Nguyễn Đan Anh
Chùa Thiền Tịnh nằm trên Quốc lộ 20 thuộc xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, nằm bên phải quốc lộ theo hướng từ TP.HCM lên Đà Lạt, và từ đây vào đến thị trấn Định Quán còn khoảng hơn 1km. Như tên gọi, chùa Thiền Tịnh nằm lặng lẽ và trầm mặc trên một vùng đất qui tụ rất nhiều giáo xứ với những ngôi nhà thờ vút cao như đan kẽ vào nhau. Trước kia, đây là nơi định cư của đồng bào có đạo di cư từ miền Bắc vào Nam năm 1954.
Khi lên Đà Lạt, khách thập phương có khuynh hướng dừng chân ở những ngôi danh lam, hoặc có khuôn viên rộng lớn, hoặc có nhiều kiến trúc uy nghi, vừa để viếng chùa vừa được ngoạn cảnh; như quần thể các ngôi chùa ở khu vực Đại Ninh huyện Đức Trọng khiến con đường dẫn vào nơi đây được khách hành hương gọi mãi đã thành địa danh là Ngã ba Chùa Đại Ninh; như trên đường qua đèo Prenn có Thiền việnTrúc Lâm; như khi đã vào đến Đà Lạt có Thiền viện Vạn Hạnh, chùa Quan Âm, chùa Linh Sơn, chùa Linh Phước… Nhưng vẫn còn đó những ngôi chùa nhỏ bé, tên tuổi ít được biết đến, ít người viếng thăm, thường nằm cô quạnh, và thường mang dáng dấp hoang sơ, vắng vẻ.
Tôi biết được ngôi chùa Thiền Tịnh này cũng do một nhân duyên rất lạ và khó có thể giải thích. Vẫn biết những sự kiện chưa chứng minh được bằng khoa học thì thường được cho là chuyện hoang đường; trong khi đạo Phật là đạo của trí tuệ, tin mọi vật vận hành theo qui luật nhân quả. Tuy nhiên, như những người học Phật khác, tôi chiêm nghiệm rằng những điều linh ứng vẫn là những hiện tượng không thể nghĩ bàn khi con người đang còn vô minh, tiếp tục trôi lăn trong vòng sinh tử. Vì thế, tôi cũng cố viết đôi dòng kể về sự kiện.
Em gái tôi là một nhà doanh nghiệp xây dựng nhỏ, cả gia đình đều là những Phật tử thuần thành. Tháng 8 năm 2009, nhân có một công trình trên Đà Lạt, em tôi thường đi lại trên tuyến đường này và thường thoáng thấy những ngôi chùa có dáng vẻ đơn sơ. Cô ấy có ý định mua sắm chút quà để cúng dường các chùa này với tâm niệm rất đơn giản, xem đó là trách nhiệm của một người Phật tử và cũng để cầu mong sự gia hộ cho công việc luôn được suôn sẻ.
Một hôm trên đường đi gần đến Định Quán, chúng tôi thấy một ngôi chùa nằm khuất sau một cội bồ đề xum xuê cành lá. Chùa có vẻ giống như một ngôi đình của một làng nào đó, mái ngói rêu phong, tường vôi loang lổ theo thời gian. Em gái tôi dừng xe và nhờ cô nhân viên vào chùa để thăm hỏi trước.
Cô nhân viên đảo quanh ngôi chùa nhưng chánh điện cửa đóng then cài và không có vẻ là một ngôi chùa như cô nghĩ. Hình ảnh một ngôi chùa đúng nghĩa theo cô hình dung là phải có cổng tam quan, mái chùa cong vút hình đao có rồng, phượng như từng thấy ở những ngôi chùa khác; nhưng khi đi quanh, cô chỉ thấy có một người phụ nữ không phải người xuất gia đang nghỉ trưa trên võng mắc bên chái phía hông khu vườn (sau này chúng tôi biết đó là một Phật tử đến làm công quả); cô cho rằng trước đây chỗ này có thể đã từng là một ngôi chùa, nay có vẻ hoang phế vì không thấy bóng dáng của một nhà sư nào cả!
Cô nhân viên quay ra “báo cáo” tình hình và huơ tay chắc nịch tuyên bố với mọi người: “đây không phải là chùa!” và “đây là chùa dỏm!” (nguyên văn). Sau đó, cả đoàn tiếp tục lên đường, ghé một vài ngôi chùa khác trên đường để cúng dường số quà mang theo.
Buổi sáng trời cao nguyên Lang Biang mát lạnh, sương còn vương vấn trên những ngọn thông trong thành phố. Cái tươi mát xóa đi những mệt nhọc của chuyến đi hôm trước. Mọi người tươi tỉnh, phấn chấn hẳn lên, chỉ trừ cô nhân viên được giao nhiệm vụ “thám thính” ngôi chùa ngày hôm qua. Nét mặt cô nhân viên có vẻ lo lắng, lòng băn khoăn như có điều gì muốn nói. Sau cùng, quây quần trong bữa điểm tâm, cô nhân viên mới kể lại:
“Đêm qua trong giấc ngủ, em mơ thấy một cụ hòa thượng đến và dạy rằng: ‘Sao con nói đây không phải là chùa? Ở đây vẫn có một ni sư trụ trì ngày ngày dâng hương, tụng kinh cúng Phật’. Em sợ quá, tỉnh giấc và không ngủ tiếp được nữa. Nghe xong, mọi người tỏ vẻ trầm ngâm, bán tín bán nghi.
Tôi trấn an cô nhân viên rằng nếu vì vô tình xúc phạm do thiếu hiểu biết thì ta chỉ cần thành tâm sám hối thôi, còn giấc mơ chỉ là một giấc mơ, ai trong đời cũng một lần ngủ mơ thấy một điều gì đó. Riêng tôi nghĩ, hàng ngàn năm qua cho đến tận hôm nay, nhân loại vẫn đang tìm cách lý giải ý nghĩa của những giấc mơ. Và ngay cả trong tôn giáo vẫn có hiện tượng báo mộng sự khởi nguyên của một tôn giáo như sự tích giấc mơ của hoàng hậu Ma-da với voi trắng sáu ngà; hay thiên thần Grabiel báo mộng cho ông Giuse, chồng của bà Maria, về sự ra đời của Chúa Giêsu; vì vậy, giấc mơ của cô nhân viên cũng có thể mang một ý nghĩa nào đó.
Lưu lại vài hôm ở Đà Lạt rồi cũng phải quay trở về với công việc. Trên đường về, câu chuyện của cô nhân viên kể về giấc mơ cứ thoáng qua đầu mọi người. Và chúng tôi cố tìm lại ngôi chùa để gửi phần quà còn lại nhưng lòng vẫn áy náy vì món quà đơn sơ quá, tuy vẫn biết lòng thành là chính chứ không phải là hình thức của phẩm vật. Chúng tôi đều nhớ chuyện ngọn đèn chỉ có một giọt dầu của bà lão ăn xin thành tâm đốt đèn dâng Phật vẫn sáng đỏ suốt đêm, trong khi các ngọn đèn của những người nhà giàu cúng Phật với tâm cầu xin thì đã tắt ngấm từ lâu. Thế mới biết giữa tri và hành là một khoảng cách khó vượt qua.
Xe qua Định Quán, chúng tôi đi thật chậm để tìm lại ngôi chùa vừa ghé qua mấy hôm trước và nhận ra ngay cội bồ đề trồng trước sân chùa. Mọi người xuống xe và cùng vào thắp hương. Không gian vắng tanh, chỉ nghe tiếng đám lá khô xào xạc bị gió đuổi cuộn tròn quanh quẩn trên sân.Vào đến bên trong vẫn không thấy một bóng người. Đợi ngoài sân một lúc mới thấy một ni sư hiện ra đón khách. Tôi hỏi sao chùa vắng vẻ quá như chẳng có ai, thì sư cho biết ngoài sư ra còn có hai ni cô nữa đang bận làm rẫy, chùa chẳng mấy khi có khách thập phương đến thăm nên mọi người thường ra làm ngoài rẫy sau chùa.
Người tiếp chúng tôi là sư bà trụ trì Thích nữ Như Ý, sư mời chúng tôi dùng trà và đàm đạo. Tôi hỏi sư về tông tích ngôi chùa và biết rằng ngôi chùa được một hòa thượng khai lập từ trước đây rất lâu, nay ngài đã viên tịch; sau này sư bà Như Ý có duyên được Giáo hội Phật giáo tỉnh Đồng Nai bổ nhiệm về đây. Tôi nói chùa ta có vẻ thanh bạch quá. Như đọc được suy nghĩ của tôi, sư bảo vô cầu là hạnh nguyện của người xuất gia, mọi sự đều do nhân duyên. Sau đó, sư dẫn chúng tôi thăm chùa. Khi vào đến nhà tổ, cô nhân viên bỗng sợ hãi, òa khóc và nói bức di ảnh trên bàn thờ chính là vị hòa thượng đã về báo mộng hôm trước. Chúng tôi ai cũng lặng người. Trong gian chánh điện, mùi hương lan tỏa, luồng ánh sáng của những bóng đèn halogen trên mái rọi xuống quyện lẫn khói hương, tỏa lên trông giống như những đám mây trắng rồi cuốn hút qua khe cửa, bay đi.
Đúng như giấc mộng của cô nhân viên! Điều thắc mắc là tại sao một ngôi chùa ni lại được một sư ông báo mộng đã được giải tỏa. Sự trùng hợp giữa một giấc mơ với sự thực khách quan là một sự kiện kỳ lạ, và tôi chỉ ghi lại những sự kiện diễn ra đúng như bản chất của nó, cố tránh mọi chi tiết nào có thể làm cho câu chuyện mang sắc màu linh thiêng hay huyền bí. Tôi cũng đã cố lý giải vấn đề, rằng cô nhân viên đã lỡ tuyên bố chắc nịch “chùa dỏm” nên trong lòng áy náy khiến có giấc mơ. Cũng chính tâm trạng đó đã khiến cô nhận ra vị hòa thượng trong di ảnh là người đã xuất hiện trong giấc mộng của mình. Chứ hình ảnh trong mộng lờ mờ, làm sao nhận diện? Tuy nhiên, tôi tin sư bà Như Ý có thể cũng sẽ đọc bài viết này.
Về lại Sài Gòn, chúng tôi kể lại câu chuyện trong chuyến đi vừa qua với gia đình và bạn bè, nhắc đến tình trạng ngôi chùa còn quá đơn sơ và đã xuống cấp theo thời gian; thế rồi ngôi chùa ấy nay đã trở thành địa điểm quen thuộc mà chúng tôi luôn ghé thăm khi có dịp đi qua cung đường này.
Ngày nay, kiến trúc của chùa vẫn như xưa nhưng cổng và hàng rào vừa được xây mới khang trang hơn. Một nửa khoảnh đất trước cổng chùa đã được san lấp, xe của khách ghé thăm có thể dừng đậu được, còn phần bên kia vẫn còn là một vùng trũng thấp như lũng sâu. Những cây trái chùa trồng phần lớn chưa một lần ra quả. Đây là một ngôi chùa nghèo điển hình của vùng nông thôn bán sơn địa. Sự quá đơn sơ của chùa cũng là sự thiệt thòi cho những Phật tử khi qui tụ về điểm tựa tâm linh của mình.
Câu chuyện về một chuyến đi đã tạo cho chúng tôi thêm nhiều suy tư về lẽ mầu nhiệm của Phật pháp. Như Đức Phật đã dạy trong kinh Pháp Cú: Ý dẫn đầu các pháp. Khi chúng ta phát nguyện với một hạnh nguyện trong tâm ý, nhưng đôi khi việc làm lại do vô minh dẫn dắt, khi đủ duyên, chúng ta sẽ bắt gặp sự gia hộ, dẫn dắt chúng ta trở về con đường như hạnh nguyện ban đầu. Hồi tưởng lần ghé thăm chùa, nhìn những tấm bạt che nắng che mưa giăng mắc quanh chùa, tôi chợt nghĩ đến những cơn mưa xối xả sẽ về cùng với những cơn lốc dữ khi mùa hạ qua đi… (Văn Hóa Phật Giáo)
Discussion about this post