Shravasti Dhammika
ĐỨC PHẬT VÀ CHÚNG ĐỆ TỬ
Nguyên Tác: The Buddha And His Disciples 2020
Thích Trung Thành Việt dịch
LỜI GIỚI THIỆU
CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH NHƯ ĐIỂN
Tôi biết Thầy Trung Thành ở Chiangmai, Thái Lan cách đây chừng 8 đến 10 năm về trước, khi Thầy ấy còn là một sinh viên Tăng Việt Nam, đang theo học Phân Khoa Phật Học chuyên khoa Anh ngữ ở cấp bậc cử nhân, tại Đại Học Phật Giáo Mahachulalongkornrajavidyalaya, khi tôi đến thăm ngắn hạn chùa Cực Lạc Cảnh Giới của Thầy Hạnh Nguyện tại vùng này. Đây là nhân duyên lúc ban đầu để tiếp tục dẫn đến ngày hôm nay, như nào là gặp Thầy ấy tại Đức, Pháp, Ấn Độ, Đài Loan, Nhật Bản v.v… đúng là một chuỗi dài nhân duyên như vậy. Cái này kéo tiếp cái kia và thành quả của ngày hôm nay là Thầy ấy nhờ tôi viết lời giới thiệu cho quyển sách tiếng Anh tên là: The Buddha and his Disciples của Tỳ Kheo người Úc, đạo hiệu là Shravasti Dhammika, mà Thầy đã dịch ra Việt ngữ với hơn trăm trang trong mấy tháng, khi thế giới bị Covid-19 vây hãm trong năm 2020 này.
Tuy bận rộn cho nhiều việc Phật sự, nhưng tôi cũng cố dành một ngày 7 tiếng đồng hồ hôm 21 tháng 9 năm 2020 tại Tu Viện Viên Đức ở Ravensburg để đọc cho xong dịch phẩm này gồm 14 phần ngắn kể cả phần chú thích. Tôi rất hoan hỷ khi nhận làm việc này, nhưng với tôi dầu bận rộn đến đâu đi nữa, nếu có ai đó nhờ tôi viết lời giới thiệu sách, thì điều đầu tiên là tôi phải đọc quyển sách ấy cho xong mới viết lời giới thiệu. Bởi lẽ người ta đã tin tưởng nơi mình thì mình cũng không thể phụ lòng người khác được, khi chỉ đọc qua loa vài trang hay mục lục, rồi viết lời giới thiệu, thì việc này tôi chưa từng làm. Mặc dầu quyển sách hay kinh điển nào dày đến mấy trăm trang đi chăng nữa thì đối với tôi là một điều thú vị. Bởi lẽ mình không tốn công dịch, mà đọc được lời dịch của người khác ra Việt Ngữ cho mình đọc, thì quả là hạnh phúc biết dường bao. Do vậy tôi vẫn đọc và mãi đọc cho đến hôm nay, chưa bao giờ ngừng nghỉ là vậy.
Hiện tại của năm 2020 này thì Thầy Trung Thành chưa đến tuổi 30 và đang học Cao Học Phật Giáo tại Đại Học Phật Quang ở Nghi Lan, Đài Loan. Và như trong “Đôi lời tri ân” Thầy ấy đã bộc bạch rõ ràng rồi, Quý vị đọc sẽ biết lý do tại sao Thầy ấy dịch quyển sách này. Theo tôi thì Thầy Trung Thành đã có lý khi chọn tác phẩm này để dịch, vì là một người Úc xuất gia là tác giả, có thể có cái nhìn khách quan và khoa học hơn là một người Á Châu khác, khi nói hay viết, hoặc nhìn về Đức Phật như là một niềm tin của tôn giáo mà mình đang theo, chứ không phải là một khoa học của tôn giáo đó. Tác giả đã học, đã tu tập và đã dẫn chứng hầu hết những mẫu chuyện trong sách này đều dựa trong Kinh điển Nam truyền. Do vậy, độ tin tưởng có thể cao hơn tạng Bắc truyền. Dĩ nhiên tạng Bắc truyền không đi ra ngoài khuôn mẫu đã có như Nam truyền, nhưng Kinh điển Bắc truyền bao giờ cũng được thêm vào những chi tiết nhiều hơn, để thi vị hóa câu chuyện hấp dẫn hoặc ý nghĩa hơn, để người đọc từ đó dễ nắm bắt câu chuyện. Ví dụ như chuyện của chàng Vô Não (Angulimala) hại Phật là một ví dụ điển hình. Ở phần kinh tạng Bắc truyền kể lại chuyện này màu mè hơn. Ví dụ như bà vợ của vị Thầy Brahmin dạy đạo cho Vô Não, đã có tình riêng với chàng nhưng chàng thì vô tâm, nên bà ta tìm đủ mọi cách để hại chàng khi tình yêu không được thể hiện với Vô Não, và cuối cùng thì chồng bà, tức Thầy của Vô Não nghe lời vợ và buộc Vô Não phải đi tìm cho đủ 1.000 lóng tay của người được sát hại, thì Ông ta mới truyền cho phần cốt lõi của Đạo; nhưng ở Nam truyền thì ngắn gọn hơn, theo như nội dung mà Thầy Shravasti Dhammika đã thuật lại. Khi đọc vào nội dung của sách Quý vị sẽ nắm bắt được việc này một cách rõ ràng hơn. Chuyện của Đề Bà Đạt Đa cũng như vậy.
Trong sách, tác giả đã khéo kể về những đệ tử tại gia nổi tiếng của Đức Phật như xưa nay chúng ta thường được biết như: Anathapindika (Cấp Cô Độc), và nay ta lại còn biết thêm về các Cư Sĩ như: Citta của Macchikasanda và Hatthaka của Alavi nữa. Nhưng chúng ta cũng chưa thấy được hình ảnh của nữ thí chủ Tỳ Xá Khư trong sách này. Hoặc giả sự “Khủng hoảng ở Kosabi”, việc chính trong Kinh Tạng Bắc truyền là Đức Phật chế ra phép Lục Hòa cho chư Tăng Ni mà trong chương này cũng kể sự việc tương tự như thế, nhưng lại không đưa ra kết luận này.
Văn dịch ra Việt ngữ của Thầy Trung Thành rất trong sáng, người đọc sẽ dễ lãnh hội ý của tác giả cũng như dịch giả. Đây là sự thành công lúc ban đầu của cả hai vậy. Thầy còn dịch chú thích thêm những danh từ có gốc gác từ Phạn ngữ hay Pali sang Việt ngữ ở trong dấu ngoặc, khiến cho người mới học Đạo, đọc tác phẩm này sẽ dễ dàng nhận biết hơn khi tiếp xúc với Phật Giáo. Theo Thầy Trung Thành thì từ lúc nhỏ chưa vào chùa hay khi đã vào chùa rồi, Thầy đã đọc cuộc đời của Đức Phật không biết bao nhiêu quyển sách rồi. Do vậy khi dịch tác phẩm này, chắc rằng Thầy ấy cũng không gặp khó khăn mấy khi chọn từ ngữ Phật Học để diễn tả cho đúng ý của tác giả, khi tác giả muốn nhấn mạnh về một việc gì. Việc này đòi hỏi người dịch phải sáng tạo, cũng như phải hiểu sâu về thâm ý của tác giả mới thể hiện được việc ấy, mà việc này Thầy Trung Thành đã làm được, quả là một việc đáng tán dương biết bao.
Nhiều khi Thầy Trung Thành đi Phật sự chung với tôi ở đâu đó, nếu có một vị Thầy người Tích Lan, Hoa Kỳ hay Đức nói tiếng Anh, thì tôi thường hay nhờ Thầy ấy dịch ra Việt ngữ cho thính chúng nghe, và tôi đã cảm nhận được rằng, Thầy Trung Thành làm việc này rất tốt và có khả năng dịch cũng như diễn tả ý của diễn giả một cách rất linh hoạt, thành thục. Hy vọng Thầy Trung Thành sẽ thành công nhiều hơn nữa trong vấn đề dịch thuật, cũng như viết lách chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác về sau này.
Bây giờ tôi đã ở tuổi 71, 72 thấy được thế hệ 20, 30 làm những việc bắt đầu như cách đây 50 năm về trước mà tôi đã làm, quả là điều vi diệu. Do vậy tôi thường hay tài trợ và giúp đỡ cho những ai không phải chỉ có tài năng, mà còn có cả ý chí nữa. Bởi vì người xưa thường nói rằng: “Học hải vô nhai, cần thị ngạn. Thanh vân hữu lộ, chí vi thê.” (學海無 涯勤是岸;青雲有路志爲梯。) Nghĩa là: “Biển học không bờ, siêng năng là bến; đường mây có lối, ý chí là thang lên.”
Viết mấy lời giới thiệu này để động viên Thầy Trung Thành tiếp tục làm những việc mình ưa thích, mà Phật Giáo nói chung cũng như Phật tử Việt Nam đang cần, và tôi mong rằng, sẽ đón nhận thêm nhiều tác phẩm hay dịch phẩm khác nữa của Thầy Trung Thành, để được đọc và được viết lời giới thiệu như quyển sách đầu tay này của Thầy ấy.
Viết xong lời giới thiệu này vào ngày 21 tháng 9 năm 2020 tại thư phòng Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức.
Thích Như Điển
Phương Trượng Tổ Đình Viên Giác,
Hannover và Tu Viện Viên Đức, Ravensburg, Đức Quốc
Discussion about this post