CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 3)
(VIẾNG THĂM ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA)
Bích Phụng
Hôm
nay là ngày 11-3-2011, đoàn hành hương chúng tôi một lần nữa trở lại Tu viện
Namgyal nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 cư trú để cầu may gặp ngài vì ngày hôm
qua đoàn chúng tôi không được gặp riêng ngài.
Đến
nơi, trong khi cả đoàn lên chính điện làm lễ Phật, chúng tôi đã cùng sư cô Liên
Quý đến gặp vị chánh văn phòng để ngỏ lời thỉnh cầu được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng thay vì gặp vị chánh văn phòng, chúng
tôi lại được viên chức phụ trách lịch trình tiếp khách hàng ngày của ngài. Ông
cho biết chương trình hôm nay của Đức Đạt Lai Lạt Ma và cả những ngày sắp tới
đều dày đặc vì nhiều vấn đề trọng đại của nhân dân Tây Tạng như cuộc họp khoáng
đại của quốc hội Tây Tạng lưu vong sắp diễn ra vào ngày 13-3-2011. Viên chức
này cho biết các khách và các đoàn hành hương từ phương xa muốn được gặp ngài
phải làm cuộc hẹn trước ít nhất là 4 tháng. Rất tiếc đoàn đã không có văn thư xin hẹn trước, nên đã ba lần sư cô
Liên Qúy thỉnh cầu đều bị khước từ. Tuy
vậy, sư cô vẫn không nản chí, cố kiên nhẫn xin cho được gặp ngài vì ngày mai
đoàn phải rời Dharamsala trở lại Delhi. Sư cô Liên Quý cũng cho viên chức ấy biết quý
thầy cô và đoàn Phật tử Việt Nam
từ khắp nơi trên thế giới đang chờ đợi ngoài sân tu viện.
Cảm
nhận được sự tha thiết mong cầu của đoàn Phật tử Việt Nam, cuối cùng,
viên chức này đành đồng ý sắp xếp thời giờ để đoàn gặp ngài vào buổi trưa. Họ
phát cho chúng tôi mỗi người một lá đơn ghi danh, khi nộp lại cùng với Sổ Thông
Hành (Sổ Hộ Chiếu) để làm thủ tục.
Đến
11 giờ đoàn chúng tôi sắp hàng vào trong khuôn viên tư dinh Đức Đạt Lai Lạt
Ma. Được biết từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã cho đặc công giả dạng tu sĩ Phật Giáo Tây Tạng lẻn
vào khu vực này để ám sát ngài. Mặc dù họ không thành công trong âm mưu này, nhưng cũng đã sát hại vài vị Lạt Ma cao cấp của Tây
Tạng, vì vậy việc kiểm tra an ninh rất cẩn thận. Chúng tôi từng người được phân chia nam nữ riêng, lần
lượt đi qua hàng rào an ninh để khám xét và mọi vật dụng mang theo đều phải gửi
lại ở đây. Sau đó chúng tôi tiếp tục chờ
đợi. Khoảng 12 giờ trưa chúng tôi được ngài đón tiếp tại trước cửa dinh cùng với
nụ cười giản dị và chân tình, vui vẻ
chào đón mọi người.
Ngài
đích thân trao tặng cho mỗi người một bức hình tôn tượng đức Phật Thích Ca thờ
tại Đại tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Sau đó chụp hình chung lưu niệm với từng
nhóm trong đoàn, do đoàn quá đông, và cuối cùng ngài nói một bài pháp ngắn
khoảng năm phút.
Mở đầu cho phần nói chuyện, Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi:
– Các vị đều biết tiếng Anh
phải không?
Hầu
như mọi người đều im lặng, nên ngài yêu cầu người thông dịch. Trưởng ban tổ
chức đã nhờ một cô Phật tử trẻ tuổi đến cạnh ngài làm thông dịch viên. Đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma ngỏ lời chào mừng
đến các Phật tử Việt Nam đã không quản ngại từ xa đến đây thăm ngài, sau đó ngài
nhắn nhủ với đoàn Phật tử Việt Nam là Đức Phật không phải là đấng tạo hóa sáng
tạo ra muôn loài, Ngài là một con
người bình thường, đã tu hành và đã giác ngộ viên mãn. Ngài khuyên các
Phật tử nên thực hành Phật Pháp trong đời sống hàng ngày, luôn phát triển tâm
từ bi đến toàn thể chúng sinh, nên đọc và thực hành kinh Bát Nhã, nhất là các
chương nói về Từ Bi, Trí Tuệ, Ba La Mật Đa và Tính Không.
Buổi tiếp kiến của Đức Đạt Lai Lạt Ma chấm dứt lúc 12:30 trưa. Ai nấy đều muốn kéo dài thêm giây phút quý báu
được nhìn, được nghe, được gần ngài mà người Phật tử Tây Tạng tin
ngài là hiện thân của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhiều Phật tử cũng xem ngài như
vị Phật sống, tìm cách đến gần ngài. Họ cố gắng đưa tay ra để được nắm tay
hay chạm vào tay ngài và tỏ vẻ sung sướng hạnh phúc, nhất là những Phật tử Việt
Nam ở trong nước, vì cho đến nay ngài vẫn chưa có dịp một lần đến Việt Nam
giảng pháp, mặc dù ngài đã đi rất nhiều nơi trên thế giới.
Phái đoàn hành hương hoan hỷ ra về, trong lòng không ngớt
quyến luyến. Khi rời khỏi sân, chúng tôi được một vị Lạt Ma trao
tặng mỗi người hai gói thuốc. Không biết
những viên thuốc này được chế biến từ những nguyên liệu nào, chỉ nghe nói những
gói thuốc này đã được các vị Lạt Ma chú nguyện vào đó khi thiền định, và nhờ
năng lực chú nguyện này, nếu ai có niềm tin, uống những viên thuốc này sẽ khỏi
bệnh.(Hình bên phải)
Thật
ra, bệnh cũng một phần hay nhiều phần do tâm tạo, tâm hết bệnh thì thân bệnh
cũng hết. Ai trong giới y học đều biết
cuốn sách “Nơi không có thầy thuốc”,
bác sĩ David Werner kể: “Có lần tôi thấy
một bệnh nhân nhức đầu dữ dội. Một phụ nữ đưa cho anh ta miếng khoai mài và bảo
rằng đây là thuốc giảm đau rất mạnh. Anh ta tin lời, đã ăn nó và kết quả là
khỏi đau nhanh chóng”.
Theo
bác sĩ Werner, trong trường hợp trên, yếu tố tâm lý của người bệnh đã được tác
động để phát huy khả năng điều chỉnh của nó. Khi bệnh nhân được cho dùng một
chất không phải là thuốc nhưng tin tưởng tuyệt đối đó là thuốc thật thì có thể
giảm bệnh. Đó là hiệu ứng Placebo của
y khoa. Tuy nhiên, theo Phật Giáo, có những bệnh, có người chữa khỏi, lại có
người chữa không khỏi, đó là do nghiệp riêng của mỗi người và cũng là kết quả
của một quá trình gieo nhân thông qua thân, khẩu, ý. Vì thế muốn giảm hay khỏi bệnh chỉ có cách tự
thân tu tập để chuyển nghiệp. Không ai
có thể thay thế cho mình làm hết bệnh được, ngay cả đức Phật. Chúng ta còn nhớ một trong ba điều mà Đức
Phật không làm được là Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh [1]…
Chúng
tôi là những người cuối cùng rời khỏi khuôn viên tư dinh Đức Đạt Lai Lạt Ma. Người
giữ an ninh đưa lại máy ảnh, không quên nói lời chúc chúng tôi lên đường trở về
New Delhi bình an. “Vâng, sáng sớm mai chúng tôi sẽ trở về New Delhi và ngày hôm sau sẽ bay về Mỹ”. Tôi đáp lời.
Nắng
Dharamsala buổi trưa rực rỡ nhưng không nóng như New Delhi, như Varanasi, như
Vaishali ở phía dưới đồng bằng xa xa kia. Có thể nói thời tiết nơi đây mát như
thời tiết miền Nam Cali vào độ Xuân về.
Thế
là hết nửa ngày cuối ở Dharamsala.
Buổi
chiều là chương trình tự do đi phố mua sắm quà lưu niệm. Khách sạn chỉ có xe đưa ra phố nhưng phải chờ
lâu, nên chúng tôi bước lần theo con dốc xuống đồi đón taxi.
Xe
đến bến đậu, chúng tôi tản bộ xem dân chúng buôn bán hai bên hè phố. Đường phố ở đây chật hẹp nhưng so với New Delhi tương đối ít bụi và rác rến. Hàng quán hai bên phố san sát nhau, lúc nào cũng đông
người qua lại, kẻ vào người ra. Chen lẫn giữa dòng người đi lại trên đường phố là bóng dáng mầu y đỏ sậm của những nhà sư Tây Tạng. Đường phố chật hẹp lại đông người đi bộ, nên mổi khi có xe chạy đến, chúng tôi
phải vội vàng né tránh. Chúng tôi thấy có rất nhiều tiệm đổi tiền và văn phòng
lữ hành, chứng tỏ có rất nhiều người ngoại quốc đã đến đây. Hàng quán bán rau quả,
thực phẩm và đồ lưu niệm cũng tương tự như các hàng quán ở
những nơi khác trên xứ Ấn. Đa phần hàng lưu niệm mang nhãn hiệu
“Made in China”, cũng có một số ít “Made in Việt Nam”.
Cũng mừng cho dân mình đã xuất khẩu hàng hóa tới tận nơi đây.
Đi
bộ trên những con phố nhỏ này, chúng tôi không có ý định mua sắm gì, chỉ quan
sát những người đi qua lại và những người bán hàng mà hầu hết là đàn ông, một
số vừa bán hàng vừa lần hạt trì chú. Chúng tôi không biết những người Tây
Tạng này, trong lúc bán hàng tâm của họ để ở đâu, nơi câu niệm chú hay nơi
người mua hàng, nhưng nhìn nét mặt họ có nét an vui và thanh thản. Chúng tôi
biết rằng người Tây Tạng có niềm tin chắc chắn vào sự tái sinh, và cuộc sống hiện
tại này đối với họ cũng chỉ là một sự sửa soạn cho đời sống sau.
Trở
về khách san, một chị bạn đã kể lại vì là phụ nữ nên khi đón taxi hơi khó vì
trên xe đã có những người đàn ông thì tài xế sẽ không cho phụ nữ ngồi chung xe.
Bữa
ăn tối chiều nay chúng tôi được ăn cơm nấu chín do chính sư cô Liên Quý đã đích
thân xuống bếp nấu, vì hôm qua chúng tôi đã phải ăn cơm sống. Cảm ơn sư cô đã chăm sóc đoàn chu đáo. Riêng quý thầy lúc nào cũng được các Phật tử
thân cận chăm sóc từng bữa ăn, hôm nay cũng thế, họ đã đi chợ mua rau củ tươi
về để nấu mời quý thầy dùng vì âu lo cho sức khỏe quý thầy. Trong nhóm chúng tôi chiều nay nhiều người
cũng bị ho và cảm, riêng tôi cũng thế bị ho và khản cả tiếng.
Thế
mà tôi cũng ở đây được ba đêm, ngày mai sẽ từ giã căn phòng nhiều bụi bặm và ẩm
mốc cùng cái lạnh lẽo về đêm trên núi cao này.
Bích
Phụng
(Ảnh bên trong khuôn viên tư dinh do Văn phòng Đức Đạt Lai Lạt Ma cung cấp – Ảnh bên ngoài: do Tâm Linh chụp)
Cảnh phía ngoài tu viện và tư dinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma chụp vào buổi chiều tối (Cổng bên tay trái là đường đi bộ, cổng bên tay phải là đường dành cho xe hơi chở tiếpliệu và khách của Đức Đạt Lai Lạt Ma
Con đường hẻm cánh trái dẫn vào tu viện
Quý thầy cô đang chờ vào tư dinh Đức Đạt Lai Lạt Ma: dẫn đầu là thầy Thích Thông Hạnh
Quý Phật tử đang sắp hàng chờ đợi
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang lắng nghe xem có ai trả lời gì không khi ngài hỏi – Các vị đều biết tiếng Anh
phải không?
Đức Đạt Lai Lạt Ma đang trao tặng hình tôn tượng Đức Phật cho một Phật tử
Quý tăng ni và Phật tử đang nghe ngài nói pháp
Một vị Lạt Ma đang giải thích về hai gói thuốc vừa trao cho mỗi người – bên dưới là hình hai gói thuốc:
BUỔI CHIỀU RA PHỐ
Bến đậu xe taxi
Một con phố tại khu phố chính ở Dharamsala
Các tăng sĩ Tây Tạng đi dạo ở một con phố khác
Hai chú bé đang chơi trước một quán ven đường vắng khách
Chú thích (1):
Ba điều dức Phật không làm được (tam bất năng):
1) không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh.
2) không thể độ người không có duyên với Phật pháp.
3) không thể độ được hết thảy chúng sinh.
Khi còn tại thế, Đức
Phật nói Ngài không thể chuyển nghiệp của chúng sinh được, mà chỉ có thể
từ bi chỉ dạy chúng sinh tự mình nỗ lực để thay đổi cuộc đời của mình.
Ngài cũng nói là không thể độ thoát cho những chúng sinh mà Ngài không có
duyên độ họ, nên chúng sinh phải có nhân duyên tin vào Phật pháp,
thực hành giáo pháp muốn được hóa độ thì mới được Ngài giúp. Phật không thể
độ được hết thảy chúng sinh vì lời phát nguyện “độ chúng sinh” của các ngài
chỉ có nghĩa là đem ngọn đèn Tuệ đi giáo hóa chúng sinh. Vì chúng sinh
do nghiệp lực sâu dày, mây mờ che lấp, Phật đã chỉ dạy nhưng lại không chịu
vâng theo lời mà tu hành, bản thân cứ tiếp tục làm chuyện ác, không biết
được Chân lý để tự tu tự độ thì họ phải lãnh quả báo xấu, đúng theo quy luật
nhân quả trùng trùng không bao giờ dứt.
Bài viết liên quan đến chuyến hành hương Phật tích Ấn Độ, Nepal và Dharamsala:
ĐẠO VÀ ĐỜI TRONG 24 NGÀY TRÊN ĐẤT PHẬT – CHUYẾN HÀNH HƯƠNG 03-2011, Hoàng Thị Bích Ti
CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 1) Bích Phụng
CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 2) Bích Phụng
CUỘC HÀNH TRÌNH DHARAMSALA (Bài 3) (VIẾNG THĂM ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA) Bích Phụng
HÀNH HƯƠNG TỨ ĐỘNG TÂM 19-2 dến 14-3-2011 Trần đức Hân
NHÁNH TAY THIÊN THỦ TRÊN NON LINH THỨU (Trần thị Hoa Trắng)
MỘT BUỔI CHIỀU ÊM Ả Ở VƯỜN LỘC UYỂN (Tâm Linh)
BÀI PHÁP TUYỆT VỜI CỦA ĐỨC
ĐẠT LAI LẠT MA DÀNH CHO PHẬT TỬ VIỆT NAM TRÊN ĐỈNH DHARAMSALA (Tâm Diệu)
Discussion about this post