3- Ngày thứ 3.
– Ngày 18/6/ÂL
(Hôm nay ngày chủ nhật, buổi sáng chư tăng đi trì bình, trưa dùng vật thực có được trong bát. Buổi chiều được tự do (đọc kinh sách, ngủ nghỉ, dạo chơi, ngắm hoa, ngắm cảnh… tuỳ ý. Nhưng không được rời khỏi rừng thiền nếu không có lý do chính đáng. Cả đại chúng đều như vậy. Buổi tối thầy trò uống trà đàm đạo tại Mai Trúc Am).
4- Ngày thứ 4 (Bài thứ 3)
– Chiều ngày 19/6 ÂL
Đã hai hôm rồi thầy thấy mọi người đã nhiệt tâm, tinh cần rất tốt. Dĩ nhiên, một số người vẫn cảm thấy đau nhức, buồn ngủ hay phóng tâm… Nói cho đầy đủ là chúng ta luôn bị 5 triền cái chi phối.
Đau, nhức, tê… là do khi ngồi mạch máu bị chèn ép. Không sao cả, có người cứ ngồi lì, chịu trận một hồi thì mạch máu nó tự tìm đường khác để lưu thông. Cái thân nó kỳ diệu lắm. Có người tạm thời rời số đếm, lấy đau, nhức, tê… ấy làm đối tượng. Ghi nhận chúng: Đau à, nhức à, tê à; ghi nhận như thực trạng thái ấy. Một hồi là nó đi. Có người không rời số đếm, kiên quyết đếm số, cái tâm dính khít liên tục vào số đếm thì đối tượng đau, nhức, tê… ấy sẽ mờ nhạt, dứt hẳn. Có người niệm hoài nó cũng ù lì, trơ trơ ngồi đó, không chịu đi, thế là đành bỏ cuộc, giả vờ đi vệ sinh, giả vờ đau bụng, giả vờ nhức đầu… ! Ai trong chúng ta đã từng giả vờ như vậy, nói thầy xem nào?
(Im lặng)
Không à, vậy là tốt, vậy là chân thật. Người chân thật thì cứ nói thật: Thầy ơi con đau quá chịu không nổi, cho con nghỉ đây! Thì thầy sẽ cho nghỉ. Tuy nhiên, ít hôm sau, người ấy sẽ tự thấy hổ thẹn, ngồi tiếp! Có người không chịu đựng nổi thì thay đổi thế ngồi một chút. Cũng được, nhưng lưu ý, nếu không đánh bại đau, nhức, tê… ấy thì nó sẽ đánh bại ta suốt đời. Còn nếu ta đánh bại nó, chiến thắng nó một lần, thì vĩnh viễn ta sẽ loại trừ được nó.
Đấy là vài cách đối trị đau, nhức, tê…
Đến chuyện buồn ngủ. Ai buồn ngủ quá thì đi rửa mặt đi, cho nó tỉnh lại (mọi người cất tiếng cười). Có người buồn ngủ nên cái đầu nó gục xuống, kéo theo dã dượi, lừ đừ, chảy nước miếng… Đấy là hôn trầm. Nói chung, hôn trầm, thuỵ miên là do khí trong cơ thể nó trệ xuống dưới. Vậy, trong trường hợp ấy thì khi đếm số, nên để tâm trên trán để dẫn khí đi lên. Ngược lại, có một số người luôn bị phóng tâm. Phóng tâm là do khí nó bốc lên, trường hợp này thì khi đếm số nên để tâm dưới bụng (chỗ đan điền) để dẫn khí đi xuống.
Nói thì nói vậy nhưng còn tuỳ nghiệp của mỗi người, tức là nghiệp trong quá khứ. Có người khi tụng kinh, khi nghe pháp hay hành thiền đều bị buồn ngủ. Nhưng mà rời tụng kinh, rời nghe pháp, rời hành thiền thì lập tức tỉnh như sáo. Lý do trong kiếp trước, người ấy chê kinh, chê pháp, chê thiền; hoặc không chê nhưng chưa bao giờ tụng kinh, nghe pháp, hành thiền nên kiếp này họ không có được phước báu ấy.
Người mà hễ ngồi là phóng tâm là do đầu óc quen tư duy, lý luận, đánh giá, so sánh, lượng định, phân tích… Cả xấu có, tốt có. Hễ gặp việc, hễ lơ là một chút là nó rời đối tượng chạy theo thói quen cũ. Thói quen, quán tính là nghiệp đấy! Có người còn do nhiều mơ tưởng, hư tưởng, vọng tưởng chi phối. Lại nữa, bản chất của tâm là luôn tìm kiếm đối tượng mà nó thích, nó khoái. Đôi khi làm chủ được, đôi khi không làm chủ được, thế là nó cứ phóng. Cột giữ nó lại thì nó vùng vằng chạy đi, kiếm tìm môi trường thích hợp. Như cá trong nước đã quen. Nhưng khi rời môi trường nước, quăng bỏ lên cạn thì nó vùng vẫy, quẫy đập có yên được đâu.
Con cá thì sẽ vùng vẫy đến chết nhưng cái tâm thì sẽ có lúc yên; và khi yên được do tập thiền thì nó có được sự an lạc; nghĩa là sẽ có hỷ, có lạc. Ai mà có hỷ, có lạc rồi thì những cái gọi là đau, nhức, buồn ngủ hay phóng tâm sẽ không còn nữa. Không còn nữa do những thiền chi phát sanh. Khi ta tinh cần, nỗ lực, liên tục đếm số không quên, không gián đoạn thì ta sẽ an trú được trong những những thiền chi.
Bây giờ chúng ta cùng ngồi.
– Tối ngày 19/6 AL
Chư sư và chư ni đang ngồi thiền trong khoá an cư kiết hạ 2015 tại
Huyền Không Sơn Thượng (ảnh: Huyền Không Sơn Thương)
Ôi, khó khăn sao là ở yên, có phải vậy không?
Ôi, khó khăn sao là đếm số mà đừng quên, đừng chạy vuột ra khỏi số đếm, có phải vậy không?
Có người nói rất ngon lành: “Hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười!” Hay! Nhưng nên nhớ “mỉm cười” có hai loại. Loại do “tưởng” mà có chứ không phải “cái thực”, loại này là thứ giả. Loại thứ hai là cái dụng của thiền khi tâm đã lặng, đã an; loại này mới là cái có thực. Hy vọng câu trên là thuộc trường hợp này! Tuy nhiên, khi chúng ta đang tập thiền, đếm số thì con số mới là cái có thực, mới là cái có-thực-đang-là… Nên phân biệt cho rõ nhé!. Cách một sợi tóc thôi mà cái giả dễ lầm tưởng cái thật. Nguy hiểm thế đấy. Thế gian họ có nói một câu rất ấn tượng: “Miệng nam mô mà bụng thì một bồ dao găm!” Điều này thì ta phải học để giác ngộ bài học đó nhé!
Ai cũng than là khó khăn. Không khó khăn sao được khi chúng ta đều từ cái tâm hoang dã, quen phóng túng, quen những đối tượng thích khoái, bây giờ cột nó lại thì nó phản ứng lung tung.
Nói đến cái tâm hoang dã, thầy chợt nhớ đến 10 bức tranh chăn trâu. Có ai biết về 10 bức tranh chăn trâu của Đại Thừa và của Thiền Tông không? Chắc có người biết. Của Đại Thừa khác, của Thiền Tông khác. Đều nói về con trâu rừng hoang dã ấy.
10 bức tranh của Đại Thừa nói về tiệm tu, tức tu dần dần. Nó hay lắm! Thầy khái lược nó như sau: 1- Chưa chăn, 2- Mới chăn, 3- Chịu phép, 4- Quay đầu, 5- Vâng chịu, 6- Không ngại, 7- Tha hồ, 8- Cùng quên, 9- Soi riêng, 10- Dứt cả hai.
Con trâu chưa chăn là con trâu rừng hoang dã, nó đen sì từ đuôi đến đầu. Cái tâm của chúng sanh đấy. Nó đen điu, si mê, vô minh từ A đến Z, từ da cho đến ruột. Nhìn ra xã hội, nhân loại ngày nay thì rõ ràng có cả triệu, cả tỷ con trâu rừng hoang dã như thế: Chặt, chém, giết, cướp, hiếp, mại dâm, ma tuý, buôn bán nô lệ, mổ lấy nội tạng, triệu triệu con chó bị trấn bức, tàn nhẫn mổ thịt… như là chuyện thường ngày ở huyện. Hoang dã và bản năng nguyên sơ đầy móng vuốt, lông lá như thế đó!
Con trâu mới chăn là con trâu vừa được xỏ mũi, buộc giàm, chuẩn bị để dẫn về nhà. Chúng ta mới tập số đếm thì tương tự như là giai đoạn mới chăn này. Cũng hàm ý nói đến người nào đó đang muốn tu tập, đang muốn thọ trì Tam Quy, Ngũ Giới. Cũng có thể nói đến các nhà đạo đức xã hội, các nhà truyền giáo chơn chính đang đi rao giảng len lỏi vào các ngõ ngách xấu ác của nhân sinh.
Chịu phép là đã đồng ý để cho kẻ chăn xỏ mũi, buộc giàm. Đồng ý thọ trì giới luật. Đống ý từ bỏ bản năng hoang dã. Lưu ý là qua từng giai đoạn, con trâu nó trắng dần dần từ đuôi trở lên.
Quay đầu, đây chính là hồi đầu hướng thiện, từ nẻo tà bước sang nẻo chánh. Và nó đã bắt đầu vâng chịu (tuân phục) lộ trình tu tập này. Nó bắt đầu theo người chăn đi về nhà.
Đến giai đoạn không ngại là đã quen với đời sống giới luật rồi, giống như câu thơ của thiền sư Viên Minh: “Tự do là ung dung trong ràng buộc”. Đây là lúc con trâu không còn thấy khó chịu khi bị câu thúc nữa. Mà nó cảm giác tự do. Giai đoạn cùng quên (tương vong) là khi hành giả từ Giới bước sang Định, quên con trâu, quên các đối tượng ngoại giới, quên cả bản ngã của mình, ý nói đi vào định.
Giai đoạn soi riêng (độc chiếu) là từ Định sang Tuệ, nghĩa là tu tập nội quán minh sát để thấy rõ vô thường, vô ngã của tâm và pháp.
Bức tranh thứ 10 ghi là song dẫn, dứt cả hai, dứt cả người và trâu, dứt cả tâm và pháp. Tuy nhiên, chỗ này, theo giáo pháp Nguyên thuỷ thì cần thêm một ghi chú: Người giác ngộ, giải thoát rồi, sống giữa cuộc đời, họ luôn sáng suốt (tuệ), định tĩnh (định) và trong lành (giới) chứ họ không dứt, không quên cái gì cả. Người vẫn còn, trâu vẫn còn nhưng tất thảy đều trở thành cái dụng đại toàn.
Vậy thì chúng ta đang đếm số hơi thở thì chỉ ngang giai đoạn mới chăn thôi đã khó khăn rồi thì làm sao mà đi được 10 giai đoạn, từ con trâu hoang dã, đen điu đến con trâu đã thuần phục, trắng dần dần cho đến khi toàn trắng? Khó khăn quá à? Các con khó khăn thì thầy cũng khó khăn, có dễ dàng đâu. Khó khăn mới thú vị chứ! Nếu mà dễ dàng thì sao lại có câu: “Nhân thân nan đắc, Phật pháp nan văn” (thân người khó được, Phật pháp khó nghe). Lại nữa, hãy nghe câu thơ của ai đó: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả; anh hùng, hào kiệt có hơn ai?” Thấy chưa, câu ấy cũng có thể áp dụng cho chúng ta, những người tu Phật, quyết giải quyết “Tử sinh đại sự” ngay trong chính kiếp sống này đó! Ghê không! Có “tí lửa” nào chưa?
Bây giờ chúng ta ngồi nhé. Hôm nào thuận tiện thầy sẽ nói đến 10 bức tranh chăn trâu của Thiền Tông. Thiền Tông thì tu đốn! Có nghĩa là giác ngộ ngay tức khắc, không chờ ngày giờ… Rồi để coi xem nào, có đúng vậy không? Có tương hợp với giáo pháp Nguyên thuỷ không?
Sīlaguṇa Mahāthera
Hoà thượng Giới Đức
(Minh Đức Triều Tâm Ảnh)
Discussion about this post