ĐẠI TẠNG KINH PHẬT GIÁO
kho tàng văn hóa – tri thức của nhân loại
HT.Thích Trí Quảng
Đức Phật tại thế, mọi người được sống hạnh phúc
bên cạnh bậc đại Đạo sư minh triết tuyệt vời, cho nên không cần đặt ra vấn đề
tìm hiểu về Phật. Nhưng khi Phật nhập Niết bàn, mọi người đều có chung suy nghĩ
rằng cần góp nhặt lời Phật dạy để truyền cho nhau tu hành. Trong lần kiết tập
đầu tiên, dĩ nhiên không thể trùng tuyên đầy đủ lời Phật dạy, cũng như không
được mọi người tán thành hoàn toàn. Thật vậy, những chứng nhân quan trọng đã
từng trực tiếp nghe Phật thuyết pháp như Xá Lợi Phất hay Mục Kiền Liên đã nhập Niết bàn. Ngoài ra, lịch sử cũng ghi
rõ đại đệ tử thuyết pháp bậc nhất Phú Lâu Na và 500 Tỳ kheo không đồng ý với
những gì được kiết tập. Họ đã đến hang động khác để trùng tuyên lại.
Có thể nói vì trình độ hiểu biết của mỗi người
khác nhau, cho nên tuy cùng một lời dạy của Đức Phật mà lại nảy sanh những nhận
thức khác biệt. Từ đây, nhiều bộ phái Phật giáo được hình thành, nhưng chung
quy có hai bộ phái chính là Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ. Tư tưởng của Thượng
tọa bộ truyền xuống phía Nam
được tiếp nhận nguyên vẹn, vì nơi đây nền văn hóa còn thấp. Ngược lại, tư tưởng
Phật giáo của Đại chúng bộ từ Trung Ấn lên Bắc Ấn, gặp ngay tư tưởng triết học
có sẵn thuộc văn hóa Hy Lạp, Ai Cập, La Mã. Thật vậy, sau Phật nhập diệt 400
năm, Alexandre chinh phục Ấn Độ và mang đến tư tưởng Hy Lạp, một nền triết học
lớn của nhân loại thời ấy. Chính trong môi trường của văn minh Ấn kết hợp với
văn minh Hy Lạp sản sinh ra tư tưởng Phật giáo Đại thừa, tạo nên một cái nhìn
mới về Phật giáo dưới dạng triết học.
Đại thừa Phật giáo, hay Phật giáo phát triển chú
trọng đến việc vận dụng tinh thần của kinh, diễn tả theo chân ý của Phật bằng
lối văn thời đại. Sách giáo lý diễn tả theo văn xưa không còn thích hợp được
thay bằng kinh điển Đại thừa có khả năng đương đầu với tư tưởng ngoại đạo. Đó
là chân tinh thần Phật giáo phát triển truyền bá đến nơi nào cũng tiếp thu
những nét sáng đẹp của văn hóa địa phương để phát triển tinh ba của địa phương ấy. Sức sống của Phật giáo phát
triển giống như dòng nước ngọt trôi chảy đến mọi nơi, nuôi sống tưới tẩm đất
đai cây trái xanh tươi.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng kinh điển Phật
giáo dù thuộc hệ Nam
truyền hay Bắc truyền đều không phải ghi nhận một cách chính xác trực tiếp từ
lời nói của Đức Phật. Ý kinh thuộc về phần thuyết giảng của Phật, nhưng văn
kinh do người đời sau ghi lại. Mỗi khi thuyết pháp, Đức Phật tùy theo căn cơ,
trình độ, hoàn cảnh địa phương mà Ngài nói pháp tương ưng khác nhau. Trong chúng
hội, người nghe pháp trình độ không đồng, nên sức tiếp thu và ghi nhận phải
khác nhau là điều tất yếu.
Nội dung kinh
tạng Nikaya thuộc hệ Nam
truyền bao hàm nền tảng căn bản giáo lý Phật Đà, với lối văn mộc mạc, bình dân,
cho nên dễ hiểu và dễ ứng dụng thực hành. Trong khi kinh điển Phật giáo phát
triển thì văn lý hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và chải chuốt, thường triển khai các
loại hình thế giới siêu nhiên nhiều hơn, như kinh Hoa Nghiêm có đến 45.000 bài
kệ. Nhưng dù kinh tạng thuộc hệ Nam truyền hay Bắc truyền đều đề cập từ những
giáo lý căn bản như Tam quy, Ngũ giới, cho đến Tứ đế, Duyên khởi, Vô ngã, từ
những phương pháp xây dựng đời sống gia đình an vui, hạnh phúc cho hàng Phật tử
tại gia, đến các phương pháp tu tập diệt trừ phiền não và chuyển hóa tâm thức
để đạt được các Thánh quả cho hàng đệ tử xuất gia, v.v…
Theo dòng thời gian, đạo Phật tồn tại và phát
triển theo đà tiến hóa của nhân loại cho đến nay đã trải qua gần 26 thế kỷ. Với
chiều dài lịch sử gắn bó mật thiết với cuộc sống con người lâu xa như vậy, Đại
tạng kinh Phật giáo luôn luôn là kim chỉ nam cần thiết và có giá trị tuyệt đối
cho cuộc sống thương yêu, hòa bình, hạnh phúc, hiểu biết đúng đắn của thế giới
loài người. Thật vậy, lịch sử Phật giáo đã chứng minh rõ nét rằng theo bước
chân hoằng pháp độ sanh từ thời Đức Phật tại thế đến chư vị Tổ sư và cho đến
ngày nay, trải qua khắp năm châu bốn biển, không bao giờ có đổ máu, hận thù,
tàn phá, giết chóc, mà giáo lý Phật Đà chỉ xây dựng tình thương vô ngã vị tha, lòng
độ lượng và trí tuệ cho mọi người. Tình thương trong sáng và sự thật muôn đời
vẫn là những gì quý báu nhất cho mọi người, mọi xã hội. Vì vậy, xã hội càng
tiến bộ, mọi người càng nhận ra sự trong sáng của lòng từ bi, của đức khoan
dung và của sự hiểu biết đúng đắn theo tinh thần Phật dạy lưu lại trong kinh
điển Phật giáo.
Từ tinh thần tùy duyên, các bậc chân tu đã ứng
dụng những phương tiện độ đời một cách khéo léo, khiến cho đạo Phật toát lên
những màu sắc đa dạng. Người thì cho đạo Phật là một tôn giáo, vì đọc tụng kinh
Phật dạy, hay lễ lạy tôn tượng Phật, Bồ tát, họ đã tìm thấy được sự bình an
trong tâm hồn. Người thì cho đạo Phật là một hệ thống triết học cao siêu. Có
người tìm thấy đạo Phật là nền văn hóa cực kỳ quý báu của phương Đông,
v.v… Có thể khẳng định rằng đạo Phật bao
gồm tất cả những yếu tố đặc sắc kể trên, mà hơn thế nữa, giáo pháp Phật dạy còn
vượt lên trên tất cả, vì đã chỉ dạy cho con người phương pháp chấm dứt khổ đau,
xây dựng được cuộc sống an lạc, tự tại ngay đây và ngay bây giờ. Tuy có hình
thức tôn giáo, nhưng đạo Phật không chấp nhận sự lệ thuộc con người vào thần
linh, mà trái lại coi con người là trung tâm điểm có khả năng thăng hoa cuộc
sống đến những tầng cao hơn, tốt đẹp hơn. Và mỗi người đều có thể nương vào lời
Phật dạy, để chuyển hóa phiền não, khổ đau mà từng bước tạo cho mình cuộc sống
an lạc ngay trong hiện tại, ngay trong cuộc sống ở đây, chứ không phải chờ đến
một kiếp xa xăm nào, ở cõi vô hình nào.
Tóm lại,
trong kho tàng kinh điển Phật giáo vô cùng đồ sộ, Đức Phật luôn chỉ dạy mọi
người những phương pháp sống để có được cuộc đời có ý nghĩa, bình an và sung
sướng hơn. Từ đó, tạo ra một thế giới hài hòa, hòa bình, an vui, hạnh phúc.
Với nền tảng
mưu cầu hạnh phúc vì nhân sinh và cho nhân sinh như vậy, giáo pháp Phật mãi mãi
tồn tại song hành cùng với con người và tỏa sáng giá trị văn hóa, trí tuệ tuyệt
đỉnh cho nhân loại.
(NGUYỆT SAN GIÁC NGỘ SỐ 186/ Thư Viện Hoa Sen)
Discussion about this post