CÓ HAY KHÔNG ĐỜI SỐNG KIẾP SAU?
Gyalwang Drukpa
Thành thực mà nói, tôi mong rằng không có đời sống kiếp sau. Gần đây, một trong những học trò lâu năm nhất nói với tôi rằng “Con không quan tâm đến đời sống kiếp sau”.Thoạt đầu, tôi vô cùng sửng sốt, sau đó, tôi cảm thấy rất đau lòng.Tôi cho rằng, nếu đời sống kiếp sau thực sự không tồn tại, sẽ không ai phải ưu lo gì về đời sống hiện tại. Nhưng không may thay, thực tế không phải vậy. Vì tất cả chúng ta đều phải trải nghiệm nhân và quả của ba nghiệp thân, khẩu, ý của mỗi người, do vậy chúng ta nên cẩn trọng và chuẩn bị chu đáo cho đời sống kế tiếp.
Tôi thực sự mong không có kiếp sau. Nếu không có kiếp sau, tôi có thể làm bất cứ điều gì mình muốn trong đời này, chỉ để thỏa niềm ham thích cá nhân. Tôi có thể sát sinh, có thể tạo tác mọi ác nghiệp, có thể làm mọi điều sai trái chỉ để chạy theo bản ngã và thỏa mãn những tham muốn vị kỷ, bởi vì tôi biết kiếp sau không tồn tại, đồng nghĩa với việc tôi sẽ không phải chịu bất cứ hậu quả và nghiệp báo nào, dù là tiêu cực hay tích cực, cho những gì mình đã làm. Dù tôi thực hiện nhiều thiện hạnh cũng sẽ không đem lại những kết quả tốt đẹp nào. Nếu mà như vậy, chúng ta sống sẽ chẳng có mục đích, chúng ta chẳng cần tôi luyện, trưởng dưỡng những phẩm chất tích cực cho bản thân, chẳng cần làm bất cứ điều gì. Chúng ta sẽ trở nên lãnh đạm, vô tri như gỗ đá. Gỗ đá không tin rằng sẽ có đời sống kiếp sau.
Đáng buồn thay, không ai vượt được ra ngoài quy luật nhân quả, không chúng sinh nào thoát khỏi nghiệp quả của chính mình. Chúng ta có thể không tin vào quy luật của nghiệp và kiếp sau, nhưng không có nghĩa sự thật này không tồn tại. Tôi gửi tới các bạn bức ảnh tôi chụp cách đây 30 năm, nó như một lời nhắc nhở mạnh mẽ cho chúng ta về kiếp sau. Các bạn có thể thấy tôi đã thay đổi nhiều, và sự thay đổi này không diễn ra tức thì, đó là sự thay đổi dần theo năm tháng, như một tiến trình của sự phát triển. Từng giây phút, “cái tôi” trước đây chết đi để thay bằng “cái tôi” của giây phút tiếp theo. Chính điều này cho tôi thấy sự tồn tại của đời sống sau này. Bất cứ điều gì tôi tạo tác trong quá khứ đều ảnh hưởng tới đời sống hiện tại của tôi cho tới tận lúc này. Nhiều thứ đồ ăn không phù hợp, dù chỉ là chút ít, mà tôi đã dùng khi còn bé đều có thể ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của tôi lúc trưởng thành. Hiển nhiên, đây chính là nhân quả.
Điều quan trọng nhất đối với một hành giả tâm linh đó là niềm tin kiên định không bao giờ thối thất vào quy luật nghiệp nhân quả. Quy luật nghiệp là quy luật vũ trụ thâu nhiếp tất cả, không ai trong chúng ta có thể thoát khỏi quy luật đó.Thấu hiểu luật nhân quả sẽ giúp chúng ta luôn đi đúng đường, luôn tỉnh giác về chính mình, những hành động mà mình đang tạo tác và con đường mình đang đi. Hiểu rằng chúng ta còn có kiếp sau và nhiều đời sống vị lai nữa thực sự là một điều tuyệt vời, bởi đó chính là cơ hội vô cùng tích cực giúp sách tấn chúng ta hướng thiện và hoàn thiện bản thân, dù có những khi vấp ngã hay phạm phải sai lầm, nhưng ta vẫn tin tưởng mình còn cơ hội để sám hối và sửa chữa khuyết điểm. Nếu kiếp sau không tồn tại, sẽ chẳng có chút hy vọng cho thế giới này. Nếu như vậy, chúng ta chẳng nên làm gì và đều trở nên vô tri giống như gỗ đá.
Bất cứ đó là trải nghiệm buồn hay vui, như ý hay bất như ý, chúng ta cần đạt được hiểu biết chân thực thông qua trải nghiệm của chính mình về luật nhân quả. Khi đó, chúng ta sẽ hiểu rằng mọi thứ đều nằm trong tầm tay, mọi thứ đều do chính chúng ta quyết định, và chúng ta là chủ nhân số phận của chính mình, có thể thay đổi số phận, làm cho nó ngày một tốt đẹp hơn. Nếu khổ đau đối với chúng ta là vô nghĩa, nếu ta không ngại gieo nhân đau khổ để gặt hái những quả khổ đau, chúng ta có thể hoàn toàn lừa dối bản thân rằng không hề có ngày mai, không hề có kiếp sau. Tuy nhiên, vì điều đó không thể xảy ra trên thực tế, vậy tại sao chúng ta phải buông bỏ? Chúng ta không cần và không nên bi quan hay suy nghĩ tiêu cực về cuộc sống này. Chúng ta đã có đời sống làm người vô giá của kiếp này với rất nhiều nhân duyên thiện lành thù thắng được hạnh ngộ Thượng sư giác ngộ và tu tập Phật Pháp – Chân lý Vũ trụ – do chính Đức Phật – bậc Toàn giác cùng các Pháp tử Truyền thừa giác ngộ của Ngài trao truyền. Chúng ta may mắn hơn nhiều so với vô vàn chúng sinh khác không hề có cơ hội được biết đến Chân lý, dù chỉ là cái thấy biết thoảng qua.
Giác ngộ không phải là một hành trình, một chuyến đi mà chúng ta phải trải qua với sự đau đớn, khó nhọc.Giác ngộ chính là ngay ở đây, ngay lúc này. Chúng ta là một với Giác ngộ và không sai khác với Chân lý Vũ trụ. Chỉ bởi vô minh không nhận ra điều đó nên chúng ta bị mắc kẹt trong vô vàn nỗi thống khổ, sợ hãi và nghi ngờ. Khi tất cả những chướng ngại và khổ đau này được chuyển hóa và tịnh hóa hoàn toàn, chúng ta sẽ lập tức nhận ra rằng Tính Giác vốn đủ đầy và sẵn có nơi chính mình. Hành trình gian khó mà chúng ta phải trải qua không phải là Giác ngộ, đó chỉ là hành trình tu tập trải nghiệm giúp đem lại những hiểu biết chân chính, hay thậm chí chúng ta có thể gọi đó là hành trình khám phá Tâm bản lai. Hành trình khám phá này có thể vô cùng phức tạp, cam go. Bạn cũng có thể bị mắc kẹt trong những khổ đau và nuối tiếc ngay trên chính hành trình đó. Đừng quá lo lắng về điều này. Khó khăn, thử thách là điều tất yếu. Nhưng, như câu ngạn ngữ vẫn dạy: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức” hay “Khổ học mới thành tài”. Nếu không có khó khăn, trở ngại, chúng ta sẽ không biết cách tri ân cuộc sống. Đôi khi, tôi vẫn thường tự nhủ bản thân rằng khổ đau luôn hiện hữu trong cuộc đời này nhằm giúp chúng ta ý thức được rằng mình đang sống và mình vẫn còn cơ hội.
Các pháp hữu và học trò thân quý của tôi, các bạn đừng chán nản hay tuyệt vọng. Chúng ta sẽ luôn đồng hành và là thiện hữu tri thức của nhau trên hành trình khám phá tâm linh siêu việt này. Chúng ta đã đồng hành trong vô lượng kiếp đời quá khứ, vì vậy, chúng ta sẽ tiếp tục sát cánh bên nhau trên con đường cao quý này trong vô lượng kiếp vị lai. Đã, đang và sẽ có những lúc đó là một hành trình khúc khuỷu, thăng trầm và đầy khó nhọc. Cũng có những khi trời quang mây tạnh, chúng ta có thể băng băng vượt sóng tiến lên. Cũng lại có cả những chặng đường tẻ nhạt và vô vị. Tựu chung, sẽ là vô số vô số những trải nghiệm khác nhau trên con đường tìm cầu Giác Ngộ.
(Khai thị của Đức Pháp Vương Gyalwang | Drukpa Việt Nam)
Discussion about this post