DO BAN BIÊN TẬP THƯ VIỆN HOA SEN PHỤ TRÁCH
NỘI
DUNG BÀI PHÁT THANH SỐ 56
THỰC
HÀNH PHẬT PHÁP TRONG ĐỜI SỐNG HÀNG NGÀY
(Nghe
audio bấm vào hàng chữ này)
Thưa
quý thính giả,
Kỳ
này, chúng tôi xin trích dịch một số câu hỏi, được Ni
Sư Thubten Chodron giải đáp trong cuốn Buddhism for Beginners.
Ni
Sư Thubten Chodron là người Hoa Kỳ, đã viết nhiều sách
giảng dạy Phật pháp như Open Heart & Clear Mind, How to
Free Your Mind, Taming the Monkey Mind, Cultivating a Compassionate Heart,
Blossoms of the Dharma, vân vân….
Cuốn
Buddhism for Beginners được giới thiệu như sau:
“Cuốn
sách này bao hàm những vấn đề căn bản nhất, đã gây thắc
mắc trong tâm những người phương Tây, vốn còn xa lạ với
cách tu tâm của người phương Đông. Với cách hành văn trong
sáng và hấp dẫn, Ni Sư Thubten Chodron đã đưa người đọc
qua những đề tài thông thường trong đời sống hằng ngày,
dưới ánh sáng giáo lý của nhà Phật, nói về những cách
sống sao cho sáng suốt, an lạc và hạnh phúc hơn. Tác giả
đã gỡ bỏ những bối rối, hiểu lầm, trong tâm chúng ta,
và dẫn chúng ta tiến vào những điều căn bản nhất của
đời sống tinh thần sinh động và phong phú này.
Đức
Đạt Lai Lạt Ma đã nói như sau:
“Cuốn
Buddhism for Beginners được viết cho người muốn tìm hiểu
những điều căn bản nhất của đạo Phật, và cách ứng
dụng những điều căn bản đó vào đời sống hằng ngày.
Nó sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho độc giả”.
Sau
đây, chúng tôi xin kính gửi tới quý thính giả những câu
hỏi và những giải đáp của Ni Sư Thubten Chodron, trích dịch
từ cuốn sách kể trên.
Hỏi:
–
Làm thế nào để một người sống cuộc đời bình thường,
một cư sĩ, không phải là tu sĩ, có thể thực hành Phật
pháp?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Những
người sống cuộc đời bình thường, những nam cư sĩ và
nữ cư sĩ, không phải là tu sĩ, vẫn có thể thực hành Phật
pháp như mọi người khác, trong công cuộc rèn luyện tâm trí.
Tại một vài nền văn hóa Phật giáo, người ta đã tự đánh
giá thấp khả năng của họ, khi nghĩ rằng:
– “Tôi
chỉ là một cư sĩ bình thường. Nghe pháp, tụng niệm, tọa
thiền là công việc của chư Tăng Ni. Đó không phải là việc
của tôi. Tôi chỉ được tới chùa để lễ lạy, cúng dường
Tam Bảo và cầu xin cho gia đình tôi được sự phù hộ độ
trì mà thôi”.
Những
việc làm như tới chùa lễ lạy, cúng dường Tam Bảo, cầu
xin cho gia đình, vân vân, thì cũng tốt. Nhưng các cư sĩ có
khả năng để làm hơn thế. Họ có thể học hỏi giáo lý,
tu tập để thăng hoa tâm linh, và đem những lợi ích của
sự tu tập đó ứng dụng vào cuộc đời. Các cư sĩ nên thường
xuyên đi nghe giảng về Phật pháp. Và khi có thể, thì tham
dự những khóa tĩnh tâm. Như thế, mọi người sẽ đều được
thấm nhuần giáo lý giải thoát và sự cao đẹp của Phật pháp. Nếu không thì mãi mãi họ cũng vẫn chỉ là những
“Phật tử thắp nhang” mà thôi. Và rồi, nếu có người
hỏi họ về giáo lý nhà Phật, thì họ cũng đành ú ớ, chẳng
biết gì để mà trả lời. Tình trạng đó thật là đáng
buồn.
May
thay, hiện nay đã có nhiều Phật tử, tại cả Á Châu và
Tây Phương, rất tích cực tu học Phật pháp và hành thiền,
đó là những dấu hiệu tốt.
Trong
cuộc đời của mỗi Phật tử, nên thọ trì Ngũ Giới, hoặc
khi có dịp thì nên thọ Bát Quan Trai Giới. Làm vậy, tâm họ
sẽ tăng cường sự tỉnh thức và nếp sống đạo cũng có
được những thành quả tích cực.
Ngoài
ra, Phật tử cư sĩ cũng có thể tham dự những buổi tĩnh
tâm, hành thiền, hoặc đi nghe giảng pháp tại các chùa, hoặc
các trung tâm Phật giáo vào những ngày cuối tuần, hoặc dùng
một vài kỳ nghỉ phép thường niên, để tham dự các khóa
tu tâm dài ngày hơn.
Nhiệm
vụ giữ gìn sự trong sáng và hoằng truyền giáo pháp của
đức Đại Bi Thế Tôn nằm trong tay tất cả bốn chúng, gồm
có chư Tăng, chư Ni, nam cư sĩ và nữ cư sĩ. Nếu nhận ra
được chân giá trị của Phật pháp, và mong ước giáo pháp
được dàn trải khắp nơi, thì tất cả chúng ta phải nhận
lãnh trách nhiệm, phải siêng năng học lý thuyết cho thấu
triệt, và tinh tấn thực hành những điều đã học được,
tùy theo khả năng của chúng ta.
Hỏi:
–
Xin cho biết về sự liên hệ giữa chư Tăng Ni và các cư sĩ
Phật giáo?
Ni
Sư Thubten Chodron đáp:
– Như
đức Phật đã quy định, bổn phận của chư Tăng, Ni, là
giữ gìn trọn vẹn giới luật đã nguyện hứa, đồng thời
học và thực hành Phật pháp, rồi đem sự hiểu biết đó
hướng dẫn lại cho Phật tử tu hành.
Về
phần giới cư sĩ Phật tử thì cung cấp những sự cần thiết
cho đời sống của người tu sĩ, như nơi cư trú, y phục,
thực phẩm và thuốc men. Sự phân nhiệm này có mục đích
dành cho giới tu sĩ có nhiều thì giờ để chuyên tâm học
hỏi và hành thiền, để họ mau tiến bộ trên đường tu
tập, để rồi qua sự tiến bộ của họ, sự truyền dạy
giáo pháp lại cho giới cư sĩ cũng đạt được nhiều hiệu
quả.
Mối
quan hệ này đã lưu truyền trong khắp các truyền thống Phật
giáo, dù khác hình thức.
Tại
các tu viện Thiền Tông ở Trung Hoa, làm lụng ngoài đồng
được coi là một phần của việc tu hành, chư Tăng, Ni phải
làm ruộng, học giáo lý và tu tập thiền.
Tại
Thái Lan thì lại khác, vì lời hứa khi thọ giới là không
cất giữ tiền bạc được thi hành triệt để, nên cư sĩ
Phật tử không những chỉ cung cấp tứ sự cúng dường gồm
nơi ở, y phục, thực phẩm và thuốc men, mà còn nhận lãnh
luôn cả những việc lao động khác trong tu viện, để giúp
chư tăng ni chuyên tâm tu hành.
Tại
Châu Á, chư Tăng, Ni thường được giới cư sĩ Phật tử
kính trọng và săn sóc chu đáo, vì Phật tử tại những nơi
đó vốn có truyền thống tôn quý Phật pháp. Dù là vậy,
tu sĩ nên tự coi mình như những người phục vụ, để không
trở thành kiêu ngạo khi được Phật tử cung kính cúng dường.
Nếu tu sĩ lại nổi lên tâm kiêu ngạo khi hưởng sự cung
kính, thì đường tu của chính họ lại bị thoái hóa.
Tại
phương Tây thì mối quan hệ giữa giới tu hành và giới cư
sĩ vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng dân chủ, và
ít phân chia giai cấp, vốn sẵn có trong bản chất của các
xã hội Tây Phương. Như thế cũng có điều lợi, mà cũng
có điều bất lợi. Thí dụ, người tu sĩ Tây Phương không
luôn luôn được tu viện, hoặc nơi họ cư ngụ, cung cấp
đầy đủ về mặt tài chính, cho các chi phí trong đời sống.
Kết quả là có những Tăng Ni phải kiếm thêm việc làm bên
ngoài, để có đủ tiền chi tiêu cho những nhu cầu cần thiết
của bản thân. Có người kiếm đủ sống qua ngày, nhưng khi
ốm đau, hoặc muốn đi tầm sư học đạo, hoặc tham dự những
khóa thiền thất, thì họ sẽ gặp khó khăn về chuyện tiền
bạc.
Hỏi:
–
Xin cho biết làm thế nào để tìm một vị thày tâm linh, và
có cần thiết không?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Có
được một, hoặc nhiều vị thày tâm linh đức độ hướng
dẫn chúng ta tu tập, là một điều rất hữu ích. Trong khi
kinh sách có thể cho chúng ta biết những dữ kiện, vị thày
tâm linh có thể trực tiếp giải đáp những thắc mắc nổi
lên trong tâm chúng ta, và chỉ dẫn chúng ta cách thức ứng
dụng những điều đã học vào cuộc sống. Chúng ta có thể
theo học nhiều vị thày, tuy thế, có thể chỉ một trong số
đó là thày chính, bậc thày mà chúng ta hoàn toàn tin cậy.
Tìm
một bậc thày tâm linh có đức độ, đầy đủ đạo hạnh
là bổn phận của chính mình. Chúng ta càng phải thận trọng
hơn trong tình trạng thực tế tại Tây Phương ngày nay, nơi
có thể gọi là “chợ tâm linh”. Không phải tất cả mọi
người dạy đạo đều biết họ phải làm gì, hoặc ngay cả
đến chính họ có đủ đạo đức hay không nữa. Chúng ta
phải biết rõ về họ, trước khi tôn họ là thày mình.
Muốn
vậy, chúng ta nên tham dự nhiều buổi giảng pháp của nhiều
vị thày khác nhau, quan sát kỹ thái độ của họ, nghiên cứu
nội dung và giá trị của những điều họ giảng dạy, rồi
hãy quyết định trong sự thận trọng.
Hỏi:
–
Khi đi tìm thày tâm linh, chúng ta cần đến những phẩm chất
gì nơi họ?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Những
phẩm chất của bậc thày xứng đáng là cách hành xử có
đạo đức, giầu kinh nghiệm về thực hành các phương pháp
tu tâm, và thấu hiểu Tánh Không. Họ phải thâm nhập kinh
tạng, có thể dạy nhiều chủ đề về Phật pháp, và có
mối liện hệ chặt chẽ với thày của chính họ. Động cơ
đi dạy của họ phải là vì họ muốn giúp học trò thấu
hiểu giáo pháp, chứ không phải vì mong được cúng dường,
hoặc muốn được nổi danh. Bậc thày phải có lòng từ bi,
kiên nhẫn và cố gắng giúp đệ tử của họ, dù những người
này có thể đã gây ra nhiều lỗi lầm. Những bậc thày đạo
hạnh chỉ giảng dạy đúng theo chánh pháp, không xuyên tạc
ý nghĩa kinh Phật, để lôi cuốn đệ tử hoặc để kiếm
thêm tiền cúng dường.
Hỏi:
–
Thày tâm linh có thể là cư sĩ được không?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Thày
tâm linh có thể là tu sĩ hoặc cư sĩ, cũng đều được cả.
Tuy nhiên, cư sĩ thường có gia đình, trong khi tu sĩ luôn luôn
là độc thân. Tìm thày tâm linh, chúng ta nên lưu tâm đến
vị nào xứng đáng làm gương tốt cho chúng ta, và noi theo
hành vi đạo đức của họ mà hành xử.
Hỏi:
–
Xin cho biết “hành thiền” là gì?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Ngày
nay khi nói đến “hành thiền”, đôi khi người ta bị lẫn
lộn với những sinh hoạt khác. Hành thiền không chỉ có nghĩa
đơn giản là làm thư giãn thân và tâm. Cũng không có nghĩa
là đắm mình trong những sự tưởng tượng như mình là người
thành công với một tài sản vĩ đại, có mối quan hệ tốt
đẹp, có danh vọng và được mọi người ca ngợi. Đấy chỉ
là sự mơ mộng viển vông về những dính mắc vào của cải
vật chất.
Hành
thiền cũng không phải là ngồi xếp bằng theo kiểu kiết
già, lưng thẳng tắp như mũi tên với gương mặt tỏa nét
nghiêm nghị thần thánh. Hành thiền là hoạt động của tâm.
Dù thân thể có dáng ngồi đúng phương pháp, tuyệt đẹp,
mà tâm rong ruổi chạy theo những tư tưởng linh tinh, tham,
sân, si, thì cũng không phải là đang hành thiền.
Hành
thiền cũng không phải là tập trung tư tưởng, như chúng ta
có thể có trạng thái này khi vẽ tranh, đọc sách, hoặc làm
việc gì mà chúng ta thấy thích thú. Hành thiền cũng không
phải là chỉ đơn giản nhận biết mình đang làm gì vào những
lúc đặc biệt nào đó.
Hành
thiền để chuyển hóa tư tưởng và nhận thức, để tăng
trưởng lòng từ bi và thích ứng với thực tại của đời
sống.
Hỏi:
–
Xin cho tôi biết muốn hành thiền thì phải làm gì và hành
thiềncó lợi ích gì?
Ni
Sư Thubten Chodron trả lời:
– Hiện
nay, trong lãnh vực tu tập về tâm linh, chúng ta có rất nhiều
thày dạy hành thiền. Nhưng chúng ta phải tìm hiểu kỹ, đừng
hứng khởi một cách vội vã mà gia nhập ngay vào bất cứ
cái gì. Phải rất thận trọng.
Có
những người nghĩ rằng họ có thể sáng chế ra cách tu thiền
của riêng họ, không cần phải học từ một bậc thày lão
luyện. Đó là điều thiếu khôn ngoan. Muốn hành thiền, trước
nhất chúng ta phải được hướng dẫn bởi một vị thày
giầu kinh nghiệm, xứng đáng làm thày.
Hành
thiền tạo thói quen tốt cho tâm chúng ta, thái độ sống của
chúng ta đối với cuộc đời sẽ từng bước chuyển hóa.
Chúng ta sẽ giảm dần sự giận dữ và sẽ giải quyết những
công việc cần phải suy nghĩ, cân nhắc, một cách sáng suốt
hơn. Những sự bất mãn và căng thẳng thần kinh cũng từ
từ giảm thiểu. Những kết quả này chúng ta có thể nhận
ra ngay sau mỗi buổi hành thiền. Nhưng chúng ta nên có những
động cơ để hành thiền cao cả và rộng lớn, hơn là chỉ
vì niềm vui và hạnh phúc của riêng mình. Nếu chúng ta muốn
hành thiền để giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, hoặc
với mục tiêu đạt được sự triệt ngộ (triệt ngộ là
giác ngộ triệt để như đức Phật), để làm lợi ích cho
tất cả chúng sinh, thì hiển nhiên là tâm trí chúng ta sẽ
thấy an lạc ngay. Và rồi chúng ta sẽ có thể đạt được
những mục tiêu cao cả đó.
Giữ
được thời khóa biểu hành thiền thường lệ hằng ngày,
dù mỗi ngày chỉ có thể tu tập một thời gian ngắn, cũng
là thói quen tốt, sẽ mang lại rất nhiều lợi ích.
Có
người nghĩ rằng:
– “Mỗi
ngày ta đều quá bận rộn với công việc ở sở làm, với
gia đình ở nhà, và với những công việc giao tế ngoài xã
hội, nên ta không thể hành thiền. Hãy cứ để đó, đến
khi nào lớn tuổi, công việc giảm bớt rồi, ta hãy tính sau.
Hành thiền là việc của các Tăng Ni, đâu phải của mình”.
Xin
đừng nghĩ vậy, quá sai rồi. Nếu hành thiền giúp ích chúng
ta, thì hằng ngày chúng ta nên dành thì giờ để thực tập.
Dù chúng ta không thích tọa thiền, cũng nên cố gắng dành
chút thì giờ mỗi ngày để tĩnh tâm, là điều cần thiết.
Mỗi ngày, chúng ta nên dành ra chút thì giờ, ngồi lặng lẽ,
quán chiếu lại những việc mình làm trong ngày, và tìm coi
vì lý do gì mình đã làm như thế, hoặc xem sách về giáo
pháp, hoặc tụng đọc kinh Phật. Muốn được hạnh phúc,
chúng ta phải sống hài hòa với mọi người, và an lạc trong
bầu không khí tịch mịch, một mình.
Cần
có những khoảng thời gian tĩnh lặng, nếu được vào buổi
sáng, khi chưa khởi sự làm các công việc thường ngày thì
tốt, nhất là trong đời sống của những xã hội văn minh
tân tiến hiện nay, nơi mà con người ta thật sự là quá bận
rộn.
Chúng
ta luôn luôn có thì giờ để săn sóc thân thể. Thỉnh thoảng
chúng ta nhịn ăn vì biết rằng cơ thể cần thiết điều
đó. Thì cũng như vậy, chúng ta nên dành ra đôi chút thì giờ
để săn sóc tâm trí và trái tim, bởi vì chúng quá quan trọng
đối với sự nhận thức, cảm xúc và sức khỏe của chúng
ta.
Tóm
lại, tâm trí chứ không phải là thân xác của chúng ta, sẽ
là động lực tiếp nối trong những kiếp tương lai của chúng
ta, đem theo với nó là nghiệp lực, dấu ấn của những hành
động mà chúng ta đã gây ra trong cuộc đời này. Hành thiền
Phật giáo không phải là chúng ta làm lợi ích cho đức Phật,
nhưng vì sự tiến bộ của chúng ta. Phật pháp dạy cách làm
thế nào để tạo nguyên nhân của hạnh phúc. Và vì rằng
tất cả chúng ta đều mong mỏi được hưởng hạnh phúc,
chúng ta nên hành trì Phật pháp càng nhiều càng tốt.
Thưa
quý thính giả,
Trên
đây là những câu hỏi được thính chúng đề ra, trong các
buổi nói chuyện của Ni Sư Thubten Chodron, và Ni Sư đã trả
lời, được in trong cuốn Buddhism for Beginers.
Vì
thấy những câu hỏi này cũng tương tự một số thắc mắc,
mà quý thính giả gửi về Thư Viện Hoa Sen, nên chúng tôi
dịch ra để kính gửi tới quý thính giả. Ước mong những
lời giải đáp của Ni Sư, có thể giúp chúng ta hiểu rõ một
số vấn đề.
Ban
Biên Tập/TVHS
Bài
này đã được phát thanh trên làn sóng AM
1480 (KVNR) tại Nam California
ngày 22-4-2006 và ngày 23-4-2006 trên làn sóng AM1520
(KYND) &
AM 880 (KJOJ) tại
Texas. Live Webcasting at http://www.littlesaigonradio.com
8:00 PM Saturday (Pacific Time).
Discussion about this post