LỜI CHÚC NÀO CHO MÙA XUÂN NÀY
Nguyên Cẩn
Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho một người lạc quan – Angus Deaton, Giáo sư của trường Đại học Princeton. Tác phẩm nổi tiếng của ông “Cuộc đào thoát vĩ đại” trong đó phần lớn trình bày một cách hào nhoáng những điều con người thực hiện được trong thế kỷ XX vượt xa những thế kỷ trước đây. Tuy nhiên ông phải thừa nhận rằng đời sống cho đến nay, đầu thế kỷ XXI, vẫn chưa trở thành tốt đẹp hơn dù người ta vẫn đang tiếp tục cải thiện.
Nhà báo John Lloyd, đồng sáng lập Học viện Reuters chuyên nghiên cứu ngành báo chí tại Đại học Oxford, nhận xét theo kiểu “humour” của người Anh trong bài viết “Ba nỗi sợ lớn nhất hiện nay”: “Thật tuyệt khi được đọc tác phẩm này, nó như một cái nhìn cắt ngang vào những xu thế (ở đây hiểu ngầm là suy thoái) mà các học giả toàn cầu đang mô tả. Nó như tiếng hót của chim sơn ca, réo rắt lên tuyệt vời trước khi báo hiệu giờ tàn lụi (!)”. Dù vậy tác phẩm của Deaton cũng không hoàn toàn “rực nắng” vì ông bày tỏ nỗi sợ lớn nhất của ông “Quả đất ấm lên”, một nỗi sợ mơ hồ nghe chừng quen thuộc đến nỗi người ta dễ quên mức độ hủy hoại khủng khiếp của nó. Phần đông các nhà khoa học tin chắc rằng họ có thể chứng minh tình trạng biến đổi khí hậu có thể gây ra những hậu quả tang thương hơn bất kỳ nhóm khủng bố nào. Ở châu Phi và Trung Đông, người ta không còn tìm ra nước dễ như trước ở mọi nơi mà thực tế có nơi không thể tìm thấy. Đó không còn là nỗi sợ của những nhà môi trường mà là sự thật được ghi nhận trong phúc trình của quân đội Mỹ. Nếu chúng ta không hành động ngay tức khắc và hữu hiệu trong việc giảm khí thải toàn cầu, hậu quả đối với nhân loại và quả đất này cực kỳ khủng khiếp (!).
Nhưng theo John Lloyd, đó chỉ là một trong ba nỗi sợ lớn lao của thế kỷ XXI này. Còn một nỗi sợ hữu hình hơn đe dọa toàn nhân loại – những cuộc khủng bố kinh hoàng ở Paris, Bangkok hay Beirut. Điều xảy ra đã từ lâu khi các chiến binh Jihad không còn gói gọn phạm vi chiến tranh ở Trung Đông mà lan ra khắp nơi, nhất là những nơi công cộng: trường học, chợ búa, rạp hát… Những kẻ khủng bố lại được trang bị vũ khí hiện đại, trong tinh thần sẵn sàng chết, biến thân mình thành một quả bom di động (!). Họ chết vì những ảo tưởng “tử vì đạo” khơi lên bởi những hận thù có và không có thật giữa các giáo phái, những nhóm chủng tộc khác nhau. Giờ đây người ta đi du lịch hay đi làm trên các phương tiện công cộng đều cảm thấy âu lo. Những người bi quan còn lo lắng về việc chúng có thể dùng vũ khí hóa học hay nguyên tử mà chúng hoàn toàn có khả năng sở hữu được với doanh thu hàng ngày dự tính vào khoảng 1,5 triệu USD bằng việc bán dầu.
Cũng theo Lloyd, còn một nỗi sợ nữa là tình trạng dân chủ suy thoái ở một số quốc gia trước đây vốn là dân chủ, đang dần trở thành độc tài toàn trị nhân danh đảng phái hay quân đội.
Riêng tại Việt Nam, nỗi sợ có thể kể thêm tình trạng tham nhũng ở mọi cấp chính quyền mà hiệu quả phòng chống, theo Chủ tịch nước, là còn thấp so với kỳ vọng của toàn dân. Đó cũng là nguyên nhân gián tiếp hoặc trực tiếp đến tình trạng ô nhiễm không khí, sông rạch ao hồ, hay nạn phá rừng, lấp sông khai thác tài nguyên không kế hoạch, nhiều nơi. Tình trạng nhiễm độc trong vệ sinh thực phẩm, tình trạng tai nạn giao thông đáng báo động, tình trạng an toàn trong các công trình xây dựng, trong hầm mỏ. Nguy hiểm nhất là tình trạng bạo lực tràn lan, trở thành phương thức xử thế. Tham nhũng, theo Tiến sĩ Nguyễn Tường Bách cũng là một dạng bạo lực vì dùng sức mạnh hay quyền lực để ép kẻ khác phải chung chi.
Trong bối cảnh đó, chúng ta thấy trong lòng người Việt hôm nay các tâm sở bất thiện: Sợ hãi (bhaya); lo lắng, hồi hộp (soka); và tuyệt vọng.
Chúc nhau gì đây? Hãy cùng nhau lựa chọn một trong ba lời chúc sau cho Xuân Bính Thân này nhé!
Cầu chúc một mùa xuân thanh lương, tự tại
Chúng ta có thể cầu bình yên nếu chúng ta biết giới hạn lòng mình, bớt tham sân và phát triển tâm từ, bi, hỷ, xả, để đạt được thanh lương (nirjvara-feverlesness) và tự tại (vaśin-sovereignty). Chúng ta phải nhớ rằng nhà Phật đã ví tâm ta như con khỉ. Tâm viên là tâm loạn động, không khi nào yên, cứ lăng xăng, nghĩ hết chuyện này đến chuyện khác, như khỉ chuyền từ cành này sang cành khác, phát sinh ra đủ thứ phiền não, cấu uế. Phật dạy “giữ xét tâm viên, quán sát thực tướng” là vì sự hiện hữu của chúng ta phát xuất từ vô minh. Vô minh sanh ra vọng động và vọng tâm đối cảnh sanh ra vọng thức.
Vọng tâm và vọng thức, cả hai đều thuộc về nghiệp. Thôi thì ngày xuân Bính Thân hãy an định tâm lắng lại. Chúc nhau bớt lăng xăng, vọng động (feverish), huân tập tâm thiện-thanh lương. Dừng ý mã của ta tức những ý chạy rong không cần thiết, bấy giờ mới phát huy quán xét bên trong. Chấm dứt vọng tình, khơi lên mầm thiện, tạo ảnh hưởng đến tâm đại chúng, khiến họ thanh tịnh theo. Chúng ta thường thấy nhiều bậc đạo hạnh nhiếp phục mọi người dù không cần hô hào riết róng gì. Chúng ta vẫn thường nghe “Phiền não tức Bồ-đề”, nghĩa là phải thấy tính bất nhị giữa phiền não và Bồ-đề vì thấy rồi thì không còn sợ hãi. Khi không còn sợ hãi thì thong dong một cách an nhiên trong thế giới của sinh tử mà không còn thấy có sinh tử. Chừng đó chúng ta hãy chúc nhau tự tại vì tự do giúp chúng ta nhận ra Niết-bàn là tia nắng hay ngọn gió bên ngoài cửa sổ và ngay trong lòng ta. Nói như các bậc tôn túc là ta có thể rong chơi trời phương ngoại.
Có lần trên báo này, chúng tôi đã viết “Khi nhận ra khổ đau là bản chất cuộc đời, chúng ta trở nên mạnh mẽ, từng trải và tự tin khi nhìn thẳng vào nỗi sợ, làm điều mà trước đó chúng ta nghĩ mình không thể. Chính chúng ta bằng tự lực phải vượt qua chính nỗi sợ đang bủa vây mình, trước khi có sự cảm ứng từ ngoại lực vì “Nỗi sợ không có sức mạnh đặc biệt gì trừ phi bạn trao cho nó sức mạnh bằng cách cúi đầu trước nó (Les Brown). Niệm danh hiệu Quán Thế Âm khác nào đánh thức sức mạnh nội tại để gởi phản hồi về nơi cần đến. Những mong cầu của chúng sanh theo hạnh nguyện của ngài sẽ được lắng nghe không chỉ để chia sẻ mà giúp vượt qua. Vì người có thể ứng đáp lòng mong cầu của chúng sinh lục đạo trong pháp giới: cầu an lạc sẽ có an lạc, cầu tinh tấn được tinh tấn, cầu tam muội được tam muội, cầu vô úy được vô úy. Chừng đó chúng ta sẽ “hóa giải” được nỗi sợ từ vô thủy đến nay. Khi nhìn cuộc đời bằng tuệ giác, bắng con đường Bát Chánh đạo, chúng ta sẽ tìm thấy bình an ngay chính trong lòng mình, hiểu tất cả những rối ren vọng động của thế giới đều xuất phát từ tà kiến, tà tư duy, tà nghiệp… Nỗi sợ từ đó mà sinh sôi, bủa vây quanh ta, khiến tâm mình chìm đắm mãi giữa vô minh (Nguyên Cẩn, Vượt qua nỗi sợ hôm nay – Giác Ngộ).
Nói như Thiền sư Nhất Hạnh: “Nụ cười vô úy nở, trong thế giới đầy đau thương, đầy sầu não mà vẫn nở nụ cười vô úy vì đã tiếp xúc được với Niết-bàn. Không còn thấy sinh. Không còn thấy tử”. Chúng ta muốn vượt lên trên nỗi sợ bằng tâm vô úy (Abhayam). Nhưng như đã nói, không dễ vì chỉ có bậc giác ngộ, không còn thấy sinh hay tử mới vượt qua nỗi sợ. Còn chúng ta đây đang lăn lóc trong cõi Ta-bà làm sao vượt được nếu vẫn mang trong lòng những phạm trù ý niệm có-không; được-mất, sinh-tử… Chúng ta vẫn nghe nhân loại chúc nhau “Happy New Year “với những lời buồn bã như “Đôi khi tôi nhìn thế giới này can đảm biết bao khi vươn lên từ đống tro tàn của cuộc đời ta… và con người đúng là những kẻ điên rồ cứ cho rằng mình yên ổn khi lê gót chân đất sét lưu lạc hoài mà chẳng biết về đâu (Sometimes I see how the brave new world arrives/ and I see how it thrives/ in the ashes of our lives //Oh yes /Man is a fool and he thinks he’ll be ok/ dragging on feet of clay/ never know he ‘s astray/ keeps on going anyway- ABBA).
Chúc mùa xuân an lạc và hòa thuận
Nếu chúc thanh lương và tự tại nghe có vẻ khó thực hiện quá vì phải huân tập tâm mình bớt lăng xăng, cột “tâm viên ý mã” lại, thì chúc mùa xuân an lạc và hòa thuận nghe gần gụi hơn chăng? An mang ý nghĩa “hòa bình”. Tâm an thế giới an. Còn lạc là hạnh phúc, là đích đến của mọi cuộc đời hay dự phóng. Chúng ta muốn được an lạc cũng phải kềm chế và quán xét vọng tâm, bởi lẽ trong vọng tâm có thiện và ác. Muốn được “an” thì chúng ta, những hành giả, phải không cho khởi niệm, nên không vọng động, nhưng nếu không động, không khác gì cây khô củi mục, trơ như đá, chẳng biết gì. Vậy thì phải phân ra niệm tâm ác và niệm tâm thiện. Nếu khởi lên niệm ác sanh phiền não nhiễm ô, phải đoạn. Nếu là vọng niệm thiện, không đoạn, mà còn trưởng dưỡng như phương tiện, là pháp hành trì.
Kinh Pháp cú dạy
281. Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy.
223. Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy.
Ngoài ra chúng ta phải học sống trong thuận hòa. Thuận hòa giữa người với người và giữa người với với môi trường, với thiên nhiên. Phải thương yêu, tôn trọng con sông, dòng suối, cánh rừng. Nếu chúng ta tàn phá, làm cạn kiệt, giết chết những sinh vật trong đó thì chính mình hay con cháu mình phải nhận quả báo về sự biến đổi khí hậu như đã nói ở trên. Để hòa thuận, từng quốc gia phải giới hạn tham vọng của mình. Theo nhà Phật, không có cuộc chiến tranh nào được gọi tên là “cuộc chiến công bằng” – đó chỉ là từ ngữ ngụy biện, giống như giết người để biện minh cho lòng thù hận. Kẻ mạnh, kẻ chiến thắng là “chân chính”, là người nắm giữ công lý (?); còn kẻ yếu, kẻ bị đánh bại trở thành kẻ “bất chính”, kẻ “ngang ngược”. Phật giáo không chấp nhận lập luận như vậy. Chúng ta biết rằng Đức Phật không những chỉ giảng dạy về bất bạo động và hòa bình, mà bản thân Người còn thân hành đến chiến trận để can thiệp và ngăn cản chiến tranh, ví dụ như trong trường hợp cuộc chiến dòng họ Thích Ca (Sàkyas) và Câu Lợi (Koliyas), sắp đánh nhau vì vấn đề tranh chấp nước sông Rohini. Và trong lần khác, những lời của Đức Phật đã từng ngăn được vua Ajàtasattu (A Xà Thế) khỏi tấn công vương quốc Vajji (Bạt-kỳ). Theo nhà Phật, đường đến Niết-bàn “là con đường bất bạo động và hòa bình. Đó là một thông điệp nhắn nhủ cho cả thế giới này, hay nói cách khác là không chấp nhận bạo động, chiến tranh và hủy diệt sự sống. Trong thời đại ngày nay, không ai có thể tự tiện xâm phạm bờ cõi nước khác nhân danh bất cứ sức mạnh quân sự nào. Nếu những cường quốc không biết sống trong hòa bình, không biết tôn trọng biển trời nước khác thì những nước nhỏ sẽ đoàn kết lại để bảo vệ và như vậy nhân loại cũng không thể sống trong hòa bình. Các cường quốc phải có trách nhiệm và nghĩa vụ hỗ trợ những nước nhỏ phát triển trong hòa bình và tương trợ. Đó là ý nghĩa của “Sự sự vô ngại pháp giới” (kinh Hoa nghiêm).
Chiến tranh xảy ra khi lòng tham của những nước lớn vượt qua biên giới cương vực lãnh thổ của họ, hay xuyên tạc lịch sử vì tham vọng bá quyền. Tương tự trong xã hội, sự an lạc và hòa thuận phải xây dựng trên bình đẳng giữa các nhóm người. Không có những kẻ “Ngồi mát ăn bát vàng”; “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”. Hố ngăn cách giàu nghèo càng lớn, nguy cơ bất ổn xã hội càng cao. Không ai được phép biến tài sản quốc gia thành tài sản của mình: xã hội phải xây dựng trên nền tảng công bằng.
Chúc xuân tỉnh giác và tinh tấn
Sau cùng, có thể chúc nhau xuân tỉnh giác và tinh tấn.
Tại Sydney, có một quán rượu, đặt hình ba con khỉ với ba câu châm ngôn: “See no evils, hear no evils, talk no evils” (Không nhìn điều xấu, không nghe chuyện xấu, không nói lời xấu). Vào quán rượu mà tâm không động e rằng bất khả thi. Nhưng cái chính là chúng ta không thể không nghe, không thấy những điều xấu nhưng đừng để bị tác động tiêu cực từ nó. Muốn không bị những “xúc thực” ấy gây phiền não, chúng ta phải có “tư niệm thực” (volition) mạnh mẽ, vì nó là lý tưởng, là ý chí, là con đường kiên định mà ta phải đi vì đã vạch ra từ ban đầu. Nói vắn tắt, chúng ta phải tỉnh giác.
Khi môi trường bên ngoài là an lạc hòa thuận. Muốn lòng ta thanh lương và tự tại thì chúng ta sau bước thứ nhất dừng vọng thức, vọng tâm tội lỗi, phải tiến sang giai đoạn hai, quán chiếu tâm mình. Nhận định phân biệt thiện ác, tăng trưởng lòng từ bi, không chỉ giáo hóa mà còn thực hành thiện nghiệp trong cộng đồng. Phải xây dựng xã hội từ bên trong từng cá nhân, khơi những tâm thiện từ bên trong: từ, bi, khiêm, hỷ…
Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ.
Không lậu hoặc, sáng chói.
(Pháp cú 89)
Để rồi, chúng ta hòa nhập cộng đồng, an trú trong nước, nhưng không hòa lẫn vì tỉnh giác và tinh tấn. “Ban đầu cũng trôi lăn trong biển sinh tử, thường ngã, nhưng nhờ thực tập vô thường quán, vô ngã quán cho nên từ thế giới của hiện tượng các vị Bồ-tát tiếp xúc được với thế giới của bản thể, của Niết-bàn. Và khi tiếp xúc được với Niết-bàn thì sẽ đạt được tự do, vượt thoát được sự sợ hãi do những ý niệm có-không, một-nhiều, tới-đi, sinh-diệt gây ra, sẽ lướt trên sóng sinh tử mà đi. Lướt trên sóng sinh tử nghĩa là trở về với thế giới của sóng mà vẫn an trú trong nước. (Thiền sư Nhất Hạnh).
Chừng đó, chúng ta sẽ hiểu thế nào là “Thuyền từ dạo biển mê – các vị Bồ-tát sau khi chứng ngộ rồi, sau khi hết sợ rồi, hết chìm đắm rồi thì trở về với thế giới sinh tử mà không thấy có sinh tử. Đó là hình ảnh của những vị Bồ-tát đang hành đạo trong cuộc đời này. Và chúng ta hãy chúc nhau theo dấu chân những con người tỉnh giác ấy.
Thưa rằng nói nữa là sai
Mùa xuân đang đợi bước ai đi vào. (Bùi Giáng)
Nguyên Cẩn
(Nguyệt san Giác Ngộ)
Discussion about this post