BUỔI NHẠC THIỀN ĐẾN ĐI THONG DONG
TƯỞNG NHỚ THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
Nguyên Giác
.
Một buổi nhạc Thiền trang nghiêm, cảm động đã thực hiện hoàn mãn hôm Chủ Nhật 15/5/2022 tại Tu Viện Đại Bi, Garden Grove, California. Nội dung buổi nhạc Thiền là để Tưởng nhớ Thầy, Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong dịp tròn 100 ngày viên tịch của Thầy. Và cũng trùng hợp: hôm Chủ Nhật cũng là ngày Lễ Phật Đản.
Buổi nhạc Thiền tổ chức bởi Tăng Thân Xóm Dừa Nam California với sự đóng góp của các ca sĩ Ngọc Hạ, Thu Vàng, Nam Trân, Minh Anh, Diệu Trang, Nhóm Hương Thiền (nhạc trưởng là Tâm Nguyện Nghiêm Phú Phát), Hoàng Công Luận, Doãn Hưng, Nguyễn Đình Hiếu, Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ (Kim Thoa, Huệ Lê, Phương Loan, Thanh Thủy, Thu Băng, Muôn Hoa, Uyển Nghi), Premier Sound Việt Anh, Nhóm tăng thân Giới Trẻ Mây Từ, tăng thân Wake Up, Sợi Nắng…
Buổi nhạc Thiền có nhiều giây phút xúc động. Có một lúc, ca sĩ và là MC Diệu Trang đã nghẹn ngào, lời nói như bật khóc khi giới thiệu ca khúc Dặn Dò, thơ của Thầy Nhất Hạnh và nhạc của Nghiêm Phú Phát. Duyên khởi bài Dặn Dò là khi Thầy Nhất Hạnh viết trước khi xuất ngoại năm 1966 để vận động hòa bình cho Việt Nam. Bài thơ Dặn Dò cũng được giới thiệu trên trang Làng Mai (langmai.org) có đoạn giải thích: “Bài này quả thật là những lời dặn dò thầy để lại cho thế hệ trẻ đang phụng sự bằng con đường bất bạo động. Chị Nhất Chi Mai trước khi tự thiêu cho hòa bình đã đọc bài này vào trong một cuộn băng nhựa để lại cho ba má chị cùng những bức thư tuyệt mạng của chị. Có thể nói bài này nói lên được lập trường tuyệt đối bất bạo động của tác giả. Nó cho ta thấy rằng bất bạo động là phương châm hoạt động duy nhất cho những người đã nhất quyết học theo đại bi tâm của các bậc bồ tát.”
.
Bài Dặn Dò có những dòng thơ y hệt như một tuyên ngôn hòa bình:
Xin hứa với tôi hôm nay
Trên đầu chúng ta có mặt trời
Và buổi trưa đứng bóng
Rằng không bao giờ em thù hận con người
Dù con người
Có đổ chụp trên đầu em
Cả ngọn núi hận thù
Tàn bạo,
Dù con người
Giết em,
Dù con người
Dẫm lên mạng sống em
Như là dẫm lên giun dế,
Dù con người móc mật moi gan em
Đầy ải em vào hang sâu tủi nhục,
Em vẫn phải nhớ lời tôi căn dặn :
Kẻ thù chúng ta không phải con người…(ngưng trích)
.
Chương trình rất dài, nhưng hầu hết mọi người vẫn ngồi cho tới giờ cuối. Khởi sự là 4 giờ chiều, và kết thúc chương trình là 7:40 phút. Tức là hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ. Trong buổi nhạc Thiền, ngoài 4 Thiền ca Làng Mai còn có 2 phần nằm trong nghi thức tụng niệm Làng Mai là Ba tiếng chuông (Huỳnh Phước thực hiện), Kệ chuông (Chơn Nguyên thực hiện).
Phần trình diễn văn nghệ có 22 ca khúc được sáng tác từ thơ, kệ, nhạc của Thiền sư Nhất Hạnh, Thanh Trí Cao, Thích Huyền Châu, Phạm Duy, Võ Tá Hân, Chúc Linh, Quốc Dũng, Hoàng Quốc Bảo, Nghiêm Phú Phát, Như Nhiên Tánh Tuệ, Cung Minh Huân, Tuệ Kiên, Nguyên Hải & Hà Lan Phương, Thẩm Oánh, Phạm Thế Mỹ, Đỗ Hồng Ngọc, Nhị Hà, Duy Khánh.
.
Tất cả các ca sĩ, nhạc sĩ trong buổi Thiền ca Đến Đi Thong Dong đều xuất sắc, cảm động. Đó là một đêm nhạc hy hữu, rất hiếm gặp trên đời này. Các nghệ sĩ đều nỗ lực đóng góp cho buổi nhạc. Ca sĩ Ngọc Hạ hát 9 ca khúc. Ca sĩ Thu Vàng hát 6 ca khúc. Ca sĩ Nam Trân hát 2 ca khúc. Hai ca sĩ Diệu Trang (cũng là MC) và Minh Anh mỗi người hát một ca khúc. Nhóm Hương Thiền hợp ca 2 ca khúc. Nhạc sĩ Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ trình diễn 2 ca khúc.
Ghi nhận có nhạc sĩ Võ Tá Hân ngồi nơi những hàng đầu ở dãy ghế quan khách: có 2 ca khúc của Võ Tá Hân được trình diễn trong Buổi nhạc Thiền. Phía quan khách cũng có chị Nguyễn Thị Kim Ngân, Giám Đốc Viện Việt Học. Nhiều nhà báo có mặt để tường trình, trong đó có Văn Lan, Phan Tấn Hải, Thân Trọng Mẫn… Quan khách tham dự ngồi đầy hết ghế đã xếp sẵn trong giảng đường, sau phải đưa thêm các ghế nhựa loại ghế đầu cao vào để ở các hàng sau.
.
Chương trình buổi nhạc Thiền chia làm 4 phần. Phần I là Thiền ca Làng Mai, gồm 4 ca khúc điển hình của nhạc Thiền Làng Mai:
1. Hải đảo tự thân (Quay về nương tựa hải đảo tự thân / Chánh niệm là Bụt soi sáng xa gần…).
2. Đã về đã tới (Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây / Vững chải, thảnh thơi, quay về nương tựa…)
3. Cơn giận biến thành hồ sen (Mỗi khi tôi giận cái mặt tôi buồn xo / Trái Tim hậm hưc lửa đâu như bừng to. / Boong Boong…).
4. Tứ đại (khi giới thiệu ca khúc này, lời Thầy Nhất Hạnh được nhắc tới là Thầy không đi về đâu, chỉ trả thân về tứ đại…)
Trong 4 ca khúc Làng Mai vừa dẫn, tất cả đều hát theo giọng nhạc truyền thống, duy có bài hát “Cơn giận biến thành hồ sen” là hát theo giọng dân ca Nam bộ.
Video dài 2:33 phút có thể nghe ở YouTube:
Sau 4 ca khúc Làng Mai là bản Cúng Dường Phật Đản, nhạc Tâm Nguyện Nghiêm Phú Phát, do Nhóm Hương Thiền hợp ca.
.
Phần 2 là Tưởng Niệm Thiền sư Nhất Hạnh.
Chủ đề chính yếu Buổi nhạc Thiền, là Thiền ca, là tuyên dương Chánh pháp, là hòa bình cho quê nhà và thế giới, và nhiều nữa. Trong đó, cũng ghi nhận là có một chủ đề lớn trong Buổi nhạc Thiền: có nhiều ca khúc về mẹ. Đó là các bản nhạc:
– Bông Hồng Cài Áo (ý thơ: Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ).
– Mẹ đón cha về (trích Trường ca Mẹ Việt Nam) – nhạc và lời Phạm Duy. Hai bản vừa dẫn trình diễn bởi Lê Hồng Quang và nhóm bè nữ.
– Lạy mẹ con đi (nhạc và lời Duy Khánh) – Ngọc Hạ hát.
– Lối về đất mẹ (nhạc và lời Duy Khánh) – Ngọc Hạ hát.
– Bà mẹ quê (nhạc và lời Phạm Duy) – Ngọc Hạ hát.
– Lời ru bú mớm nâng niu (nhạc và lời Phạm Duy) – Nam Trân hát.
– Quán Thế Âm (Đạo ca Phạm Duy) – Thu Vàng hát.
– Mẹ trùng dương (trích Trường ca Mẹ VN – nhạc và lời Phạm Duy) – Thu Vàng hát.
– Mẹ tôi (nhạc và lời Nhị Hà) – Thu Vàng hát.
– Bông Hồng Cho Mẹ (thơ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc Võ Tá Hân) – Thu Vàng hát.
.
Ca khúc Bông Hồng Cho Mẹ trên có thể nghe ở đây, video dài 5:03 phút:
.
Phần chứa đựng nhiều thông tin nhất là “Tiểu sử và hành trạng của Thầy Nhất Hạnh” do ba vị nữ cư sĩ đọc theo ba giọng Nam Trung Bắc. Chị Diệu Trang đọc theo giọng Trung. Chị Chân Huyền đọc theo giọng Bắc. Chị Mona đọc theo giọng Nam. Trong khi ba vị đọc “Tiểu sử và hành trạng của Thầy Nhất Hạnh”, các hình ảnh được chiếu lên màn hình lớn. Toàn văn bài viết đang như sau.
.
Tiểu sử và Hành trạng của Thiền Sư Nhất Hạnh
Phần đầu đọc giọng Bắc: chị Chân Huyền đọc.
.
Kính bạch chư tôn đức, Kính thưa Sư bà và Ni Sư Trụ Trì tu viện Đại Bi
Kính thưa quý vị ân nhân và thân hữu,
.
Hôm nay chúng con, các học trò cư sĩ của Thiền sư Nhất Hạnh, có đủ duyên lành, được phép sư bà và Ni sư Trụ Trì Tu viện Đại bi cho tổ chức buổi Tưởng niệm Thiền sư tại đây, nhân dịp mới qua 100 ngày Thiền sư viên tịch – Lời cảm ơn đầu tiên là chúng con xin được tán thán tấm lòng quý mến Thiền sư của Sư bà và ni sư trụ trì …cũng như lòng bao dung của quí vị đối với chúng con, khiến cho buổi Tưởng Niệm và Văn Nghệ đặc biệt được diễn ra ngay trong Chánh điện của Tu viện.
Chúng con xin phép và chắc chắn Thầy chúng con, Hòa Thượng Thiền Sư Nhất Hạnh sẽ vui lòng, cho phép chúng con gọi Hòa thượng là Thầy, một cách thân kính và gần gũi, như Thiền sư thường cho các đệ tử quốc tế xưng hô như vậy, khi họ có duyên được gặp, được trao đổi, trò chuyện với người. Sau khi được tu học theo giáo pháp Làng Mai, nhất là khi có dịp nghe Thầy giảng pháp hay cùng đi thiền hành, chúng con ai cũng cảm nhận rất rõ: tuy Thầy rất nghiêm nhưng lại rất dung dị, từ bi và gần gũi với học trò.
Chúng con là một nhóm tăng thân cư sĩ của Thầy, một trong hàng ngàn đoàn thể cư sĩ khắp thế giới, đã tu học theo thầy từ nhiều năm hay chỉ mới thực tập Thiền Chánh Niệm theo pháp môn Làng Mai vài ba tháng, nhưng chúng con đều mang trong tâm khảm lòng tri ân sâu xa đối với vị Thầy tâm linh của chúng con. Chúng con tùy duyên, tùy nghiệp, nhưng trong thực tế, ai cũng có được sự chuyển hóa từ mê sang ngộ ít nhiều. Cuộc đời vô thường vẫn diễn ra với nhiều bất trắc, tai ương, nhưng từ khi tu học theo Thầy, chúng con đã không còn bị sợ hãi, phiền não hay sân hận dẫn đường nữa – mà nay chúng con có được sự Hiểu Biết khá hơn, Thương Yêu sâu sắc hơn.
Thầy chúng con đã thong dong chuyển hóa. Hôm nay, chúng con tổ chức buổi Tưởng Niệm này, ước mong chia sẻ được chút nào với quý vị, gia tài tâm linh quý báu mà Thầy chúng con đã trao truyền lại, qua phong cách giản dị , hành xử từ bi và trí tuệ của Thầy chúng con.
Giáo pháp Tứ đế, Bát chánh đạo, tương tức, duyên sinh, chân truyền từ thời Bụt Thích Ca, đã được Thầy chúng con diễn giải ra một cách giản dị và thực tế, khiến cho ai cũng có thể tu tập theo – từ em bé 4-5 tuổi cho tới các bô lão 70-80, phải nói rằng ai cũng đạt được ít nhiều thành quả.
Đây cũng là một đặc điểm của Thầy chúng con: Thầy sống rất đơn giản, đúng với luật Ba Y Một Bát của một vị Tỳ Kheo giới hạnh. Tuy giới truyền thông thế giới gọi Thầy là Người Cha Đẻ của pháp môn Thiền Chánh Niệm – Tuy là vị Thiền sư có hàng trăm tác phẩm trong nhiều ngôn ngữ thế giới, tuy thầy chúng con đã từng ra vào nói chuyện tại quốc hội nhiều nước, từ Ấn Độ qua Anh, Mỹ v.v.. Tuy có lúc hướng dẫn giảng dạy cho nhiều nhân vật quốc tế quan trọng – Thầy chúng con vẫn giữ đúng tư cách là một vị Thiền sư giản dị- hầu như lúc nào Thầy chúng con cũng chỉ mặc áo tràng nâu và khoác cái nón lá như một người Việt Nam bình thường.
Chỗ ở của Thầy chúng con tại các tu viện Làng Mai chỉ là một cái thất có một bàn trà thấp, ngoài bình hoa, có mấy tọa cụ cho khách ngồi; trong thất cũng có một tủ sách nhỏ và một bộ bàn ghế để Thầy ngồi viết. Thầy chúng con ngủ trên một chiếc giường rất thấp, giữ đúng giới luật của một tăng sĩ. Hàng trăm ngàn người đã tới các tu viện Làng Mai thực tập, đều được thấy tận mắt, cách sống đơn giản và chay tịnh của Thầy chúng con và của tăng đoàn.
.
(Nữ cư sĩ Mona đọc tiếp, giọng Miền Nam).
Tuy chỉ biết được chút ít, không thể nói hết được về hành trạng phong phú và đa dạng của Thầy, chúng con xin trình bầy sau đây một vài điều đặc sắc của cuộc đời hành trì nhất quán mà Thầy chúng con đã thực hành suốt 80 năm qua, tại tổ đình Từ Hiếu, trong các già lam ở Saigon, Bảo Lộc hay tại Pháp, Hoa Kỳ, Thái Lan v.v…Đó là:
I- Canh tân đạo Phật cho phù hợp với con người và thời đại mới.
II- Suốt đời phụng sự Hòa Bình.
III – Hết lòng với dân tộc và quê hương VN.
.
** Đặc điểm thứ nhất là ý chí muốn canh tân, cải cách đạo Phật cho hợp với con người và thời thế mới, ngày từ thập niên 1950- khi Thầy mới là một vị tu sĩ trẻ ngoài 20 tuổi.
Thầy chúng con chủ trương đưa đạo vào đời (Đạo Bụt nhập thế hay đạo Bụt dấn thân) bằng các pháp thiền tập ứng dụng vào đời sống thực tế (Đạo Bụt ứng dụng) .Thầy chúng con đã:
.
1/ Làm mới lại phép thực hành Thiền Chánh Niệm mà Bụt Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy từ 2600 năm. Áp dụng Kinh điển quan trong của đạo Phật Nam tông cho các Phật tử Bắc tông. Đem phương pháp Kinh hành, đi nhiễu vốn diễn ra trong chánh điện, thành ra phép Thiền Hành ngoài trời để ai cũng có thể tập đi thiền hành trong sân, trong công viên, hoặc cả khi đợi xe lửa, hay chờ máy bay. Chỉ dạy các phép thực tập giúp chúng con biết Sống tỉnh thức, biết Hiện Pháp Lạc Trú
2/ Dịch Kinh điển ra tiếng Việt, trước tác các bài sám, bài kệ hay tán tụng hoàn toàn bằng tiếng Việt, có chất thơ và nhạc, rất dễ hiểu, dễ nhớ. Cho tới năm 2014, truớc khi bị đột quỵ, Thầy chúng con vẫn luôn luôn đổi mới các văn kiện quan trọng, như Tâm Kinh Bát Nhã, Kinh Nghĩa Túc, Giới bản tân tu cho các tỳ kheo hay cư sĩ… Các tác phẩm này đều được dịch ra các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây ban Nha…
3/ Nhấn mạnh tới việc xây dựng tăng thân (gồm Tăng đoàn và các nhóm tu học cho cư sĩ), trong đó tình huynh đệ là yếu tố rất quan trọng để Tăng đoàn sống hòa hợp với nhau.
– Phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong chuyện tu tập và hoằng pháp.
4/ Thầy chúng con đã áp dụng các phương tiện của khoa học hiện đại trong việc hoằng pháp. Ngay từ năm 2007, Làng Mai đã tổ chức các lễ Truyền giới qua mạng lưới điện toán toàn cầu, cùng một lúc cho các giới tử tại ba bốn tu viện ở các quốc gia khác nhau. Trong mùa Covid kéo dài hơn hai năm. Các tu viện Làng Mai vẫn sinh hoạt trong Zoom, không bị gián đoạn công việc hoằng pháp.
5/ Dòng tu Tiếp Hiện được thành lập và giáo hội PG thống nhất của miền Nam VN công nhận năm 1965, là dòng tu mới cho Phật tử tại gia, sống cuộc đời có gia đình nhưng sinh hoạt theo 14 giới, sau khi đã thọ ngũ giới. Các Tiếp Hiện cư sĩ là gạch nối giữa các vị tăng ni và quần chúng.
Các tu sĩ Làng Mai, môn sinh của Thầy, có nhiều người trẻ cũng thọ thêm giới Tiếp Hiện, ngoài 250 hay 375 giới của Tỳ Kheo. Giới thứ 14 của các vị tu sĩ khác hẳn giới 14 dành cho cư sĩ chúng con, là phép sống phạm hạnh, độc thân – một trọng giới căn bản của tăng ni. Nhiều người đã không hiểu rõ, cho rằng dòng tu Tiếp Hiện là một thứ Tân tăng như Nhật Bản, là chuyện ngộ nhận do một nguồn tin sai lạc của báo giới, đưa ra từ cuối thập niên 1970!
.
*** Chúng con hôm nay tổ chức buổi tưởng niệm 100 ngày của Sư Ông, tất cả đều là những học trò cư sĩ, đã thọ 14 giới Tiếp Hiện với Sư Ông. Chúng con là cư sĩ Phật tử, sống đời bình thường, có gia đình – Nhưng chúng con không phải là Tân Tăng như nhiều người tưởng lầm!
.
(Nữ cư sĩ Diệu Trang đọc tiếp, giọng miền Trung):
Đặc điểm thứ hai của Thầy chúng con là tinh thần Hòa Bình và Bất hại (Non Violence) – Đó là cách thể hiện Lòng Từ Bi rộng lớn đối với chúng sinh.
– Không chỉ từ bi với học trò hay người theo tu học, Thầy chúng con có lòng Từ Bi đối với tất cả mọi người – dù họ không dễ thương, xuyên tạc để vu cáo và triệt hạ uy tín của Thầy.
– Khi cứu vớt người vượt biển, Thầy cũng thương cả những người cướp biển, vì họ chiỉ là không may mắn, không được học hành, sống trong nghèo khổ. Gặp duyên xấu nên sanh tâm độc ác…
– Tinh thần Hòa Bình đã chỉ hướng cho Thầy trong suốt các năm dài hoằng pháp để Thầy Đứng trên các tranh chấp phe phái, nhìn hai miền Bắc/Nam VN đều là những nạn nhân đáng thương, vì vô minh và bị các áp lực ngoại bang mà gây chiến tranh với nhau suốt 20 năm trời. Thầy giải thích “ Kẻ thù ta không phải là người mà là Vô Minh, là lòng sân hận v.v…” –
– Thầy chúng con đã gieo hạt giống hòa bình cho vùng Trung Đông bằng cách tổ chức cho người Do Thái và Ả RẬp về Làng Mai tu học chung, đã giúp lãnh tụ và các nhà hoạt động xã hội xứ Libya/Phi châu giải hòa với nhau và xây dựng xã hội trong hòa bình (Năm 2016 và trước đó).
.
Đặc điểm thứ ba là tấm lòng thương nước, thương dân VN của Thầy chúng con rất lớn lao.
– Sau khi sống lưu vong 39 năm và rất thành công ở Âu Mỹ, dù gặp bao khó khăn, Thầy vẫn trở về quê hương năm 2005, dóng tiếng chuông tỉnh thức cho dân mình, nhất là giới trẻ để họ sống có hiểu biết và từ bi hơn.
– Thầy đã tổ chức và chủ trì ba Đàn Tràng Chẩn Tế Giải Oan cho cả nước năm 2007 tại Saigon, Huế và Sóc Sơn gần Hànội
– Khi tu viện Bát Nhã cùng 400 tăng ni tại Bảo Lộc gặp khó khăn năm 2008 rồi bị giải tán năm 2009, Thầy đã giúp cho các tăng ni sinh trẻ tuổi mới tu biết cách hành xử từ bi, cả với những người tới hành hung họ.
Tuy Thầy chúng con nay đã đến đi thong dong ở cõi khác, chúng con vẫn đang được nghe lại bao nhiêu lời dạy dỗ của người trong mạng lưới điện toán, hoặc qua các bài giảng mới của rất nhiều cánh tay nối dài Thầy. Đó là các vị tu sĩ Làng Mai, tu tập nghiêm túc và đầy nội lực Chánh Niệm. Quí vị tăng ni tuy còn trẻ nhưng có phong thái rất uy nghi, năng lượng an bình và thiện lành tỏa ra khiến ai tới tu viện cũng nhận thấy ngay. Đạo hạnh của quý Thầy cô trong các tu viện Làng Mai chứng tỏ họ rất xứng đáng là học trò tiếp nối Thầy, là di sản quý giá của Thầy chúng con. Các Phật tử khắp nơi vẫn đông đảo tới các tu viện Làng Mai để thực tập cùng quí vị xuất sĩ học trò Thầy, dù Thầy đã ngừng hoạt động vì bị đột quỵ từ cuối năm 2014.
Kinh thưa quý vị- Năm 2017, giáo sư Phật học John Powers trong cuốn sách viết về Phật giáo thế giới, đã lập danh sách 14 vị đại sư quan trọng nhất của Phật giáo, kể từ đức Từ phụ Thích Ca –số 1 , các đại sư Long Thọ, Thế Thân (Ấn Độ) , Milarepa (Tây Tạng), Đạo Nguyên (Nhật Bản) v.v… Thầy của chúng con, Sư Ông Làng Mai, đứng vào hàng thứ 10. Hiện nay, sau khi Thầy viên tịch ngày 22 tháng 1, 2022, trong danh sách này chỉ còn đức Đạt Lai Lạt Ma (đứng thứ 12) là còn tại thế.
Chúng con xin thành kính đảnh lễ Thầy, vị Thiền sư của cả thế giới, với lòng tri ân sâu xa nhất của chúng con. Chúng con xin nguyện noi gương sáng của Thầy, học và hành đạo Phật theo đúng Chánh pháp. Chúng con cũng mong rằng trong các kiếp sau , nếu được làm người, sẽ lại được tiếp tục tu học theo Thầy.
Chúng con xin cảm tạ quý vị tôn túc và các quý khách, thân hữu đã tham dự buổi Tưởng Niệm Thầy chúng con hôm nay. Chúng con cũng xin quý vị niệm tình hỷ xả cho chúng con nếu chúng con có điều gì sơ xuất về tổ chức. (hết bài viết “Tiểu sử và hành trạng của Thầy Nhất Hạnh”).
.
Cuối chương trình, trả lời riêng câu hỏi của phóng viên, nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát nhận định: “Đây là một chương trình rất có ý nghĩa trong tinh thần học trò tưởng nhớ công ơn Thầy. Cũng tạo ít nhiều cảm xúc trong thính chúng. Nội dung rất phong phú, với những nghệ sĩ tài danh, có giọng hát chuyên chở được hết ý nghĩa này. Lơi giới thiệu của MC cũng mang tính văn hoa, thâm thúy. Giá mà chương trình ngắn hơn một chút thì tuyệt đẹp đối với thính chúng.”
Nhà báo Nguyên Giác xin góp lời nhận định rằng, chương trình rất mực tuyệt vời, có dài thêm một tiếng đồng hồ nữa cũng không đáp ứng toàn vẹn được mong chờ từ những người muốn nghe Chánh pháp chuyên chở trong ý nhạc, lời ca. Những hy sinh mệt nhọc của ban tổ chức, các nhạc sĩ, và các ca sĩ rất đáng ngưỡng mộ — nhưng hẳn là, sẽ rất khó có buổi thứ nhì như thế nữa.
Cốt tủy của Làng Mai? Trên trang nhà Làng Mai, trong phần tiểu sử của Thầy, có lời giải thích về cốt tủy thực tập, trích như sau:
“Qua nhiều năm thực tập hơi thở chánh niệm, thiền hành và an trú trong hiện tại, Thầy đã ôm ấp và trị liệu nỗi đau khi không được trở về quê hương. “Chính nhờ sự thực tập mà tôi đã có thể trở về với quê hương đích thực của mình ngay bây giờ và ở đây,” Thầy giải thích. “Quê hương đích thực của chúng ta không phải là một ý niệm trừu tượng mà là một thực tại chắc thật mà ta có thể tiếp xúc bằng đôi chân, đôi tay và bằng ý thức. Nó có mặt ngay bây giờ và ở đây, và không ai có thể lấy nó đi được. Người ta có thể chiếm đóng đất nước bạn. Họ có thể bỏ bạn vào tù. Nhưng họ không thể tước đoạt quê hương đích thực và sự tự do của bạn.”
Thầy nói “Đã về, đã tới” chính là cốt tủy của sự thực tập và là “bài pháp thoại ngắn nhất” của Thầy. Bốn chữ đó cũng đã trở thành giáo lý quan trọng nhất khi Thầy hướng dẫn thiền sinh tu tập ở Làng Mai để họ thật sự trở về với tự thân, để thấy đó chính là ngôi nhà đích thực của họ trong giây phút hiện tại. Bốn chữ đó đã trở thành pháp ấn đầu tiên trong Bốn Pháp ấn của Làng Mai:
Sự thực tập đã về đã tới thể hiện được cái hiểu của tôi về giáo pháp của Bụt… Từ khi tìm được quê hương đích thực của mình, tôi không còn đau khổ nữa. Quá khứ hay tương lai không còn là ngục tù giam hãm tôi nữa. Tôi có khả năng sống ngay bây giờ và ở đây. Tôi có thể tiếp xúc với quê hương đích thực của mình.
Tương lai có mặt nơi hiện tại. Đây là điều mà tôi đã nhận ra được. Và khi tiếp xúc với hiện tại một cách sâu sắc, ta có thể tiếp xúc với quá khứ. Nếu ta biết cách xử lý hiện tại một cách rốt ráo, ta có thể chữa lành quá khứ. Nhiều người nghĩ là quá khứ đã đi qua, mình không thể làm gì được nữa, mình không thể quay lại quá khứ, sửa chữa những gì đã xảy ra. Nhưng theo giáo lý của Bụt, quá khứ vẫn còn đó với tất cả những nỗi khổ niềm đau. Và nếu ta biết cách trở về với ngôi nhà của giây phút hiện tại và tiếp xúc với hiện tại thật sâu sắc thì ta sẽ tiếp xúc được với quá khứ, và ta có thể chữa lành quá khứ. Một khi chữa lành được cho chính mình nghĩa là ta cũng đồng thời chữa lành cho tổ tiên của ta. Điều này là điều ta có thể làm được. Tổ tiên trong tôi đang đau khổ thì chính tôi cũng đang đau khổ. Và vì tôi có thể tiếp xúc với giây phút hiện tại thật sâu sắc, tôi chữa trị cho chính mình, và tôi cũng chữa trị cho tổ tiên tôi, trong đó có cha, mẹ, anh, chị, ông bà của tôi”…” (ngưng trích)
Nguyên Giác thành kính tường thuật.
Thư mục:
https://thuvienhoasen.org/author/post/18/1/thich-nhat-hanh
Discussion about this post