LỜI DẠY VỀ PHÁP CỦA THIỀN SƯ AJAHN CHAH
Thích Nguyên Các chuyển ngữ
LTS: cuốn sách Being Dharma: The Essence Of The Buddha’s Teachings với nội dung như thể hiện lại quá trình kiến đạo của bậc chân tu – thiền sư Ajahn Chah. Nay chúng tôi biên dịch từ bản tiếng Hoa (森林中的法語), chú thích và giới thiệu đến bạn đọc một vài nội dung tâm đắc.
Văn Pháp
Khi truyền dạy các pháp cho người học, nên lặp đi lặp lại, đến khi hành giả thật sự thông hiểu mới thôi, đó là cách tất yếu để các nội dung quan trọng được lãnh hội đầy đủ.
Lời Phật là thiện ngữ, bởi Phật chỉ nói những lời thiện, như pháp; đồng thời mang nhiều ý nghĩa, có khả năng dẫn dắt nhân tâm đạt đến thực tướng. Một khi tâm tiếp nhận thiện ngữ một cách chân thật, thì chúng ta có thể tự chủ bản thân, trừ tham sân si tam độc, tránh hại mình hại người. Thế nhưng, cũng có một số người sau khi nghe rồi lại gạt đi, cho đó là những lời chưa được kiểm chứng, không có căn cứ, bởi vì, những lời ấy không phù hợp với tập quán, sở thích và quan niệm của họ. Thực tế cho thấy, lời nói phù hợp với nội tâm chúng sanh chưa chắc đã là lời mang ý đẹp. Quan niệm đúng, sai của chúng ta đều không rõ ràng; thế nhưng thiện ngữ chắc chắn là ngay thẳng, không vòng vo và minh xác rõ ràng. Thiện ngữ không luận cao thấp, chỉ đơn giản là những lời dạy của đức Phật, với mục đích giảm thiểu sự đau khổ cũng như phiền não cho chúng sanh.
Thiện ngữ không thể là những lời nói cho vừa lòng nhau, có người tuyên bố : “điều gì không phù hợp ý tôi thì không phải là lời thiện, cũng không thể nào là pháp”. Thế nhưng, hợp lòng vừa ý chưa chắc là đã tốt, mà lời mất lòng chưa hẳn đã xấu; không thể gộp chung cùng bàn luận được. Thiện ác trong thói quen của người nghe, chỉ là cách nhìn (tưởng) và định kiến (kiến giải thiên lệch, phiến diện), cái nào vào trước cái đó làm chủ mà thôi. Nếu chúng ta hy vọng tất cả sự tình đều hợp lòng như ý thì khác gì leo cây tìm cá. Chúng ta ai ai cũng chỉ muốn làm việc mình thích, mà ít khi lường trước hậu quả có thể xảy ra. Món ăn có độc hay hương vị tuyệt hảo đều có thể hại người.
Lời dạy của đức Phật và chư Thánh đệ tử của Ngài đều là chân thiện ngữ, là pháp. Thế nhưng, phương pháp truyền dạy không hợp căn cơ, thì khó có thể khiến pháp thẳng vào nội tâm, vậy nên, thường người nghe pháp khó mà hiểu được hết ý nghĩa, dẫn đến khi thực hành cũng không mấy dễ dàng gì!
Ngôn ngữ và pháp
Mỗi ngôn ngữ là một công cụ giúp chúng ta lý giải, hiểu biết, và, ngôn ngữ chỉ là ngôn ngữ. Ví như có người dùng tiếng Anh nói với tôi, tôi hoàn toàn nghe không hiểu, mặc dù tiếng Anh hiện rất phổ biến trên thế giới, thế nhưng, đối với tôi chẳng có ý nghĩa và giá trị gì. Bất luận chúng ta sống trong môi trường nào, ngôn ngữ trở thành công cụ giúp phân biện rõ ràng thị phi, trắng đen; như vậy, ngôn ngữ mới hữu dụng, đó chính là pháp.
Mục đích nghe pháp là khiến tâm có thể thấy được chánh pháp và thấu hiểu (chứng ngộ) pháp, chứ không phải chỉ để tăng thêm kiến thức, hay ký ức. Nghe pháp giúp chúng ta nối theo gót chân Phật, y vào lời dạy của Ngài mà thực hành; có thể bây giờ chưa chứng ngộ liền, nhưng rất hữu ích trong “ngôn ngữ tư duy”[1] của chúng ta (định hướng cho tư duy theo hướng chánh đạo). Thực tế điều này không có gì khó. Như, Phật dạy hôn trầm (tâm tư lạc vào trạng thái mê mờ, nặng nề muốn ngủ) và tán loạn (vẩn vơ tưởng chuyện đâu đâu) đều không phải thiện pháp; nghe giảng giải về hai trạng thái tâm ấy rồi, một khi chúng sanh khởi trong tâm, chúng ta liền nhận ra chúng và hiểu rõ ràng bản chất của chúng. Nhờ đó bạn có thể chuyển tâm tán loạn thành tinh tấn. Hôn trầm nhất định sanh khởi từ tâm, mỗi khi tâm ấy xuất hiện chúng ta phải chế ngự, khắc phục, chuyển hóa nó thành nhân (duyên cớ) tu tập.
Mục đích nghe pháp là để hiểu biết rõ pháp, để pháp từ trong tâm mà sanh khởi; nếu chưa sanh, chúng ta phải cố gắng tinh tiến hơn nữa cho pháp sanh khởi. Tu hành quả thật không khó, chúng ta chỉ cần đem tâm chuyên chú vào trạng thái biến đổi của nó là được. Bạn hãy chuyên cần nỗ lực để tâm chứng ngộ, thâm nhập pháp, chứ không phải là những lời nói suông.
Đừng để tri thức chỉ dừng nơi não hay miệng bạn, mà phải làm thân khẩu ý ba nghiệp đều hoạt động (hành) như pháp.
Pháp là gì?
Nghe pháp là để biết tu pháp như thế nào và sáng tỏ (chứng) pháp, thế nhưng, rốt cuộc pháp là gì? Tất cả sự, vật trên thế gian này đều là pháp; thế giới không thể tồn tại sự, vật mà không phải pháp. Mắt chúng ta thấy được không gì không phải pháp, tất cả sự tồn tại đều là pháp. Một trong những ý nghĩa của pháp là tự nhiên, nó vốn dĩ thế nào thì thể hiện thế ấy, không ai có thể cải tạo hay làm thay đổi. Bản chất của hiện tượng cũng là pháp, điều này là chỉ thế giới vật chất, tức chỉ sắc pháp.
Đức Phật dạy: kiến pháp, nhập pháp ý là quan sát tất cả sự vật như thực tế nó đang là. Bao gồm hiện tượng bên ngoài (hình thức) của thế giới vật chất, thậm chí các hiện tượng bên trong như cảm thụ, tư tưởng.v.v. tất cả đều là pháp. Pháp có thể chia làm hai phạm trù lớn: các vật thể có thể dùng mắt hay các giác quan khác nhận thức được, và, không thể dùng giác quan nhận biết được – tâm. Phàm sự, vật đều không ngoài thân và tâm. Thế nhưng, pháp này không thể sanh theo ý nguyện của chúng ta, mà là do nhân duyên quyết định, sau đó không ngừng biến đổi, cuối cùng ta rã và mất đi. Năng lượng của pháp vượt trên tất cả sự, vật, không ai có thể thay đổi được. Pháp tự nhiên cũng vậy, chỉ tùy theo nhân duyên mà sanh, diệt.
Pháp mà chúng ta đang tìm cầu gồm: giới luật và những điều dạy dỗ khai mở, là phương tiện giúp chúng ta hiểu biết, giác ngộ. Những lời dẫn dắt là ngôn ngữ, trong khi pháp lại không tồn tại trong ngôn từ. Ngôn ngữ chỉ là “con đường”, vì người học đạo mà chỉ ra phương hướng, dẫn đường cho tâm nhận diện và thông hiểu pháp. Do đó, bản thân sự dạy dỗ, dẫn dắt không phải là pháp. Chúng ta dùng tai để nghe, miệng nói, thế nhưng đó không phải là cứu cánh. Những ngôn từ, khái niệm đó đều không phải bản thân của pháp, còn nếu, chúng đúng thực là pháp, thì phải tồn tại độc lập, vượt ngoài tất cả sự vật. Vì thế, giác ngộ pháp, chỉ là nỗ lực khai phát trí tuệ, như vậy mới thấy rõ được bản chất của vạn hữu, mà không phải cố công đi thay đổi hay phá bỏ chúng.
Pháp sanh nơi nhân duyên
Lấy cơ thể làm ví dụ, cơ thể do nhân duyên mà sanh. Khi một sinh linh ra đời, có một nguyên lý hoặc một năng lực để nó tồn tại, mà không bị bất cứ một ai chi phối. Mới sanh ra, chúng ta rất nhỏ bé, sau đó dần lớn lên theo thời gian rồi già đi, cơ thể cũng tự nhiên thay đổi. Bất luận là người nào nói gì, nghĩ sao, hay hy vọng thế nào, cơ thể vẫn cứ trưởng thành theo thời gian, rồi biến đổi khác đi; dẫu có khóc lóc, oán hờn hay van lơn đều chẳng ít chi. Cơ thể tùy thuận theo nhân duyên sanh ra và phát triển, cuối cùng thì cũng tiêu tan, mà không phải phục tùng mệnh lệnh hay sự cầu xin của bất cứ người nào. Đó chính là bản chất của sinh mệnh, do các nhân duyên của pháp không sai khác, nên hiện ra hình thể; đức Phật dạy chúng ta phải quán chiếu (nhìn) sâu điểm này, nó vô cùng quan trọng. Bạn có thể nhìn thấy được gì từ da, răng, tóc hay các bộ phận khác trên cơ thể? Chính là vô thường. Các bộ phận trên cơ thể được hình thành không phải nhờ dựa vào ngoại lực, mà là do nghiệp nhân, nghiệp duyên thuở trước tạo thành. Từ lúc sanh ra rồi dần dần hướng về cái chết; quá trình thành, trụ, dị, diệt[2] tự nhiên diễn ra, không cần ai hay biết hoặc giả giúp đỡ. Chúng ta không hề có một quyền hạn gì để có thể điều khiển, can thiệp vào quá trình đó. Đó là sắc thân, thay đổi và chết đi một cách tự nhiên, điều này chính là “thực tướng pháp” hay “tự tính pháp” (sabhāvadhamma – bản thể, thực tướng của vạn pháp). Bất luận trong hoàn cảnh nào, chúng ta đều không thể tranh luận với chúng, hay nói với chúng rằng: “nầy, nghe tôi nói đi, hãy chú ý đến yêu cầu của tôi, đừng già đi, hãy theo như lời của tôi mà làm.” cũng vô ích, tự nhiên vốn dĩ là như vậy. Đó chính là pháp mà đức Phật dạy.
Nếu chúng ta không nhận biết rõ ràng thực tướng của các pháp, lại còn bị chúng mê hoặc, điều này gọi là vọng pháp – pháp không đúng. Chúng ta coi các sự vật là mình hay của mình, từ đó dẫn đến phân biệt bản thân và người khác, điều này chính là vô minh (không thấy biết sự vật một cách đúng như thật). Khi vô minh sanh, thì các hành (hành động tạo tác, biến hóa đổi dời) cũng theo đó mà khởi. Chúng ta cứ vẫy vùng trong các sự vật, hy vọng có thể khống chế chúng, như vậy vô hình chung rơi vào cạm bẫy của tốt xất, được mất. Tôi thích cái này, vui lòng cho tôi một ít; tôi ghét cái kia, mang nó đi chỗ khác; vật này nên như vầy, vật kia nên thế nọ…tất cả những điều đó đều là điên đảo vọng tưởng (những tri giác sai lầm). Như thế, bạn giống như đang có ý đồ xâm nhập nhà người khác, lấy (trộm) những món đồ không phải của bạn vậy. Ham muốn của dục vọng không bao giờ dừng, bạn không biết chúng đến từ nơi đâu, hay sẽ đưa bạn về phương nào.
Xa lìa điên đảo vọng tưởng
Pháp mà có thể đem giảng giải trình bày và nghe được đều không phải là pháp chân chánh. Đó chẳng qua là chỉ ra những điểm quan trọng trong ngôn từ, để chúng ta có thể thâm nhập, để thấy, hiểu rõ. Lời nói là để giúp chúng ta có thể hiểu, là một dạng phương tiện, hay phương thức dạy học mà thôi. Nếu đơn thuần chỉ là lời nói, thì khác gì con vẹt học hói, không thật sự hiểu được hàm ý, như vậy thì hoàn toàn không có ích gì. Nếu bạn có khả năng sử dụng ngôn ngữ tốt, khiến bản thân thấy được tướng chân thực của sự vật, tức là hiểu chỉ có nhân duyên mà không có tự ngã (vốn là, chủ thể); đó mới thật sự là bổn ý của đức Phật khi truyền dạy pháp. Không thấy rõ được pháp thì sẽ khổ. Nếu bạn thật sự thấu hiểu rồi, thì sẽ không còn tham ái nữa, rồi cũng không vì sự việc thế gian mà vui cười hay đau buồn nữa!
Từ khi sanh ra, chúng ta vui cười hay khóc lóc, điên đảo vọng tưởng (những tri giác sai lầm) không kể giờ giấc. Chúng ta luôn mong muốn những thứ không phải của mình, mãi mong cầu những điều hão huyền, để rồi ngày ngày sống trong đau khổ vì không được thỏa mãn. Nếu sau khi nghe pháp, tiến một bước nữa làm tâm thấy được pháp, như pháp, bạn liền hết khổ. Nên hiểu rằng, bạn không thể khống chế hay làm biến đổi tất cả sự vật, pháp cũng thế, nằm ngoài sự kiểm soát của bạn, chúng sanh diệt một cách tự nhiên. Bất luận làm nghiên cứu hay tu hành, bạn phải hiểu rằng, đức Phật không bao giờ dạy chúng ta đi thay đổi tự nhiên, mà hy vọng chúng ta căn cứ vào thực tế, quan sát nó đang là (như thật). Nếu bạn muốn biến đổi trạng thái bề ngoài của sự vật, điều đó không đúng pháp, cũng trái với tự nhiên; sáng tạo, khống chế chẳng qua là thói quen xấu của con người mà thôi. Nếu bạn không thể quan sát sự vật ở trạng thái nó đang là, thì bạn khó mà tu tập tứ diệu đế[3] được.
Chư hành vô thường
Đức Phật chưa bao giờ yêu cầu người nghe pháp cũng như bậc tu hành đi thay đổi tự nhiên, chỉ dạy mọi người hiểu biết thấu đáo rồi thuận theo tự nhiên. Thấu hiểu thực tướng của chư hành (Saṅkhāra) vô thường, đó chính là trí tuệ; chúng ta cần phải biết rõ, tất cả “hành” (hành động tạo tác, biến hóa đổi dời) đều mang bản chất sanh diệt. Phủ định sanh diệt, vô thường là tà kiến (sự hiểu biết sai lệch), đó là cái thấy của vô minh, không cách nào thoát khổ được. Người nào mãi theo tà kiến thì luôn trong cảnh sanh tử luân hồi, không được giải thoát. Cũng giống như côn trùng bơi nhảy nơi thành thùng nước vậy. Mặc dù chúng ra sức nhảy, chuyển động, thế nhưng không thoát đi đâu được, cuối cùng cũng chỉ vòng quanh thành thùng mà thôi. Suy nghĩ của hàng phàm phu ngu muội cũng vậy, không có điểm dừng, không cách giải quyết, như rơi vào hố sâu vậy. Chúng ta tự cho rằng mình đã tiến rất xa, nhưng kỳ thực chỉ lòng vòng tại chỗ mà thôi. Chúng ta không thể nhảy ra khỏi sự luân hồi của nội tâm, nguyên do là ở chỗ, chúng ta thiếu cách nhìn nhận soi suốt (điểm sáng), hiểu nhầm vọng niệm thành trí tuệ, do đó không cách nào nhìn nhận rõ xung quanh sự việc. Đó không phải là pháp, ở trong pháp, chúng ta có thể thông qua lời Phật dạy, tìm thấy điểm sáng. Trí tuệ thật sự thì phải thấu rõ pháp như là, không cần tạo dựng, chỉ cần buông bỏ.
Như thực quan sát
Sự vật vốn thuộc tự nhiên, không cần phải thêm bớt, nhưng chúng thường không vừa mắt ta, nên nhìn chúng không phải quá to thì là quá nhỏ…tại sao lại như thế? Vì vọng tưởng. Đó đều do tham dục ngu muội sai sử, với cấp độ ngu muội như thế, khác gì dùng tay đánh thân cây. Chính vì vậy, đức Phật khuyên dạy chúng ta phải lấy pháp làm căn bản, như thật quan sát.
Tất cả sự vật mà chúng ta nhận thức được, mỗi sự vật đều có nhân duyên tồn tại riêng, có thể đúng như vậy mà quan sát, thì dù chúng có sanh diệt như thế nào, tâm ta đều không giao động. Bất luận cơ thể phát sanh điều gì, chúng ta đều không vì đó mà bị ảnh hưởng, bởi vì chúng ta thật sự đã hiểu, tất cả đều do nhân duyên (gồm nhân và quả) mà phát sanh, vô phương kêu cầu. Chỉ như vậy tâm chúng ta mới đắc an trụ, duy trì ở trạng thái tĩnh lặng. Đức Phật yêu cầu chúng ta đem tâm tư (niệm) để nơi thân, thọ, tâm, pháp, không cần phải làm chúng theo ý mình hay giải quyết gì cả, chỉ cần quan sát chúng đang là (như thực quan sát) là được.
Cơ thể đi trên lộ trình sanh, lão, bệnh, tử, không được an ổn trong giây phút nào. Hiểu được sự thật này, thì đó chính là pháp. Pháp vốn như vậy, không cách nào thay đổi, phá bỏ hay giải quyết. Một khi bạn nhìn rõ điểm này, thì không cần đến ngôn ngữ nữa, cũng không cảm thấy nặng nề, căng thẳng. Như vậy, bạn đã có thể như thực quan sát, với những việc thật sự cần phải làm, thì luôn giữ được chánh niệm; bất luận thân ở nơi nào, luôn quán sự sanh diệt của nhân duyên, pháp là như thế. Cuối cùng bạn muốn tìm cầu thứ gì? Vì sao lại khóc lóc kêu than? Bạn vì ai mà khổ sở, bôn ba? Bạn mong có được gì hay thành thế nào? Bạn dựa vào đâu mà nói này nói nọ? Hồi đầu lại xem, bạn có thể nói điều gì với tự nhiên? Đó là sự thật – luân hồi, chỉ vậy thôi. Một khi bạn thấu hiểu sự thật màu nhiệm này, bạn sẽ được an lạc và giải thoát (không bị ràng buộc bởi phiền não), và không còn bị buồn đau, bức não (khổ) nữa.
Tôi và của tôi
Quan sát sự sanh diệt, biến dị của nhân duyên được gọi là pháp. Sau khi nghe pháp, bạn nên áp dụng, thực hành trong đời sống hàng ngày. Nếu nội tâm còn tham ái, điều đó chứng tỏ bạn chưa thật sự thấy pháp; như nóng giận, ưu sầu vẫn hiện diện tức là bạn chưa thấu hiểu hết nghĩa của pháp, do đó tâm mãi bị che phủ, gò bó, không được tự do. Chỉ còn cách “đương đầu”, mới giải quyết được vấn đề. Nguyên nhân chính của tất cả vấn đề là từ quan niệm “tôi” và “của tôi” mà ra. Bạn đã tin tưởng như vậy, thì một khi ý niệm “tôi” và “của tôi” khởi lên, thì tâm tư hữu cũng như bao vấn đề phiền phức liền theo đó mà hình thành.
Có vị khách du lịch đến khách sạn đăng ký nghỉ trọ khi tham quan nơi đó. Thế nhưng, anh ta ở một thời gian, bắt đầu quên mất bản thân đang ở trọ, mà nghĩ khách sạn chính là nhà của mình. Nên lúc nhân viên mời anh trả phòng hoặc trả thêm chi phí nếu anh tiếp tục lưu trú, nhưng anh không chấp nhận, còn nói: “đây là nhà của tôi, tại sao lại bắt tôi phải dọn đi?”, vì thế, hai bên sảy ra tranh cãi. Cũng vậy, khi chúng ta cho rằng thân thể này là của chúng ta, thì chúng ta có khác gì vị khách trọ không chịu trả phòng ấy đâu. Chúng ta luôn có tri giác sai lầm đối với nơi tạm dừng chân, để rồi mãi sống trong tình trạng xung đột, không yên. Cùng cha mẹ sanh ra, nhưng con cái cãi nhau cả ngày; hoặc người cùng một xóm làng mà không hòa hợp được; hay cũng là con dân của một một quốc gia nhưng mãi chống đối nhau; nguyên do đều là do chấp ở “tôi” và “của tôi”.
Thực tướng của các pháp
Chính vì lẽ đó mà đức Phật dạy bảo chúng ta phải quay về nhìn rõ cái thân này, để từ đó nhận ra thực tướng của muôn pháp, mà không cần phải cải biến bất cứ gì hay phá bỏ chi. Chúng ta nói: “một người nhận biết triệt để hành (tạo tác và thay đổi), và có thể buông bỏ những gì đang nắm giữ (gồm cả vật chất lẫn tinh thần), thì người đó chắc chắn có an lạc”. Do đó, những người thấy biết được hành, đều rất bình tĩnh, an nhiên tự tại. Họ hiểu được rằng, thân, tâm đều không phải “tự ngã” (mình), chỉ là hiện tượng biến động không ngừng mà thôi.
Tất cả sự vật tồn tại đều là hành. Không có sinh mệnh hay cá nhân, cũng không có ai vốn dĩ hạnh phúc hay đau khổ, tất cả chỉ là hành. Hạnh phúc vui vẻ hay buồn đau đều do mình tự tạo, nếu bạn nhìn nhận hành như vậy, đồng nghĩa bạn đã thấy pháp. Không có một thực thể nào gọi là “tự ngã” (mình), hay bản thể. Không có “ai” đang vui vẻ, hay khổ đau, hoặc yêu ghét, giận hờn, và cũng không có “người nào” đang dần chết đi. Sự vật chẳng qua là tồn tại trong trạng thái luôn biến hóa, thay đổi mà thôi, đó chính là hành. Người tu phải thấy được pháp như vậy. Nếu bạn cũng có thể thấy như thế, thì đó là công đức. Nguồn cội của tất cả các công đức đều từ kiến pháp (nhận biết rõ về pháp), đó cũng chính là sự hiện diện của tịch diệt (trạng thái ngọn lửa phiền não đã bị dập tắt – niết bàn).
Nếu như cái thấy và biết của bạn chưa được rõ ràng, mà lại cố tình thử điều chỉnh làm biến đổi pháp, chỉ đưa đến khổ mà thôi. Ví như hô hấp (hít thở) là liên tục hít dưỡng khí vào và thở ra carbon dioxide, không thể gián đoạn, cơ thể nhờ đó mà sống được. Đó là bồi bổ cơ thể, cũng như thức ăn vậy, nạp vào cơ thể, tạo ra năng lượng, duy trì sự sống. Không khí vào vào ra ra, “hành” (lưu thông) như vậy mới có sự sanh tồn. Nếu như chỉ hít vào mà không thở ra, hoặc thở ra mà không hít vào, thì rắc rối rồi đây. Sau khi sanh ra, chúng ta đều không muốn biến thành già nua, cũng không muốn chết; kết hợp với nhau một thời gian, thì không muốn xa rời; sau khi được tạm sở hữu lại chẳng muốn mất đi. Chỉ muốn nạp vào mà không chịu bỏ ra, đó là trái với tự nhiên, do vậy chúng ta mới luôn cảm thấy khổ đau.
Tất cả các pháp đều do nhân duyên mà sanh ra, nhân duyên hội đủ quả liền theo đó mà hình thành. Ai là người tạo ra điều đó? Đó chỉ là quy luật của tự nhiên, không ai có thể tạo ra được. Chúng tùy thuận nhân duyên mà sanh diệt một cách tự nhiên. Chính là pháp vậy.
Lời giảng dạy của các bậc tu hành đều chỉ là phương tiện, chứ không phải thật sự là bản thân của pháp; những lời dạy đó như người chỉ (dẫn) đường cho chúng ta vào và tiến sâu trên đường đạo thật sự. Chúng ta tự cho rằng đã nắm bắt được pháp, hiểu pháp, thậm chí tưởng rằng bản thân là pháp. Nếu đúng thật là vậy, thì chúng ta phải diệt trừ được tham sân si rồi mới đúng. Và, chúng ta đã thấy được, ngộ nhập được pháp, tất nhiên tam độc sẽ bị tiêu trừ. Do vậy, chúng ta chẳng qua giống như là những nô lệ thống khổ, không có được phút giây nghỉ ngơi, thoải mái.
Nếu như chúng ta đã thật sự thấy, hiểu được pháp, thì tất cả phiền não lập tức biến khỏi tầm mắt chúng ta không còn dấu vết. Pháp tối thượng cũng chỉ là như vậy, thật quá đơn giản, phải không?
[1] Lời người dịch: ngày nay có ngành học gọi là Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy (Neuro-Linguistic Programming – NLP), do giáo sư trường đại học Santa Cruz (Mỹ) John Grinder và Richard Bandler đặt nền móng sáng lập, khoảng thập niên 70 TK20. Nó chứa đựng ba thành tố có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành những kinh nghiệm cá nhân của mỗi chúng ta: thần kinh học, ngôn ngữ học, và các mô thức được lập trình sẵn.
[2] sự vật có bốn giai đoạn là Sanh(thành), Trụ, Dị và Diệt–chúng do nhân duyên mà sanh ra, rồi vì nhân duyên mà diệt mất. Sau khi được hình thành, sự vật sẽ tồn tại trong một thời gian và rồi sẽ biến đổi dần; và sau đó sẽ từ từ hủy diệt, mất đi. Đây là một hiện tượng tất nhiên, mà cũng là sự vô thường–một thứ định luật tự nhiên vậy.
[3] Khổ, Tập, Diệt, Đạo – bốn sự thật mầu nhiệm. Chúng ta sử dụng thân khẩu ý, niệm, định, tuệ để tìm bốn sự thật cao quý ấy. Nếu mình tìm tòi cho đàng hoàng, đi sâu vào thì mình sẽ phát minh ra sự thật và càng tìm tòi thì sự thật càng được phát minh sâu hơn, lớn hơn, rộng hơn.
Discussion about this post