CHỈ MỘT NIỆM QUY Y, VƯỢT QUA VÔ SỐ KIẾP
Nguyễn Xuân Chiến
Chuyến viễn hành mới kéo dài hơn nửa tháng, giữa thiền sư Quang Phú và tên tướng cướp Ngô Mao vừa vượt ngục cách đây không lâu. Dọc đường, hai người luôn đụng độ với những bọn địch nhân đang truy tầm Ngô Mao để báo thù rửa hận. Nhưng, với tâm từ bi và giới luật của một vị tỳ-kheo chân chính, thiền sư Quang Phú buộc Ngô Mao không được giết người. Và Ngô Mao sẽ hành xử như thế nào?
Kính thỉnh quý bạn đọc theo dõi…
* * *
ĐƯA TIỄN SƯ PHỤ ĐẾN TẬN BẠCH CỐT SƠN
* * *
Mặt trời lên khá cao.
Trên con đường đất mịt mù những đám bụi đỏ ngầu, người ta thấy hai nhà sư – một cưỡi ngựa, một đánh xe – đang giục ngựa tiến vào địa giới tỉnh An Huy. Đến ngả ba đường cái, nhà sư trung niên lẹ làng nhảy xuống ngựa. Trên xe, vị sư già cũng từ từ cho xe ghé lại bên đường, bảo:
– Ngô cư sĩ, tạm dừng đây một lát để ngựa uống nước, ăn cỏ, kẻo chúng khát và đói lắm rồi…
Nhà sư trung niên cột ngựa vào gốc cây:
– Bẩm đại sư, chúng ta sắp vào tỉnh An Huy, một vùng đông đúc và phong nhiêu. Đây là ngã ba, nếu rẽ phải chừng một trăm hai chục dặm, thì đến Lạc Thành, một thị trấn nhỏ ở trên một cao nguyên xinh xắn, khí hậu dễ chịu.
Nếu đi thẳng, chúng ta ngang qua tỉnh An Huy, vượt Dương Tử giang, tiến vào địa phận tỉnh Hà Nam. Sau khi vượt Hoàng Hà, qua Sơn Tây khoảng hơn một ngàn dặm đường đèo hiểm trở, sẽ đến Tuy Viễn. Rời Tuy Viễn ba bốn trăm dặm sẽ thấu Bạch Cốt Sơn, nằm kề dãy Thiên Sơn cao ngất trời xanh. Muốn hoàn tất lộ trình dài như thế, phải mất ít lắm ba tháng nếu không gặp những trở ngại dọc đường.
Thiền sư Quang Phú vỗ nhẹ đầu ngựa, cười:
– A Di Đà Phật, lão tăng đa tạ cư sĩ đã hộ tống lão tăng một đoạn đường. Sau khi dùng trai phạn ở thủ phủ An Huy, cư sĩ có thể từ biệt lão tăng, muốn đi đâu tùy tiện. Đã hơn ba mươi năm nay, lão tăng thực hiện nếp sống “Nhất bát thiên gia phạn, cô thân vạn lý du” cũng đã quen rồi, lại lấy làm thú vị nữa!
Ngô Mao lại gần, lắc đầu:
– Vãn bối đã có chủ ý!
– Ủa, cư sĩ muốn nói điều chi?
Trầm ngâm giây lâu, Ngô Mao thưa:
– Thưa đại sư, vãn bối quyết tâm nguyện ý hộ tống đại sư thấu Bạch Cốt Sơn. Đến được nơi đó rồi, vãn bối sẽ định liệu… – A Di Đà Phật, nếu cư sĩ có hảo ý như vậy, lão tăng vẫn áy náy vì đã làm phiền cư sĩ nhiều quá.
Ngô Mao nắm nhẹ bàn tay sư:
– Không được! Vãn bối phải đi cùng đại sư, gian khổ có nhau. Lý do thứ nhất, vãn bối cảm mộ mối ân tình sâu xa của đại sư, thứ hai là, trời đất tuy mênh mông, thiên hạ dẫu bao la, nhưng thật khó tìm ra nơi chốn dung thân. Do đó, vãn bối quyết theo đại sư đến cùng…
Nhìn thái độ thành khẩn và quả quyết của Ngô Mao, thiền sư bật cười:
– A Di Đà Phật, nếu cư sĩ nói vậy, thì lão tăng đâu dám nghịch ý. Được, chúng ta cùng đi với nhau. Đến Bạch Cốt Sơn, cư sĩ cần tĩnh dưỡng một thời gian, trước khi quyết định nên làm việc gì.
ÂN OÁN TRÓT GIEO ĐÀNH GẶT QUẢ
* * *
Hai người vừa nói chuyện đến đây, bỗng phía bên kia đường, một tốp người cưỡi ngựa rượt tới, nhác thấy nhà sư bèn dừng lại. Chốc lát sau, thêm bảy tám người đi bộ lững thững rảo đến, tụ họp cách xa mấy chục trượng, không ai lại gần.
Gần ba chục hán tử, già có trẻ có, và cả thiếu phụ trung niên, ni cô đạo sĩ đeo đủ loại khí giới kỳ dị, đều chú mục đăm đăm nhìn vào Ngô Mao không rời.
Có kẻ đưa tay chỉ trỏ rồi khe khẽ thì thầm với nhau điều chi không rõ. Đằng này Ngô Mao cúi xuống lấy cỏ đút vào mồm ngựa từng nắm nhỏ, nhưng đôi mắt không ngớt dò xét bọn người kia.
Chợt thấy đám đông đứng xôn xao bên kia đường, rải dài từ ngã ba đến trước mặt mình, thiền sư Quang Phú tuy không rõ lai lịch và danh tánh của họ, nhưng cũng đoán biết bọn này chắc hẳn theo đuổi Ngô Mao để trả thù, rửa hận gì đó. Dường như càng lúc bọn chúng càng tụ tập đông hơn, nhìn qua khí giới và trang phục, rõ ràng bọn họ không cùng một phe nhóm hoặc môn phái.
– Cư sĩ cho ngựa ăn uống xong chưa?
– Thưa đại sư, ngựa cũng vừa đủ no thôi. À gần kề đây, có một quán trà nhỏ, kính thỉnh đại sư vào dùng chút trà cùng vãn bối.
Sư rút khăn tay lau mồ hôi, gật đầu vui vẻ, theo Ngô Mao bước vào quán. Đây là một quán nhỏ, thường mọc rải rác hai bên đường, vách bằng phên tre, mái bằng nứa, dùng để phục vụ những khách thương trên đường ra chợ. Sư chọn một bàn gỗ sát cửa sổ trông ra đường. Bà lão chủ quán mang ra một ấm trà nóng.
Ngô Mao pha trà ra chén:
– Mời đại sư dùng trà!
Thiền sư đĩnh đạc nhắp từng ngụm nhỏ, nhìn sang bọn người đứng lố nhố bên kia rồi ngó vào đôi mắt Ngô Mao, thấy chàng vẫn bình thản rót nước ra chén, uống chậm rãi, ung dung, chẳng quan tâm đến một điều gì cả.
Uống hết chén trà thứ ba, chàng nói:
– Thưa đại sư, tự hậu vãn bối quyết sẽ không bao giờ sát hại bừa bãi nữa. Nếu địch nhân cố ý truy sát, vãn bối cùng lắm mới gây thương tích nhẹ cho họ thôi, chứ không làm họ bỏ mạng. Thú thật, vãn bối bắt đầu thấm nhuần những lời giáo huấn ân cần của đại sư hồi nào không hay…
Sư chắp tay, nghiêm sắc mặt:
– A Di Đà Phật! Được như vậy, quả thật là đại phước cho thiên hạ và cả cho lão tăng nữa. Cư sĩ đã khiến lão tăng khâm phục vô cùng…
Ngô Mao chắp tay đáp lễ:
– Không dám, đại sư quá lời!
– Thời gian trôi nhanh thật, mới đó mà chúng ta rời Phúc Châu hơn nửa tháng rồi!
– Vãn bối ước ao chuyến viễn hành này kéo dài thêm nhiều ngày nữa, để được dịp gần gũi đại sư, học hỏi thêm nhiều điều bổ ích và thú vị mà vãn bối chưa hề được nghe ai chỉ giáo.
Có lẽ sau khi nghỉ ngơi tại Bạch Cốt Sơn một tuần nhật, vãn bối sẽ về Sơn Đông, huyện Khúc Phụ, để khai quật kho kim ngân bảo vật được chôn giấu từ đời Hậu Hán. Xong, vãn bối lui ẩn dật nơi thôn dã, rửa tay gác kiếm. Đại sư nghĩ sao?
– Lão tăng thấy Ngô cư sĩ đã tự cải biến thân tâm, hy vọng rằng, chẳng bao lâu nữa, cư sĩ sẽ tìm được phước lạc đúng như sở nguyện. A Di Đà Phật! Lành thay!.
Ngô Mao đằng hắng, nói:
– Bức họa đồ kho báu được vãn bối cất giấu tại ngôi cổ mộ sau lưng một tự viện ở Lạc Thành. Đến thủ phủ An Huy gần dây, đại sư, ráng chờ vãn bối một buổi. Vãn bối cỡi ngựa tạt qua Lạc Thành, để thu lại bức họa đồ ấy, giắt theo bên mình, sau này có khi dùng tới. Xong xuôi, chúng ta vẫn tiếp nối lộ trình như cũ.
– A Di Đà Phật, lão tăng sẽ đợi cư sĩ tại thủ phủ An Huy!
* * *
TA LÀ AI? TA ĐI VỀ ĐÂU?
* * *
Sư nói xong, quan sát nét mặt an nhiên và lắng nghe hơi thở điều hòa của chàng, bất giác đem lòng cảm mến người hảo hán giang hồ này.
Trong khi trước mặt chàng, bên kia đường lộ, bọn địch nhân càng lúc quần tụ càng đông đảo hơn, trà trộn đứng chen lẫn vào nhau, nín thinh. Cả mấy chục cặp mắt đều đổ dồn vào Ngô Mao và theo dõi từng cử chỉ lớn nhỏ của chàng. Bên cạnh nguy cơ đang bị kẻ thù bao vây rình rập tứ phía, mà chàng vẫn ung dung thưởng thức ba bốn chén trà, thong thả nói nói cười cười, thì tất nhiên chàng phải có định lực thâm hậu và công phu hàm dưỡng khá cao.
Riêng Ngô Mao vẫn lơ đãng đưa đôi mắt nhìn ra dãy núi xa ẩn hiện dưới mảng trời xanh lơ, lặng thinh không nói. Những đốm nắng vàng hực loang loáng phơi mình trên tấm thảm màu lục của rừng cây chi chít. Và chàng cũng chẳng thèm để ý đến bọn địch nhân đang lấm lét nhìn mình.
Ta là ai, từ đâu đến đây? Cuộc nhân sinh là gì?
Tuế nguyệt tàn phai và trôi lăn như dòng sông chảy xuôi. Phải chăng, còn để lại chút gì trong ta, ngoài một trái tim nặng trĩu u buồn và hai bàn tay lấm lem máu đỏ. Một ngày qua đi, rồi một ngày lại qua, bao nhiêu sự nghiệp được kiến tạo bằng nước mắt, bao nhiêu danh vọng quyền uy được tô bồi bởi hận thù, chém giết, bao nhiêu tài sản được tranh đoạt bằng võ công và mưu lược. Bây giờ, tất cả còn lại gì trong ta, ngoài những nỗi lo âu phiền muộn. Trên trần gian hẹp nhỏ này, bao nhiêu người đang được sinh ra, bao nhiêu người đã chết, tất cả đều bôn ba tầm cầu một niềm vui bé mọn, một chút bình an mong manh, nhưng họ thủ đắc cái gì và ta đã thu hoạch những gì? Ngoài nỗi bơ vơ hoang vắng nhú lên tận đáy lòng?
Ngọc ngà châu báu, gái đẹp nõn nà, men rượu hảo hạng, vinh danh lẫy lừng, bạc tiền đầy túi, thịt béo ê hề, ca xang huyên náo, máu chảy như sông, xương chất như núi, bằng hữu như mây… cả thảy đều tan mất giữa những biến động bất thường của dòng sinh mệnh. Còn lại gì hay chỉ mình ta lạc loài trong nỗi tịch liêu, và chợt bàng hoàng như kẻ mù sảng sốt giữa đêm đen. Ta cũng từng hao phí biết bao tâm lực để đuổi bắt cái cùng đích của kiếp người, nhưng càng nỗ lực truy tầm ta càng đến gần kề cái chết, cái hố sâu tuyệt vọng ngàn đời. Ta phải làm gì đây? Ta còn sống trên trần thế hay chỉ là cái thây ma cử động theo tập quán? Ta có phải là ta hay chỉ là cái bóng ảo của cơn mộng mị kéo dài từ đời kiếp lâu xa?
Dường như có tiếng ai tụng kinh mình nghe loáng thoáng từ hồi ấu thơ – bỗng nửa đêm vọng về trong tâm tưởng:
Ư nhất niệm quy y,
Năng diệt tam kỳ nghiệp,
Xưng dương nhược tán thán,
Ức kiếp mạc năng tận…
Giọng của ai? Của vị thầy tu nào? Đang đọng lại trong trái tim chập chờn máu đỏ, đã bắt đầu làm quen với lời dạy của Phật Thích Ca qua lời lẽ trầm ấm khoáng đạt của Quang Phú thiền sư?
…
– Thằng lỏi Ngô Mao ra đây mau! Dù mi giả trang thành một gã thầy chùa, lão gia đây cũng không dung tha cho mi đâu!
Tiếng gào thét huyên náo của một tên đại hán nào đó, khiến chàng bị cắt đứt dòng tư tưởng đang chảy miên man trong tâm tư mình. Chàng tự tay rót thêm một chén trà nữa, vừa nhắp từ từ, vừa cười thơ thới:
– Trà ngon tuyệt, thế gian này vô cùng tú lệ và tươi nhuận, chẳng mấy ai biết thưởng lãm, lại bày ra lắm trò chém giết tranh chấp hận thù, thất ngốc dại biết bao!
Rồi nhìn sang bọn địch nhân xớn xác bên kia đường, chàng lẩm bẩm:
– Bọn này quả là những tên điên cuồng, ngu độn, ta chẳng thèm chấp làm chi thêm nhọc trí. Ủa, đại sư thanh toán tiền trà rồi chúng ta đi kẻo nắng trưa.
YÊU NGƯỜI, MÀ PHẢI GÁNH NGHIỆP VÌ NGƯỜI
* * *
Thiền sư lấy ít bạc vụn trả tiền trà và cả hai sánh vai hiên ngang bước ra khỏi quán. Tức thì, bọn người kia liền vội vã chạy nhanh đến, bao vây hai người ở giữa. Sư chắp tay:
– Chào quý vị cư sĩ, quý vị ngăn đón lão tăng lại, ắt hẳn có điều chi chỉ giáo?
Một đại hán đứng hàng đầu, cất giọng nhừa nhựa quát lớn:
– Lão hòa thượng kia, chạy ra ngoài xa nhanh lên! Chúng ta sắp làm thịt tên ác tặc này, đừng lẩn quẩn nơi đây làm vướng chân tay bọn ta! Cút đi!
Thiền sư cười:
-A Di Đà Phật, lão tăng cùng đi chung với vị Ngô cư sĩ này, có làm gì trở ngại công việc của quý vị đâu?
Một thiếu phụ trung niên mặc võ phục màu xanh lá cây, lưng cài nhuyễn tiên lật đật tiến đến chắp tay:
– Bạch hòa thượng, đệ tử là một Phật tử, kính thỉnh hòa thượng sớm rời xa chỗ này vì sắp xảy ra một trận huyết chiến, ngại tổn thương pháp thể của hòa thượng chăng?
Ngô Mao đứng sau lưng thiền sư, đưa mắt đảo quanh một vòng, rồi từ tốn nói:
– Ngô Mao xin chào chư vị bằng hữu võ lâm, chư vị huynh đệ trong giới giang hồ, nếu có yêu cầu điều chi, tại hạ ân cần đáp lễ. Nhưng xin hẹn một dịp khác sẽ tái kiến, tương hội. Hiện thời, tại hạ bận hộ tống đại sư nên chưa thể bồi tiếp chư vị ngay bây giờ được!
Đám đông quần hùng bỗng la ó:
– Không ngờ Nhất Kiếm Đoạn Hồn hôm nay lại giở trò trốn chui trốn nhủi. Bọn ta tầm nã tung tích của mi đã lâu, chớ bày trò hèn hạ như thế!
Chàng khoanh tay, cười nhạt:
-Tại hạ là Ngô Mao, sống không đổi chí, thác chẳng đổi tên, và chưa hề khiếp sợ một ai cả, huống hồ lũ chuột nhắt bọn các ngươi? Vả lại, tại hạ bận hộ tống đại sư đến một ngôi chùa xa.
Tuy nhiên, nếu bọn bây muốn đối đầu ngay bây giờ thì tại hạ xin sẵn sàng ứng phó ngay lập tức!
Quần hùng ầm ĩ nhao lên:
– Ngô Mao hãy rút kiếm ra, chớ phí lời!
Trong nháy mắt, những tia bạch quang lóe lên như sao sa, mấy chục thứ binh khí nhất tề chém tới. Chàng nhún người thấp một chút, vọt lẹ tới gần một đại hán râu ria đứng trước mặt. Trong lúc gã đại hán chưa kịp thu binh khí về, thì nhanh như điện chớp, chàng thò cánh tay trái ra sau lưng hắn, điểm ngay yếu huyệt. Gã đại hán cảm thấy nửa người tê buốt vừa buông cây côn ra thì bàn tay phải của chàng chụp ngay lấy, đồng thời bẻ ngược thân hình phi phân trở về đứng sau lưng sư Quang Phú, mà sắc diện không thay đổi. Quần hùng bật tiếng khen ngợi:
– Hay quá!
– Hoan hô!
Thiếu phụ trung niên reo lên:
-Thân thủ tuyệt diệu!
Ngô Mao thản nhiên cung tay giơ thanh thiết đồng côn lên cao, nói lớn:
– Không dám! Tại hạ không mang khí giới theo, xin mượn tạm cây thiết đồng côn của vị bằng hữu nọ, lát nữa sẽ hoàn lại. Bây giờ có vị cao nhân nào muốn chỉ giáo, xin mời!
Sư quay lui, ân cần vỗ vai chàng:
– Hãy ghi nhớ lời dặn của lão tăng, oán thù nên cởi chớ nên buộc!
– Vâng, vãn bối ghi tạc lời giáo huấn cặn kẽ của đại sư, chỉ đả thương bọn họ rồi tìm phương kế tháo chạy mà thôi. Hay là… hay là đại sư chạy trước đi, càng nhanh càng tốt, vãn bối thu thập bọn này xong, sẽ tức tốc theo sau…
Sư lắc đầu:
– A Di Đà Phật! Lão tăng không thể bỏ mặc cư sĩ trong cơn nguy biến như thế này. Ở đời, người ta chỉ chết một lần, mà lão tăng thì không hề sợ chết!
Đột nhiên, Ngô Mao gầm lên một tiếng, bốn tên đại hán mặt mày hung dữ của Khô Lâu Bang đồng loạt nhảy vào, cầm bốn cây xích luyện đao rất trầm trọng. Chàng huơi côn quanh một vòng. Bốn thứ khí giới hung hãn này chạm mạnh vào cây thiết đồng côn, văng ra những tia lửa đỏ ối. Bốn đại hán vẫn lầm lì bước lên một bước, vung đao tấn công bốn phía. Trước sự phòng thủ nghiêm mật của địch nhân, Ngô Mao tay vung một đường côn bảo vệ các yếu huyệt trên thân mình, rồi phi thân lên cao, dùng liên hoàn cước phóng ra bốn miếng cước thần tốc vào cổ tay của bốn gã đại hán, bốn lưỡi đao văng ra bay lên trời.
Bốn gã đại hán không một chút rối trí, nhanh nhẹn nhảy lùi ra sau mấy bước, xuống chảo mã tấn, hô lớn:
– Tấn công!
Tức thời, cả bốn gã đại hán chuẩn bị xung phong với sát khí lườm lườm trong tám con mắt đục ngầu.
Ngô Mao cũng lùi lại ba bước, cố ý áp đảo tinh thần của quần hùng, bèn vung tay phải, phóng mạnh cây côn xuống trước mặt, ngọn côn cắm sâu vào lòng đất. Đám đông đứng xung quanh khiếp vía xanh mặt.
Chàng chẳng hề nao núng chút nào, nhưng cũng không dám khinh địch, vừa thủ thế bằng cách lẩn tránh tám đường quyền vun vút như cơn lốc dữ của địch nhân, vừa tìm sơ hở của bọn chúng để phản kích.
Nhưng điều ấy thật không dễ dàng. Tám đường quyền như bao phủ cả tám hướng và bổ túc lẫn nhau kín đáo, nhịp nhàng, chưa hề lộ ra chút sơ hở nào.
Ngô Mao biết nếu kéo dài cuộc đấu, ắt phần bất lợi sẽ nghiêng về phía mình. Ngô Mao bèn thót bụng dưới vào, thật mỏng, thật sâu, tung lên như bay, nhắm thẳng vào đại hán phía nam, nhắc chân phải, vút một ngọn cước vào mặt hắn. Ngô Mao vội thu song quyền, dộng một cước khốc liệt như sét nổ vào vai trái của địch nhân, khiến gã đại hán này té nhào lộn ngửa. Thế trận bị vỡ và ba đại hán kia hoảng hốt dạt lùi ra xa.
Nhưng chàng không để cho địch thủ bị chổng bốn vó lên trời, bởi vì khi chân vừa chấm đất, chàng lao đến, dùng bàn tay phải nắm lấy cánh tay trái, bấm vào huyệt Khúc Trì lôi hắn đứng dậy. Ngô Mao nghiêng mình, vồn vã nói:
– Võ công Khô Lâu Bang thật vô cùng thâm hậu, tại hạ thành tâm bái phục!
VÌ NGƯỜI PHẢI TRẢ MẶC DÙ KHÔNG VAY!
* * *
Sự việc xảy ra quá chớp nhoáng, ai nấy đều bàng hoàng không kịp theo dõi. Đến khi quần hùng sực tỉnh thì thấy Ngô Mao và gã đại hán Khô Lâu Bang đang nắm tay nhau có vẻ thân thiết, bèn vỗ tay vang lừng:
-Hảo công phu! Hảo quyền pháp!
Gã đại hán nọ biết mình vừa bị Ngô Mao đả bại bằng một ngọn cước thần tốc vào bả vai, sau đó lại bị chàng kềm chế ở huyện Khúc Trì, vậy mà chàng còn giữ thể diện cho mình. Hắn quá xúc động, lắp bắp như kẻ hụt hơi:
– Đa tạ… đa tạ Ngô đại hiệp đã nương tay. Khô Lâu Bang từ nay tình nguyện rút lui khỏi cuộc tranh chấp này.
Thiền sư Quang Phú từ phía sau, chen ngang tới trước mặt Ngô Mao, hướng về phía gã đại hán, chắp tay cung kính:
– A Di Đà Phật! Lão tăng thâm cảm chư vị hào kiệt Khô Lâu Bang cố ý nhường cho Ngô cư sĩ nửa chiêu. Giờ đây chúng tôi xin lên đường kẻo sắp trưa rồi và lộ trình còn dài xa…
Đám đông quần hùng gồm đủ mọi phe nhóm, bang hội, trong giới giang hồ đều biết rõ địa vị, và bản lãnh của Ngô Mao từ lâu.
Chàng ngấm ngầm quan sát hết thảy khuôn mặt trong đám đông xung quanh. Một số rất ít thì chàng đã từng quen mặt biết tên. Còn phần đông đều là những kẻ chưa từng ân oán ràng buộc gì cả. Dĩ nhiên họ hẹn nhau, cùng liên kết nhau đến nơi đây, cốt ngăn cản bước chân Ngô Mao.
Ngô Mao vận mười thành công lực, chuyển vào cánh tay trái, lặng lẽ rút cây thiết đồng côn lên khỏi mặt đất dường như chẳng tốn chút hơi sức. Chàng đưa ngọn côn quá đầu, nói:
-Thưa chư vị bằng hữu giang hồ! Từ xưa Ngô Mao này đã lỡ gây nhiều oán thù với thân nhân của chư vị, giờ này xin chư vị tiến lên, cùng tại hạ quyết đấu một trận thư hùng khỏi cần giải bày phải quấy. Tại hạ xin bồi tiếp sức khắc.
Riêng những ai không liên can hãy thoái bộ trở về, chớ nên gây phiền nhiễu cho tại hạ, sau này sẽ oán hận tại hạ không biết dung tình.
Vừa dứt lời, hai lão già mặc áo bào xanh, cả hai đều cấm bát giác đồng trùy ở tay trái và Hoa Lê Thương ở tay phải, hăm hở xông tới:
– Chúng ta vâng lệnh Thiên Long Bang Chủ đến bái kiến Ngô Đại Vương!
Ngô Mao cung hai tay lại, cười:
– Không dám, tại hạ chưa hề được kết giao cùng Thiên Long Bang, nhị vị tiền bối tìm gặp tại hạ để làm gì?
Lão già lớn tuổi cúi đầu thi lễ:
– Ta là Thiên Long hữu sứ Chữ Thái Hoàng, vị này là Thiên Long tả sứ Vệ Ngọc Lương, xin mạo muội tham kiến Ngô Đại Vương ở Hổ Khê Trại!
– Ha ha, té ra nhị vị trưởng lão của Bang Thiên Long, tại hạ cam bề thất lễ! Chẳng hiểu nhị vị trưởng lão giá lâm, có điều chi chỉ giáo, Ngô Mao này xin rửa tai hầu tiếp!
Thiên Long hữu sứ Chữ Thái Hoàng nói:
– Chẳng qua Thiên Long Bang Chủ ra lệnh Ngô Đại Vương hãy sớm giao bức họa đồ kho báu Sơn Đông cho huynh đệ chúng tôi đem về dâng nộp cho lão nhân gia. Nếu thỉnh được Ngô Đại Vương thân hành đến bái phỏng Bang Chủ lão nhân gia, thì toàn bang chúng tôi vô cùng cảm mộ ân đức ấy!
Ngô Mao ngước mắt nhìn trời, cười lớn:
– Ha ha, nhị vị trưởng lão muốn cậy võ công bức bách tại hạ trao tấm họa đồ kho báu Sơn Đông cho Thiên Long Bang hay sao? Ha ha, trong thiên hạ này, chưa hề có một kẻ nào dám ngông cuồng tự phụ như thế, và cũng chưa có ai đủ năng lực khuất phục nổi Ngô Mao này, kể cả Thiên Long bang chủ…
Thiền sư Quang Phú níu vai chàng, nói:
– A Di Đà Phật! Ngô cư sĩ ạ, sinh mạng của mình mới thật sự quan yếu, còn bức họa đồ kho báu kia chỉ là vật ngoại thân. Cư sĩ nên giao lại cho nhị vị trưởng lão, rồi chúng tôi ra đi êm thắm, có phải tốt đẹp hơn chăng?
Ngô Mao cung kính thưa:
– Thưa đại sư, hiện nay bức họa đồ ấy không ở trong mình vãn bối, nếu vãn bối dại dột mang theo thì chắc chắn bọn quan lại đê tiện của thành Phúc Châu cũng tịch thu mất rồi. Tuy giờ này, vãn bối chẳng tha thiết chi tới những thứ kim ngân bảo vật ấy nữa!
Thiên Long hữu sứ Chữ Thái Hoàng vén trường bào, chắp tay ngang ngực:
– Nếu Ngô đại Vương từ chối thì… anh em chúng tôi… phải động thủ vậy!
Thiền sư Quang Phú hối hả giơ bàn tay ngăn lại:
– A Di Đà Phật. Chớ nên sử dụng khí giới e tổn thương hòa khí của nhau! Lão tăng sẽ từ từ khuyên giải Ngô cư sĩ hồi tâm, rồi trao bức họa đồ cho quý bang!
Ngô Mao khẽ đẩy nhẹ sư ra sau lưng:
– Đại sư hà tất quá lo xa đến thế! Vãn bối sẽ thanh toán hai tên trưởng lão ương ngạnh này trong nháy mắt!
Sư vẫn níu lấy ống tay áo chàng:
– A Di Đà Phật, cư sĩ hãy suy nghĩ thật kỹ xem. Việc thoát hiểm là trọng yếu, hay là việc khư khư ôm bức họa đồ kia là cần thiết? Chớ nên si mê cố chấp đến như vậy!
Trong lúc hai người đang giằng co nhau thì Chữ Thái Hoàng phóng ngọn Hoa Lê Thương vào yết hầu Ngô Mao. Chàng hốt hoảng vung thiết đồng côn lên gạt, và hét lớn:
– Đại sư coi chừng!
Nhưng muộn mất rồi, thiền sư Quang Phú vừa day trở thân hình để lùi lại, thì ngọn thương hiểm ác kia xuyên suốt lồng ngực của sư, đâm từ trước ra sau, gần kề bờ vai trái, máu đỏ tuôn ào như xối, thấm nhòa cả tăng bào, sư ngã quỵ xuống, miệng niệm A Di Đà Phật không ngớt.
Ngô Mao kinh hãi thất sắc, vội vã dùng tay trái đỡ lấy:
– Đại sư, đại sư có sao không?
Vừa buột miệng nói xong, chàng biết mình lỡ nói một câu ngớ ngẩn. Bị đâm thủng một nhát vào lồng ngực tất nhiên đau đớn lắm chứ. Cả lá phổi bên trái cũng bị trọng thương, tuy chưa chết ngay, nhưng nếu chạy chữa không kịp thì tánh mạng khó bảo toàn. Nguy quá. Chàng ném thanh thiết côn xuống đất, huơ nhanh mấy ngón tay điểm vào huyệt cầm máu. Một thiếu phụ trung niên vọt lẹ vào đưa cái lọ nhỏ màu đó:
– Đại sư, mau mau dùng thuốc cầm máu này bôi ngay vết thương của lão hòa thượng. Đây là thứ thần dược bí truyền của bản phái, công hiệu cấp kỳ…
Ngô Mao xé rách vạt áo của mình, bôi thuốc lên chỗ vết thương trước ngực và sau lưng sư, rồi cột chặt lại, nhưng máu đã ra nhiều quá rồi. Sư nhắm mắt, khuôn mặt tái xanh như tàu lá, tỏ vẻ khó thở, vẫn thì thào niệm Phật liên hồi.
GẶP KHỔ NẠN VẪN CAM LÒNG
* * *
Chàng lẹ làng xốc sư lên vai trái mình, và dùng cánh tay trái ôm sư thật chặt. Sư mở mắt, nói vào bên tai chàng:
– A Di Đà Phật! Bất luận hoàn cảnh nào, cư sĩ chớ giận dữ, hận thù. Hãy bình tĩnh tìm kế thoát thân. Đừng nên vướng bận cái thân xác già nua của lão tăng!
Nhưng vô ích, Ngô Mao đã điên tiết mất rồi, chẳng còn nghe ngóng gì nữa cả. Chàng hùng hổ đưa chân hất ngọn côn lên trên tay hét vang như sấm động:
– Hai tên trưởng lão khốn nạn kia, nếu sư phụ của ta có mệnh hệ nào thì bọn mi khó toàn thây. Ta sẽ giết sạch bang Thiên Long chúng bây không còn một mống nào cả.
Tiếng hét đinh tai nhức óc vừa vang lên, Ngô Mao lia ngọn thiết đồng côn tấn công như vũ bão. Trong khi thiền sư Quang Phú nằm sấp, ngả trên vai chàng, vừa thở hổn hển vừa cố nói lớn lên:
– A Di Đà Phật! Ta chẳng mệnh hệ gì đâu, cư sĩ không được sát hại một ai nghe chưa?
Nhưng dường như Ngô Mao điếc đặc cả đôi tai rồi, chẳng còn nghe thấy gì hết.
Tiếng va chạm của binh khí, tiếng reo hò trợ uy của bọn bang Thiên Long, tiếng cổ vũ la ó của quần hùng đứng khán trận… tất cả tạo trong chàng một ngọn lửa giận bốc lên ngụt trời. Ngô Mao lao theo cơn giận dữ đang tưởng chừng thiêu đốt trái tim mình, tuy thế chàng vẫn liều lĩnh dấn thân vào một cuộc ác đấu mà phần thắng chưa hẳn nghiêng về phía mình.
Đúng vậy, lần đầu tiên chàng đụng độ hai kẻ kình địch ghê gớm nhất, sử dụng những binh khí hết sức quái dị. Hai tên trưởng lão Thiên Long Bang đều dùng các thứ vũ khí giống nhau: tay trái cầm bát giác đồng trùy nặng hơn hai trăm cân và tay phải cầm Hoa Lê Thương nhẹ khoảng hai ba chục cân, mũi nhọn và mỏng như lá mía, cán nhỏ và dài ngoằng như mãng xà có thể uốn cong được dễ dàng, bởi vì được rèn bằng loại thép cực kỳ tinh xảo, do người Tây Vực chế tạo. Hai thứ khí giới, một cái thì rất nặng, cái kia thì quá nhẹ vậy mà hai lão già vung lên, múa ngang, chẻ dọc, đâm tới, gạt lui, vô cùng uyển chuyển. Hai người, kẻ thì chủ về tấn công, kẻ thì chuyên về phòng ngự thủ thế.
Mới giao chiến chừng bảy tám chiêu, Ngô Mao ngấm ngầm kinh hãi. Hơn hai mươi năm vào sinh ra tử, trải qua hàng trăm trận lớn nhỏ, chàng chưa hề gặp những kẻ địch lợi hại như hai lão già này. Khí giới quái dị đã đành, nhưng chiêu thức vô cùng tàn độc và ảo diệu. Mà làm sao có thể bôi mặt rút lui, khi tên hữu sứ hỗn xược Chữ Thái Hoàng đã đâm một nhát thủng lồng ngực một bậc thầy mà chàng vô cùng yêu mến khiến chàng căm hận thấu xương?
Ngô Mao bắt đầu đưa thanh thiết đồng côn lên quá đầu, điểm nhẹ bên tả một nhát, rồi điểm nhẹ bên hữu một nhát, thảy đều là hư chiêu, và cung tay thu ngọn côn về ngang ngực, tỏ vẻ cung kính địch nhân. Nhị lão Thiên Long Bang hiểu ngay rằng gã đại ma đầu Ngô Mao sắp sửa dở hết tuyệt học bình sinh của hắn, họ linh cảm đây phải là trận đấu quyết tử, một mất một còn, nếu sơ suất trong mảy may gang tấc thì khó lòng cứu vãn kịp thời.
Ngô Mao vai trái vác thiền sư Quang Phú, nghe nhịp tim của sư vẫn đập từng tiếng rất rõ, thình thịch đều đặn, lại càng nôn nóng muốn kết thúc cuộc đấu này thật sớm, để đưa sư đến một nơi an toàn và sau đó sẽ lo tìm danh y chạy chữa.
Việc điều trị lâu dài cho sư đối với chàng không phải là chuyện nan giải. Nhưng… làm thế nào thanh toán hai lão già kia thật mau lẹ? Dù nội công rất thâm hậu, nhưng chàng vừa giao đấu vừa vác một người trên vai, tất nhiên day trở thêm phần khó khăn. Ngô Mao duỗi chân trái dài ra, co chân phải lại, và nhún người thấp xuống một chút, cảm thấy thân hình thiền sư đè nặng lên cơ thể của mình. Máu đỏ từ miệng sư tuôn ra, chảy ròng ròng, ướt cả lưng chàng, khiến chàng thêm xao xuyến cảm thương.
Trong khi giao đấu nếu để bị phân tâm thì rất nguy hiểm, dễ dàng chuốc lấy sự thất bại, chàng biết vậy bèn mím môi lại, thở vào thở ra chậm chậm, rồi đưa ngọn côn lên cao, bất ngờ phạt xuống hạ bàn của nhị lão một nhát mãnh liệt, kình phong phát ra soạt soạt vô cùng dữ dằn.
Ngô Mao tiếp tục thi triển chiêu thứ hai, nhưng hai lão già kia vẫn chẳng hề hấn gì. Chàng sốt ruột và cảm thấy đắng nghét nơi yết hầu. Chàng nghĩ mình dù chết cũng không sao, nhưng còn tính mạng của thiền sư Quang Phú thì thế nào?
Ai sẽ cứu chữa cho sư nếu chàng bị ngã gục? Càng ưu tư, chàng càng thêm rối loạn tâm tư, thần khí, do đó tay chân bắt đầu rúng động và đường côn không còn linh hoạt như trước.
“Chát”
Ngô Mao bị trúng một chùy trên đầu vai phải, lúng túng huơ ngọn côn để đỡ bên hữu chống bên tả, thì nghe “soạt”, đầu gối chàng bị trúng một lưỡi thương, nghe mát lạnh, và những giọt máu nóng chảy xối xả xuống ống chân. Chàng thấy trời đất sụp đổ quanh mình, nhưng gắng gượng kéo dài cuộc đấu, thầm nghĩ ắt mình phải chết ngay đương trường.
Chữ Thái Hoàng biết kẻ địch núng thế, bèn ra chiêu hung hãn hơn trước, quát:
– Ngô Đại Vương hãy hạ khí giới quy hàng, bản bang sẽ đối xử tử tế…
Vệ Ngọc Lương vừa đỡ gạt nhịp nhàng vừa ra lệnh cho thủ hạ:
– Các bang chúng ở đâu? Phải bắt sống!
Bảy tám hán tử mặc võ phục đen thêu viền trắng, lập tức xông vào. Kẻ dùng đại đao, đứa dùng nhuyễn tiên, trường kiếm, lập tức nhất tề xông vào, nhắm Ngô Mao phóng những chiêu thức vô cùng hiểm ác.
Thấy cục diện chuyển biến bất lợi cho mình, chàng múa ngọn côn khi thì như con rồng quẫy đuôi, khi thì như sấm chớp bủa giăng, khi thì tựa con mãnh hổ vờn mồi – với thần thái dữ dằn hung tợn khiến ba bốn tên hán tử áo đen bị vỡ đầu gãy tay văng khỏi vòng chiến.
Hai tên trưởng lão buộc phải thoái lui nửa bước, vừa luýnh quýnh đỡ dạt vừa hò hét đốc thúc bọn hạ thủ tiến lên vây bắt Ngô Mao.
Chàng cười gằn:
– Hừm, trên đời này chỉ có mình ta nắm trọn bí mật kho tàng châu bảo kim ngân ấy. Nếu có chết, ta cũng ôm xuống cửu tuyền chứ không thể nào giao cho bọn bây.
Vệ Ngọc Lương lúc này đỡ gạt có phần mệt nhọc, hắn vừa thở vừa hét:
– Ngô Mao! Hãy hạ khí giới xuống và giao bức họa đồ cho bọn ta. Toàn bang sẽ để các hạ ra đi một cách vinh dự và an toàn. Bang chủ chúng ta sẽ…
Về phía Ngô Mao, lúc này chàng đã kiệt sức lắm rồi, nội lực hao tổn rất nhiều, tuy múa may có vẻ điên cuồng sôi nổi nhưng hạ bàn để lộ nhiều sơ hở.
ƠN LÀNH TAM BẢO HIỂN LINH
* * *
Bỗng từ phía ngã ba, bốn con tuấn mã rảo nhanh đến. Đi đầu là một nho sinh cao gầy, đầu chít khăn xanh, râu năm chòm phơ phất, khuôn mặt nghiêm nghị, tiếp đến là một đại hán mặt vàng râu dài mặc võ phục trắng tựa như đệ tử tục gia của Võ Đang, lưng đeo bạch hồng kiếm, bên cạnh là một hiệp khách mặt trắng môi đỏ không râu, mặc trường bào xanh, nơi yên ngựa lủng lẳng thanh trường kiếm. Và cuối cùng là một võ sĩ cao lớn vạm vỡ, mặt đỏ râu vàng, dáng điệu hùng dũng như một vị tướng quân sắp xuất trận.
Họ phi ngựa khá nhanh, dường như đang dáo dác tìm một nơi tránh nắng. Qua khỏi ngã ba, nhác thấy đám đông quần hùng đang nín thở, ngưng thần, lặng thinh quan sát cuộc ác đấu giữa một nhà sư trung niên mày rậm mặt vuông với chín mười người ăn mặc theo lối thủ hạ một bang hội nào đó, cả bọn bèn ngừng lại, tò mò ngắm xem.
Vị nho sinh bây giờ mới nhận ra trước mặt mình là một trận đấu ác liệt và không cân sức. Hai lão già có vẻ là hai cao thủ võ lâm cùng bảy tám thủ hạ vây đánh một nhà sư khoảng bốn chục tuổi, dáng điệu uy phong lẫm liệt, diện mạo bừng bừng sát khí đang luống cuống huy động thiết đồng côn, chống trả gần cả chục địch nhân mà tên nào cũng ghê gớm. Trên vai nhà sư lại vác một vị lão hòa thượng, máu me đầm đìa bộ tăng bào. Nho sinh hốt hoảng la lên:
– Cả chục người vây đánh uy hiếp một nhà sư! Hoàng hiền đệ, hãy ra tay nhanh lên cứu lấy nhà sư kia! Chúng ta là đệ tử Phật gia, lẽ nào dửng dưng trước cảnh bất công man rợ như thế này?
Chưa dứt lời, một bóng trắng rẽ dạt đám đông, bất ngờ phóng lưỡi kiếm Bạch Hồng chém một nhát vào ngực lão Chữ Thái Hoàng, hắn vung cây thương lên gạt thì tức khắc bị đứt làm hai đoạn, hắn sửng sốt chưa kịp phản kích thì lưỡi kiếm quay sang tiện đứt quả bát giác đồng trùy trên tay Vệ Ngọc Lương. Hai lão già ngơ ngẩn nhìn sang bọn thủ hạ thì thấy một hán tử trẻ tuổi vận áo bào xanh đang múa trường kiếm áp đảo bảy tám tên thủ hạ của mình.
Sự kiện này xảy ra quá đột ngột khiến Ngô Mao bàng hoàng kinh ngạc, vừa kịp thu ngọn côn về thì một võ sĩ vạm vỡ mặt đỏ râu vàng vọt đến bên mình, đưa tay đỡ nhẹ thiền sư Quang Phú, nói:
– Đại sư! Đại sư hãy trao lão hòa thượng cho tại hạ. Huynh đệ chúng tôi sẽ cứu chữa tức thời. Đại sư cứ yên tâm, hết thảy chúng tôi đều là đệ tử Phật gia…
Vừa trao sư Quang Phú cho đại hán lạ mặt, Ngô Mao chợt nhìn ra bãi giao tranh, thấy một vị công tử phục trang theo lối đệ tử Võ Đang, một hán tử vận trường bào xanh khuôn mặt thanh tú cao sang. Cả hai đang phát động trường kiếm tấn công tới tấp hai gã trưởng lão và bọn bang chúng Thiên Long Bang. Bọn chúng chống trả rất yếu ớt nhưng chẳng dám tháo chạy. Chàng gầm lên một tiếng, phục hồi phong độ, cảm thấy nội lực sung mãn hơn bao giờ hết, quên mình đang bị trọng thương ở vai và đùi, khập khiễng lao ngọn côn vào trận chiến bằng những chiêu thức uy mãnh khôn lường.
Giờ này thì trận thế đã đổi chiều. Hai tên trưởng lão vừa thở rốc chống đỡ mỏi mệt vừa lui dần về phía sau. Riêng bọn thủ hạ thì bị thương dần hết, nằm la liệt trên nền đất bụi. Ngô Mao la lớn:
– Nhị vị bằng hữu hãy nhường hai lão già khốn khiếp ấy cho tại hạ. Chính hắn đã đâm sư phụ tại hạ một nhát thủng ngực…
Vừa quát, chàng vừa quét thẳng ngọn côn vào đầu lão Chữ Thái Hoàng cốt kết liễu tánh mạng hắn, nhưng chợt nhớ lời căn dặn của thiền sư Quang Phú, bèn chuyển mũi côn nện dập xuống vai phải của hắn một nhát cực mạnh. Xương vai của lão họ Chữ nát bét, máu đỏ tiết ra rì rì. Thừa thắng chàng hươi ngọn côn xuống hạ bàn lão Vệ Ngọc Lương một nhát như phạt vào thân cây chuối, hai ống chân của lão bị gãy lìa, té ngửa nằm lăn lộn trên đất.
Khi ấy bọn thủ hạ của nhị lão đã mất hết khả năng chiến đấu, đứa nằm đứa ngồi lổm ngổm đó đây trong bãi giao tranh, tất cả bọn chúng đều bị thương tích trầm trọng dưới lưỡi kiếm của hai hán tử lạ mặt.
Hướng về hai vị ân nhân đã ra tay trợ giúp mình trong cơn nguy hiểm, chàng gọi lớn:
– Nhị vị bằng hữu, hãy dừng kiếm! Sư phụ tại hạ không cho phép chúng ta sát hại bọn chúng! Hãy dừng tay!
Hai hán tử lạ mặt tra lưỡi kiếm vào bao, trong khi quần hùng tưởng rằng Ngô Mao được các cao thủ cứu viện với lực lượng cường liệt đông đảo, nên khiếp hãi rủ nhau bỏ đi tứ tán. Ngô Mao bước cà nhắc đến vòng tay thi lễ:
– Kính chào nhị vị ân nhân! Xin đa tạ nhị vị nhọc công cứu giúp kịp thời, tại hạ… tại hạ… chẳng biết nói năng làm sao đây…
Hai hán tử vội chắp tay đáp lễ. Người bận võ phục trắng mỉm cười hòa nhã:
– Kính chào đại sư! Vãn sinh là Hoàng Tuấn Hải. Còn đây là bằng hữu họ Tống tự Hòa Mục, ngoại hiệu Thượng Kiếm, một danh sĩ đất Yên. Cả hai chúng tôi cùng hai người huynh đệ kết nghĩa sáng nay khởi hành từ Lạc Thành về Phúc Châu có chút việc, ngang qua đây thấy sự bất bằng bèn ra tay. Đồng đạo võ lâm giúp nhau là sự thường. Chẳng hay bọn chúng thuộc bang hội nào mà võ công và binh khí kỳ dị như thế?
Ngô Mao cảm thấy bắt đầu đau nhức ở bả vai và đầu gối, chàng ngồi bệt trên nền đất, xé ống tay áo ra băng bó vết thương, đáp:
– Bọn chúng là hai tên trưởng lão và bang chúng của Thiên Long bang. Ủa, sư phụ của tại hạ đâu rồi?
– Thưa đại sư, lão hòa thượng đang được vị huynh trưởng của vãn sinh cứu chữa đằng kia kìa…
ĐỐI CẢNH VÔ TÂM MẠC VẤN THIỀN
* * *
Ngô Mao phóng ánh mắt trông theo ngón tay của Hoàng công tử nhìn thẳng đến mấy gốc cây trước quán trà ven đường, thấy thấp thoáng vài bóng người. Chàng lê đôi chân vừa chạy vừa thở hổn hển như muốn đứt hơi, mặt mày hốc hác tiều tụy. Hoàng Tuấn Hải và Tống Hòa Mục chậm rãi theo sau.
Đến nơi, Ngô Mao thấy sư đang nằm dài trên cỏ gối đầu lên gốc cây, đôi mắt nhắm nghiền, môi vẫn mấp máy thì thầm niệm Phật. Bên cạnh sư là một nho sinh cao gầy, râu năm chòm suông đuột, đang chẩn mạch cho sư. Còn vị đại hán mặt đỏ râu vàng thì hối hả băng bó lại vết thương nơi ngực và sau lưng.
Ngô Mao gục đầu xuống nệm cỏ thưa, giơ hai tay nắm lấy đôi chân gầy của sư, khóc rống lên:
– Sư phụ ơi! Sư phụ đừng chết! Đệ tử xin đem cái mạng chó má này để đổi lấy sự sống còn của sư phụ!
Hoàng Tuấn Hải liếc mắt nhìn qua Tống Hòa Mục, cả hai đều tỏ vẻ kinh dị vô cùng. Đường đường là một nhà sư khí phách hào hùng như vậy, sao vị đại sư này lại ăn nói thô lỗ và khóc lóc như đứa trẻ mới lên ba?
Khi ấy, vị nho sinh chẩn mạch vừa xong, gật gù, mừng rỡ nói:
– Thưa đại sư, chớ nên quá lo âu, phiền muộn đến thế. Lão hòa thượng chẳng đến nỗi nào. Mạch phù đại chút đỉnh, giây lát sẽ điều hòa trở lại, chỉ bị ngoại thương mà thôi. Vãn sinh may mắn mang thuốc trị thương sẵn, nhất thời tạm bình phục, sau này hẳn hay…
Vừa nói, y vừa lấy tay chùi sạch những vết máu trên khóe miệng sư, rồi móc bọc áo lấy ra một lọ thuốc màu xanh, đựng một thứ cao màu đen, dốc chầm chậm vào mồm sư. Xong, y khẽ cúi đầu chào Ngô Mao, tự giới thiệu:
– Vãn sinh là Tôn Nhất Lang, vị hiền đệ này họ Tần, tự Đại Phong. Phải chăng đại sư và lão hòa thượng đều là cao tăng của phái Thiếu Lâm?
Ngô Mao ngẩng đầu, lấy tay gạt nước mắt đầm đìa trên mặt, lắc đầu:
-Không phải! Tại hạ xuất thân nơi chốn giang hồ, không phải là người xuất gia như chư vị lầm tưởng. Lão hòa thượng này là sư phụ tại hạ, pháp hiệu Quang Phú thiền sư ở thành Phúc Châu…
Cả bọn đều trố mắt sửng sốt, tóc tai dựng đứng, tưởng chừng như nghe sét nổ bên lưng, ngạc nhiên cùng cực. Tôn Nhất Lang ngỡ ngàng giây lâu, rồi lấy bàn tay nắm đầu vai Ngô Mao lắc mạnh, hỏi:
– Có thật thế chăng? Có phải đây là Quang Phú thiền sư chùa Báo Ân?
Ngô Mao nổi giận quát lớn:
– Đường đường một hảo hán giang hồ như ta, không lẽ buông lời giỡn cợt chư vị hay sao?
Nghe tiếng quát đinh tai nhức óc ấy, sư Quang Phú đột nhiên khẽ hé mắt ra, nói phều phào:
– A Di Đà Phật! Phiền các vị cư sĩ một phen tân khổ! Lão nạp là tỳ-kheo Quang Phú ở Báo Ân tự, thành Phúc Châu…
Tôn Nhất Lang vừa nghe qua, liền sụp lạy dưới chân:
– Đệ tử họ Tôn, xin bái kiến Lão hòa thượng, không ngờ được hội ngộ tại nơi đây…
Sau khi cung kính đảnh lễ lão hòa thượng ba lần, Tôn Nhất Lang quay sang nói với Hoàng công tử:
– Hiền đệ, vậy thì chúng ta khỏi phải đi Phúc Châu làm gì. Tiểu huynh muốn đệ thỉnh lão hòa thượng về Hoàng gia trang điều trị một thời gian. Ý kiến của hiền đệ như thế nào?
Tống Hòa Mục mừng rỡ nói ngay:
– Vâng, hay quá! Điều này thật thuận tiện cho tại hạ vì được thân cận lão hòa thượng để nghe chỉ giáo. Trang viên của Hoàng công tử lại rộng rãi thoáng đãng, thích hợp cho việc dưỡng thương…
Hoàng Tuấn Hải chắp tay hướng về Ngô Mao nói:
– Xin đại sư cho phép bọn huynh đệ vãn bối mang Lão hòa thượng về tệ trang tĩnh dưỡng và thuốc thang…
Ngô Mao cảm kích, run run:
– Nếu chư vị bằng hữu đưa sư phụ tại hạ về quý trang để chăm sóc, chạy chữa, thì… tại hạ… tại hạ biết nói sao cho phải…
Hoàng công tử hỏi:
– Đại sư là đệ tử của lão hòa thượng, ắt hẳn đại sư cũng xuất thân Báo Ân Tự?
Ngô Mao do dự một lát, rồi cười:
– Ha ha, nói ra chỉ tổ xấu hổ mà thôi. Tại hạ chẳng phải là một tỳ kheo chân chính đâu. Cách đây chừng nửa tháng, tại hạ vượt ngục, được sư phụ cứu giúp và đưa ra khỏi thành Phúc Châu, nếu chậm trễ ít bữa ắt biến thành dã quỷ không đầu! Nếu chư vị huynh đệ nguyện ý mang sư phụ về quý trang, thỉnh danh y điều trị cho đến khi hồi phục, thì tại hạ nguyện kết cỏ ngậm vành báo đền ân đức…
Tôn Nhất Lang chắp tay:
– Thưa đại sư, đó là bổn phận của người đệ tử Phật gia, đại sư chớ quá ưu lự…
Hoàng công tử hỏi:
– Vãn bối mạo muội thỉnh cầu đại sư cho biết pháp hiệu để tiện việc xưng hộ, mong đại sư…
Ngô Mao xua tay:
– Không phải đâu! Tại hạ đã bảo rằng tại hạ không phải là một nhà sư gì hết và chưa hề xuất gia một ngày nào. Tại hạ… chính là Ngô Mao, bị giam cầm trong ngục thất Phúc Châu cả tháng nay, nhất tâm hộ tống lão hòa thượng đến Bạch Cốt Sơn…
Hoàng công tử lại kinh ngạc lần nữa:
– Thật không ngờ, té ra đại sư… chính là Nhất Kiếm Đoạn Hồn, Ngô đại hiệp mà uy danh chấn động võ lâm hơn hai chục năm nay? Quả thật, bọn huynh đệ vãn bối có mắt không tròng…!
Ngô Mao bẽn lẽn:
– Vâng, tại hạ cũng có chút hư danh trên chốn giang hồ, nay lâm vào tuyệt lộ, nhờ chư vị bằng hữu ra tay kịp thời, nếu không… Nhưng tại hạ sống chết là việc nhỏ, bại trận là việc thường, điều khẩn yếu nhất là phải chu toàn tánh mạng cho sư phụ.
Nếu đem Ngô Mao này ra chém cả trăm ngàn lần, cũng không bù được sự an nguy của sư phụ. Chư vị bằng hữu đã cứu giúp tại hạ, lại còn mang sư phụ về quý trang chạy chữa, ân đức ấy thật khó báo đền, xin hãy nhận một lạy của Ngô Mao này…
Nói xong, Ngô Mao sụp lạy trước cả bọn huynh đệ Tôn Nhất Lang, đỉnh trán nện sát đất. Hoàng Tuấn Hải vội vàng đáp lễ:
– Thưa đại sư… ủa quên, thưa Ngô đại hiệp, chớ đa lễ như thế khiến anh em vãn bối áy náy vô cùng.
Tôn Nhất Lang cúi lạy, bẩm:
– Thưa Ngô đại hiệp, vãn bối cùng các huynh đệ phát tâm về chùa Báo Ân thành Phúc Châu cầu kiến Lão hòa thượng Quang Phú, một vị thiền sư thâm ngộ Phật pháp, ngờ đâu mới ra khỏi Lạc Thành mấy trăm dặm đã hội ngộ nơi đây. Quả nhiên, “chí thành thông thần”, chẳng cần phải vượt cả ngàn dặm làm chi…
Ngô Mao hăng hái:
-Tại hạ xin chuẩn bị mọi việc, để khẩn cấp đưa sư phụ qua Hoàng gia trang. Xin chư vị bằng hữu giúp vào một tay… . . .
Trong khoảng thời gian uống cạn một tuần trà, năm người này đã đưa sư lên nằm sau xe ngựa. Ngô Mao giữ việc đánh xe. Tôn Nhất Lang, Hoàng công tử, Tống Hòa Mục đều cưỡi ngựa theo sau, khuôn mặt ai nấy rạng rỡ tươi cười. Cuối cùng là Tần Đại Phong lầm lì dưới nắng, vừa cưỡi ngựa vừa dẫn theo con ngựa màu trắng của Ngô Mao, nhắm thẳng hướng Lạc Thành mà tiến.
Đã quá giờ ngọ, trời nóng bức hơn trước, mới đi được vài dặm, Ngô Mao đột nhiên thắng dây cương một cách bất thần, nói:
– Chư vị bằng hữu, tại hạ nghĩ ra rồi, nếu tại hạ đi chung với chư vị, sẽ rất nguy hiểm cho sư phụ cũng như gây nhiều phiền phức. Bọn hảo thủ các môn phái và các bang hội, sẽ truy kích tại hạ ráo riết. Chi bằng tại hạ cưỡi ngựa rẽ sang một tiểu lộ nào đó, hẹn gặp nhau tại trang viên của Hoàng công tử…
Tống Hòa Mục gật đầu:
– Tống mỗ tình nguyện đánh xe giùm cho, đưa Lão hòa thượng đến nơi an toàn.
Tôn Nhất Lang khen ngợi:
– Kế ấy rất hay!
Ngô Mao chắp tay chào tất cả mọi người rồi lên ngựa, phóng nhanh vào một con đường nhỏ và mất hút sau đó không lâu. Tống Hòa Mục dẫn ngựa của mình đến bên Hoàng Tuấn Hải, trao dây cương cho y, cười:
– Phiền công tử dẫn con ngựa về nhà giúp tiểu đệ. Bây giờ, tiểu đệ vô cùng hân hạnh được làm người đánh xe cho Lão hòa thượng.
Hoàng Tuấn Hải ra roi:
-Bất tất nhiều lời, chúng ta nên gấp rút đi nhanh hơn, kẻo trời nắng quá rồi.
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật…
Discussion about this post