Phật giáo nhấn mạnh rằng tất cả mọi người đều có thể thành Phật, nhưng thành Phật có nghĩa là gì? Một vị Phật là người đã hoàn toàn loại trừ tất cả các khiếm khuyết, sửa sai mọi thiếu sót và chứng ngộ mọi tiềm năng. Ngay từ đầu, họ cũng giống như ta, là chúng sanh phàm trần, gặp nhiều khó khăn trong đời sống. Vì vô minh về thực tại, có những vọng tưởng phi thực tế mà lại tin vào chúng, nên khó khăn tiếp tục xảy ra ngoài vòng kiểm soát của họ, và kết quả là phiền não và hành vi bốc đồng. Tuy nhiên, họ đã nhận thức rằng vọng tưởng không phù hợp với thực tế, và nhờ có quyết tâm mạnh mẽ để thoát khỏi nỗi khổ mà tâm vô minh đã tạo ra, nên cuối cùng, họ không còn tin tưởng vào những ảo tưởng trong tâm nữa. Nhờ vậy mà họ không còn phiền não và chấm dứt mọi hành vi bốc đồng.
Trong quá trình này, họ đã tăng trưởng những cảm xúc tích cực như lòng từ bi bình đẳng cho tất cả chúng sinh, và giúp đỡ tha nhân tối đa. Họ đã trưởng dưỡng lòng từ cho tất cả chúng sinh như tình thương của mẹ dành cho đứa con duy nhất. Nhờ mãnh lực của lòng từ bi mãnh liệt hướng về tất cả, cùng tâm nguyện phổ độ tất cả chúng sinh mà sự thấu hiểu về thực tại của họ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Sau cùng, nó mạnh mẽ đến độ tâm họ không còn phóng chiếu những hiện tướng lừa đảo rằng vạn pháp và tất cả chúng sinh tự mình tồn tại, tách rời với những pháp khác. Họ thấy rõ, không một chút trở ngại nào, rằng tất cả các pháp tồn tại đều tương quan và phụ thuộc lẫn nhau.
Nhờ thành tựu này mà họ đạt được giác ngộ và trở thành Phật. Thân tâm và khả năng truyền đạt tư tưởng của họ đã vượt qua mọi giới hạn. Giờ đây, họ có thể phổ độ tất cả chúng sinh một cách tối đa và thiết thực, nhờ hiểu rõ mỗi một chúng sinh sẽ có được lợi lạc gì từ bất kỳ sự giáo hóa nào, nhưng ngay cả Phật cũng không toàn năng. Phật chỉ có thể tạo ra tác động tích cực đối với những người cởi mở, chấp nhận lời khuyên của ngài, và những ai theo đúng lời dạy.
Đức Phật nói rằng tất cả chúng sinh đều có thể đạt được điều mà ngài đã thành tựu, tất cả đều có thể thành Phật. Đó là vì chúng ta đều có yếu tố cơ bản để hỗ trợ cho mình. Yếu tố này chính là “Phật tánh”.
Khoa học thần kinh nói về tính mềm dẻo của bộ óc, đó là khả năng thay đổi và phát triển những đường dây thần kinh mới của bộ óc trong suốt đời. Khi một thành phần của bộ óc điều khiển chức năng nào đó, chẳng hạn như sử dụng cánh tay mặt, bị tê liệt thì vật lý trị liệu có thể giúp cho bộ óc phát triển những đường dây thần kinh mới để giúp chúng ta sử dụng tay trái. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy thiền quán, chẳng hạn như về lòng bi, cũng có thể tạo ra đường dây thần kinh mới để đem lại nhiều hạnh phúc và an lạc hơn. Vì tâm thức có thể ảnh hưởng đến sự thay đổi sinh lý như vậy, ta có thể nói về độ mềm dẻo của tâm thức, giống như nói về tính mềm dẻo của bộ óc. Sự kiện tâm thức của mình, và vì vậy tính cách của mình, không mang tính tĩnh tại và cố định, và có thể được kích thích để phát triển đường dây thần kinh mới là yếu tố cơ bản nhất, giúp cho tất cả mọi người có thể trở thành những vị Phật giác ngộ.
Ở mức độ sinh lý, bất cứ khi nào thực hiện, nói hay nghĩ về điều gì xây dựng thì ta sẽ tạo ra và củng cố một đường dây thần kinh tích cực, khiến cho điều này trở nên dễ dàng hơn, vì vậy mà xác suất lập lại hành động đó sẽ cao hơn. Ở mức độ tinh thần, đạo Phật nói rằng tương tự như vậy, ta cũng tạo ra năng lực và tiềm năng tích cực. Càng củng cố mạng lưới của năng lực tích cực như vậy, đặc biệt là thực hiện những điều lợi ích cho người khác, thì nó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Năng lực tích cực, khi hướng về khả năng phổ độ tất cả chúng sinh một cách trọn vẹn như một vị Phật, là điều giúp ta đạt được mục tiêu trở thành người hữu ích trên phương diện toàn cầu.
Tương tự như thế, càng chú tâm vào sự vắng bóng của bất cứ điều gì chân thật, tương ứng với sự phóng chiếu giả dối về thực tại, thì ta càng làm cho những đường dây thần kinh ấy yếu đi, trước hết là không còn tin vào những điều vô nghĩa trong tâm trí, và không phóng chiếu chúng nữa. Cuối cùng, tâm ta sẽ không còn những đường dây thần kinh vọng tưởng, cũng chấm dứt phiền não và thói quen hành động bốc đồng dựa vào những đường dây thần kinh này. Thay vì vậy, giờ đây, ta sẽ phát triển những đường dây thần kinh của pháp giới thể tánh trí. Khi những đường dây thần kinh này được gia tăng sức mạnh bằng mục tiêu thành tựu tâm toàn trí của Phật, hiểu biết cách phổ độ mỗi một chúng sinh một cách tốt nhất, thì mạng lưới trí tuệ sẽ giúp ta thành tựu tâm thức của Phật.
Bởi vì ai cũng có thân thể, phương tiện để giao tiếp với người khác, chủ yếu là bằng lời nói, và tâm thức, nên đó là những chất liệu để thành tựu thân, khẩu, ý của Phật. Ba điều này cũng là những yếu tố Phật tánh. Tương tự như vậy, chúng ta đều có các phẩm tính tốt đẹp ở mức độ nào đó, đó là bản năng tự bảo tồn, bảo tồn nòi giống, bản năng làm mẹ và làm cha, v.v…, cũng như khả năng hành động và ảnh hưởng đến người khác. Những điều này cũng là các yếu tố Phật tánh; chúng chính là chất liệu để trưởng dưỡng các phẩm tính thiện hảo như lòng từ và lòng quan tâm vô hạn, cùng những hoạt động giác ngộ của một vị Phật.
Khi quán sát cách tâm vận hành thì ta có thể khám phá ra những yếu tố Phật tánh khác. Tất cả mọi người đều có khả năng thu nhận thông tin, phân loại những pháp có cùng phẩm chất với nhau, phân biệt tính cá thể của các pháp, phản ứng theo nhận thức, và nhận biết sự vật. Đây là những cách mà hoạt động tinh thần của chúng ta bị hạn chế trong hiện tại, nhưng đó cũng là chất liệu để thành tựu tâm Phật, đó là khi nó hoạt động ở tiềm năng cao nhất.
Tóm tắt
Bởi vì ai cũng có chất liệu để thành Phật, nên chỉ cần có động lực và nỗ lực bền bỉ là sẽ thành tựu giác ngộ. Sự tiến triển không bao giờ là con đường thẳng: có ngày thì khá hơn, có ngày thì tệ hơn; đường đi đến Phật quả thì dài và không dễ dàng, nhưng nếu càng tự nhắc nhở bản thân về những yếu tố Phật tánh thì ta sẽ càng tránh xa sự thối chí hơn. Chỉ cần tâm niệm rằng bản thân mình vốn không có gì sai trái một cách cố hữu. Với động lực thiện hảo đủ mạnh mẽ và tu tập theo những phương pháp thực tiễn, phối hợp lòng bi và trí tuệ một cách thiện xảo, ta.
Discussion about this post