TỔNG QUÁT VỀ THIỀN
ĐỊNH
Nguyên Nhật Trần Như Mai dịch
Thiền là phương
pháp buông xả. Khi hành Thiền, bạn buông xả cả thế giới phức tạp bên ngoài để
đạt đến trạng thái an tịnh nội tâm đầy uy lực. Trong tất cả mọi hình thái của
chủ thuyết thần bí và trong nhiều truyền thống tâm linh, thiền định là con
đường dẫn đến tâm thanh tịnh và đầy uy lực. Chứng nghiệm được cái tâm thanh
tịnh này, cái tâm đã được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của thế giới, thật hoan
hỷ không thể tưởng tượng được. Đó là nguồn hạnh phúc hơn hẳn các dục lạc thế
gian.
Trong
lúc hành Thiền bạn sẽ gặp một số khó khăn, nhất là vào buổi ban đầu, nhưng nếu
bạn kiên trì, Thiền tập sẽ đưa bạn đến những trạng tái tâm linh tuyệt vời đầy ý
nghĩa. Theo qui luật tự nhiên, nếu không nỗ lực thì ta sẽ không đạt được tiến
bộ. Dù bạn là một cư sĩ hay tăng ni, nếu không nỗ lực tinh tấn thì sẽ không đi
đến đâu cả.
Chỉ nỗ lực thôi
cũng chưa đủ. Nỗ lực cần phải khéo léo. Nghĩa là phải biết đưa năng lượng của
bạn đến đúng chỗ và duy trì năng lượng ấy cho đến khi hoàn tất. Nỗ lực khéo léo
không gây trở ngại và cũng không quấy rối bạn; mà nó sẽ phát sinh sự an tịnh
tuyệt vời khi bạn đã nhập định.
Mục Tiêu Của Hành Thiền
Để biết bạn cần
phải hướng nỗ lực đến nơi nào trong lúc hành Thiền, bạn cần phải hiểu rõ mục
tiêu của bạn. Mục tiêu của hành Thiền là đạt đến trạng thái tĩnh lặng tuyệt mỹ,
và cái tâm trong sáng. Nếu bạn hiểu được mục tiêu ấy, thì bạn sẽ thấy rõ hơn
bạn cần hướng nỗ lực đến nơi nào và dùng phương tiện gì để đạt được mục tiêu
đó. Nỗ lực ấy hướng đến việc buông xả, việc phát triển tâm sẳn sàng từ bỏ. Một
trong những lời dạy đơn giản nhưng rất thâm sâu của Đức Phật là “Một hành giả
dùng buông xả làm đối tượng chính để tu tập thì sẽ đạt được Định dễ
dàng”, nghĩa là nhất tâm tĩnh lặng, mục tiêu của hành Thiền (Tương Ư. BK 48, 9)(1). Hành giả ấy gần
như sẽ tự động đạt được những trạng thái hỷ lạc nội tâm. Đức Phật dạy rằng
nguyên nhân chính để nhập Định và đạt được những trạng thái đầy
uy lực đó chính là khả năng buông xả và từ bỏ.
Buông Bỏ Mọi Gánh Nặng Của Chúng Ta
Trong lúc Thiền
tập, chúng ta không được nuôi dưỡng cái tâm tích lũy và nắm giữ sự vật. Thay
vào đó chúng ta phải phát triển cái tâm sẵn lòng buông xả, từ bỏ mọi gánh nặng.
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải mang nặng nhiều bổn phận, giống như
những hành lý nặng nề, nhưng trong thời gian Thiền tập, những hành lý đó không
cần thiết. Trong lúc Thiền tập, hãy đặt các gánh nặng xuống, càng nhiều càng
tốt. Hãy nghĩ đến những nhiệm vụ và thành quả công việc như những quả tạ nặng
nề đè lên người bạn. Hãy vứt bỏ chúng không tiếc nuối.
Chính cái tâm sẵn
sàng buông bỏ như vậy sẽ đưa bạn đi sâu vào Thiền định. Ngay cả trong giai đoạn
mới bắt đầu Thiền tập, hãy xem thử bạn có thể phát sinh năng lượng muốn từ bỏ –
ý muốn xả ly mọi chuyện. Khi tâm của bạn xả ly mọi chuyện, bạn sẽ cảm thấy nhẹ
nhàng và tự do hơn nhiều. Trong Thiền tập, sự buông bỏ xảy ra từng giai đoạn,
từng bước một.
Hành giả giống
như những con chim bay bổng trên bầu trời, và vươn tới đỉnh cao. Chim không bao
giờ mang theo hành lý! Những hành giả thiện xảo trút bỏ mọi gánh nặng, bay bổng
và vươn tới đỉnh cao tuyệt mỹ của tâm. Chính trên thượng đỉnh của tri giác ấy
mà hành giả hiểu được ý nghĩa của cái mà chúng ta gọi là ‘tâm’, từ kinh nghiệm
trực tiếp của mình. Cùng lúc đó, hành giả cũng hiểu được bản chất của cái mà ta
gọi là ‘ngã’, ‘Thượng đế’, ‘thế giới’, ‘vũ trụ’, tất cả sự vật. Chính nơi đây
hành giá được giải thoát – không phải trong lãnh vực ý niệm, mà trên tột đỉnh
của sự tĩnh lặng nội tâm.
Đề Cương Của Sách Này
Phần I của sách,
“An Lạc của Thiền Định”, dành cho những bạn muốn hành Thiền để làm nhẹ bớt gánh
nặng của cuộc sống, nhưng vì một vài trở ngại hay không có khuynh hướng, sẽ
không theo đuổi hành Thiền để đạt đến các trạng thái hỷ lạc và giác ngộ. Ở đây,
tôi trình bày rõ ràng là ngay cả đối với người mới bắt đầu, khi hành Thiền đúng
đắn sẽ mang lại rất nhiều an lạc. Chương I và 2 sẽ nói về những bước đầu tiên
của hành Thiền bằng một đường lối rõ ràng và có hệ thống. Phần này là phần
duyệt lại một cuốn sách nhỏ của tôi đã xuất bản mang tựa đề “Căn Bản Pháp
Hành Thiền”(2). Chương 3 và 4 nhận diện những vấn đề có thể xảy ra
trong lúc hành Thiền, và trình bày phương cách làm thế nào để dễ dàng vượt qua
những vấn đề ấy một khi bạn đã nhận ra chúng. Trong chương 5 và 6 tôi giải
thích chánh niệm bằng một đường lối độc đáo và mở rộng vốn liếng của hành giả
bằng cách trình bày thêm ba phương pháp Thiền tập, tất cả là để hổ trợ cho con
đường thanh tịnh nội tâm. Rồi trong chương 7 và 8 tôi đưa vào dẫn chứng một số
lời dạy của Đức Phật, như là Kinh Quán Niệm Hơi Thở (ānāpānasati) và
Kinh Niệm Xứ (Satipatthāna Sutta) để xác nhận giá trị những lời hướng
dẫn của tôi và làm phong phú thêm bằng những mô tả đầy tuệ giác của chính Đức
Phật.
Phần
hai, “Đạt đến hỷ lạc và tiến đến bờ giác ngộ”, là một cuôc hành trình được
hướng dẫn để đi vào thế giới hỷ lạc vượt thời gian của Phật đạo. Phần này mô tả
phương pháp giúp hành giả tiến vào giai đoạn bùng vỡ tâm thức để đạt đến niềm
hỷ lạc tối thượng của các tầng Thiền và bằng cách nào những trạng thái
xả ly ấy vén bức màn ngũ uẩn để hé lộ thế giới diệu kỳ của tâm, là khu vườn nội
tâm huyền diệu khi hành giả đạt đến giác ngộ. Chương 9, 10, và 11 mở ra thế
giới tâm thức thuần tịnh với lời tường thuật chi tiết kinh nghiệm nhập định,
hay nhập tầng thiền, hướng dẫn rõ ràng từng bước một để làm thế
nào tiến vào các cảnh giới tuyệt diệu ấy. Tiếp theo, chương 12 và 13 tiếp tục
tiến lên đỉnh cao của hành trình chứng ngộ tâm linh, tôi trình bày bằng cách
nào để tuệ giác đạt được trong cảnh giới Thiền mở cổng cho hành giả bước vào
vườn hoa trí tuệ. Rồi trong chương 14 và 15, tôi mô tả làm thế nào để đưa sinh
hoạt của đời sống tiến đến một chung kết vĩ đại, cung cấp những chi tiết rõ
ràng và đích thực để hành giả nhận biết giác ngộ và làm thế nào để đạt được
giác ngộ.
Phần kết luận,
“Buông xả đến tận cùng” là “chiếc xe quay về khởi điểm” của sách để đưa độc giả
trở về với cuộc sống bình thường sau khi rời khỏi cảnh giới Thiền và Niết Bàn –
mặc dù đã có một bước nhảy vọt chung kết để tiến lên thế giới vô vi như là một
kỷ vật của cuộc hành trình này của chúng ta.
Cách Sử Dụng Sách
Này
Sách này có ba mục đích. Trước tiên, nó
được sử dụng như một khóa học về Thiền Phật giáo. Thiền sinh nào đọc sách này
thật kỹ và thực hành những lời chỉ dẫn một cách cẩn trọng sẽ nhận được nơi đây
một khoá học về Thiền theo từng bước tiệm tiến và hoàn chỉnh, một khóa học căn
bản dựa theo truyền thống và đôi lúc dựa trên chính lời dạy của Đức Phật. Tôi
trình bày nơi đây những lời dạy sâu sắc, có giá trị vượt thời gian của Đức Phật
theo một cách thế phù hợp với tư tưởng Tây phương.
Thứ hai, cuốn sách này
là một cuốn cẩm nang giải đáp mọi trục trặc lúc hành Thiền. Nó được sắp xếp để
giúp thiền sinh vượt qua những vấn đề đặc biệt trong lúc thực hành. Thí dụ, nếu
sân hận là một chướng ngại, độc giả có thể lật sang chương 3, “Những trở ngại
trong lúc hành Thiền I”, nơi đây bạn có thể tìm thấy lời khuyên thực tập Quán
Từ Bi (Mettā) để vượt qua sân hận. Ngoài ra còn có những lời khuyên khác
để giải quyết vấn đề ít phổ biến hơn – thậm chí có vẻ hiếm khi gặp phải, như ở
Chương 5, “Phẩm Chất của Chánh Niệm”, là một thí dụ điển hình. Chi tiết làm thế
nào để thiết lập một “người gác cổng” để vừa theo dõi vừa bảo vệ quá trình hành
Thiền của bạn là những lời khuyên vô giá.
Chức năng thứ ba
của sách này là để giúp độc giả khám phá những phương diện khác của Thiền Phật
Giáo mà họ biết rất ít. Sách này cung cấp những thông tin có lẽ rất khó kiếm
được. Chương 9-12 nói về những trạng thái hỷ lạc của Thiền Định là một thí dụ
cụ thể. Mặc dù các tầng Thiền (jhānas) là những lời dạy căn bản của Đức
Phật về Thiền Định, ngày nay ít người có thể hiểu rõ về các cảnh giới đó.
Tôi đã cảm thấy ít
nhiều lo âu khi gởi cuốn sách này đến nhà xuất bản. Khi tôi bắt đầu hành Thiền
ở Luân đôn trong những năm cuối thập niên 1960, một vị Thiền sư thỉnh giảng
người Nhật thuộc tông phái Zen đã nói với tôi, ‘Theo luật nghiệp quả, ai viết
sách về Phật giáo sẽ phải chịu trải qua bảy kiếp sắp tới làm thân lừa!”. Điều
này đã làm tôi lo âu. Dù điều này đúng hay không, tôi vẫn tin rằng ai làm theo
những lời hướng dẫn trong sách này sẽ được thoát khỏi mọi kiếp tái sinh, không
phải chỉ thoát khỏi tái sinh làm thân lừa mà thôi.
Trong Đại Kinh Saccaka (Trung BK, số 36) Đức Phật kể lại, “Ta suy
nghĩ:… ‘Có phải nhập định đưa đến giải thoát?’ Rồi tiếp theo hồi tưởng
ấy, nhận thức này đã khởi lên trong ta, “Đó chính là con đường giải thoát”(3).
Mời đọc hay nghe tiếp:
Discussion about this post