Chúng con kính nghe rằng:
“Giới như đất bằng, muôn điều lành từ đó mà sanh.
Giới như thuốc hay, chữa lành các bệnh.
Giới như hòn ngọc sáng, hay phá mờ tối.
Giới như chiếc thuyền, hay đưa người qua biển.
Giới như chuỗi anh lạc, trang nghiêm pháp thân”.
(Trích Khóa hư lục giảng giải)
Từ ngàn xưa, chuỗi anh lạc là vật tượng trưng cho sự quý phái, dùng làm trang sức cho vua chúa và các bậc quyền quý. Vì lẽ đó, trong kinh Pháp hoa – Phẩm Phổ môn có nói về việc Ngài Vô Tận Ý cởi chuỗi anh lạc, giá trị trăm ngàn lượng vàng dâng lên cúng dường Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Đa Bảo.
Với lời khẩn thỉnh của Tôn giả A Nan. Đức Phật đã từ mẫn chấp thuận cho nữ giới xuất gia nhưng phải tuân thủ bát kỉnh pháp. Khi Ni đoàn mới thành lập, lúc bấy giờ Đức Phật chưa chế giới mà chỉ đưa ra Bát kỉnh pháp cho hàng nữ giới lấy đó làm giới luật mà hành trì. Bát kỉnh pháp ấy, được hàng nữ giới thọ nhận và trân quý như chuỗi anh lạc để trang nghiêm pháp thân.
Trong suốt 49 năm (hay 45 năm) thuyết pháp độ sanh Đức Phật đã để lại một kho tàng kinh điển vô giá. Ngoài những di sản quý báu ấy, còn có hai sự kiện vô cùng trọng đại đối với lịch sử nhân loại, đó là sự bãi bỏ chế độ giai cấp và giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nô lệ. Hơn thế nữa việc thành lập Giáo đoàn Ni – là một cuộc cách mạng vĩ đại, chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, người nữ được chấp nhận vào đời sống xuất gia.
Chúng ta thấy rằng, chính nhờ có Bát kỉnh pháp mà nữ giới mới được gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn và cho tới ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị. Thế mà, gần đây do xã hội khoa học ngày càng phát triển, đời sống con người cũng có nhiều thay đổi, không còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ” mà thay vào đó là “nam nữ bình quyền”. Cho nên, có một số quan điểm cho rằng “Bát kỉnh pháp là một sự trói buộc hay Bát kỉnh pháp không phải do Phật chế ra mà là do Đại Tăng tự đặt ra để áp đặt nữ giới”. Do đó, họ đấu tranh muốn bãi bỏ Bát kỉnh pháp, đòi quyền bình đẳng. Là người Ni trẻ học Phật trong thời kỳ hội nhập, chúng ta hiểu như nào về Bát kỉnh pháp?
II. NỘI DUNG
1. VAI TRÒ CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ TRƯỚC THỜI ĐỨC PHẬT
Như chúng ta đã biết, trước thời Đức Phật, phụ nữ không được tự do, không có cơ hội để phát triển khả năng, tài đức của mình. Theo triết lý Bà la môn giáo, nền tảng là bốn bộ Veda, xem phụ nữ là nguồn gốc của mọi rắc rối cho chính đấng sinh thành ra họ, chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng, là vật sở hữu của nam giới, sinh ra là để tuỳ thuộc và phục tùng nam giới mà không có bất kỳ sự kính trọng hay danh dự nào.
Nói khác đi, phụ nữ trong đôi mắt định kiến của xã hội Ấn Độ chỉ là một loại cây chùm gởi, tồn tại nhờ bám vào một sự hiện hữu khác. Cả cuộc đời họ chỉ là một người làm công, giúp việc, phục tùng mệnh lệnh; chỉ là một bộ máy sinh đẻ và là sinh vật để thoả mãn những ham muốn, dục vọng của nam giới. Họ không bao giờ được ngang hàng cùng nam giới trong lãnh vực xã hội, không được phép tế lễ, thực hành nghi lễ tôn giáo, không được phép học Thánh điển Veda…[1]
Trong bối cảnh đó đức Phật Thích Ca ra đời. Có thể nói, sự xuất hiện của Ngài đã mở ra một bước ngoặc lịch sử “vô tiền khoáng hậu”, với những tư tưởng từ bi, bình đẳng của Ngài đã xoá tan đi những đám mây u ám, loại bỏ những tà thuyết rối ren.
2. QUAN ĐIỂM CỦA ĐỨC PHẬT ĐỐI VỚI PHỤ NỮ
Đức Phật luôn đề cao phẩm hạnh và khả năng thành tựu quả vị của người phụ nữ. Với tuệ giác của Thế Tôn, Ngài đánh giá nhân cách một con người tốt hay xấu, hữu dụng hay vô dụng hoàn toàn không dựa vào giới tính, địa vị, giai cấp hoặc chủng tộc mà tuỳ thuộc vào nghiệp lực của chính cá nhân ấy. Bất luận nam hay nữ, nếu hoàn thiện tự thân, đồng thời biết trao dồi và phát triển nghiệp lành của mình trong hiện tại thì vẫn được công nhận là người hữu ích cho mình và xã hội.
Đức Phật dạy:“Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, trong dòng máu cùng đỏ và cho dù là nam hay nữ, giàu sang hay nghèo hèn, địa vị cao hay thấp… tất cả đều có khả năng tu tập và giải thoát giác ngộ trong giáo pháp của Như Lai”[2]
Không chỉ ở phương diện xã hội, về khả năng tu tập giải thoát, quan điểm của Thế Tôn đối với nữ giới cực kỳ khoáng đạt. Ngài tuyên bố rằng giới tính không phải là trở ngại chính cho việc thanh lọc thân tâm, nếu được tu tập trong chánh pháp đầy đủ kỷ cương, giới luật thì hàng nữ lưu vẫn chứng đắc Thánh quả. Sự hình thành giáo đoàn Tỷ kheo ni và các vị Thánh đệ tử Ni đã xác chứng điều ấy.
Cũng như hai vị A La Hán Sariputta (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên) là đại đệ tử cai quản Giáo đoàn Tỳ khưu, hai vị A la hán Khema và Uppalavanna là đại đệ tử Ni, cai quản Giáo đoàn Tỳ Khưu Ni dòng Vajjian cũng vậy, tánh cách tự do của người phụ nữ được xem là một trong những nguyên do đưa dân tộc này đến trạng thái phồn thịnh .
Sinh một người con gái có trí tuệ và giới đức có thể tốt hơn con trai. Lời dạy của Thế Tôn đã làm rúng động xã hội Ấn Độ, vang vọng khắp thế giới, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và tác dụng, nhất là ở những quốc gia còn mang nặng âm hưởng của tàn dư phong kiến, trọng nam khinh nữ.
3. VIỆC THÀNH LẬP NI ĐOÀN
Sở dĩ đức Phật nhiều lần từ chối ước nguyện xin xuất gia của bà Mahapajapati và phụ nữ bộ tộc Sakya, cho đến khi tôn giả Ananda thỉnh cầu lần thứ ba, không phải vì cho rằng phụ nữ thấp kém không được phép gia nhập Tăng đoàn, mà vì đức Thế Tôn muốn thử sức chịu đựng, ý chí và sự kham nhẫn của phụ nữ. Mặt khác, Ngài cũng muốn thăm dò phản ứng của Tăng đoàn và xã hội, vì sự kiện người nữ xuất gia là một việc làm trái ngược với truyền thống của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ…
Tuy đức Phật đề cao phẩm hạnh và khả năng thành tựu đạo quả của hàng nữ giới, nhưng đức Phật vẫn biết nữ giới có những khuyết điểm như: yếu mềm, trọng tình cảm, nên rất dễ dàng rơi vào cạm bẫy của dục vọng…Do đó, Thế tôn đã đưa ra Bát kỉnh pháp, Đức Phật nói với Ananda: “Ví như, này Ananda, một người vì nghĩ đến tương lai xây dựng bờ đê cho một hồ nước lớn để nước không thể chảy qua, cũng vậy, này Ananda, vì nghĩ đến tương lai, Ta mới ban hành Tám kỉnh pháp này cho các Tỳ kheo ni cho đến trọn đời, không được vượt qua.”[3]
Có thể nói, Bát kỉnh pháp là cánh cửa phương tiện để cho nữ giới đi vào. Đức Phật đã khéo léo vận dụng phương tiện thiện xảo này nhằm tránh né sự chống đối của xã hội và Tăng già với mục đích xã hội hoá tính hợp pháp cho nữ giới về quyền xuất gia tu hành. Về mặt thế gian đức Phật khéo vận dụng phương tiện này để không làm tổn thương đến lòng kiêu hãnh và sự tự ái của nam giới, khiến họ có cảm giác rằng sự vượt trội của nam giới vẫn được duy trì dù phụ nữ được tham dự con đường xuất thế. Bởi con đường xuất thế không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, nam hay nữ…nếu ai nỗ lực tu tập đều chứng Thánh quả.
Điều này được thể hiện rất rõ, khi Tôn giả Ananda thỉnh cầu đức Thế Tôn cho nữ giới được xuất gia: “Bạch đức Thế Tôn! Nữ giới xuất gia sống không gia đình trong pháp và luật của đức Thế Tôn, có khả năng chứng đắc quả vị giác ngộ được chăng? Này Ananda có thể được…”[4]
3.2 Ý NGHĨA BÁT KỈNH PHÁP VỚI NI GIỚI
Chúng ta thấy rằng, sự bãi bỏ chế độ giai cấp và thành lập giáo đoàn Ni chúng là hai sự thành công lớn của Đức Phật đối với nữ giới mà dân Ấn Độ Bà la môn giáo thường hay khinh rẻ. Như một nhà văn Ấn Độ, ông Hemacondra xem nữ giới như những ngọn đuốc soi sáng con đường dẫn xuống địa ngục.[5] Sự kiện người nữ xuất gia là một cuộc cách mạng lớn, nó đụng chạm tới gốc rễ văn hóa lâu đời của truyền thống Ấn Độ.
Điều thứ nhất, Đức Phật quy định trong Bát kỉnh pháp là nhằm:
– Ngăn ngừa và dẹp đi tư tưởng phân biệt giai cấp, cậy quyền ỷ thế, đã ăn sâu trong tâm khảm của các bà công chúa, công nương, hoàng thân, quốc thích của hoàng tộc Thích Ca.
– Có thể giúp chúng Tỳ kheo ni dễ dàng đoạn trừ tâm chấp ngã, kiêu mạn để đi vào con đường giải thoát.
Ngoài ra, quy định này cũng sẽ giúp các vị Tỳ kheo thuộc giai cấp thấp không tự ti mặc cảm…
Điều thứ hai: “Tỳ kheo ni không được an cư nơi không có Tỳ kheo tăng”. Nếu xét về bối cảnh xã hội ngày nay thì điều luật này đã giới hạn quyền tự do, độc lập của Ni giới. Nhưng nếu đặt nó vào hoàn cảnh lịch sử Ấn Độ vào giai đoạn ấy thì rất phù hợp. Bởi vì, nạn bắt cóc, cưỡng hiếp, quấy rối phụ nữ vẫn là một thực trạng thường xảy ra ngay trong các thành phố lớn của Ấn Độ cổ đại, nơi đông đúc dân cư sinh sống.
Không biết bao nhiêu đàn bà, con gái, thậm chí con nít bị bắt cóc, hãm hiếp, bắt làm nô lệ xảy ra tại đây trong vòng một ngày! Huống nữa, các trú xứ của Tăng Ni thường toạ lạc ở những nơi hoang vắng, ít có người vãng lai. Ngoại trừ số người đi kiếm kế sinh nhai, hoặc đạo tặc, cướp đường.
Chính điều luật này đã nói lên sự quan tâm sâu xa và lòng yêu thương vô bờ bến của một người Thầy đối với sự an nguy về cuộc sống, về việc tu hành của hàng đệ tử yếu đuối này. Đức Phật đã tìm mọi cách để giúp cho Ni giới có thể tự vệ, giữ gìn trinh tiết thanh tịnh của mình khi những việc đáng sợ ấy xảy ra. Do đó, Đức Phật chế định điều luật này là âm thầm giao trọng trách bảo vệ Ni giới cho Tỷ kheo tăng.
Tóm lại, Bát kỉnh pháp mà đức Phật chế ra cho hàng nữ giới, được xem là phương tiện giúp cho người nữ có cơ hội xuất gia, đi đến đạo quả. Là nấc thang đầu tiên, dẫn đến địa vị cao thượng trong bối cảnh đặc biệt của xã hội Ấn Độ, vốn luôn kỳ thị và xem thường phụ nữ. Chính nhờ Bát kỉnh pháp mà bà Mahāpajāpati Gotamī cùng năm trăm người nữ dòng Xá Di, thành tựu bản thể Tỳ kheo ni, trở thành thành viên của Tăng đoàn Phật giáo, với cuộc sống hoà hợp, thanh tịnh và chứng đắc quả vị A la hán.
Như vậy, Bát kỉnh pháp được lập ra, không phải vì đức Phật trọng nam khinh nữ, mà thật sự đó là luật pháp để bảo vệ an toàn cho nữ giới, trước sự khắt khe khinh miệt phụ nữ thời đó. Trong bối cảnh lịch sử ấy, Bát kỉnh pháp đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho xã hội có cái nhìn mới về người phụ nữ. Họ được giải phóng ra khỏi vòng trói buộc, kỳ thị của xã hội, được dự vào hàng ngũ Tăng đoàn. Quá trình tu tập chứng đắc của nữ giới cho thấy họ không thua gì nam giới. Như vậy, Bát kỉnh pháp đối với Ni giới ngày xưa mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng, không thể thiếu, còn đối với Ni giới trẻ ngày nay thì sao?
4. BÁT KỈNH PHÁP TRONG XÃ HỘI NGÀY NAY
Trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy rằng: “Này các Tỷ kheo, Ta đã thuyết pháp như chiếc bè để vượt qua, không phải để nắm giữ…Các ông cần phải hiểu ví dụ chiếc bè…Chánh pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp…”[6]
Đức Phật thường dùng ví dụ chiếc bè, để nhắc nhở hàng đệ tử, giáo pháp và giới luật của Ngài chế ra chỉ là phương tiện, không phải là cứu cánh. Nếu đó là phương tiện thì chúng ta không nên chấp thủ, vì còn chấp thủ là còn khổ đau. Phải biết rằng, Bát kỉnh pháp cũng là phương tiện, để đưa nữ giới đến bến bờ giải thoát, nếu không có Bát kỉnh pháp thì không có Giáo đoàn Tỳ kheo ni. Chư Ni là phái yếu cần được sự giúp đỡ của chư Tăng như: việc tổ chức an cư, tự tứ, giáo giới, hướng dẫn tu học… Như vậy, chư Tăng chẳng khác nào là những người anh luôn dõi mắt theo để bảo vệ đàn em yếu đuối của mình, chứ không phải như quan niệm của thế gian “nữ phải phục tùng nam” hay “Ni tòng Tăng”.
Như vậy, chúng ta cần phải hiểu rõ và thực hành theo lời Phật dạy, Tăng Ni cùng nhau hoà hợp, cùng nhau xây dựng và bảo vệ ngôi nhà Phật pháp thì chánh pháp sẽ được trường tồn.
Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ không còn bị khinh rẻ như ngày xưa nữa mà ngược lại họ được xã hội ưu đãi, người phụ nữ được đưa lên ngang bằng với nam giới “nam nữ bình quyền”. Nhất là ở các nước phương Tây, phụ nữ có thể đảm trách những việc mà người nam có thể làm được trong mọi lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…
Trong Phật giáo cũng vậy, có rất nhiều vị Ni tài đức song toàn đã đóng góp rất nhiều cho Giáo hội trong việc xây dựng, duy trì và bảo vệ ngôi nhà chánh pháp. “Theo dấu chân xưa” của Hòa Thượng Thích Minh Thông cũng đã khẳng định rằng: “…Đủ thấy Tám Pháp cung kính là linh hồn của Giáo hội Tỳ kheo Ni không thể không bảo trọng…” [Thích Minh Thông 2003: 90]. Và kết luận rằng: “Tóm lại, có thể nói tám giới trọng yếu đó là nền tảng vững chắc làm nền để xây dựng kiến trúc đồ sộ và công trình sinh hoạt chảy trôi suôn sẻ mãi của hai giáo hội”[7].
Đến đây, chúng ta có thể khẳng định rằng, chánh pháp có được tồn tại lâu dài hay không, không nhất thiết là do có người nữ xuất gia.
KẾT LUẬN
Nói tóm lại, Bát kỉnh pháp mà đức Phật chế ra cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ, có ý nghĩa vô cùng to lớn. Chính nhờ Bát kỉnh pháp, Giáo đoàn Tỳ kheo Ni được thành lập và tồn tại đến ngày nay. Vì lẽ đó, chúng ta là Ni giới trẻ hãy nên duy trì và phát huy truyền thống cao đẹp ấy. Chúng ta không nên tự ti, mặc cảm, không nên có tư tưởng bác bỏ Bát kỉnh pháp cao quý này. Vì Bát kỉnh pháp được Đức Phật sử dụng như một phương tiện, để mở đường cho nữ giới đến với con đường giải thoát, chứ không phải điều luật để áp đặt. Do đó, Bát kỉnh pháp cần được áp dụng một cách thích hợp theo sự phát triển của xã hội.
Nhờ có Bát kỉnh pháp mà người phụ nữ được gia nhập vào hàng ngũ Tăng đoàn và thực sự được tôn trọng kính nể như một vị Phật tương lai. Đức Phật đã đem lại cho người phụ nữ niềm an vui, hạnh phúc giữa cuộc đời, giúp họ thoát khỏi những khổ đau phiền luỵ của kiếp người, mở ra một con đường tươi sáng, để họ phát huy khả năng vốn có của mình. Điều đó, được thể hiện rất rõ qua quá trình tu tập và chứng đắc của nữ giới không thua kém gì nam giới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trung bộ Kinh, tập I (2012), Thích Minh Châu dịch. NXB. Tôn giáo.
2. Tăng chi Kinh,tập III (2005), Thích Minh Châu dịch. NXB. Tôn giáo.
3. Thích Minh Châu (1999), Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, NXB.Tp.HCM.
4. Thích Minh Thông (2003), Theo dấu chân xưa, Lưu hành nội bộ.
5. Thích Thanh Từ (1996), Khóa Hư Lục Giảng Giải. Thiền Viện Thường chiếu.
6. Viên Trí (2006), Ấn Độ Phật giáo sử luận, NXB. Phương Đông.
7. Trần Phương Lan (2000), Đức Phật lịch sử, NXB. Tp.HCM.
8. http://www.thuvienhoasen.org/batkinhphapdanhchotykheo.htm
Discussion about this post