TÔI TU THEO QUÁN THẾ ÂM:
VÔ SANH PHÁP NHẪN
PHỔ TẤN
Một người đi vượt biên từ Huế đi về hướng Hong kong, trên thuyền đánh cá nhỏ của gia đình gồm 5 người, đi được 5 ngày mà lạc đường hết xăng dầu trôi bềnh bồng trên biển. Cả nhà sắp chết khát và đói. Cả nhà quì lạy cầu nguyện Quán thế âm suốt ngày đêm cứu giúp cứu nạn. Với lòng thành, với tu theo Quán thế Âm từ lâu khi còn ở Huế, cầu xin được hai ngày thì có báo ứng. Tự nhiên có 3 con cá voi, một con đi đầu dẫn đường còn hai con còn lại cập kẹp vô thuyền hai bên hông mạn thuyền mà bơi về hướng mà sau này biết là Hong kong. Ba con cá ông nầy bơi như vậy suốt 2 ngày 2 đêm thì sáng ra, thấy bờ đất liền là Hong kong thì đàn cá chia tay. Cả nhà sống được và đi Mỹ ở California đến ngày nay. Như vậy giải thích tu tập theo Quán thế Âm là có thật. Nhưng tại sao có người linh ứng có người không? Giải thích là do căn cơ tu tập, lòng thành kính, nghiệp và duyên. Chúng ta hiểu Quán thế Âm là một vị vô tướng, chỉ là một năng lượng (energy) mà đã là năng lượng, thì vô tướng và dưới dạng sóng âm có cường độ tần số và vận tốc. Như vậy chúng ta cầu nguyện ngài thì cũng phải hòa hợp cùng tần số cùng cường độ vận tốc. Cường độ có khi hơn(do nhiều người đồng nguyện) càng tốt, nhưng tần số phải phù hợp. Như vậy mới hòa điệu (synchronize) với ngài, muốn vậy phải tu tập nhập tâm nhất tâm bất loạn mọi sắc na với ngài, đó là tu tập theo Quán thế Âm mà bài viết nầy muốn nghiên cứu. Trước hết chúng ta hiểu Quán thế Âm tu tập thành Bồ tát như thế nào? Bồ Tát Quán Thế Âm. Danh hiệu của Ngài là Quán Tự Tại. Quán Thế Âm là quán sát âm thanh của thế gian. Chúng ta đều biết Ngài, vì Ngài từ bi nhất, như tình thương của người mẹ ban cho chúng sinh tất cả sự mong cầu. Do đó, tại Á Châu có câu liễu rằng: Nhà nhà Quán Âm, cửa cửa Di Đà Phật. Bồ Tát Quán Thế Âm là đệ tử lớn của Phật A Di Đà. Phật A Di Đà là giáo chủ cõi Tây phương thế giới Cực Lạc. Bên trái của Ngài là Bồ Tát Quán Thế Âm, bên phải của Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí. Đó là Tây phương Tam Thánh. Khi Phật A Di Đà hết làm giáo chủ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm lên thay thế làm giáo chủ, sau đó khi Bồ Tát Quán Thế Âm hết làm giáo chủ, thì Bồ Tát Đại Thế Chí lên thay thế làm giáo chủ. Vì Bồ Tát Quán Thế Âm, thường hóa hiện vô lượng số thân hình để cứu độ khổ nạn của chúng sinh, cho nên Ngài có danh hiệu là Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát. Ngài dùng ngàn con mắt chiếu soi chúng sinh trôi nổi trong biển khổ, cho nên dùng ngàn tay để cứu vớt chúng sinh lìa khỏi biển khổ, khiến cho họ đến nơi yên ổn an vui. Phẩm thứ hai mươi lăm trong Kinh Pháp Hoa là Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm Bồ Tát, chuyên nói về thần lực không thể nghĩ bàn của vị Bồ Tát nầy. Phẩm thứ sáu trong Kinh Lăng Nghiêm nói về Nhĩ Căn Viên Thông. Đôi lúc Quán Thế Âm Bồ Tát cũng được trình bày dưới một dạng ít thấy, đó là “Sư Tử Hống Quán Tự Tại”. Dưới dạng này, Bồ Tát là một Dược sư, đặc biệt cứu độ những người bệnh phong cùi (lepra). Mắt Bồ Tát đang nhìn bệnh nhân và mắt chính giữa (huệ nhãn) đang tập trung chẩn bệnh. Hai bảo vật bên vai cũng là những dụng cụ của một dược sĩ, bình sắc thuốc bên trái của Bồ Tát và đao trừ tà (bệnh) bên phải. Sư tử Bồ Tát cưỡi xuất phát từ một sự tích. Tương truyền rằng, có một con sư tử sinh được một con nhưng con chết ngay sau khi sinh. Đau đớn quá nó rống lên thật to và nhờ tiếng rống uy dũng này, nó làm cho con nó sống lại. Vì thế mà có sự liên hệ giữa tên của Sư Tử Hống Quán Tự Tại (“giọng sư tử”) với nghề nghiệp của một dược sĩ “gọi người sống lại”. Một thuyết khác giải thích tích của 11 đầu và nghìn tay: lúc Quán Thế Âm quán chiếu cảnh khổ của chúng sinh thì đầu Bồ Tát đau xót vỡ ra từng mảnh. Phật A-di-đà xếp các mảnh đó lại thành 11 đầu. Xuất phát từ nguyện lực cứu độ mọi chúng sinh, thân Bồ Tát mọc ra nghìn tay, trong mỗi tay có một mắt. Quán Thế Âm cũng hay được vẽ là một vị Bồ Tát cứu độ chúng sinh trong sáu nẻo Luân hồi (Lục đạo): trong súc sinh, Quán Thế Âm đầu ngựa, hoặc cưỡi sư tử; trong địa ngục, người có nghìn cánh tay; trong cõi A-tu-la, người có 11 đầu.(Wikipedia)
2. Lăng nghiêm: Quyển 6 về Tánh nghe: Quán Thế âm.
Lúc bấy giờ, Quán Thế Âm Bồ Tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật:
Con nhớ khi xưa, từ vô số hằng sa kiếp trước có Phật Quán Thế Âm ra đời, con phát tâm Bồ Đề nơi Phật ấy, Phật dạy con từ Văn, Tư, Tu nhập Tam Ma Địa (Văn, Tư, Tu là Văn nơi tai, Tư nơi Tâm, Tu nơi Hạnh).
Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (chẳng chạy theo lục trần) mà quên cái sở nghe (vong, sở: vong nghĩa là quên). Sở nhập đã tịch, thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh, như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe đều hết; sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ. Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải Không cái năng giác sở giác, thì sự Không giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được Không đến cùng tột, là nhập vào chỗ Không, nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên năng không sở không cũng phải diệt. Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương pháp giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ:
l. Trên khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật, với Như Lai đồng một Từ Lực (Phật độ chúng sanh cho vui, nhưng không có năng độ, gọi là Vô Duyên Từ).
2. Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi Ngưỡng (chúng sanh cầu Phật độ lìa khổ, nhưng không có sở độ, gọi là Đồng Thể Bi).
Thế Tôn! Do con cúng dường Quán Âm Như Lai, Phật dạy con y tánh Văn như huyễn, huân tu Kim Cang Tam Muội. Vì với chư Phật đồng một Từ Lực, nên khiến con được thành tựu 32 ứng thân vào các quốc độ. Roi Bo tack e chi tiec: 32 ứng thân nhiệm mầu vào các quốc độ, những thân ấy đều do vô tác diệu lực của sự huân tu tam muội tự tại thành tựu.
Thế Tôn! Con lại dùng vô tác diệu lực của sự huân tu Kim Cang Tam Muội này, cùng với tất cả chúng sanh lục đạo trong mười phương tam thế đồng một Bi Ngưỡng, nên khiến các chúng sanh nơi thân tâm con được 14 thứ công đức vô úy:
l. Do con chẳng quán âm thanh, tự quán kẻ quán, khiến chúng sanh khổ não mười phương tự quán âm thanh, liền được giải thoát.
2. Xoay tri kiến về bản tri, khiến chúng sanh dù vào đống lửa, lửa chẳng thể cháy.
3. Xoay cái nghe về bản văn, khiến chúng sanh bị nước cuốn trôi mà chẳng chìm đắm.
4. Vọng tưởng dứt sạch, tâm chẳng sát hại, khiến chúng sanh vào xứ quỷ, quỷ chẳng thể hại.
5. Huân tập cái nghe thành Bản Văn, tiêu cả lục căn thành một tánh Văn, khiến chúng sanh đang lúc bị giết hại, dao gãy từng đoạn, các binh khí chạm vào thân người, như cắt dòng nước, như thổi ánh sáng, mà bản tánh chẳng lay động.
6. Huân tập tánh Văn thuần nhất sáng tỏ, chiếu khắp pháp giới, dẹp tan tối tăm, khiến chúng sanh dù gặp các loài Dược Xoa, La Sát, yêu mị, quỷ thần ở gần bên cạnh mắt họ chẳng thể nhìn thấy.
7. Âm thanh tiêu sạch, tánh nghe trở vào, thoát khỏi trần vọng, khiến chúng sanh gặp những thứ gông, cùm, xiềng, xích đều chẳng thể trói buộc.
8. Âm thanh tiêu diệt, tánh Văn viên mãn, Từ Lực khắp nơi, khiến chúng sanh đi qua chỗ nguy hiểm, chẳng bị giặc cướp.
9. Huân tu tánh Văn, xa lìa cảnh trần, sắc dục chẳng thể lôi kéo, khiến tất cả chúng sanh đa dâm xa lìa tham dục.
10. Thuần âm vô trần, căn trần viên dung, chẳng năng sở đối đãi, khiến tất cả chúng sanh hay giận dữ lìa bỏ sân hận.
11. Xoay minh tiêu trần, trở về bản tánh, cả pháp giới, thân tâm đều như lưu ly, thấu triệt vô ngại, khiến những kẻ ngu muội chẳng tin Phật pháp, xa lìa hẳn sự si mê ám muội.
12. Tiêu dung hình thể, trở về bản Văn, ngồi bất động đạo tràng, vào thế gian mà chẳng hoại pháp thế gian, đi khắp mười phương, cúng dường vô số Như Lai, nơi mỗi Như Lai làm Pháp Vương Tử, khi pháp giới chúng sanh cầu sanh con trai, được con trai có phước đức trí huệ.
13. Lục căn viên thông, sáng và soi không hai, khắp mười phương thế giới, lập Đại Viên Cảnh, Không Như Lai Tạng, thừa nhận pháp môn bí mật của vô số Như Lai, chẳng có thiếu sót, khiến pháp giới chúng sanh cầu sanh con gái, được con gái có tướng tốt, đoan chính, phước đức, dịu dàng, được mọi người yêu mến.
14. Trăm ức nhựt nguyệt chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới này, trong đó có 62 hằng sa pháp vương tử đang trụ trì nơi thế gian, tu chánh pháp, làm mô phạm, mỗi mỗi dùng phương tiện và trí huệ chẳng đồng, tùy thuận căn tánh mọi người để giáo hóa chúng sanh.
Do con được Nhĩ Căn viên thông, phát ra diệu dụng, nên thân tâm vi diệu, cùng khắp pháp giới, khiến chúng sanh người trì danh hiệu con so với người trì danh hiệu của 62 hằng sa Pháp Vương Tử, hai người được phước đức bằng nhau.
Thế Tôn! Sở dĩ một danh hiệu của con cân xứng với nhiều danh hiệu kia, là do con tu tập đắc chơn viên thông, ấy gọi là mười bốn thứ sức vô úy, thí cho chúng sanh phước đức đầy đủ.
Thế Tôn! Do con tu chứng Vô Thượng Đạo, được căn viên thông này, nên khéo được bốn thứ diệu đức vô tác bất khả tư nghì:
l. Do con được Bản Văn huyền diệu, tâm diệu lìa văn: Kiến, Văn, Giác, Tri thành một bửu giác viên dung trong sạch, chẳng thể chia cách, nên hay hiện nhiều dung mạo vi diệu, thuyết vô biên bí mật thần chú, trong đó từ một đến tám vạn bốn ngàn con mắt và cánh tay, tùy nghi thị hiện, hoặc từ hoặc oai, hoặc định hoặc huệ, cứu giúp chúng sanh được tự tại.
2. Do sự Văn Tư của con thoát khỏi lục trần, như âm thanh vượt qua bức tường, chẳng bị ngăn ngại, nên con khéo hiện mỗi mỗi hình, mỗi mỗi chú, những hình những chú, đều hay thí cho chúng sanh được sức vô úy. Vì thế, mười phương vô số quốc độ đều gọi con là người Thí Vô Úy.
3. Do con tu tập Nhĩ Căn trong sạch, được diệu tâm viên thông, nên đi khắp thế giới, đều có thể khiến chúng sanh xả bỏ thân mạng và châu báu cầu con thương xót.
4. Con được ngộ tâm Phật, chứng nơi cứu cánh, hay dùng các thứ châu báu cúng dường mười phương Như Lai, cho đến chúng sanh lục đạo trong pháp giới, cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu sống lâu được sống lâu, cầu chánh định được chánh định, như thế cho đến cầu Đại Niết Bàn được Đại Niết Bàn.
Phật hỏi về viên thông, con từ Nhĩ Căn vào Viên Chiếu Tam Muội, Tùy Tâm tự Tại, Từ Sự Nghe Nhập Lưu, cho đến Đắc Tam Ma Địa, Thành Tựu Bồ Đề là hơn cả.
Thế Tôn! Như Lai khen con khéo được pháp môn viên thông, ở trong hội thọ ký cho con hiệu là Quán Thế Âm, do con quán âm sáng tỏ mười phương, nên danh hiệu QUÁN ÂM khắp mười phương thế giới.
Bấy giờ, Thế Tôn nơi tòa Sư Tử, từ ngũ thể cùng phóng hào quang, chiếu soi đỉnh đầu của mười phương vô số Như Lai, với các Pháp Vương Tử và chư Bồ Tát; các Như Lai ấy cũng trong ngũ thể cùng phóng hào quang, từ mọi nơi chiếu đến đỉnh đầu của Phật, với chư Đại Bồ Tát và A La Hán trong hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn pháp âm, hào quang giao xen như lưới báu, đại chúng được pháp chưa từng có, tất cả đều được Kim Cang Tam Muội. Tức thời, trời mưa bách bửu liên hoa, xanh, vàng, đỏ, trắng, xen lộn lẫn nhau; mười phương hư không hóa thành màu sắc thất bửu, núi sông, đất đai nơi cõi Ta Bà này đều ẩn mất, chỉ thấy mười phương vô số quốc độ hợp thành một cõi, ca nhạc vang lừng, tự nhiên hòa tấu.
Lúc đó, Như Lai bảo Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử rằng: – Ngươi hãy xem 25 vị vô học Đại Bồ Tát và A La Hán này, mỗi mỗi trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập viên thông chơn thật, lối tu của họ thật chẳng hơn kém và chẳng trước sau sai biệt. Nay ta muốn khiến A Nan khai ngộ, trong 25 lối tu, lối nào thích hợp, và sau khi ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ Tát thừa, cầu đạo Vô Thượng, từ cửa phương tiện nào để được thành tựu?[1] Qua kinh Lăng nghiêm chúng ta nhận được tác dụng của Tu tập Bồ tát Quán Thế Âm và nguyện lực của Ngài. Bây giờ đến kinh Pháp Hoa về Quán thế Âm.
3. Kinh Pháp Hoa: Phẩm Phổ Môn.
Bồ tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Bồ tát Quán thế âm dạo khắp ta bà thế giới, nói pháp cho chúng sanh và sử dụng phương tiện, những việc ấy như thế nào?”
Phật bảo ngài Vô Tận Ý: “Này Thiện nam tử! Nếu có chúng sanh trong các quốc độ cần nhờ thân Phật mới đặng độ thoát, Bồ tát Quán thế âm liền hiện thân Phật nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Bích chi Phật mới đặng độ thoát, liền hiện thân Bích chi Phật nói pháp độ thoát. Cần nhờ thân Thanh văn mới đặng độ thoát, liền hiện thân thanh văn nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Phạm vương mới đặng độ thoát, liền hiện thân Phạm vương nói pháp độ thoát. Cần nhờ thân Đế thích mới đặng độ thoát, liền hiện thân Đế thích nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Tự tại thiên mới đặng độ thoát, liền hiện thân Tự tại thiên nói pháp độ thoát. Cần nhờ thân Đại tự tại thiên mới đặng độ thoát, liền hiện thân Đại tự tại thiên nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Thiên đại tướng quân mới đặng độ thoát, liền hiện thân Thiên đại tướng quân nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Tỳ sa môn mới đặng độ thoát, liền hiện thân tỳ sa môn nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Tiểu vương mới đặng độ thoát, liền hiện thân tiểu vương nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Trưởng giả mới đặng độ thoát, liền hiện thân trưởng giả nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Cư sĩ mới đặng độ thoát, liền hiện thân cư sĩ nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Tể quan mới đặng độ thoát, liền hiện thân tể quan nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Bà la môn mới đặng độ thoát, liền hiện thân bà la môn nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di mới đặng độ thoát, liền hiện thân tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân Đồng nam đồng nữ mới đặng độ thoát, liền hiện thân đồng nam đồng nữ nói pháp độ thoát.
Cần nhờ các thân Thiên, Long, Dạ xoa, Can thát bà, A tu la, Ca lâu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhơn và phi nhơn mới đặng độ thoát, liền hiện các thân đó nói pháp độ thoát.
Cần nhờ thân thần Chấp kim cang mới đặng độ thoát, liền hiện thân thần chấp kim cang nói pháp độ thoát.
Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán thế âm hóa hiện nhiều thân, dạo khắp quốc độ cứu vớt chúng sanh, thành tựu công đức như thế. Vì vậy các ông phải nên nhất tâm cúng dường Bồ tát Quán thế âm. Đại Bồ tát Quán thế âm này, gặp chúng sanh đương khi kinh hãi trong tai nạn cấp bách, có đủ huyền năng ban pháp vô úy nên cõi ta bà này đều gọi Ngài là đấng Thí vô úy.”
Bồ tát Vô Tận Ý bạch Phật rằng: “Bạch đức Thế Tôn! Nay con phải cúng dường đức Bồ tát Quán Thế Âm.”
Nói xong liền cởi chuỗi ngọc đương deo nơi cổ, gồm toàn châu báu, trị giá trăm nghìn lượng vàng dâng lên đức Quán thế Âm và thưa rằng: “Cúi xin Nhơn giả nhận chuỗi trân bảo pháp thí này”. Lúc ấy, đức Bồ tát Quán thế Âm chẳng chịu nhận chuỗi. Ngài Vô Tận Ý lại bạch đức Bồ tát Quán thế Âm rằng: “Cúi xin Nhơn giả, vì thương xót chúng tôi, thâu nhận chuỗi ngọc này”. Bấy giờ, Phật bảo đức Bồ tát Quán thế Âm rằng: “Ngươi nên lân mẫn Bồ tát Vô Tận Ý và hàng tứ chúng, cùng hết thảy Thiên, Long, Dạ xoa, Can thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già, Nhơn và phi nhơn các loại, mà thâu nhận chuỗi ngọc kia.” Bồ tát Quán thế Âm xót thương tứ chúng cùng thiên, long, nhơn , phi nhơn các loại, nhận lấy chuỗi ngọc chia làm hai phần, một phần dâng cúng đức Phật Thích ca Mâu ni, một phần dâng cúng tháp đức Phật Đa bảo.
“Này Vô Tận Ý! Bồ tát Quán thế Âm dạo khắp ta bà có nhiều thần lực tự tại như thế.” Chúng ta đã dẩn chứng hai kinh của Phật giảng về Quán thế Âm [2]. Bây giờ chúng ta đi đến phép tu của Quán thế Âm là Vô sanh Pháp Nhẫn và Phản văn văn Tự Tánh.
4. Vô sanh Pháp Nhẩn:
Trong kinh Lăng nghiêm đức Phật dạy rất kỹ về Vô sanh Pháp nhẫn, tu khi nói về thắt nút và mở nút với 6 mở 1 mất. 6 mở là do 6 căn mà lấy căn Ý để mở trước thì 5 căn còn lại mở hết. Còn 1 mất là Trần tướng mất đi vì nó là sanh diệt. Như vậy hiểu được Vô sanh pháp nhẫn và Nhẫn không. Tức là Nhẫn không mà Pháp cũng không rồi 5 uẩn cũng không. Sở không tức là 6 trần không, năng không tức là 6 căn cũng không, tức là tịch diệt. Cảnh và trí đều mất nên cắt đứt được kiến hoặc, lậu hoặc. Vô sanh là không sanh không diệt. “Lấy một thí dụ, Nhãn Nhập Vốn Vô Sanh. Ví như dùng mắt ngó hẳn một chỗ, lâu tự mỏi mệt, cả con mắt và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ Đề. Do hai thứ vọng trần Sáng và Tối hiện ra cái thấy, thu nạp cảnh trần, gọi là tánh thấy, cái thấy nầy lìa Sáng và Tối vốn chẳng có tự thể.
-A Nan nên biết ! Kiến tinh này chẳng từ sáng, tối ra, chẳng từ con mắt ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao? Nếu từ chỗ sáng ra, thì khi tối, kiến tinh đã theo sáng diệt, lẽ ra chẳng thể thấy tối; nếu từ chỗ tối ra, thì khi sáng, kiến tinh phải theo tối diệt, lẽ ra chẳng thể thấy sáng. Nếu từ con mắt ra thì chẳng có sáng tối, vậy biết kiến tinh chẳng có tự tánh. Nếu từ hư không ra, thì nhìn ra ngoài thấy cảnh trần, xoay về phải thấy con mắt lại, hư không tự thấy có liên quan gì chỗ nhập của ngươi? Vậy biết Nhãn Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên.
-Tánh của bổn thức rõ ràng chơn tri, (bổn giác vốn sáng tỏ là giác minh, phân biệt mà chẳng năng sở đối đãi là chân thức), diệu giác trạm nhiên, như như bất động, chẳng thể nghĩ lường được, đầy trùm pháp giới, hiển bày khắp mười phương hư không đâu có xứ sở, tùy theo nghiệp của chúng sanh biến hiện các cảnh giới hiện hữu. Người thế gian chẳng biết, lại mê lầm cho là tánh nhân duyên và tự nhiên, ấy đều là do tâm thức phân biệt suy lường. Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật. Vậy, tánh hư không cùng khắp, vốn chẳng lay động. Nên biết hiện tiền địa, thủy, hỏa, phong và hư không gọi là Ngũ Đại, támh chát viên dung, đều là Như Lai Tạng, vốn chẳng sanh diệt. (Quyển ba, HT. Thích Duy Lực dịch). Từ Lục Nhập đến thập nhị xứ, mười tám giới cùng thất đại vốn vô sanh và tương quan lẫn nhau, Phật đã vạch rõ dòng tâm thức (lục căn, lục trần, lục thức cùng với địa, thủy, hoả,phong, không, kiến, thức đại) huyễn hóa như vậy, thì tánh giác (diệu tánh chơn như) đồng nghĩa với Như Lai Tạng. Như Lai Tạng, tánh thức minh tri chơn thức. Biết được rõ ràng chơn thức nghĩa là bổn tánh vốn chơn minh, lìa năng sở đối đãi, thường hằng, hiển bày khắp mười phương, bao la như hư không vô tận”
“A Nan ! Nay ngươi muốn ngược dòng sanh tử, trở về nguồn gốc của lưu chuyển, đến chỗ chẳng sanh diệt, thì nên xét kỹ sự thọ dụng của lục căn này, cái nào hợp, cái nào lìa; cái nào sâu, cái nào cạn; cái nào viên thông, cái nào chẳng viên thông. Nếu ngươi ngay nơi những căn này ngộ được căn nào viên thông, nương theo căn viên thông đó mà xoay ngược dòng nghiệp hư vọng từ vô thỉ thì so với các căn khác, hiệu quả gấp nhiều lần, một ngày bằng một kiếp. (Quyển bốn, HT. Thích Duy Lực dịch). Căn trần cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa đố trên không. A Nan, do trần phát tri, vì căn kiến tướng, kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác vào nhau, cho nen ngươi nay lập tri kiến thành tri, tức là căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp tri kiến ( Biết cái tri kiến: Tri thức), ấy tức là Niết Bàn, trong sạch vô lậu, làm sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác.”[3]
Chúng ta đã nhận xét rằng không có vật chất nào hiện hữu độc lập, dù nó nhỏ như hạt tử hoặc lớn như quả núi. Vạn vật chỉ hiện hữu một cách tương đối, trong sự tương quan với những vật khác. Cũng vì thế có thể biết được Tâm Thức không có thực thể. Nếu đối tượng không có thật, thì tâm cảm nhận nó cũng không có thật. Những khoảnh khắc tri thức này theo thời gian thì nó lôi kéo và dằn co giữa trí và thức mà thành tư tưởng, và nếu khoảnh khắc tri thức đó không lập lại và xa lìa ngay (vô thời gian) thì ta có tri thức nguyên thủy. Vì tánh hư không của đối tượng nhập vào tánh hư không vô tận thì Thực tại ấy toàn diện, là chân lý tối hậu. Vậy, một khi Nhãn Căn hòa nhập vào Như Lai Tạng thì chẳng còn năng sở, lúc ấy chẳng phải nhân duyên hay chẳng tự nhiên mà có diệu tánh chơn minh, là Tánh Gíac hay Tánh của Hư Không Vô Tận là do sự tương quan lẫn nhau vậy.
Tóm lại trong 10 cái Nhẫn: Âm thanh nhẫn, thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, như huyễn nhẫn, như diệm nhẫn, như mộng nhẫn, như vang nhẫn, như ảnh nhẫn, như hóa nhẫn, như không nhẫn. Để thu gọn lại làm 3 cái nhẫn là Sanh nhẫn, vô sanh pháp nhẫn, và pháp nhẫn. Vô sanh pháp nhẫn là không thấy pháp sanh cũng không thấy pháp diệt, rồi nhẫn thọ nơi Tâm (tức la nhận biết ra, ngộ ra). Tức là cảnh giới Đoạn, thường, nhị kiến đều mất, ngã pháp hai chấp không sanh.Thế nào là vô sanh, không sanh không diệt? Định luật Newton sức hút trái đất có sanh có diệt không? Trái đất quay xung quanh mặt trời với vận tốc không thay đổi và quỹ đạo cố định có sanh có diệt không? Vũ trụ có một tự tánh là tự nó bảo tồn sự hiện hữu của nó, nếu làm sai lệch đi thì bị tiêu diệt. Einteins nói nếu ai đó có một cách làm tiêu mất một hạt cát thì tôi có thể theo cách đó là tiêu mất cả vũ trụ nầy. Con người cũng thế cũng có luật tự bảo tồn sự hiện hữu. Một vật lạ xâm phạm vào cơ thể thì sẽ bị tự cơ thể đẩy nó ra. Một tế bào bị hư hoại thì lập tức có tế bào mới sanh ra thay thế. Chính vì thế mà có bịnh Ung thư (Cancer) vì khi tế bào có bị 2 nhân do tác động của vật lý hay hóa học thì lập tức cơ thể muốn sanh ra tế bào khác thay thế nên nẩy sanh ra nhiều tế bào ung thư vì nó không trở lại được tế bào cũ nên nó không ngừng sanh hoài hoài. Luật về sanh trụ hoại diệt cũng là luật không sanh không diệt. Luật 12 nhân duyên cũng là không sanh không diệt. Câu “Hoa khai kiến phật ngộ vô sanh” là nhìn bông hoa dâng cho Phật như hoa sen chẳng hạn. Đầu tiên nó nỡ ra đẹp rồi tàn đi để rụng xuống và thành hạt để mộc mầm mới. Chu trình kín này của cây bông hoa là không sanh không diệt. Khi bông sen có một nụ nhỏ rồi lớn dần lên đầy đủ trưởng thành bông sen thì ánh sáng mặt trời nóng chiếu vào làm sức nóng trên bông sen và lạnh ở dưới nước bùn , do vậy từ lạnh chuyện qua nóng tạo lực vận chuyển nhựa nguyên của bông sen từ dưới nước lên đỉnh bông và chạy ra cánh hoa sen làm nặng vì nước nhựa nguyên thì cánh hoa nở ra bông sen nở ra. Rồi một thời gian thì cánh hoa sen không đủ lực sống phải héo tàn theo luật sinh trụ hoại không. Luật nở cánh hoa sen đó không sanh không diệt, có từ kiếp trước và kiếp sau này. Luật thành trụ hoại không cũng thế không sanh không diệt. Tương tự căn Mắt của ta cũng vô sanh, tại sao? Mắt nhìn vật đối tượng vô võng mạc rồi hình ảnh đó tạo luồn điện của neuron thần kinh Mắt chuyển lên võ não ở phần mắt Não bộ sẽ phân tích và biết được hình dạng màu sắc của vật đó. Định luật đó được áp dụng làm máy chụp hình. Định luật đó không sanh không diệt, có trước đây từ lâu và có sau nầy mãi mãi. Nếu ta nhìn tất cả về cái bản chất của sự vật, về bản tánh của sự vật thì ta thấy chúng không sanh không diệt. Bản thể thì không sanh diệt trong khi hiện tượng thì thay đổi sanh diệt từng sắc na. Đó chính là căn bản của đạo Phật là buông bỏ cái sanh diệt để tìm cái vô sanh và nhận biết cái vô sanh để thoát sanh diệt. Khi nhận biết không sanh diệt rồi thì không bám, không trụ, không theo, không sống với cái gì sanh diệt trong thiền định. Nhưng phải sống với cái sanh diệt trong hiện thực. Thí dụ nhận biết Phật tánh trong ta không sanh diệt thì ta chết là vô thường là sanh diệt, chết chỉ là một hiện tượng mà thôi.Nhưng chúng ta phải bảo tồn sự sống còn của mình. Einstein gọi là định luật bảo toàn năng lượng mass and energy conversion thì luật này không sanh diệt nhưng vật chất (mass) và năng lượng(energy) thì thay thế nhau là sanh diệt.
5. Phản văn văn tự tánh là gì?
Trong kinh Lăng nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay ngược cái nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) của Quán thế Âm bồ tát chính là ý nghĩa này. kinh lăng nghiêm dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển lục căn, đức Phật chỉ nêu ra một căn của sáu trần bên ngoài, quay ngược lại duyên theo tự tánh để nói: hãy nên xoay ngược dòng của sáu căn, [chuyện đó] được gọi là “phản văn” , dùng chữ văn (nghe) để biểu thị. Nói cách khác, lục căn chẳng duyên theo trần cảnh, mà duyên theo căn tánh của sáu căn, đó là đúng! căn tánh của sáu căn là Chân như bản tánh của chính mình. Quay cái nghe trần cảnh bên ngoài lại để nghe lấy tự tánh của mình. Đó là nền tảng tu hành cốt yếu của Đại thừa. Pháp môn tu hành mà chúng ta vẫn học nơi Bồ Tát Quán Thế Âm không gì ngoài ‘’Phản văn văn tự tánh’’Mắt có thể thấy nghe ngửi nếm, tai có thể nhận biết mọi đối tượng của các căn. Nhưng trong 6 căn, nhĩ căn là có năng lực đặc thù thắng nhất. Chính vì thế chư vị Bồ Tát đã thực hành sự tu tập của mình bằng cách vận dụng năng lực thù thắng của nhĩ căn để chúng được Viên Thông. Danh từ Viên Thông đặc biệt dùng để gọi ngài Quán thế Âm. Trong kinh Lăng Nghiêm, sau khi khen ngợi Nhĩ căn Viên Thông của Bồ Tát Quán Thế Âm, Bồ Tát Văn Thù còn nêu ra 3 thứ chân thật, đó là Thông chân thật, Viên chân thật và Thường chân thật.
Thông chân thật: Các căn mắt, mũi, lưỡi, thân và ý đều không bằng nhĩ căn. Vì mắt không thấy vật khi bị ngăn che, cho đến tâm ý có khi bị lăng xăng bất định, còn nhĩ căn thì nghe được âm thanh dù cách vách và nghe cả gần lẫn xa.
Viên chân thật: Mười phía cùng đánh trống một lúc nhưng nhĩ căn đều nghe được âm thanh từ mười phía.
Thường chân thật: Âm thanh có khi có khi không, khi động khi tĩnh, nhưng tánh nghe thì không mất, có âm thanh thì nghe có âm thanh, không có âm thanh thì nghe không có âm thanh.
Bất luận là âm thanh có hay không, tánh nghe này vẫn trạm nhiên thường trụ và không bao giờ sanh diệt. Âm thanh thì có sanh diệt, nhưng tự tánh của các pháp thì thường trụ bất biến. Người muốn an trú vào cảnh giới bất sanh bất diệt thì phải quay cái tai nghe trần cảnh lại để nghe lấy tự tánh của các pháp.Tự tánh tức tánh chân thật bất biến, thuần tịnh không tạp của mỗi pháp. Trong Luận Thập bát không nói tự tánh có 2 nghĩa là Vô thủy và Nhân. Vì Vô thủy nên chúng ta không thể biết được bản chất thật của mỗi pháp. Vì nó là Nhân nên không xen tạp và bất biến. [4]
6. Tôi tu theo Quán thế Âm.
Chúng ta đã nghiên cứu kinh luận về Quán thế âm tu tập và đắc đạo. Áp dụng vào thực tiễn chúng ta tu theo Quán thế Âm là tu như thế nào? Quán thế âm là phụ tá Phật A di Đà, vậy tu theo ngài là tu Tịnh Độ tông? Nhưng thiền sư Thích nhất Hạnh cũng ca tụng Quán thế Âm là sao? Như vậy tu theo ngài không bị gò bó trong Tịnh Độ tông mà còn ở trong Thiền tông và Hoa nghiêm tông, Pháp hoa tông. Chúng ta cũng thấy trong Lăng nghiêm kinh nhấn mạnh Quán thế Âm với tánh thấy, tánh nghe, tánh giác. Trong Tịnh Độ tông thì Quán thế Âm là biểu hiện tu Tín nguyện Hạnh với nguyện theo ngài là Từ bi Bố thí Hỷ Xã tứ vô lượng tâm. Tâm Từ bi Bố Thí ba la mật là của ngài là Vô ngã. Tu theo Quán thế Âm là noi gương ngài mà thực hành nguyện lực. Ngoài ra chúng ta cũng muốn đồng hiệu ứng (synchronize) với năng lượng của ngài để khi gặp hoạn nạn, cầu nguyện xin ngài che chở Tha độ chúng ta. Nhất là khi Cận tử Nghiệp trước khi chết, chúng ta cần có niệm Quán thế Âm ở trong tiềm thức A lại da thức của ta để theo ngài về cõi Tịnh Độ. Cận tử nghiệp rất cần thiết vì lúc đó cơ thể Ta rất yếu đuối, có thể bị các thuốc trị bịnh hành hạ đau nhức đầu óc, không còn sáng suốt mê man thì làm sao tâm ta đang niệm Phật Quán thế âm được. Cần phải có niệm Quán thế âm trong A lại da thức trước khi chết. Muốn vậy chúng ta phải tu tập theo ngài. Trước hết là niệm và tụng tán thán Quán thế âm mỗi ngày: Nam mô Quán thế âm bồ tát. Kế tiếp là ngồi thiền Quán thế Âm: sau khi 16 bước theo dõi hơi thở chúng ta quay về Quán thế Âm tương tự như chúng ta thiền, nhất tâm bất loạn tụng kinh A di Đà Phật. Thiền Quán thế âm là đưa nhất niệm vô minh về Quán thế âm. Khi đó tay thì gõ mõ, tay thì lần xâu chuỗi 108 hạt, mắt nhìn hình ảnh Quán thế Âm, miệng niệm Nam mô Quán thế âm bồ tát. Toàn bộ năng lượng của Tâm ta ghi nhận, Quán thế âm bồ tát để đưa niệm nầy tạo thành chủng tử, đi thẳng vào A lại da thức của ta. Chủng tử này sẽ lâu dần đầy đủ tạo một năng lượng của Tâm thức, mà khi chết ta có thể đi về Quán thế Âm bằng Tín nguyện Hạnh. Tín là tin tưởng có Quán thế Âm, nguyện là làm theo tu tập theo ngài và Hạnh là hạnh từ bi bố thí hỷ xã, bố thí cứu người theo hạnh từ bi của ngài. Kế tiếp là thiền quán Quán thế Âm. Sau thiền Chỉ đi đến Định là thiền Quán là quán chiếu tuệ giác. Quán như Quán thế Âm tu tập là quán về Vô sanh pháp nhẫn, Phản văn văn tự tánh đưa Tánh giác vào 6 căn, viên thông với nhau gọi là Tánh Thấy tánh Nghe Tánh Biết. Phép Vô sanh pháp nhẫn quán chiếu 6 căn 6 trần 12 xứ: Lục Nhập đến thập nhị xứ, mười tám giới cùng thất đại vốn vô sanh. Tương tự như thiền Tứ niệm xứ, chúng ta không quán Thân, thọ, Tâm, Pháp mà quán về Vô sanh pháp nhẫn. Tu về Phản văn văn tự tánh là nhìn sâu vào Tâm: Quay cái nghe trần cảnh bên ngoài lại để nghe lấy tự tánh của mình. Tự tánh đó là Tánh nghe tánh Thấy do Tánh giác đặt để đến 6 căn. Tức là tu theo Lăng nghiêm kinh và dùng Thiền Định.
“Trích dẩn phép tu của: QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT theo LĂNG NGHIÊM TỰ.”
Như Huyễn Văn Huân Văn Tu Kim Cang Tam-Muội
Như huyễn có nghĩa là bản tánh của thức là hư vọng, không có thể tướng nhất định, như hoa đốm giữa hư không. Nhân nơi trần mà phát ra cái biết (của căn). Tri thức phân biệt sinh khởi là do sáu trần. Nhân các căn mà có tướng (của trần). Tướng của sáu trần sinh khởi là do ở sáu căn. Tướng (phần sở kiến) và kiến (phần năng kiến) đều không có tự tánh, như bó lau gác vào nhau. Kiến (phần) ở đây là chỉ cho trần. Cả tướng (phần sở kiến) và kiến (phần năng kiến) đều không có tự tánh. Tướng biểu hiện ra chỉ vì do sáu căn hiệp với sáu trần; do vì điều ấy không thực; nó hoàn toàn là hư vọng. Kiến cũng là hư vọng.Văn huân có nghĩa là hằng ngày.Văn Tu có nghĩa là thường tu tập pháp môn phản văn văn tự tánh cho đến khi thấm nhuần công phu nầy.Kim cang có ba nghĩa: kiên cố, xán lạn, và bén nhọn. Thể của kim cang là kiên cố bất hoại. Tướng của kim cang là xán lạn, có thể soi sáng bóng tối trần gian. Dụng của kim cang là sự bén nhọn của nó. Tam muội có nghĩa là bất động hay là định. Sự vắng mặt của vọng tưởng chính là tam muội. Đây là pháp Kim cang tam-muội. Khi hành giả phát huy định lực nầy, sẽ được thành tựu Kim cang tam-muội. Đây là một trong 25 viên thông, Nhĩ Căn Viên Thông, tu hành trong Kinh Lăng Nghiêm, cũng là pháp tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Phương pháp mở 6 nút“.. văn sở văn tận. Tận văn bất trụ, giác sở giác không. Không giác cực viên, không sở không diệt. Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền.”
Năng văn sở văn: Miệng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” (năng văn), nhĩ căn nghe âm thanh. Phải nhận kỹ ra từng tiếng từng chữ khi đó mới gọi sở văn.
Nút buộc thứ nhất: Trần cảnh diêu động. Sau một thời gian nửa tiếng, thì không dùng miệng để niệm Phật. Mà chỉ niệm ở trong tâm. Lúc nầy thì không còn âm thanh (sắc trần) cho nên không nghe bằng nhĩ căn nữa, mà chỉ dùng tánh nghe vào bên trong. Lúc nầy hành giả không để tâm ruổi rong theo thanh trần, mà xoay tánh nghe vào chân tánh, đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một dòng tâm (văn sở văn tận). Quay tánh nghe vào bên trong có nghĩa là không nghe âm thanh bên ngoài, mà thay vì vậy, quay trở lại, hướng vào bên trong, để nghe tự tánh của mình. Cũng có nghĩa là nhiếp vào trong thân tâm của mình. ‘Văn trung tánh nghe.’ Nên đặc biệt chú ý chỗ nầy: chẳng phải nghe trong thiệt thức (miệng), chẳng phải là trong nhĩ thức, chẳng phải là trong ý thức…, mà chính là trong tánh nghe không sanh không diệt, cũng chính là tánh Như Lai tạng. Khi quên hết các thanh trần từ bên ngoài, thì không còn tướng động, tức là “Nhập lưu vong sở.” Vong tức là giải thoát, Sở tức là thanh trần.Tướng sở nhập cũng vắng lặng, hai trạng thái động tịnh rõ ràng chẳng còn sanh. Cội nguồn của sáu căn và sáu trần cũng đều dừng bặt, tức là đã mở ra được nút buộc thứ nhất của trần cảnh diêu động.
Nút buộc thứ hai của cái tịnh: Sắc Ấm. Khi đạt đến cực điểm cảnh giới tịch lặng, thì tướng động và tĩnh cũng vắng bặt. Do cảnh tịnh chính là khu vực của sắc ấm. Người tu hành thường cho là cảnh giới tịnh hay an lạc, cho nên rơi vào 10 tưởng giới của sắc ấm (bài rõ trong kinh Lăng Nghiêm). Nên không được trụ vào cảnh tịnh. Bởi vì còn chấp vào tịnh thì sẽ bị động. Còn động còn tịnh thì vẫn là pháp nhị nguyên. Phật pháp bất nhị. Khi đến được hai cảnh động tĩnh đều chẳng sanh, thì mới đến được cái gọi là sở nhập vắng lặng. Lúc đó, tức là đã mở ra được nút buộc thứ hai của cái tịnh. Thanh trần hoàn toàn vắng bặt, hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng còn sanh trở lại nữa. Tức là đã phá trừ được sắc ấm.
Nút buộc thứ ba của các căn: Thọ Ấm. Tình trạng như vậy tăng dần, các tướng năng văn, sở văn đều hết sạch. Các kết buộc do nơi các căn đã được mở, tiến tu dần dần, tăng cường thêm định lực, thế nên các căn năng văn tuỳ theo chỗ sở văn đều dứt sạch, cũng chẳng còn năng thọ và sở thọ. Tức là đã mở ra được nút buộc thứ ba của các căn, đồng thời cũng phá luôn được năm thức trước của thọ ấm.
Nút buộc thứ tư của các biết: Tưởng Ấm. Cũng không dừng trụ trong chỗ hết sạch năng văn sở văn, đạt đến năng giác sở giác đều vắng lặng. Cái năng văn và sở văn đều đã tiêu sạch, còn lại tri giác, còn lại ngã tướng, cho nên cần phải tiếp tục tiến tu (Tận văn bất trụ). Cho đến chỗ ‘ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm,’ đạt đến chỗ biết mà chẳng biết, giác mà không giác, đến khi mà giác và sở giác đều không thì mới mở được gút thứ tư về cái biết. Đến lúc năng giác và sở giác đều không còn, mới gọi là hoàn toàn không chấp trước, tức là phá trừ được ý thức thứ sáu tưởng ấm (giác sở giác không).
Nút buộc thứ năm của các không giác: Hành Ấm. Không giác viên mãn tột bậc, thì các tướng năng không và sở không đều tịch diệt. Cái năng giác và sở giác đều đã không, cần phải tiến tu, tham cứu cái không ấy nương vào đâu mà có, đến chỗ tánh không của cái biết – không giác, rốt ráo viên mãn thì năng không và sở không đều tiêu trừ sạch (Không giác cực viên). Tâm có khả năng tạo tác bị tiêu trừ, và cảnh giới do tâm ấy làm cho trở thành không cũng tiêu trừ luôn, đến mức cũng chẳng còn cái không. Vì hễ còn cái không, thì mình vẫn còn chấp trước vào tánh không. Và bây giờ ngay cả tánh không cũng chẳng còn, tức là mở được gút thứ năm của không giác, lúc nầy đồng thời phá trừ luôn thức thứ bảy hành ấm.
Nút buộc thứ sáu của ý niệm: Thức Ấm. Sinh diệt đã diệt, thì bản tánh tịch diệt hiện tiền. Cái năng không và sở không đều tịch diệt, vẫn còn ý niệm ‘diệt,’ mà còn diệt tức còn sinh, nên cần phải tiến tu tiếp tục, cho đến khi tướng sinh và tướng diệt đều trừ sạch, mới có thể mở được nút thứ sáu về ý niệm ‘diệt.’ (không sở không diệt) Đồng thời phá trừ luôn được thức thứ tám, a-lại-da thức của thức ấm.
Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền: Hai chữ ‘sinh diệt,’ vốn là chỉ cho các nút buộc, do động hết thì sanh tịnh sanh, căn diệt thì giác sanh, giác diệt thì không sanh, không diệt thì diệt sanh, sáu nút buộc nầy chính là pháp sanh diệt. Tướng diệt rất khó mở, cần phải tiêu trừ toàn bộ tướng diệt thì mới có thể đạt đến chỗ không sanh không diệt, mới có thể chính mình thấy được bản lai diện mục. Nay sáu nút buộc đã được mở, ngũ ấm đã được phá trừ hoàn toàn, vọng đã hết sạch rồi thì toàn chân hiển bày, tức là sinh diệt đã diệt rồi, thì tịch diệt hiện tiền, chứng đắc rốt ráo viên thông.(hết trích)
7. Kết Luận.
Hầu hết chúng ta ai cũng mong cầu xin Bồ tát Quán thế Âm cứu nạn cứu khổ. Đã là chúng sanh thì chúng ta bao giờ cũng có nỗi khổ trong các khổ mà Phật dạy của kiếp người. Khổ nhất là sanh già bịnh chết. Bồ tát Quán thế Âm không có trong Phật giáo nguyên thủy. Người cũng không có mặt thời đức Phật tại thế. Vì vậy khi giảng về Quán thế âm Đức Phật chỉ giảng kèm theo kinh Đại thừa tức là các “cổ phật”, tức là các vị bồ tát, Phật có trước thời đức Phật. Khi người giảng về Ạ di đà Phật ở tây Phương cực lạc thì bồ tát Quán Thế Âm ra đời cũng như Văn thù sư Lợi. Đạo Phật phát triển càng ngày cành mạnh vì có mang tính chất Tôn giáo trong đó hơn là một triết học. Tôn giáo nên có cầu nguyện và có một cõi nào đó để đi về sau khi chết. Einstein đã từng nói khi con người sợ chết thì tôn giáo không bao giờ bị tiêu diệt. Biết bao nhiêu sự vi diệu xảy ra cho kiếp người, khi tin tưởng vào bồ tát Quán thế Âm. Với Tín nguyện Hạnh chúng ta tin và có tin thì có hiện ra, đúng với câu kinh Nhất thiết duy tâm tạo. Khoa học cũng chứng minh được, mọi sáng kiến khoa học đều làm từ nguyên Nhân ra hậu quả nhưng họ tìm thấy có một cái ở giữa giúp cho nhân sinh ra quả là Tâm của người làm khoa học. Đạo Phật cũng đã nói Nhân sinh quả cũng cần có Duyên ở giữa tức là Nhân>>duyên>>quả. Ngay cả Nghiệp cũng vậy Nghiệp sinh ra Quả báo nhưng cũng cần có Duyên ở giữa giúp được. Nghiệp>> duyên>> Quả báo. Như vậy chuyển nghiệp là chuyển ở chỗ giữa Duyên nầy. Tu sao chuyển đổi Duyên là chuyển đổi Nghiệp. Tu theo Quán thế Âm cũng vậy là có lòng Tín nguyện Hạnh tâm từ bi bố thí hỷ xã 4 vô lượng tâm và Từ bi làm cốt lõi thì duyên lành sẽ đến thì sẽ nhận kết quả với lòng thành khi cầu Quán thế Âm. Chúng sanh gặp hoạn nạn cầu cứu Quán thế Âm là tự mình dồn năng lượng tất cả vào Duyên để chuyển hóa hoàn cảnh đến với mình. Tu theo Quán thế âm là tu tập dồn năng lượng vào qui về một, mà muốn vậy thì tập trung năng lượng vào một niệm, nhất tâm bất loạn nhất niệm vô minh, tuy vô minh nhưng sự lòng thành kính tin tưởng làm thành một lực chuyển đổi được Duyên. Nhân>> duyên>> quả thì được chuyển đổi bởi Duyên nầy. Bài viết này có chủ đích là chúng ta vừa Tự độ vừa mong cầu Tha độ. Để Tự Độ thì chính mình phải tu tập theo ngài Quán Thế Âm. Theo ngài về Tín nguyện hạnh và từ bi bố thí không thôi, còn cần phải Tự độ thiền định theo Quán thế Âm để đạt Vô sanh Pháp nhẫn, Phản văn văn tự tánh theo Lăng nghiêm kinh. Cũng như tu Tịnh Độ niệm Phật đạt đến Nhất tâm bất loạn A di Đà Phật. Tự Độ là Tuệ giác thì Tha Độ mới linh nghiệm. Sau khi Thiền Định là quán chiếu về Vô sanh của 6 căn, 6 trần, 12 xứ, thất đại rồi lắng nghe vào Tâm mình, mang cái nghe cái thấy quay vào Tâm mình. Nghe và thấy cái Tự tính của mình, đó là Tánh thấy Tánh nghe Tánh biết là Phật tánh. Tu tập như thế mới đúng là theo Quán thế Âm bồ tát. Tu theo Lăng nghiêm là tu mở 6 nút thắt. Trong đạo Phật Mật tông là tu theo Quán thế Âm nhiều nhất do họ dùng Mật âm để liên kết đến với ngài: OM MANI PADME HUM !! Nam mô Quán thế Âm bồ tát!!!
Tham Khảo:
[1] Lăng nghiêm kinh: Thích duy Lực, Thư viện Hoa sen.
[2] kinh Diệu pháp liên Hoa: Thích trí Thủ, Thư viện hoa sen.
[3] Cốt tủy kinh Lăng nghiêm: Cư sĩ Phổ Nguyệt.
[4] Phản văn văn tự tánh: Thích nguyên Hiền, Thư viện Hoa sen.
[5] Wikipedia.
Discussion about this post