Câu chuyện “Giấc mộng kê vàng” hay còn gọi là “Hoàng lương nhất mộng” bắt nguồn từ truyện “Chẩm trung ký” của Trầm Ký Tế đời Đường. Chuyện kể rằng, có một chàng thư sinh nghèo họ Lư. Một hôm, nhân chuyến đi chơi, anh vào nghỉ trong một quán trọ. Lúc chủ quán trọ bắc nấu một nồi kê vàng, thì chàng trai lên giường đi ngủ. Trong giấc ngủ, chàng trai mộng thấy mình lấy vợ và sinh con, sự nghiệp thuận buồm xuôi gió, tận hưởng vinh hoa phú quý, và cuộc sống sung sướng, thoải mái ấy kéo dài cho đến lúc già chết. Nhưng khi tỉnh dậy, kê vàng vẫn còn chưa chín. Sự gợi ý của câu chuyện này là: Đời người như giấc mộng, tất cả sang hèn, giàu nghèo, đều như mộng, như huyễn.
Ngụ ngôn này hoàn toàn phù hợp với tư tưởng “chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, duyên khởi tính không” của Phật giáo. Thế gian vạn vật đều không có bản chất bất biến vĩnh hằng, các pháp do nhân duyên mà sinh, duyên tan thì diệt, vạn pháp đều là duyên khởi, tính không. Đấy là thực tướng và chân lý của vũ trụ, không còn gì để nghi ngờ, và cũng không có bất kỳ sức mạnh nào có thể thay đổi.
Đáng tiếc, rất nhiều người tham luyến phồn hoa thế gian, hoặc là chấp trước tự ngã, tự tư tự lợi, hoặc là thiếu trí tuệ nhìn thấu chân tướng vũ trụ, không muốn đối diện với chân lý duyên khởi, tính không, thà tin vào “hoa trong gương, trăng trong nước” – cảnh tượng huyền ảo trước mắt – bởi thế tham niệm bùng khởi, sinh lòng ganh đua, tranh đoạt, vì vậy mà sinh khởi những xung đột; tâm oán hận, khí hung hăng, làm cho xã hội mất đi sự hài hòa, ấm áp vốn có. Tham lam, thù hằn, ngu muội, sẽ biến xã hội văn minh thành xã hội bầy đàn nguyên thủy; lẽ ra có thể trở thành tịnh độ ở nhân gian thì nay biến thành địa ngục ở Ta-bà.
Thực vậy, nhìn từ quan điểm vĩnh hằng tuyệt đối, thì vạn pháp giai không, các pháp vô ngã; nhưng nhìn từ quan điểm tương đối thì vạn vật và ta xem ra lại đang tồn tại một cách chân thật, đấy chính là “chân không diệu hữu”. Chấp có, là chấp trước; chấp không, cũng là một loại của chấp trước. Đã không rơi vào trầm không trệ tịch, cũng chả mê vào giả tượng, không lạc vào hai biên giới ấy, mới là liễu ngộ triết lý Trung đạo của thực tướng.
Nhân sinh mặc dù như mộng, nỗ lực thực hiện một giấc mộng đẹp, vừa là lý tưởng, cũng là trách nhiệm vậy. Nắm chắc tấm thân và sinh mệnh khó được mà lại quý báu này, lấy giả tu chân, làm cho sinh mệnh ngắn ngủi trở nên có ý nghĩa vĩnh cửu, lấy hoàn cảnh chật hẹp hữu hạn, triển hiện tầm nhìn rộng lớn vô hạn. Một giấc mộng kê vàng như thế cũng sẽ không giống với những giấc mộng bình thường khác, không hối hận chút nào.
Ý nghĩa và giá trị của sinh mệnh không ở chỗ bạn đã có được bao nhiêu, hưởng thụ được bao nhiêu; mà ở chỗ bạn đã từng sáng tạo được bao nhiêu, cho đi được bao nhiêu, bạn đã để lại cho thế giới này được bao nhiêu. Nhân vật đáng kính hoặc được đánh giá là vĩ đại từ cổ chí kim, từ trong đến ngoài nước, thậm chí những người bạn thân quanh ta, đấy đều chính là thước đo, tiêu chuẩn có thể cung cấp đánh giá.
Bạn muốn mọi người có những hoài niệm tốt đẹp về bạn không, bạn muốn mọi người nhớ về giọng nói và nụ cười dễ thương của bạn không? Hãy sống hòa đồng và thực tập theo tấm gương mẫu mực của những nhân vật vĩ đại trong lịch sử bạn nhé.
Trương Bồi Canh (Việt dịch: Phước Tâm)
(*) Trích dịch từ Chìa khóa trí tuệ (智慧的鑰匙) của Nhà văn Trương Bồi Canh, do Trung tâm Chí nghiệp Văn hóa Từ Tế xuất bản, năm 2003, tr.174-176.
Discussion about this post