những ai thấy Pháp, ngộ Pháp, liễu tri Pháp, thuần thục Pháp sẽ không còn tranh cải, hơn thua với bất cứ một ai ở đời. Trong tám năm, kể từ khi tôi bắt đầu giảng dạy và hướng dẫn tu tập Chánh Pháp từ 2009 đã có biết bao nhiêu sự chống đối mà đặc biệt là các thế lực vô hình, các phi nhân đã nhiều lần tấn công mà nổi bật nhất là sự kiện tại chùa Bửu Quang. Cho dù như vậy, nhưng chưa một lần nào trong tôi khởi lên tư tưởng ” từ bỏ gánh nặng của thiện pháp này”
Đại Đức Nguyên Tuệ | FB Đại Đức Nguyên Tuệ
Discussion about this post