Cách giải quyết của Phân tâm học là giải tỏa những ức chế bị đè nén một cách vô thức. Trong Phân tâm học, vị bác sĩ tìm cách khơi gợi những uẩn ức sâu xa từ tiềm thức của bệnh nhân. Khi bệnh nhân nói ra được thì một mặt họ cảm thấy được giải tỏa, và mặt khác, vị bác sĩ cũng chẩn đoán được nguyên nhân sâu xa của căn bịnh mà có hướng điều trị hay giải quyết vấn đề. Tôi có xem một bộ phim, trong đó có một nhân vật là một nữ cảnh sát. Cô ta là một cảnh sát tài năng, có điều là cô ta rất sợ lửa. Mỗi lần thấy lửa là cô ta bị khủng hoảng tinh thần không sao tập trung được. Một đồng nghiệp của cô sau khi tìm hiểu biết được rằng đó là do hồi nhỏ cô thường xuyên bị bố dượng tra tấn bằng lửa. Nhờ biết được nguyên nhân như vậy mà đồng nghiệp cô đã khuyến khích cô và tập cho cô làm quen với lửa. Dần dần cô khắc phục được điểm yếu đó. Đó là cách chữa trị theo Phân tâm học. Và Sigmund Freud cũng như những người kế thừa ông cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Tức là phân tích rồi đưa ra những lời khuyên, an ủi, hoặc động viên. Họ có thể tạm thời giải quyết được một số trường hợp cụ thể, nhưng không thể đưa ra một mẫu số chung cho tất cả trường hợp. Họ biết rằng có một thế lực ngầm là vô thức hay tiềm thức điều khiển hành vi của con người, nhưng họ không biết làm sao để chuyển hóa cái thế lực đó. Họ biết rằng “những rạo rực về tình dục” (ví dụ vậy) chính là nguyên nhân của nhiều bệnh về thần kinh và tinh thần”, nhưng họ không biết làm sao để giảm thiểu và “độ chúng vào vô dư Niết-bàn”, nói theo kinh Kim cang.
Thật ra là Freud cũng có mở ra một khuynh hướng nữa tích cực hơn khi ông cho rằng “những rạo rực về tình dục, dù hiểu theo nghĩa hẹp hay nghĩa rộng, cũng giữ một địa vị vô cùng quan trọng mà cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu rõ đúng mức trong đời sống tinh thần, chúng chính là nguyên nhân của nhiều bệnh về thần kinh và tinh thần. Hơn thế nữa, Phân tâm học còn khẳng định rằng, những rạo rực về tình dục tham dự một phần không nhỏ vào công việc sáng tạo của trí óc loài người, về phương diện văn hóa nghệ thuật và đời sống xã hội”2. Nghĩa là một số người, một cách vô thức, những xung động tính dục đã tự động thăng hoa thành những phẩm chất đẹp đẽ trong văn hóa nghệ thuật. Một điển hình cho trường hợp này là nhà thơ Hồ Xuân Hương. Bà là một phụ nữ đa tình, khát khao cuộc sống gia đình nhưng lại không có hạnh phúc trọn vẹn. Đời bà mấy lần làm lẻ. Nhưng chính những bất hạnh và những khát vọng không được thỏa mãn này lại thăng hoa thành những vần thơ bất hủ, được mệnh danh là Bà chúa thơ Nôm.
Những khám phá như thế của Phân tâm học thật ra là một bước tiến dài trong ngành tâm lý học hiện đại. Nó khám phá vào các miền sâu thẳm của tâm lý con người, chứ không chỉ dừng lại ở tầng ý thức cạn cợt bên ngoài (như triết gia Pháp René Descartes quan niệm: “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”). Nó chỉ ra rằng ngoài cái ý thức hay suy nghĩ ra còn có những tầng vô thức sâu thẳm hơn và quan trọng hơn. Chính cái vô thức đó mới chi phối cách suy nghĩ và hành động của con người, mặc dầu con người không biết gì về điều đó. Những khám phá của Phân tâm học đã giải quyết được một số căn bệnh của con người, giúp bệnh nhân hiểu về chính họ một cách đúng đắn mà từ đó giúp họ điều chỉnh cuộc sống của mình cho phù hợp. Ở phương diện xã hội thì khám phá của Freud về Phân tâm học quả là một sự đột phá và những đóng góp của nó thật là tích cực. Và thật sự Phân tâm học đã làm cho Freud trở thành một trong những nhà tâm lý học hàng đầu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ tuệ giác Phật giáo, cụ thể là Duy thức học và Thiền minh sát thì Phân tâm học vẫn còn rất thô sơ và cạn cợt. Nó đã thấy được cái gọi là vô thức nhưng chưa thấy được sự hình thành cũng như cơ cấu hoạt động của vô thức. Và do đó mà cách giải quyết của nó chưa đến nơi đến chốn.
Phương pháp của Phân tâm học tựu trung có hai cách, một là tìm ra nguyên nhân thật sự của vấn đề để thỏa mãn chúng, và hai là chuyển hóa chúng. Và như chúng ta vẫn thường biết, thỏa mãn một ham muốn chỉ là giải pháp nhất thời, chứ không đoạn trừ được ham muốn. Điều này trong kinh thường ví dụ như người khát mà uống nước muối, càng uống càng cảm thấy khát thêm. Còn chuyển hóa chúng, thật ra Phân tâm học cũng làm không được tốt lắm. Vì nó diễn ra một cách thụ động chứ con người không biết chủ động để chuyển hóa. Ấy vậy mà, thật ngạc nhiên và lý thú, Phật giáo nói chung và Duy thức học nói riêng lại có thể làm được cả hai điều đó một cách hoàn hảo, mặc dù nó ra đời trước Phân tâm học khoảng hai ngàn năm.
Phân tâm học của Freud cũng như các ngành tâm lý học khác không giải quyết được tận gốc phiền não là bởi vì họ bị dính vào khái niệm gọi là bản năng. Mà bản năng thì là cái có sẵn không thể thay đổi được. Ngược lại, thuyết chủng tử của Duy thức học cho rằng không có cái gì gọi là bản năng cả, mà chỉ là những hạt giống đã gieo vào A-lại-da thức. Tùy theo hạt giống thiện ác tốt xấu mà biểu hiện ra khuynh hướng hành vi của người đó. Đó là lý do tại sao có người có bản tính ác và có người có bản tính vô cùng lương thiện. Có người tham dục rất nhiều và cũng có người không có nhiều tham dục.
Có lẽ có người vẫn còn cảm thấy chưa thuyết phục khi họ thấy rằng thực tế từ con người cho đến các loài động vật đều có bản năng tính dục, dù nhiều hay ít. Đúng vậy. Và đó cũng chính là lý do họ sanh làm người và các động vật khác. “Ái bất nhiểm bất sanh Ta-bà/ Tâm bất nhất bất sanh Tịnh độ” là vậy. Những người và động vật mà ta thấy đây đều là những chúng sanh có chủng tử về dục ái. Nếu không như thế thì họ đã không sanh đến đây. Nếu chúng ta nhìn xa hơn thì ta sẽ thấy rằng, mỗi cõi nước có tính chất ái dục khác nhau. Và cũng có những cõi nước không hề có ái dục, như các chúng sanh ở các tầng trời cõi Sắc và Vô sắc. Nếu là bản năng thì không thể thay đổi, nhưng nếu là sự huân tập thì có sự thay đổi xảy ra nếu ta biết tu tập. Tu tập như thế nào?
Như trên đã nói, cách giải quyết của Phân tâm học là hòa giải/thỏa mãn những đòi hỏi của “bản năng” và chuyển hóa chúng. Phật giáo cũng không ngoài hai cách đó nhưng hoàn thiện hơn. Cách thứ nhất là cách làm của Phật giáo Nguyên thủy, và cách thứ hai là cách làm của Đại thừa Bồ-tát đạo và cũng là cách làm của Duy thức học.
Về cách thứ nhất, nếu như Phân tâm học hòa giải hoặc thỏa mãn bản năng dục vọng của con người thì các vị Thanh văn, mà đỉnh cao là quả vị A-la-hán, lại triệt tiêu chúng hoàn toàn. Tuy rằng bản thân Đức Phật không giảng Duy thức, không nói về chủng tử, nhưng cách thực hành mà Ngài đã dạy cho đệ tử, như thiền Minh sát chẳng hạn, là nhằm làm cho các chủng tử đã gieo không thể nảy mầm và dần dần sẽ bị hư thối, tiêu diệt hoàn toàn.
Khi đọc các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, ta hay thấy câu này: “Diệt trừ các cảm thọ cũ, và không cho khởi lên cảm thọ mới.” Ví dụ như Đại kinh xóm ngựa, thuộc Trung bộ kinh, phần Tiết chế ăn uống, có đoạn như vầy: “Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải biết tiết độ trong ăn uống, với chánh tư duy, chúng ta thọ thực, không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để thân này được sống lâu và được bảo dưỡng, để (thân này) khỏi bị thương hại, để hỗ trợ phạm hạnh, nghĩ rằng: Như vậy chúng ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên cảm thọ mới, và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn.”
Cảm thọ cũ đồng nghĩa với chủng tử Bản hữu và cảm thọ mới đồng nghĩa với chủng tử Tân huân trong Duy thức học. Phật giáo Nguyên thủy chính là dạy người ta cách diệt dục, diệt hết những ham muốn của mình. Cứu cánh của một vị A-la-hán đó là vô sanh, không còn tái sanh nữa, không còn gì hiện hữu nữa, như “củi hết lửa tắt” vậy. Ta hãy đọc tiếp đoạn kinh sau đây, cũng trong Đại kinh xóm ngựa: Này các Tỷ-kheo, thế nào là các công việc đáng phải làm hơn nữa? Chúng ta phải hộ trì các căn. Khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng… mũi ngửi hương… lưỡi nếm vị… thân cảm xúc… ý nhận thức các pháp, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, chúng ta sẽ tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn… Chúng ta phải chánh niệm tỉnh giác, khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi đứng, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Này các Tỷ-kheo, các Ông có thể khởi lên ý kiến: Chúng ta đã thành tựu tàm quý, thân hành chúng ta thanh tịnh, khẩu hành thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sanh mạng thanh tịnh, và các căn đã được hộ trì”.
Và bài kệ sau đây trong kinh Nhất dạ hiền thuộc Trung bộ kinh:
Tương lai không ước vọng.
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ quán chính ở đây”.
Tất cả các đoạn kinh trên chỉ nói lên và dạy một điều duy nhất là “diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới.” Cảm thọ tức là cảm giác, gồm có ba loại là cảm giác vui, cảm giác khổ và cảm giác bình thường không vui không khổ. Tại sao chúng ta phải diệt trừ cảm giác? Bởi vì cảm giác là biểu hiện của sự tham ái, tham luyến, khát ái, dính mắc và sở hữu, là những yếu tố, nguyên nhân, động lực đẩy chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh, lôi kéo chúng sanh vào sanh tử luân hồi. Nói là lôi kéo chứ thật ra không có ai lôi kéo mình hết, mà là do mình muốn như vậy. Như một người nghiện hút thuốc thì tự nhiên anh ta tìm thuốc để hút cho thỏa mãn cơn nghiện của mình chứ không ai ép anh ta hút cả. Do chúng sanh tham đắm vào “thú vui trần thế” cho nên chúng sanh tự nguyện đi vào trần thế để mà hưởng thụ. Do thích làm vua nên ráng tu để kiếp sau được làm vua, thích làm ca sĩ, thích ăn ngon, mặc đẹp, thích trở lại để mà gặp người thân yêu… cứ như thế mà tái sanh hết kiếp này lại kiếp nữa, kiếp nữa không bao giờ dứt. Như vậy cảm giác chính là nguyên nhân của sanh tử luân hồi không dứt. Cảm giác cũ sinh ra cảm giác mới, cảm giác mới củng cố cảm giác cũ và lại sinh ra cảm giác mới nữa. Cứ như thế liên tiếp mãi không dừng.
Một điều chúng ta cần phải biết là cảm giác cũ (để cho dễ hiểu, các bạn có thể dùng chữ vọng tưởng để thay thế cho chữ cảm giác, vì hai cái này bao hàm nhau. Khi vọng tưởng khởi lên tất nhiên có cảm giác của vọng tưởng đó, an lạc hoặc khó chịu) của chúng ta không phải mới có mà có từ vô thỉ. Về điều này, Duy thức học có sự giải thích rất là thấu đáo. Theo Duy thức học, thức A-lại-da (tàng thức) như là một cái kho chứa dựng tất cả các hạt giống. Các hạt giống này nằm đó chứ không mất, và chúng luôn tương tác với cảnh bên ngoài để tạo ra những hạt giống mới. Chúng ta có thể coi một hạt giống là một cảm giác hay một vọng tưởng khởi lên cũng được. Và chúng khởi lên liên tục. Đây là cái mà ta gọi là “những cảm thọ cũ”. Khi vọng tưởng hay những cảm giác cũ này khởi lên, nếu ta chạy theo thì coi như ta đã tiếp tay cho chúng, ta đã cung cấp thêm cho chúng nhiên liệu để chúng mạnh thêm; bằng ngược lại, ta không chạy theo chúng thì coi như chúng bị vô hiệu hóa, chúng yếu dần và chết đi. Cái này ta gọi là “không cho khởi lên những cảm thọ mới”.
Tất cả các pháp môn Phật dạy đều là để làm cái việc này, như một vài ví dụ trích dẫn trên. Chúng ta phòng hộ các căn không chạy theo cảnh bên ngoài, chúng ta chú tâm tỉnh giác những hành động, cử chỉ việc làm của mình (khi làm việc gì ta chú tâm vào việc ấy mà không nghĩ những việc khác), hay chúng ta an trú vào pháp hiện tại… không gì hơn là để vô hiệu hóa những cảm thọ cũ và mới của chúng ta. Nhờ thực tập chánh niệm, tỉnh giác và an trú trong hiện tại mà cảm thọ cũ không có cơ hội khởi lên, và cũng không thể phát sinh những cảm giác mới. Có thể nói, đây là sợi chỉ đỏ xuyên suốt các pháp môn tu tập của Phật giáo. Những pháp môn khác đều là sự mở rộng hay giải thích thêm cho phương pháp này mà thôi. Ví dụ như kinh Viên giác có câu: “Tri vọng tức ly, ly vọng tức giác”, thì thật ra cũng chỉ là một sự phát ngôn của thiền Minh sát (quán sát một cách rõ ràng minh bạch) mà thôi. Nghĩa là khi vọng tưởng hay cảm thọ khởi lên, ta chỉ việc nhận biết chúng thì tự nhiên chúng sẽ mất đi. Cứ như thế dần dần các cảm thọ cũ sẽ không còn khởi lên nữa, và các cảm thọ mới cũng không sinh thêm nữa. Lúc đó, ở phương diện cạn nhất, ta sẽ làm chủ được cảm giác của mình, không để bị chúng lôi kéo, nhận chìm. Ta trở thành một con người tự chủ. Sâu hơn một chút, tâm ta lúc ấy sẽ như bầu trời không có mây, vắng lặng, chiếu soi. Là cái mà Tổ Bách Trượng nói: “Tâm địa nhược không, tuệ nhật tự chiếu.” Và cuối cùng là chúng ta không còn bị luân hồi trở lại do vì không còn động lực và nhiên liệu tái sinh nữa, mà trong kinh diễn tả là như “củi hết lửa tắt”.
Cách thứ hai là chuyển hóa. Nếu như Phật giáo Nguyên thủy dạy phải tiêu diệt luôn hạt giống thì Phật giáo Đại thừa dạy ta chuyển hóa chúng. Chuyển hóa như thế nào? Bằng cách gieo vào tâm thức càng nhiều hạt giống tích cực càng tốt. Nếu như cách thứ nhất là sự ứng dụng hai phần trước của Tứ chánh cần: Điều ác chưa sanh thì đừng để sanh, điều ác sanh rồi thì tìm cách diệt; thì cách thứ hai này là sự ứng dụng của hai phần sau: Điều thiện chưa sanh thì làm cho sanh, điều thiện đã sanh thì làm cho tăng trưởng. Cụ thể là phương pháp Lục độ của Bồ-tát đạo. Bồ-tát không chỉ diệt trừ xan tham mà còn tăng cường bố thí. Giới của Bồ-tát không chỉ Chỉ trì mà còn Tác trì, Chỉ phạm. Bồ-tát nhẫn nhục một cách có trí tuệ để độ chúng sanh. Bồ-tát Tinh tấn làm việc thiện (Thanh văn tinh tấn diệt phiền não). Thiền của Bồ-tát là các Tam muội để hóa độ và làm lợi ích chúng sanh (khác với tứ thiền bát định của Thanh văn). Trí tuệ của Bồ-tát là để thực hiện các phương tiện giáo hóa chúng sanh, lợi ích xã hội. Đối với Duy thức học, tu hành cũng là một sự chuyển hóa chuyển thức thành trí. Chuyển tiền ngũ thức thành Thành sở tác trí, chuyển Ý thức thành Diệu quán sát trí, chuyển Mạt-na thức thành Bình đẳng tánh trí, và chuyển A-lại-da thức thành Đại viên cảnh trí. Sự chuyển hóa này, nói một cách nôm na là chuyển tham ái thành từ bi, chuyển tình yêu ích kỷ thành tình cảm yêu tất cả chúng sinh, như bài thơ Tình yêu sau đây của Đức giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (?):
Yêu đời yêu lẫn cả non sông.
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ,
Không thể yêu riêng khách má hồng.
Nếu khách má hồng muốn được yêu,
Thì trong tâm trí hãy xoay chiều.
Hướng về phụng sự cho nhơn loại,
Sẽ gặp tình Ta trong khối yêu.
Ta đã đa mang một khối tình,
Dường như thệ hải với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả,
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh.
Chúng ta thường nghe nói tu là tu Tâm, chính là tu như vậy. Tu cho hết vọng tâm để chỉ còn lại cái chân tâm hiện tiền. Chỉ một việc này thôi mà tu hoài không hết, tu mãi không xong. Một số người không hiểu tưởng đâu tu là phải ăn chay nằm đất, cho nên khi thấy mấy thầy cô có vẻ nhàn hạ liền cho là không tu. Bên ngoài không tu nhưng đang tu bên trong. Bên trong đang diễn ra một cuộc chiến một mất một còn giữa thiện và ác, chân và vọng; mà chỉ cần mất cảnh giác một chút là thua liền. Điều lý thú ở đây là các phương pháp tu này lại được thể hiện một cách thống nhất và thông suốt giữa các truyền thống tu tập trong Phật giáo. Dù cho Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa, Thiền, hay những phát triển của Phật giáo về sau như Duy Thức tông, tuy trình bày bằng những hình thức khác nhau, nhưng chỉ để diễn đạt một vấn đề mà thôi. Trong kinh Tứ thập nhị chương Đức Phật có dạy rằng, giáo pháp của Ngài như mật trong chén. Dù mật ở giữa chén hay ngoài rìa thì vẫn ngọt như nhau. Lại nói, nước biển chỉ có một vị mặn, giáo pháp của Phật cũng chỉ có một vị, đó là vị giải thoát mà thôi.
Trên đây ta đã trình bày khái niệm Vô thức của Phân tâm học trong mối tương quan với A-lại-da thức của Duy thức học, sự tương đồng cũng như sự khác biệt trong cách tiếp cận và giải quyết vấn đề giữa hai trường phái tâm lý học. Ta thấy rằng Phân tâm học hãy còn hạn chế, trong khi đó Duy thức học đã giải quyết được vấn đề một cách rốt ráo. Vô ngã là giáo lý căn bản của Phật giáo, và ở đây, một lần nữa, nó lại biểu diễn vai trò của mình để giải quyết vấn đề gọi là bản năng. Mọi thứ đang trôi chảy và chuyển biến. Không có gì gọi là “bản” ở đây cả, dù là “bản thiện” hay “bản ác.” Cái gọi là bản năng đó chẳng qua là một sự tích tụ lâu đời, như phù sa tích tụ thành cồn, nước đóng lại thành băng. Nếu có cái gọi là bản năng thì sẽ không có sự chuyển biến, không có tu tập. Nhưng khi chúng ta hiểu được rằng các pháp do duyên sinh thì vấn đề được giải quyết dễ dàng hơn. Chúng ta có thể tu tập để giải thoát sanh tử, hoặc chúng ta có thể chuyển thức thành trí, chuyển phiền não thành Bồ-đề, nuôi lớn từ bi và trí tuệ để vào đời hóa độ chúng sanh như các vị Bồ-tát đã làm vậy.
Thích Trung Hữu
(1) Sigmund Freud (Nguyễn xuân Hiến dịch), Duy thức học nhập môn, http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn4n2nvn31n343tq83a3q3m3237n1n&AspxAutoDetectCookieSupport=1. Truy cập ngày 26-3-2017.
Discussion about this post