IV.
“Ứng dụng kinh Hiền Nhân trong giao tiếp và quản trị” là một tuyển tập được đúc kết từ kinh Hiền Nhân, được chúng tôi giảng từ ngày 10-06-2012 đến 19-08-2012 tại chùa Xá Lợi – Thành phố Hồ Chí Minh. Trong các trường Phật học tại Việt Nam, bản kinh này được đưa vào chương trình trung cấp Phật học dành cho Tăng, Ni. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, bản kinh này được giảng dạy trong chương trình sơ cấp Phật học.
Đưa bản kinh vào chương trình sơ cấp và trung cấp, Ban giám hiệu các Phật học có dụng ý thừa nhận đây là bản kinh nền tảng về các triết học nhập thế của Phật giáo mà các vị xuất gia trẻ cần nắm vững. Thông qua đó, trong giảng dạy và ứng dụng, bản kinh này có thể giúp cho những người Phật tử tại gia trải nghiệm được triết học Phật giáo ở mức độ chuyên môn.
Kinh Hiền Nhân mô tả rất có ý nghĩa về triết học xã hội và chính trị của đạo Phật. Các mối tương quan xã hội giữa chúng ta và các cộng đồng, giữa người dân và Chính phủ, nghệ thuật ứng xử đòi hỏi làm thế nào trong một cơn loạn lạc, thất vọng hoặc bế tắc ta vẫn duy trì được niềm an vui và hạnh phúc trong cuộc đời.
Xã hội là một cuộc chiến với nhiều thách đố, các chiến sĩ tham gia có thể xuất thân từ nhiều thành phần khác nhau, người tốt có, kẻ xấu có, người tâm rộng lượng như các bậc thánh có, kẻ ích kỷ nhỏ nhoi đi đến đâu cũng đòi hỏi các quyền lợi cá nhân cũng có. Do vậy, nếu không nắm vững các kỹ năng triết học xã hội của đạo Phật, ta dễ dàng khởi dậy những nỗi niềm sân hận, bực tức, khó chịu và vô tình biến mình trở thành nạn nhân.
Việc ứng dụng triết học xã hội của đạo Phật vào đời sống thực tiễn sẽ giúp cho chúng ta giảm thiểu một cách tối đa các nỗi khổ đau có thể có do tương tác với xã hội, cộng đồng, nhờ đó ta vẫn giữ được bản chất an vui, hạnh phúc với tư cách là người con Phật.
Ứng dụng triết học xã hội trong đạo Phật vào bối cảnh hiện đại, người tu học có thể góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, một quốc gia phát triển bền vững, những cộng đồng có được tính chất hài hòa dù là tổ chức dân sự hay nhà nước ở mức độ vừa, lớn hoặc quy mô thì nền triết học xã hội của đạo Phật được mô tả trong kinh Hiền Nhân đều góp phần giúp những người tham gia vào lối sống ấy cải thiện được đời sống và hạnh phúc của bản thân mình.
Vì là bản kinh, cho nên nội dung không được trình bày và sắp xếp theo trình tự như triết học xã hội, một ngành học vốn rất quan trọng trong triết học hiện đại. Tuy nhiên, chúng tôi tin chắc việc phân tích ứng dụng bài kinh sẽ giúp cho ta thấy rõ tính thích ứng của Phật giáo trong các bối cảnh xã hội, nhất là trong giai đoạn hiện đại hóa và hậu hiện đại vốn nhiều giá trị đang bị đánh giá lại.
Nhiều triết gia hậu hiện đại đã đề nghị con người hãy giải cấu, tức là tháo mở hết tất cả các định chế chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, tôn giáo và dân sự để tạo cho con người có được sự tự do đích thực. Nhưng khi đối diện trước tự do đích thực mà họ nói thì không khéo ít nhiều người sẽ rơi vào chủ nghĩa hư vô về việc giải cấu một cách cực đoan và tuyệt đối sẽ dẫn đến sự phá hoại hơn là phá chấp.
Đang khi đó, các định chế xã hội lại cần có các quy định liên hệ đến luật, mà luật lệ thuộc vào hiến pháp. Do vậy, các ứng dụng phù hợp sẽ tạo ra công bằng xã hội, đời sống hạnh phúc và bình an của con người.
Phá chấp theo kinh điển Phật, cụ thể qua văn học Bát-nhã, được xem là chiếc chìa khóa quan trọng nhất để giúp chúng ta rũ bỏ mọi nỗi khổ, niềm đau gắn kết vào tâm lý chấp vào cái tôi xã hội, chấp cái tôi cá nhân bao gồm danh dự, tài sản mà con người có thể có, đồng thời cũng giải cấu tất cả các
chấp trước liên hệ đến cái tôi sở hữu, hay là mọi sự vật, hiện tượng bao gồm quá khứ, hiện tại và vị lai. Cho nên, chủ nghĩa hậu hiện đại không thể được đánh giá ngang bằng với học thuyết phá chấp trong đạo Phật. Và do vậy, khi nghiên cứu ứng dụng về triết học xã hội của đức Phật qua kinh Hiền Nhân, ta đừng ngộ nhận đây là mô hình chính trị thông thường như bao nhiêu định chế chính trị khác từng có trong lịch sử nhân loại.
Nói tóm lại, ở phần đầu tiên, ta sẽ nghiên cứu ứng dụng các nhân cách đáng học. Trong phần này, chúng tôi chia ra banội dung chính: Một, trọng đức hơn tài, là yếu tố quan trọng giúp cho ta thiết lập được sự rộng lượng và nhân rộng tấm lòng nhân ái của mình đối với các mảnh đời bất hạnh, khổ đau; hai, nhân cách điềm tĩnh và bản lĩnh để vượt qua những nỗi hàm oan có thể có với ta trong đời do hiểu lầm, do bị cài bẫy, do mâu thuẫn các quyền lợi xã hội; ba, những nhân cách qua nhân vật Hiền Nhân, một biểu tượng của chủ nghĩa nhập thế với tư cách là người tại gia, vừa cầm cân nảy mực, vừa quản lý quốc gia một cách bền vững, vừa phát triển các phẩm chất tích cực để trở thành tấm gương học hỏi và noi theo của rất nhiều người.
Giác Ngộ, ngày 20-11-2012
Phụ trách Tủ sách Đạo Phật Ngày Nay
Nghệ Thuật Ứng Xử – Ứng Dụng Kinh Hiền Nhân trong Giao Tiếp & Quản Trị
Discussion about this post