Chân Hiền Tâm
Doanh sự Tỳ-kheo là danh vị dùng để chỉ cho chư vị Tỳ-kheo có trách nhiệm quản lý các việc trong Tăng chúng.
Trong một gia đình, chỉ vài đứa con, việc quản lý cho được chu toàn còn khó, huống là trong tùng lâm, nơi mà tứ phương không cùng huyết thống tụ lại với số lượng khá lớn. Không phải là việc dễ dàng. Cho nên, để những vị Doanh sự có thể làm tốt trách nhiệm của mình, Phật đã đưa ra 6 tiêu chuẩn[1] mà Doanh sự Tỳ-kheo cần có, để chư vị có thể đảm nhiệm tốt chức vị quản lý chúng sự.
Sáu hạng Tỳ-kheo Phật cho phép làm Doanh sự
1/ Người hay trì giới thanh tịnh. Đây đang nói về Doanh sự Tỳ-kheo nên giới thanh tịnh tối thiểu mà chư vị phải trì chính là giới của Tỳ-kheo. “Hay trì” cũng có nghĩa là “thường trì”. Đã thường thì “giới” liền thành “tánh”. Khó có gì lay chuyển khiến chư vị phạm giới.
Tế hơn nữa là trì giới tâm, lục căn không nhiễm lục trần.
Do việc trì giới như thế mà khi hành sự, vị Doanh sự không bị vật chất làm nhiễm khiến khởi tham tâm, không bị chúng sự làm nhiễm mà nổi tâm sân. Bình lặng. Ổn định.
Trì giới thanh tịnh còn là cái nhân khiến người dưới kính trọng, được người trên hộ trì, việc dễ thành tựu.
2/ Người sợ nơi đời sau, ví như kim cương. Là chỉ cho chư vị tin có đời sau và tin sâu nhân quả. Lòng tin này kiên cố không gì lay chuyển được, nên nói “như kim cương”. Người tin sâu nhân quả và tin có đời sau thì nhất định “quản lý” bản thân phải tốt. Không tham lạm của thường trụ, không tranh dành, bè phái trong tùng lâm v.v… có thể hoàn thành trách nhiệm và bổn phận được giao với sự cố gắng nhất.
3/ Biết các nghiệp báo. Là biết mọi tạo tác thiện ác gây ra trong hiện đời đều có cái quả khi đủ duyên. Những tạo tác nào do tham-sân-si dẫn đường thì quả là ba đường dữ, dù được đầu thai làm người thì cũng gặp nhiều khổ nạn không vơi. Những tạo tác nào mang tính định tĩnh và trí tuệ thì cái quả là Trời Người hạnh phúc.
Biết nghiệp báo, cũng có nghĩa là tin có 10 đường Địa ngục, Ngạ quỉ, Súc sinh, Người, A-tu-la, Trời, Thanh văn, Duyên giá Bồ-tát và Phật. Tin chết chưa hết. Tin có sự tái sinh luân chuyển qua các đường: Người do ác nghiệp có thể thành Súc sinh. Ngạ quỉ mà mở tâm thì có thể sinh cõi Trời (Tích bà Thanh Đề) v.v…
Biết nghiệp báo, cũng có nghĩa là tin hiểu cái nhân thâm lạm thường trụ đưa đến nghiệp báo gì, cái nhân quở người không đúng đưa đến cái quả gì v.v…
4/ Có tâm tàm quí và lòng hối lỗi. Đây là việc tối quan trọng của người tu cũng như người đời. Vì thế ngay cả khi nói đến việc bất động thì cũng là bất động trong tàm quí. Đó mới là bất động mà đức Phật đã nói.[2]
Trong quá trình làm việc, khó mà không có sai lầm. Vì thế nếu không có tâm tàm quí cũng như tâm hối lỗi thì khó mà hành sự được tốt. Người có tâm tàm quí, tự mình rút kinh nghiệm về những sai trái của mình, không cần người khác nhắc nhở. Tự rút kinh nghiệm cho mọi hành tác của mình đối với người, để mọi việc được tốt đẹp hơn.
5/ A-la-hán. Là cực quả trong Tứ quả. Ngã đã không, có định lực, trí tuệ và thần thông nên việc hành sự đương nhiên thuận pháp.
6/ Có khả năng tu tập Bát-bối-xả. Bát bối xả, còn gọi là Bát giải thoát, là 8 loại thiền giúp hành giả thoát khỏi phiền não trong Tam giới.
Cần đáp ứng được một trong 6 tiêu chuẩn đó là có thể đảm nhiệm chức vụ Doanh sự.
Ngoại trừ địa vị A-la-hán, là người rõ mình, rõ người, rõ việc trong ba thời, còn lại đều có điểm chung là giới luật cần nghiêm minh, tin sâu nhân quả, có tâm tàm quí biết hối lỗi, tu tập giáo pháp hướng về thánh đạo. Cũng không ra ngoài Giới Định Tuệ. Bởi không Giới thì không Định, không Định thì không Tuệ. Không Tuệ thì không biết tàm quí, không biết giá trị của việc trì giới, không tin sâu nhân quả v.v… Kinh nói: “Trì giới là biểu thức của thánh nhân, nhập Tứ thánh đế là biểu thức của thánh nhân v.v…”[3]. Không có các việc đó thì trách nhiệm không hoàn thành, việc quản chúng thất bại.
Vì sao cần một trong các tiêu chuẩn trên?
Vì Tăng chúng không thuần một hạng người. Việc này do tập nghiệp ở mỗi vị mà ra. Theo cách Phật nói là “Nhiều thứ tánh, nhiều thứ tâm, nhiều thứ giải thoát, nhiều thứ đoạn kiết sử”. Hiện tướng là, vị thì thích chỗ không không tịch, vị thì thích ở núi rừng, vị thì thích ở gần tụ lạc thanh tịnh trì giới, vị thì siêng tu đa văn, vị thì thích biện nói các pháp, vị thì thích trì giới luật, vị thì thích du hành qua các tụ lạc vì người nói pháp, vị thì thích khất thực, vị thì thích lìa tứ ách v.v… Nhiều tâm nhiều tánh như thế mà muốn Tăng nhân hòa hợp an ổn trong Tăng chúng, đòi hỏi Doang sự Tỳ-kheo phải biết ý mà sắp đặt, để hạn chế những khuyết điểm cũng như ưu điểm mà Tăng nhân ấy đang có. Ưu điểm là những hành vi thuận với con đường giải thoát. Những ưu điểm này nếu được phát triển sẽ khiến Tăng nhân ưu thích chốn tùng lâm, tăng tiến Đạo hạnh. Khuyết điểm, là những gì không tương ưng với con đường giải thoát. Nó có khuynh hướng phá vỡ sự hòa hợp của Tăng đoàn, khiến Tăng nhân xa rời Đạo pháp. Chỉ một việc như thế thôi, cũng không phải là việc dễ dàng đối với một Doanh sự Tỳ-kheo khi chúng lên đến vài trăm người. Đó là lý do đòi hỏi vị Doanh sự phải có tối thiểu một trong 6 tiêu chuẩn Phật nói, để không chỉ lợi ích cho người mà cũng là lợi ích cho bản thân. Giúp bản thân phát triển định tỉnh và trí tuệ khi tiếp duyên. Định tỉnh trí tuệ được thì công việc càng có thành quả.
Kinh nói :
1/ “Với Tỳ-kheo không tịch (A-lan-nhã) thì Tỳ-kheo quản sự không nên sai khiến làm tất cả việc. Nếu là lúc họ phải làm việc trong Tăng chúng thì Tỳ-kheo quản sự nên làm thay, nếu tự mình không làm thì thuê người làm thay, chẳng nên để họ làm. Nếu chẳng phải là giờ hành đạo thì nên để họ làm chút ít…”. Gọi là Tỳ-kheo không tịch, thì vị ấy phải “thích không tịch và ở chỗ không tịch”[4]. Chỗ không tịch thì không có tiếng ồn, không có thú dữ, không người thân cận, không sở hữu, là chỗ thuận với hạnh Sa-môn, là chỗ có thể giúp Sa-môn nhất tâm giữ chắc giới giải thoát, khéo hộ giới chúng, tịnh thân khẩu ý, không có điều kiện làm việc dối trá quanh co, có thể tịnh nơi chánh mạng mà hướng đến chánh định. Tỳ-kheo không tịch thì đầu hôm cuối đêm siêng tu pháp đã thọ không trễ nãi trong ngủ nghỉ.
Nhập thất là một dạng của chỗ “không tịch” nói đây.
Tuy vậy, không phải thích không tịch là đã đồng như nhau ở mặt hành sự. Tùy nghiệp tập của từng người mà có vị an trú được hoàn toàn trong chỗ không tịch, có vị lại chưa. Việc này đòi hỏi Doang sự phải có cái nhìn tùy duyên. Tùy nghiệp tập của từng người mà sắp xếp thời gian để Tăng nhân có thể an trú chỗ không tịch không chướng ngại. Có thể là mười năm, có thể là ba năm, có thể là sáu tháng v.v… tối thiểu cũng là 7 ngày. Thời gian còn lại thì làm các việc khác tùy theo khả năng của mình.
An trú “không tịch” là điều kiện để Tăng chúng thể nhập Đạo vô thượng, tăng trưởng định tuệ, nên dù “không tịch” chưa phải là chỗ ưa thích của Tăng nhân, việc an trú “không tịch” cũng là một yếu tố cần thiết trong quá trình tu đạo mà Doanh sự Tỳ-kheo cần chú trọng, giúp Tăng nhân quen lần với việc ở chỗ không tịch.
2/ “Nếu Tỳ-kheo siêng tu đa văn thì Tỳ-kheo quản sự phải khuyến khích họ siêng tu đọc tụng cho thông thuộc. Tôi sẽ vì Đại đức mà lo cung cấp phục dịch. Nếu Đại đức siêng tu đa văn như vậy, là anh lạc tốt trong Tăng chúng, có thể lên tòa cao thuyết pháp, cũng tự mình sinh trí tuệ. Với các Tỳ-kheo như vầy, Tỳ-kheo quản sự chẳng nên sai làm việc phi thời, phải ủng hộ cho họ tu đa văn v.v…”.
Với người có khả năng đọc, hiểu, giải nói kinh luận thì Doanh sự Tỳ-kheo cần cho chư vị nhiều thời gian để nghiên cứu. Thường người đã có năng khiếu về lãnh vực này thì các lãnh vực mang tính lao động chân tay sẽ yếu. Đây Phật nói đối với những vị như vậy cần lo cung cấp phục dịch, cũng chẳng nên sai làm việc phi thời. Bởi thời gian dành cho việc khác nhiều thì thời gian dành cho việc nghiên cứu sẽ ít. Nếu tập trung năng lực cho việc khác thì năng lực nghiên cứu kinh luận cũng sụt giảm. Vì thế Phật nói “chẳng nên sai làm việc phi thời”
Thực tế, ngoại trừ phần giáo dừng ở mặt hình tướng như Nhân duyên Nhân quả, còn lại như giáo Bát-nhã, Trung luận v.v… nếu chỉ dừng ở mặt nghiên cứu thì khó mà thâm hiểu cho chính xác. Vì thế, tùy duyên mà việc đa văn nói đây có thể chỉ dừng ở mặt học hiểu, cũng có thể phải bao gồm luôn mặt thiền định và thâm ngộ.
Thiền tông không đặt nặng ở vấn đề học rộng mà ở phần thâm ngộ. Song không có phần học hiểu thì không có thứ để lợi tha và kiểm nghiệm công phu tu hành, nên đa văn trong Thiền tông gồm cả hai thứ thuyết thông và tâm thông. Vì thế dù siêng tu đa văn, nhưng nếu chỉ dừng ở mặt học hiểu (với cả phần thâm giáo), thì việc học hiểu trở thành chướng nạn cho việc học pháp và giải nói Phật pháp sau này. Trường hợp này Doanh sự Tỷ-kheo cần khéo léo, không nên hạn chế hoàn toàn khả năng đa văn của Tăng nhân, mà khuyến khích phần nào có thể khuyến khích, hạn chế phần nào cần hạn chế. Hướng dẫn Tỳ-kheo đa văn an trú dần vào chỗ không tịch để cân bằng. Bởi nếu hạn chế hoàn toàn thì dễ nẩy sinh việc phản khán của nghiệp tập, khiến Tăng nhân từ bỏ tùng lâm.
An trú chỗ không tịch và siêng tu đa văn là hai việc cần thiết cho người đã phát tâm Bồ-đề, đi con đường giải thoát. Nó là hai yếu tố quan trọng phục vụ cho việc tự lợi và lợi tha. Vì thế, với những ai chưa thích hai điều trên thì Doanh sự Tỳ-kheo cũng cần sắp xếp để chư vị được tiếp cận và an trú dần. Nếu không, kiếp sau lại tiếp tục với việc vô văn và càng khó an trú chỗ tịch diệt khi náo động huân tập ngày một nhiều.
3/ “Với Tỳ-kheo giỏi thuyết pháp, Tỳ-kheo quản sự nên cung cấp mọi sự, nên tạo điều kiện để mọi người được nghe pháp. Chỗ thuyết pháp cũng phải cung cấp đồ cần thiết. Vì người thuyết pháp mà làm tòa cao tốt. Nếu có người muốn phá thì Tỳ-kheo quản sự nên đến hòa giải, cũng thường khen ngợi người thuyết pháp”. Nói giỏi thuyết pháp, thì việc thuyết pháp phải đáp ứng được hai thứ là khế lý và khế cơ.
. Khế lý thì dù là thuyết pháp cao hay thấp, đều không thuyết những gì trái với kinh luận. Dù hình thức diễn giải thế nào thì tinh thần cũng không được lìa những gì mà kinh luận đã nói. Chẳng hạn, tất cả kinh luận đều nói có địa ngục, có thân trung ấm. Nhưng nghe Trung luận nói các pháp đều không mà nghĩ không có địa ngục, không có thân trung ấm, rồi tuyên thuyết không có hai thứ đó, là tà thuyết, rơi vào cái chấp đoạn thường. Đó là do không nắm được mặt Duyên khởi-không tánh của vạn pháp, nên mới tuyên thuyết như vậy. Thuyết giảng vậy là lìa ngoài kinh luận mà thuyết. “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Lìa kinh một chữ liền đồng ma thuyết”.
. Khế cơ là điều kiện khiến người nghe pháp thấy vui thích mà làm theo và làm được. Tuy khế cơ nhưng phải khế lý, tức không ra ngoài lý thật mà Phật đã nói, không thì không phải là Phật pháp.
Với hàng Tỷ-kheo biết thuyết pháp khế lý khế cơ như thế thì cần tạo điều kiện để họ thuyết pháp. Nếu chỉ nói hay, hấp dẫn được đại chúng mà nói không đúng lý thì không nên để chư vị thuyết pháp. Bởi người chưa có trí tuệ thì thường chỉ tin vào màu áo Tăng nhân, chưa thể phân biệt đúng sai trong lời nói mà chọn lọc điều đáng nghe. Có thể gây tai họa cho người đời rất nhiều. Cũng là gây tại họa cho mình. Đại sư Liên Trì nói: “Có người nói, pháp sư giảng kinh thuyết pháp có công đức chuyển hóa thân tâm chúng sinh không mang họa dễ như những thầy thí thực có trách nhiệm giao tiếp với quỉ thần. Nói như vậy là không đúng lắm. Pháp sư giảng kinh thuyết pháp nếu không cẩn thận, tai vạ còn lớn hơn. Thí thực chỉ có một môn một pháp còn dễ tinh thông. Giảng kinh thuyết pháp kinh luận quá nhiều, nếu tinh thông tất cả quả là rất khó. Nên người xưa chỉ chuyên về một môn như Pháp Hoa hay Hoa Nghiêm v.v… Thời nay kinh luận nào cũng tuyên giảng, có thật thông hơn các bậc Cổ đức không? Vì thế, có một số không được minh sư chỉ dạy mà tự cao tự đại, nói năng bằng cái thấy thiển cận của mình, rồi đưa ra kiến giải mới, thành lập Tông phong mới, phê bình bậy những bậc tiên hiền. Có một số người lấy bộ kinh luận nào đó giải thích thêm chút ít. Điều này quả thật không đúng. Cần phải nghiên cứu sâu, tham khảo nhiều, phải lấy tâm niệm xiển minh đạo lý làm gốc, không cầu danh lợi cho mình thì mới mong có công đức và không tai họa”[5].
Việc chọn người thuyết pháp này, đòi hỏi Doanh sự Tỳ-kheo phải có trí tuệ.
4/ Với Tỳ-kheo khéo trì giới, khéo hiểu nghĩa luật thì Tỳ-kheo quản sự còn phải thường đến hỏi làm thế nào để khỏi phạm tội, chẳng tổn mình, cũng chẳng hại người. Tỳ-kheo quản sự đối với Tỳ kheo trì luật cần hết lòng kính tin cúng dường”.
Trước khi có Lục quần Tỳ-kheo thì không có giới luật. Sau đó Phật mới đặt ra giới luật. Trong Luật Tứ Phần Giới Bổn, đều ghi chú nhân duyên nào khiến Phật chế giới đó. Việc đó cho thấy giới luật là pháp theo duyên. Vì thế, nó chỉ có giá trị trong một số duyên nào đó, không phải là trong tất cả. Và giá trị của nó thường nằm ở mặt tinh thần hơn là cố định ở mặt hình thức. Nếu thay đổi hình thức mới giữ được tinh thần thì phải theo tinh thần mà thay đổi hình thức. Nếu thay đổi hình thức mà mất luôn mặt tinh thần thì hình thức đó không được thay đổi.
Như giới “Cấm cầm báu vật”.
Xuất hiện giới này là do vào thời Phật, có một cư sĩ ngoại đạo trên đường đi, bỏ quên một túi vàng. Chúng Tỳ-kheo ngang qua, lượm được và tìm cách trao trả. Nhưng khi nhận được vàng, người kia bảo thiếu và kiện lên vua Ba-tư-nặc. Vua biết cư sĩ ngoại đạo nói dối nên tịch thu luôn túi vàng. Do việc đó Phật kiết giới cấm “Cấm cầm báu vật”.
Khi đó, bà Tỳ-xá-khư trước khi ra mắt Phật, cởi chuỗi anh lạc để dưới gốc cây trong tịnh xá Kỳ-hoàn. Nghe pháp xong, lo tư duy pháp bà quên mất sâu chuỗi. Tăng chúng không ai dám đụng đến chuỗi anh lạc và mang việc đó trình lên Phật. Phật kiết thêm giới “Ở trong đất già lam cho cầm cất báu vật”. Lại, chư vị Tỳ-kheo ngang qua một làng không có chùa, ngủ nhờ ở nhà ông thợ bạc. Ông để vàng bạc đó rồi đi. Chư vị Tỳ-kheo không dám ngủ vì sợ mất đồ. Do đó Phật kiết thêm giới “Có thể cầm cất vật báu khi ở nhờ”. Giới “Cấm cầm báu vật” trở thành “Cấm cầm báu vật, trừ trong Tăng già lam và chỗ ngủ nhờ”.
Việc đó cho thấy không phải Phật không cho cầm cất báu vật, chỉ là cho cầm cất báu vật trong trường hợp nào và không cho trong trường hợp nào. Việc cầm cất báu vật, nếu lợi cho người thì Phật cho cầm, nếu hại người thì không cho cầm. Tinh thần của giới “không cho cầm báu vật” là như vậy. Giữ là giữ phần tinh thần này, không phải cố định trên mặt hình thức. Tùy tinh thần lợi người mà hình thức có thể thay đổi “cho cầm cất” hay “không cho cầm cất”.
Tỳ-kheo “khéo trì giới, khéo hiểu nghĩa luật” thì phải nắm được mặt Duyên khởi này của giới luật, phải biết thứ gì không thể thay đổi (bất biến), thứ gì là có thể thay đổi (tùy duyên) để duy trì được phần bất biến kia. Nắm được Duyên khởi, sẽ không bị hình thức làm ngại mà vẫn tuân thủ được giới luật mà Phật đã chế. Với cái duyên như vậy, Doanh sự Tỳ-kheo mới có thể y đó thưa hỏi để lợi lạc quần sinh.
Tinh thần của các việc trên là tùy tập nghiệp của từng người mà Doanh sự Tỳ-kheo cần sắp xếp để Tăng nhân được an ổn, đạo hạnh thêm tăng tiến. Đương nhiên trong tùng lâm, không phải chỉ có bao nhiêu đó tính cách, còn nhiều loại khác nữa. Vị có khiếu về may. Vị có khiếu về dịch thuật. Vị có khiếu về làm vườn v.v… Tùy nghiệp tập của từng vị mà Doanh sự sắp xếp sao cho Tăng nhân thấy vui vẻ an ổn với cuộc sống của Tăng đoàn là được. Có điều, phải là những loại tập nghiệp có khuynh hướng thuận đạo, hoặc dụng nó mà không nghịch với việc tu hành, Phật mới cho phát huy. Còn những loại tập nghiệp có khuynh hướng khiến tâm người thêm náo loạn thì cần hạn chế, không nên tạo duyên để chúng sinh khởi. Như vấn đề âm nhạc, là thứ mà khi thọ giới Sa-di, nó đã trở thành giới cấm. Vì âm nhạc làm loạn tâm người tu, nhất là tu thiền, lại là thứ người đời đa phần đều huân tập rất mạnh. Cho nên, nếu tạo điều kiện để loại chủng tử này được phát huy thì không nên. Thực tế, nếu tâm không động thì cũng không thích ca hát. Thích ca hát vì tâm động.
Song trong Phật sự, khi tiếp phật tử là các bạn thiếu nhi, để giúp các em tìm thấy niềm vui, bước dần vào đạo, có khi phải cần đến âm nhạc. Song đó chỉ là phương tiện dẫn đạo mang tính tùy duyên, không thể dùng nó một cách phổ trà trong môi trường tu học của Tăng chúng.
Các việc mà một Doanh sự Tỳ-kheo nên tránh
1/ Không nên có ý nghĩ tài vật của Tam bảo là của mình. Với lợi dưỡng phải có tâm biết đủ.
2/ Đối với của thường trụ, không nên bỏn xẻn cất giấu, không nên cho phi thời, không nên vì tình riêng mà cho, không nên khó dễ với các bậc trì giới thanh tịnh v.v… Nói chung, không vì tham sân si mà cho. Nếu không, Doanh sự Tỷ-kheo sẽ bị đọa vào Uế ác Ngạ quỉ. Loại quỉ này thường ăn phẩn, dù gặp vật ngon cũng không được ăn. Nếu được ăn, vật phẩm liền biến thành phẩn nhơ hay mủ máu, bị đói khổ trong trăm ngàn năm.
3/ Không nên dùng lẫn lộn giữa tài vật của Thường-trụ-tăng, Tứ-phương-tăng và tháp-Phật. Phần cúng dường thuộc chỗ nào thì cứ y chỗ đó mà dùng không lẫn lộn. Nếu không, sẽ mắc báo khổ lớn trong một kiếp hay nhiều hơn, vì xâm phạm của thường trụ.
Trường hợp tài vật thuộc Thường-trụ-tăng nhiều mà Tứ-phương-tăng không có thì nên họp Tăng yết-ma. Nếu Tăng chúng đồng chấp nhận thì mới được dùng. Trường hợp tu bổ tháp Phật cũng vậy. Nếu không có tài vật thì họp Tăng Yết-ma xin tài vật của Thường-trụ-tăng và Tứ-phương-tăng. Nếu không xin được thì Doanh sự Tỳ-kheo có thể khuyến hóa hàng tại gia xin tài vật để tu bổ tháp Phật. Không nên tự ý dùng lẫn lộn tài vật của các nơi.
Trường hợp tài vật thuộc tháp Phật, dù nhiều cũng không được mang cho Thường-trụ-tăng hay Tứ-phương-tăng. Vì đó là tài vật thí chủ cúng cho Phật không phải cúng cho Tăng, nên không thể tự dùng. Kinh nói: “Nếu nơi tháp Phật, trước đã có cúng y, thì y này nên để cho gió thổi mưa rã, chẳng nên đem đổi vật khác, dù là bảo vật. Vì vật nơi tháp Phật, không gì có thể so sánh. Phật cũng không chỗ cần dùng”[6].
4/ Với người trì giới có đức hạnh lớn và đáng kính lễ thì không nên nổi tâm sân mà sai khiến làm việc. Vì nổi tâm sân thì sẽ đọa đại địa ngục. Nếu được làm người thì phải làm tôi mọi bị chủ nhân sai khiến đánh mắng khổ cực.
5/ Với người trì giới có đức lớn thì không nên dùng việc nặng để đe dọa, không nên dùng tâm sân nói nặng nhẹ. Nếu không sẽ đọa vào địa ngục lưỡi dài, bị trăm ngàn đinh đóng phát lửa cháy đỏ.
6/ Không nên dùng quyền đặt ra các qui chế quá nặng để trách phạt chư Tỳ-kheo làm phi thời. Nếu không sẽ bị đọa tiểu địa ngục nhiều đinh, bị trăm ngàn mũi đinh đâm vào thân thể…
7/ Với các hạng Sa-môn nói sau:
. Chiên-đà-la Sa-môn, là những vị ham thích lợi dưỡng, thọ hưởng của thường trụ mà không giữ gìn giới luật, thân cận người tại gia vì lợi dưỡng không vì Phật pháp.
. Bại hoại Sa-môn, là những vị rời lìa pháp vị, chọn cặn phiền não, bỏ hương trì giới, ngửi mùi phiền não. Đến chỗ nào cũng gây phiền phức, không lợi mình cũng chẳng lợi người.
. Tráp Sa-môn, là chỉ cho những vị, ngoài thì hiện tướng Sa-môn mà trong thì nặng tâm cấu uế, chuyên hành ác nghiệp.
. Câu-lan-trà Sa-môn, là chỉ cho những vị hiện tướng Sa-môn mà tâm thì ngạo mạn, tự cao, không có chánh kiến, phá hoại giới luật. Người trí biết thì xa lánh. Kẻ ngu thì thân cận lễ bái cúng dường, tin lời họ nói là thật.
. Mất huyết khí Sa-môn, là chỉ cho những vị không có huyết khí điều chỉnh tham-sân-si. Không có huyết khí tu giới-định-tuệ. Không có huyết khí từ-bi-hỉ-xả. Không có huyết khí tịnh thân, khẩu, ý. Không có huyết khí an trụ Tứ thánh chúng. Nói chung, đó là hàng Sa-môn không thể dùng Phật pháp trị bệnh cho thân tâm, thân tâm buông lung như người đời.
Doanh sự không nên có tâm níu giữ khi họ muốn rời Tăng chúng. Vì hưởng của Thường trụ mà không có đức hạnh, không có tâm hướng thiện thì kết quả chỉ rơi vào ba đường dữ. Kinh[7] kể câu chuyện như vầy:
Khi Phật thuyết giảng về các hạng Sa-môn bất thiện, rồi nói về cái quả của nó, có 500 trăm vị Tỳ-kheo xả giới hoàn tục. Vì thấy mình không đủ khả năng thay đổi và giữ giới. Các Tỳ-kheo khác thấy vậy liền quở:
– Chư Đại đức hoàn tục như thế là không hay cũng không đúng pháp[8].
Phật nói:
– Các ông chớ nói vậy. Làm như vậy mới là thuận pháp. Các Tỳ-kheo kia thối lui hoàn tục vì tín tâm tính giải nhiều, vừa nghe lời dạy xong, liền sinh lòng hối lỗi. Này Đại Ca-diếp! Nay ta nói chư Tỳ-kheo huờn tục này, sau khi mạng chung, sinh cõi trời Đâu-suất, chỗ của Bồ-tát Di-lặc. Thời Di-lặc Như Lai xuất thế, chư Tỳ-kheo ấy sẽ ở trong pháp hội đầu tiên”.
Câu chuyện ấy cho thấy không phải cứ mặc được áo Sa-môn là đã thành Sa-môn, là đã có công đức mà khởi tâm cho ta hơn người. Có sự lầm lẫn không nhỏ ở chỗ này. Kinh nói: “Này Ca diếp! Ta chẳng nói cạo đầu, đắp y gọi là Sa-môn. Mà ta nói người có công đức và nghi thức đầy đủ, gọi là Sa-môn”[9]. Cho nên, không có tâm Sa-môn chịu hàng phục phiền não, kiêu mạn v.v… thì chỉ là nhân duyên đưa “Sa-môn” vào đường dữ, không phải là điều tốt đẹp khi thân hưởng của thường trụ mà tâm không phải là Sa-môn. Doanh sự Tỳ-kheo nắm rõ điều này sẽ linh hoạt trong việc giữ chúng hay không giữ chúng. Cho nên, có khi không giữ chúng mới là lòng từ của một Doanh sự Tỳ-kheo.
Chân Hiền Tâm
[1] Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm Doanh sự Tỳ-kheo. HT Trí Tịnh dịch. Những phần trích sau, nếu không thấy ghi chú xuất xứ, đều được trích trong phẩm này.
[2] Kinh Thập Thiện.
[3] Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm Sa môn. Trang 89. HT Trí Tịnh dịch.
[4]Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm A-lan-nhã Tỳ-kheo. HT Trí Tịnh dịch.
[5]Gương sáng người xuất gia – Đại sư Liên Trì – Chơn An dịch.
[6]Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm Doanh sự Tỳ-kheo. HT Trí Tịnh dịch.
[7]Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm Chiên-đà-la Sa-môn. HT Trí Tịnh dịch.
[8] Phi thiện, phi pháp.
[9]Kinh Đại Bảo Tích tập VII. Pháp hội Bửu Lương Tụ. Phẩm Sa-môn. HT Trí Tịnh dịch.
Discussion about this post