Hoằng pháp là một nhiệm vụ quan trọng của người con Phật, mỗi giai đoạn khác nhau, cách thức, phương tiện hoằng pháp cũng khác nhau, nhưng vẫn tựu chung vẫn là nhiệm vụ truyền trao Chánh Pháp, lợi lạc nhân sinh: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sanh, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” (Kinh Tương Ưng I,).
Thế kỷ XXI, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì các mạng xã hội cũng ra đời, giúp con người gần nhau hơn. Người ta sử dụng internet nhiều giờ trong ngày, không hẳn để chơi game mà còn để kinh doanh, để truyền tải suy nghĩ của bản thân, để xem báo, coi phim, ca nhạc… nói chung họ sinh sống cùng mạng, xã hội gọi là sống ảo. Nhưng thực tế, mạng internet được vận hành bởi con người, cũng góp phần tạo nên suy nghĩ, thói quen, hành động của con người thời đại công nghệ 4.0.
Trước thực trạng đó, người hoằng pháp cũng phải biết dấn thân vào “thế giới ảo” để độ chúng sanh. Muốn được như vậy, thì người Hoằng pháp phải tìm hiểu nắm vững một số kỹ thuật thì mới có thể sử dụng thời gian hợp lý để hoàn thành sứ mạng “Hoằng Pháp vi gia vụ, Lợi sanh vi bổn hoài” mà không bị trở ngại trong việc tiến tu đạo nghiệp.
Những năm 2003 – 2005 với mục đích “kết nối mọi người” Mark Elliot Zuckerberg và các cộng sự đã tạo dựng mạng xã hội facebook. Cho đến năm 2018, facebook là mạng xã hội được nhiều người tham gia nhất trên thế giới; Tại Việt Nam đã có khoảng 58 triệu người tham gia. Thế mạnh của facebook là liên kết mọi người một cách nhanh chóng qua nhiều công cụ đơn giản, hiện đại; nhưng cũng từ điều này mà nhiều kẻ xấu đã lợi dụng mạng xã hội để tung tin thất thiệt, xuyên tạc, phá hoại…
Trên tinh thần “Hòa nhập nhưng không hòa tan” người tu sĩ cần có ý thức khi sử dụng facebook, tránh bị sa đà vào việc “lang thang trên mạng” làm việc riêng: nhắn tin, điện thoại, xem các livestream không phù hợp…; Nhà Hoằng pháp nên dấn thân vào facebook để hoàn thành sứ mệnh “Ẩn ác, dương thiện”: đăng tải thông tin chân thật, hình ảnh đẹp, việc làm tốt, thậm chí định hướng dư luận hiểu đúng giáo lý của Đức Phật; Nhà Hoằng Pháp trên facebook phải có Nội minh (có kiến thức về nội điển Phật giáo: Kinh, Luật, Luận) vững vàng, nền tảng tu tập vững chắc, thì mới có thể hướng dẫn mọi người hiểu đúng Chánh Pháp.
Thực tế có một số huynh đệ tuổi đời tuổi đạo còn quá nhỏ, ý thức chưa cao, nhưng với thói quen sử dụng mạng xã hội của người đời, đã đăng tải các hình ảnh sinh hoạt chưa chuẩn trong chốn tòng lâm, hay có những phát ngôn chưa chuẩn mực đã tạo sự mất thiện cảm về hình ảnh Phật giáo trên cộng đồng mạng, đây chính là “những con sâu làm sầu nồi canh”. Đây là điều các tự viện cần lưu ý nhắc nhở và nếu được thì mong các cấp Giáo hội, cụ thể là Ban Tăng sự nên có những quy định và chế tài khi làm ảnh hưởng đến hình ảnh Tăng đoàn trên cộng đồng mạng và xã hội và Ban Thông tin – Truyền nên có những hướng dẫn cụ thể về kỷ năng trong việc sử dụng mạng xã hội đối với tu sĩ.
Ở khía cạnh nào đó mong các cấp Giáo hội không nên xem facebook chỉ là các trang cá nhân muốn đăng gì thì đăng, mà hãy xem đó là những nguồn truyền tải thông tin của chốn thiền môn, của Đạo Phật đến với mọi người trên toàn thế giới; Mỗi tu sĩ khi sử dụng mạng xã hội cần có ý thức rằng: đang tham gia hoạt động Phật sự trên không gian mạng nên phải cẩn trọng trong việc đăng hình ảnh, trong việc sử dụng ngôn từ cho phù hợp.
Ngày nay với sự phát triển cao của công nghệ, người ta có thể sử dụng mạng facebook ở mọi lúc mọi nơi để đăng tải thông tin hình ảnh đến với mọi người, do vậy nhà Hoằng pháp cũng cần phải nắm vững một số kỹ thuật căn bản để sử dụng facebook đạt hiệu quả cao (còn gọi là Công Xảo Minh trong Ngũ Minh – Phật Học Phổ Thông, HT Thiện Hoa).
Khi đăng tải thông tin lên facebook, người dùng facebook (nói tắt là người dùng) có thể dùng hình nền của máy (điện thoại, laptop, máy bàn) để có thể viết các câu ngắn; đồng thời sử dụng phần mềm trang trí có sẵn của facebook để tạo hiệu ứng cao, thu hút người xem. Người dùng cũng có thể dùng một hình ảnh vừa chụp hay hình ảnh lưu trên máy để viết thông điệp cần trao đổi với mọi người. Người dùng cũng có thể dùng điện thoại thông minh để livestream (quay phim) trực tiếp các hoạt động mà không bị giới hạn thời gian. Trên các nền tảng này nhà Hoằng pháp sử dụng facebook để đăng tải hoạt động Phật sự, hoạt động từ thiện … rất tiện lợi nhanh chóng.
Từ facebook thì các trang fanpage được tạo ra và được điều hành như một tòa soạn báo. Nếu facebook giới hạn 5000 người bạn, thì trang fanpage không có chế độ kết bạn chỉ có chế độ “thích” và “theo dõi” với số lượng không hạn chế.
Fanpage cũng có đầy đủ các chức năng như facebook: livestream, đăng hình, viết bài, tin nhắn… nhưng được mở rộng hơn. Một số đặc điểm của fanpage được sử dụng để Hoằng pháp:
Fanpage có phân cấp: Quản trị viên và Biên tập viên. Trong đó, Quản trị viên là người tạo fanpage, là người quản lý chính, có thể thêm hay loại bỏ các Biên tập viên. Biên tập viên là người được đăng bài, trả lời tin nhắn nhưng không quyền tự rời bỏ trang nếu Quản trị viên không cấp phép. Trên cơ sở này các tự viện và Ban, Viện nên tạo và duy trì fanpage vì có những sự kiện cần nhiều người có thể cùng tham gia hoằng pháp chung.
Những người quản lý trang có thể tạo sẵn bài viết trong 6 tháng theo lịch, đến giờ cụ thể thì bài viết sẽ được đăng tự động, đối với việc Hoằng pháp đây là một công cụ đắc lực giúp tiết kiệm thời gian. Ngoài ra trên trang fanpage còn có phần để người quản lý thông báo các sự kiện sẽ xảy ra trong thời gian sắp tới, để cộng đồng mạng cùng tham gia.
3.Nội dung Hoằng Pháp trên facebook
Khi đã sử dụng quen các công cụ trên facebook và fanpage, các nhà Hoằng pháp nên có kế hoạch cụ thể để hoàn thành nhiệm vụ Hoằng pháp qua 3 việc cụ thể: giới thiệu, xiển dương và bảo vệ Phật Pháp.
- Giới thiệu Đạo Phật : Giới thiệu Tam tạng Kinh điển đến với mọi người.
Đăng tải các bài Phật học Phổ thông, Kinh Pháp Cú, các bài thơ thiền, các đoạn Kinh ngắn trích từ Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Tạng Nikaya … Chuyện cổ Phật giáo, tích truyện Pháp Cú, chuyện tiền thân, chuyện nhân quả; Viết Năm giới, Khuyên Sám Hối… với lời văn xúc tích, dễ hiểu đăng vào những ngày Rằm, mùng 1 để mọi người biết; Trích các bộ luận để mọi người cùng tham khảo… Nên chọn một số đoạn tiêu biểu viết lên trên các tấm ảnh thích hợp sẽ có hiệu quả cao.
- Xiển dương Chánh Pháp: Đăng tải những hoạt động Phật sự
– Thường xuyên livestream các buổi thuyết pháp, các Đại Lễ trong năm, các Khóa tu tập, nhất là khóa tu dành cho giới trẻ, sinh viên học sinh. Đăng tải các hoạt động Phật sự, hoạt động từ thiện của các tự viện, … Tổ chức các buổi gặp mặt offline để cùng tu tập. Đăng tải các bài giảng của các giảng sư từ nguồn Youtube. Nhắc nhở các ngày Sám Hối, các ngày ăn chay trong tháng bằng hình ảnh, bằng video bảo vệ động vật…
c. Bảo vệ Phật pháp
Trước các khủng hoảng truyền thông có liên quan đến Phật giáo tùy khả năng, tình hình và đối tượng mà có hành động phù hợp, nhưng luôn giữ thái độ hòa nhã, tràn đầy trí tuệ từ bi:
- Đối thoại trực tiếp: nhắn tin, chất vấn, kêu gọi cộng đồng làm áp lực với người dùng đã đăng những tin tức sai lạc, những tin tức không tốt về Phật giáo.
- Đối thoại gián tiếp: viết những bài viết trên trang cá nhân hoặc fanpage để tạo góc nhìn đa chiều về sự việc cho cộng đồng mạng.
Kết luận
– Trong thời hiện đại, khái niệm thế giới phẳng khiến con người luôn gần nhau dù xa vạn dặm, nói theo ngôn ngữ bình dân là “có thần thông”, nghĩa là mọi người vẫn thấy vẫn nghe dù không ở cạnh nhau. Mạng xã hội trên không gian phẳng, cũng là một môi trường để hoằng pháp độ sanh, do vậy nhà Hoằng pháp phải biết cách sử dụng các kỹ thuật để có thể tiếp cận truyền bá Chánh Pháp lợi lạc chúng hữu tình.
– Mỗi vị Hoằng pháp phải biết giữ gìn hình ảnh của bản thân qua việc huân tu giới, định, tuệ; Nên sử dụng ngôn từ hòa nhã, chuẩn mực khi giao tiếp trên mạng.
– Cùng chung tay với xã hội, tạo không gian mạng lành mạnh, hướng thiện, đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan, những sai lệch về Chánh Pháp của những người đi không đúng đường … Giúp những người sử dụng mạng biết cách sử dụng hợp lý thời gian, sức khỏe,… cho công việc, cho gia đình và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Tương Ưng Bộ Kinh, HT. Thích Minh Châu dịch.
Phật học Phổ thông, HT. Thích Thiện Hoa biên soạn.
Bài giảng: Truyền thông Phật giáo thời hiện đại, HT. Thích Minh Thiện.
Bài giảng: Chiến lược phát triển truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp, TT. Thích Minh Nhẫn.
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia: https://vi.wikipedia.org/wiki/Mark_Zuckerberg
Việt Nam có số lượng người dùng facebook đứng thứ 7 trên toàn thế giới (/dantri.com.vn/suc-manh-so/viet-nam-co-so-luong-nguoi-dung-facebook-lon-thu-7-tren-the-gioi-20180418145327613.htm)
(*) TKN Thích Nữ Thánh Hưng
Thư ký Ban Hoằng Pháp GHPGVN Quận Tân Phú, TPHCM.
Bài đọc thêm:
Vấn đề sử dụng facebook của tăng ni hiện nay (Thích Nữ Liên Trí)
Thông Điệp Chánh Niệm Từ Facebook (Chân An Nghiêm)
Tăng ni trẻ và mạng xã hội facebook (Thích Trí Quảng)
Lên Phây (Trần Kiêm Đoàn)
.
Discussion about this post