AI ĐÚNG AI SAI?
Thiện Ý
Chiều hôm nay trời California bỗng dưng se lạnh và cơn hạn nhiều năm hình như vẫn còn đang tiếp diễn. Có người cho là vì sức nóng tăng nhanh trong biến đổi khí hậu toàn cầu (global warming) nên mới sanh cớ sự. Có người lại nói rằng do con người hủy hoại cây cỏ, làm ô nhiễm môi sinh nên mới có kết cục như vầy. Còn người khác lại lên tiếng là làm gì có chuyện sức nóng tăng nhanh trong khí hậu, mà do sự thay đổi chu kỳ của thời tiết mà thôi! Người lại nói rằng đó là dấu hiệu ngày tận thế sắp đến v.v… Dù là các khoa học gia hay người bình thường, không ai đồng ý với nhau hoàn toàn về việc biến đổi khí hậu này. Và tất nhiên, cuộc tranh cãi vẫn còn đang tiếp diễn.
Chuyện xưa (theo Liệt Tử): Có hai đứa bé nọ tranh cãi nhau về chuyện mặt trời lúc vừa mới mọc và lúc giữa trưa, lúc nào thì ở gần hơn. Một đứa nói rằng: Mặt trời lúc mới mọc ở gần ta hơn, về buổi trưa ở xa ta hơn vì mặt trời lúc mới mọc to như cái bánh xe, đến giữa trưa thì nhỏ như cái chén, thế chẳng phải tại xa ta mới nhỏ, gần ta mới to là gì? Đứa kia giải thích ngược lại: Tôi cho mặt trời lúc mới mọc ở xa ta hơn, về buổi trưa mới ở gần ta hơn vì lúc mặt trời mới mọc thì mát mẻ, đến giữa trưa thì nóng bức, thế chẳng phải gần ta mới nóng, xa ta mới mát là gì? Vậy là, cả hai đứa bé đều đưa ra được những dẫn chứng, cách suy luận xem chừng rất… hợp tình, hợp lý.
Tại xứ Mỹ này, nghề hái ra tiền là làm luật sư, là nghề chuyên cãi cọ để dành phần đúng về cho thân chủ của mình. Những người giàu sang sẽ trả rất nhiều tiền để dành được phần thắng, từ kiện tụng người ngoài cho đến cả người thân. Thậm chí có người không giàu cũng chịu chi rất tốn kém để được phần đúng cho mình.
Không biết đây có phải là bản tính chung của con người, nhưng ở đời ai cũng muốn mình đúng và ít khi chấp nhận mình sai. Phải chăng vì mình muốn bảo vệ cái bản ngã, cái tôi của mình nên luôn tìm mọi cách đem phần phải, phần đúng về mình? Có thể đó là do bản năng sinh tồn!? Nhưng nếu chúng ta dứt khoát cho rằng ý nào của mình cũng đúng cả; và chúng ta ai cũng tin là mình làm đúng hết! Vậy thì, ai là người sai? Đây là điểm rắc rối lớn trong đời sống.
Trong kinh Nền tảng đức tin (Kalama Sutta, kinh Tăng chi bộ III, HT.Thích Minh Châu dịch), có một nhóm người hỏi Phật như sau: “Bạch Thế Tôn, và một số Sa-môn, Bà-la-môn khác cũng đi đến Kesaputta, họ làm sáng tỏ, làm chói sáng quan điểm của mình, nhưng họ bài xích quan điểm người khác, khinh miệt, chê bai, xuyên tạc. Đối với họ, bạch Thế Tôn, chúng con có những nghi ngờ phân vân: Trong những Tôn giả Sa-môn này, ai nói sự thật, ai nói láo? Phật dạy: Này các thiện nam tín nữ Kalama, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về mười nền tảng của đức tin chân chánh:
– Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
– Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
– Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
– Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
– Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
– Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
– Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
– Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
– Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
– Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết”.
Trong kinh Đức Phật dạy: Cái thấy đúng hay sai của chúng ta thường được lọc qua lăng kính của những điều trên. Chúng ta thu nhặt những dữ kiện, tin tức, văn hóa, truyền thông, v.v… và rồi nhào nặn, tái chế chúng qua những phán đoán, nhận xét của riêng ta để biến chúng trở thành cái đúng của mình! Cho nên nếu không xét kỹ qua những kinh nghiệm cụ thể, chúng ta sẽ dễ dàng bị lừa như câu chuyện dưới đây:
“Có một vị đại tướng Mông Cổ nổi tiếng và quân lính của ông ta đã đánh chiếm một phần lớn của miền Trung Á. Giờ đây quân đội của ông đều đã mệt mỏi và nhớ nhà. Ông ta muốn họ đánh tiếp để chiếm giữ thành phố lớn Samarkhan mà được phòng thủ với số lượng quân lính gấp năm lần số lính của ông ta. Ông biết rằng họ có thể thắng nhưng quân sĩ của ông lại do dự.
Một bàn thờ được dựng lên để họ cầu xin lời chỉ dạy của các thần linh. Trước khi chấm dứt buổi tế lễ, vị đại tướng cầm một đồng tiền vàng lớn và nói rằng ông sẽ gieo một quẻ để xem thần linh dạy như thế nào. Nếu là mặt hình, quân của ông ta sẽ thắng lớn.
Quẻ gieo ra mặt hình, và được khích lệ bởi lời dạy của thần linh, quân ông ta dễ dàng tiến chiếm thành phố. Sau đó một sĩ quan nói với vị đại tướng: Khi chư thần đứng về phe ta, không có gì có thể ngăn cản chúng ta. Vị đại tướng cười lớn đồng tình và cho ông sĩ quan xem đồng tiền vàng có hai mặt hình giống nhau”.
Thế mới biết niềm tin có đôi lúc dễ dàng bị người khác lợi dụng và nếu mình không có kinh nghiệm tự thân thì rất dễ dàng bị lôi kéo. Nếu niềm tin mang lại thành công như câu chuyện trên thì chẳng nói gì. Nhưng nếu thất bại thì người bị lường gạt quá nhiều, dễ dàng sanh tâm nghi ngờ với mọi tình huống. Cả hai kết quả đều không mang lại niềm tin chân chánh vì niềm tin chân chánh có được là do có Chánh kiến, nương vào từ những trải nghiệm bản thân cụ thể trong cuộc sống.
Việc đúng, việc sai thật ra chỉ là phiến diện vì tính cách chủ quan nên mình luôn cho ý mình là đúng đắn nhất! “Sau một buổi học, hai thiền sinh ra về và hăng hái tranh luận về chủ đề vừa được nghe giảng. Vị nào cũng ra sức biện luận bằng cách hiểu của mình mới là đúng. Để minh định đúng sai, họ cùng nhau tìm đến nhờ thầy mình phân xử.
Sau khi nghe hết phần trình bày của vị thiền sinh thứ nhất, người thầy nói: Con đúng! Nghe xong, vị này vô cùng hoan hỷ, rời khỏi phòng và không quên liếc nhìn người bạn đồng môn đầy ngụ ý. Vị thiền sinh thứ hai bắt đầu bực bội và trình bày cho thầy về cách hiểu của mình đối với bài giảng vừa được học. Sau khi nghe xong, người thầy đáp: Con cũng đúng! Nghe xong lời thầy, vị thứ hai phấn khởi hẳn lên và ra về.
Một thiền sinh thứ ba cũng có mặt trong phòng vô cùng ngạc nhiên về những gì được chứng kiến. Người này hỏi: Con không hiểu, thưa thầy. Cách hiểu của hai vị hoàn toàn đối lập nhau. Không thể có chuyện cả hai vị đều đúng! Người thầy mỉm cười nhìn vào mắt vị thứ ba và đáp: Cả con cũng đúng!” (theo Tâm an lạc của Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa).
Câu chuyện thật là đẹp và toàn hảo. Nhưng điều này có thật sự xảy ra trong đời thường? Vậy vị thiền sư muốn dạy cho các đệ tử mình bài học gì đây? Câu trả lời xin để dành cho mọi người tự phân giải.
Ngay như bài viết này cũng chỉ bàn về việc đúng sai chớ không có ý muốn thuyết phục người đọc phải đồng ý với tác giả. Cho nên việc phát huy Chánh kiến vô cùng quan trọng và phức tạp. Vì mình luôn cho rằng quan điểm của mình là gần đúng nhất nên tâm tư và trí tuệ của mình sẽ dừng lại ở đó. Ai có những ý kiến hoặc suy nghĩ khác với mình, thì chúng ta phải vận dụng nhiều công sức lắm mới có thể lắng nghe và chấp nhận.
Bài đọc thêm:
Kinh Kalama Anh – Việt (HT. Thích Minh Châu)
Niềm Tin Và Kinh Kalama (Nguyễn Duy Nhiên)
Về Bài Kinh Kalama (Tỳ kheo Bodhi- Bình Anson dịch)
Thiện Ý
Discussion about this post