KINH
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ (PHẦN 10)
Pháp
Sư Tịnh Không
Nguyện
thứ ba, “Quảng tu cúng dường”
Bồ
tát tu bố thí đối với tất cả chúng sanh, Bồ tát Phổ Hiền không tu bố thí mà
ngài tu cúng dường. Người thông thường chúng ta đối với Phật, Bồ tát, trưởng
bối mới cúng dường, còn đối với đồng bạn và mọi người thường, chúng ta đều bố
thí. Kỳ thật bố thí cùng cúng dường chỉ là một việc. Nếu tâm không như nhau,
một thì cung kính, một thì không, như vậy không đạt đến được tiêu chuẩn của Phổ
Hiền, vẫn gọi là bố thí, chưa phải là cúng dường. Cho nên phải đạt đến tiêu
chuẩn của Phổ Hiền, chân thành cung kính. Trong hạnh Phổ Hiền, bố thí đối với
tất cả chúng sanh đều với tâm trạng cung kính cúng dường cho chư Phật. Chúng ta
phải nên học đặc biệt là bố thí cho người dưới, những người nghèo khổ. Thấy
người nghèo khổ, thậm chí người ăn mày, chúng ta bố thí cho họ đều phải dùng
cái tâm cung kính mà bố thí như cúng dường cho chư Phật, đó chính là đang tu “Quảng
tu cúng dường”.
Kinh
Hoa Nghiêm giảng rất tường tận, dùng tâm Phổ Hiền tu bố thí chính là “Quảng
tu cúng dường”. Để nói pháp phương tiện khởi kiến, Phật đem vô lượng vô
biên sự tướng này quy nạp thành ba loại lớn, đó là: bố thí tài, bố thí pháp, và
bố thí vô uý. Trong cúng dường cũng vậy, có cúng dường tài, cúng dường pháp, vô
uý bao gồm ở trong tài và pháp. Bồ tát Phổ Hiền trong phẩm “Phổ Hiền hạnh
nguyện” đặc biệt đưa ra một loạt so sánh công đức thù thắng. Trong kinh Hoa
Nghiêm, ngài nói: dù dùng bảy báu của đại thiên thế giới bố thí cũng không thể
so với bố thí một câu pháp. Phật Thích Ca Mâu Ni trong kinh Kim Cang Bát Nhã cũng
nói như vậy, “bố thí bảy báu đại thiên thế giới, công đức không bằng nói cho
người nghe bốn câu kệ”. Chúng ta vì người nói bốn câu kệ chính là tùy tiện
nói bốn câu nào đó trong kinh Kim Cang, “vì người diễn nói”. Công đức
này vượt qua những bố thí thông thường, thậm chí cả bố thí bảy báu của đại
thiên thế giới.
Có
thật công đức lớn đến như vậy sao? Tôi không tin! Không những tôi không tin mà
không có người nào tin. Xem trong xã hội ngày nay, tu một ít tài bố thí, làm
một ít việc từ thiện, thì báo chí, tạp chí, truyền hình đều tán dương. Ra
ngoài, người đó trở thành đại thiện, không ai không tán thán bạn. Còn người bố
thí pháp, đừng nói bốn câu kệ, dù giảng hết một bộ kinh thì khi đi ra ngoài
cũng không ai biết đến, không ai cung kính, xem trọng. Người thế gian chỉ xem
sự tướng trước mắt, không hề thấy nhân quả về sau. Sự việc này, Phật rất tường
tận, thông suốt. Lời Phật nói ngàn vạn lần chính xác, một chút cũng không sai,
bố thí bảy báu của đại thiên thế giới chúng sanh có được chỉ giải quyết một ít
khó khăn trong đời sống trước mắt. Hay nói cách khác, họ đáng luân hồi thế nào
thì vẫn phải luân hồi như thế, đáng sanh tử thế nào vẫn phải sanh tử như thế,
không giải quyết được vấn đề. Có chăng cũng chỉ giải quyết được chút vấn đề ở
đời sống vật chất hiện tại mà thôi. Người khác không có chỗ ở, chúng ta xây
phòng ốc cho họ; họ không có cái ăn, chúng ta cúng dường cái ăn cho họ, như thế
chỉ giải quyết những khó khăn tạm thời. Nhưng nghe bốn câu kệ hay một câu kinh
Phật, “một khi nghe qua tai, mãi mãi trồng căn lành”, công đức này nhất
định không tiêu mất. Phật dùng hạt giống kim cang gieo vào A Lại Da của chúng
ta. Ngay đời này dù chúng ta không được lợi ích thì đời sau gặp được Phật pháp,
chúng ta tiếp tục tu mà thành tựu. Nếu đời sau không được lợi ích thì còn đời
sau nữa, thậm chí đến vô lượng kiếp sau sẽ có một ngày gặp được nhân duyên chín
muồi. Nhờ vào nhân duyên nghe kinh, chúng ta liền siêu việt ba cõi, siêu việt
mười pháp giới thành Phật làm tổ, công đức lợi ích này tuyệt đối bảy báu của
tam thiên đại thiên thế giới không thể so bì.
Phật
nói không hề sai, bố thí tài không bằng pháp thí. Nếu chúng ta muốn tu công đức
thù thắng, nhất định phải tu bố thí pháp. Vậy không biết giảng kinh thì làm sao
bố thí pháp? Không biết giảng kinh, nhưng chúng ta biết niệm Phật A Di Đà. Suốt
ngày bố thí pháp này cho biết bao người trong khi chúng ta nói chuyện với họ.
Đó là bố thí cho họ. Hiện tại chúng ta mỗi ngày đều không rời điện thoại. Khi
vừa cầm đến điện thoại thì “A Di Đà Phật”, mỗi câu A Di Đà Phật gieo vào
A Lại Da Thức của đối phương, tương lai họ sẽ nhờ câu A Di Đà Phật này mà vãng
sanh bất thoái thành Phật. Đặc biệt khi duyên thù thắng, một đời này họ thành
tựu. Nếu duyên không thù thắng thì đời sau thành tựu, nhất định được độ, nhất
định vãng sanh.
Ngày
nay người tin theo tà giáo không ít. Một số đồng tu hỏi tôi: “Người tà giáo
muốn xin sách chúng ta, chúng ta có nên cho họ hay không?”. Cứ cho đi. Vì
sao? Cho họ chính là độ họ. Dù họ tà ác thế nào, khi nghe được âm thanh danh
hiệu A Di Đà Phật, thấy hình tượng A Di Đà Phật thì tà cũng được độ. Ngay đời
này tà, họ phải chịu quả báo địa ngục A Tỳ. Quả báo chịu xong vẫn cứ gặp được
Phật pháp, vẫn cứ được độ.
Dường
như năm trước, ngay nơi đây, tôi giảng qua một lần “Phát khởi Bồ tát thù
thắng chí nhạo kinh”. Mở đầu kinh văn, Phật nêu ra một thí dụ, có người nói
xấu hủy báng hai vị tỳ kheo. Hai vị này là pháp sư giảng kinh. Người nói xấu
nói: “hai vị tỳ kheo này phá giới, không có đức hạnh” khiến người nghe
mất tín tâm đối với hai vị pháp sư này, dẫn đến phá hoại pháp hội đạo tràng.
Sau đó người tạo tội nghiệp đọa địa ngục một ngàn tám trăm vạn năm. Một ngàn
tám trăm vạn năm là niên số của nhân gian chúng ta, họ nhận chịu khổ đau trong
địa ngục vô lượng kiếp. Sau một ngàn tám trăm vạn năm còn phải chịu dư báo
chính là ngạ quỷ súc sanh. Đến nhân gian còn chịu ác báo, dư báo báo tận mới có
lại được thân người, gặp lại được Phật pháp.
Việc
này là vào thời đại của Phật Câu Lưu Tôn. Mới biết được, tạo khẩu nghiệp thật
đáng sợ, vì chúng ta làm mất đi cơ duyên nghe pháp của người khác, làm cho một
người ở ngay trong một đời bị phá đi cơ hội được độ. Tội nghiệp này rất nặng,
cho nên cảm chịu khổ báo thời gian dài đến như vậy. Thế nhưng sau khi tội báo
hết, tất nhiên trong A Lại Da thức của người đó còn có chủng tử của Phật. Chịu
xong quả báo, người đó còn được dựa vào hạt giống kim cang này, tu hành chứng
quả, vãng sanh bất thoái thành Phật. Không ai không được độ. Chúng ta phải
biết, người tạo tác tội nghiệp chỉ có một đoạn khổ nạn phải chịu, nhận xong
đoạn khổ nạn này, họ vẫn là bằng hữu của Hải hội Liên Trì Tây Phương, vẫn phải
gặp mặt. Còn đoạn khổ nạn này họ không cách gì tránh khỏi.
Các
vị đồng tu tường tận những đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì nên cảnh
giác, thiện nhất định phải tu, ác nhất định không làm. Thà bỏ thân mạng cũng
không làm ác. Sinh mạng không đáng tiếc, thiện căn, phước đức, nhân duyên là
quan trọng, nhất định phải giữ lấy. Bồ tát Phổ Hiền nói pháp cúng dường, pháp
cúng dường cũng rất rộng lớn. Trong “phẩm Hạnh Nguyện”, chúng ta nghe bảy
đại cương, Bồ tát đại từ đại bi đều muốn chúng ta ngay cuộc sống thường ngày
biết bắt đầu học từ đâu trong bảy cương lĩnh này. Bắt đầu từ “Như giáo tu
hành cúng dường”. Chúng ta dùng cái gì cúng dường Phật Bồ tát, dùng cái gì
cúng dường xã hội đại chúng và tất cả chúng sanh hữu tình? “Như giáo tu hành”
chính là đặc biệt đề cao bộ kinh Vô Lượng Thọ, mỗi câu mỗi chữ thảy đều làm
được. Kệ khai kinh mỗi ngày đều đọc “Trên đền bốn ân nặng, dưới cứu khổ ba
đường”, cái lý này rất sâu, rất rộng. Chúng ta đối với lý sự không tường
tận thấu đáo, tuy đọc kinh nhưng thường hay bỏ lỡ, sơ sài qua loa, không nắm ý
nghĩa, không nắm cảnh giới trong đó, không biết từ bi của Phật Bồ tát. Nếu thảy
đều tường tận, thảy đều thấu hiểu, tự nhiên chúng ta liền sẽ lo tu học. Phật thường
hay nói trên kinh Đại thừa “thâm giải nghĩa thú”, nếu không giảng tỉ mỉ,
chúng ta mãi mãi mơ mơ hồ hồ. Cả đời tuy học Phật cũng không có lợi ích, còn
phải dựa vào nhân duyên nhiều đời nhiều kiếp về sau, như thế liệu có đáng lo
không? Cho nên lãng phí một ít thời gian cũng thật xứng đáng.
Người
thế gian không ai không cầu phước báu. Phước từ đâu mà có? Phước do chính mình
tu được. Tu bố thí, cúng dường. Bố thí cúng dường thực chất chỉ là một, chỉ
chút khác biệt ở nơi dụng tâm. Thông thường phàm phu chúng ta đối với tôn
trưởng, với Phật Bồ tát thì cúng dường, còn đối với ngang hàng thì gọi là bố
thí. Do đây có thể biết khi cúng dường, tâm địa chân thành cung kính. Nhưng khi
bố thí thì tâm cung kính liền hạ thấp xuống, thậm chí hoàn toàn không cung kính,
còn sanh tâm ngạo mạn để bố thí. Dĩ nhiên thí chủ đều có thể được phước. Nhưng
người dùng tâm cung kính để tu bố thí như tu cúng dường, phước báu có được vô
cùng thù thắng. Bồ tát Phổ Hiền dạy “Quảng tu cúng dường”, rõ ràng ngài
không nói bố thí, để chúng ta đối với tất cả chúng sanh xuẩn động hàm linh đều
dùng tâm cung kính cúng dường giống như chư Phật Như Lai vậy. Việc này chúng ta
phải nên học tập. Bố thí cúng dường có thể được phân làm ba loại lớn.
1.
Thứ nhất, tài bố thí
Phát
tâm bố thí cho tất cả chúng sanh, quả báo chính là tiền của. Rất nhiều hào môn
quý tộc, đại phú trưởng giả trong xã hội ngày nay có của cải hùng hậu. Của cải
này do đâu mà có? Họ tự kiếm ra hay vận may đến, và tại sao chúng ta không kiếm
ra được? Xin nói thành thật, của cải này trong mệnh đều có. Trong mệnh của họ
có, không luận từ nghề nghiệp nào. Nghề nghiệp chỉ là cái duyên. Bất cứ nghề
nghiệp nào cũng có thể kiếm ra tiền, đều có thể giàu sang. Nếu trong mệnh không
có, người ta đem tặng bạn cả ngân hàng cũng không qua được hai tháng là phá
sản. Đạo lý này phải hiểu. Tiền của không phải do tranh giành mà được cũng
không phải có thể kiếm ra. Tôi nghe nói có một quyển sách xuất bản tên là “Chí
phú bí quyết”. Đó đều là giả. Chúng ta mua về xem chỉ giúp họ phát tài vì
bán được sách, ngoài ra không có lợi ích gì. Tất cả phải có trong mệnh, thời
xưa nói “Công danh phải có mệnh”. Công danh chính ngày nay chúng ta gọi
là học vị. Học vị là do mệnh, làm quan cũng do mệnh, phát tài nhiều ít cũng do
mệnh. Làm sao trong mệnh của họ có được? Vì nhân đời trước đã trồng, họ trồng
cái nhân thù thắng nên quả báo đời này thù thắng. Nhân không thù thắng thì quả
báo cũng liền có kém khuyết. Do đây có thể biết, tu nhân mới có được quả.
Cho
nên Phật dạy bảo chúng ta, tu tài bố thí thì được tiền của, tu pháp bố thí thì
được thông minh trí tuệ, tu vô úy bố thí thì được khoẻ mạnh sống lâu. Tiền cũng
cần, thông minh cũng cần, khoẻ mạnh sống lâu càng cần hơn, nói chung ba thứ quả
báo này đều cần đến. Nếu không tu ba loại nhân này, ngày ngày khởi vọng tưởng thì
không thể thành tựu được. Có cầu Phật Bồ tát, Phật Bồ tát cũng không thể nào
giúp đỡ. Nên nhớ, Phật Bồ tát không thể ban phước cho chúng ta. Nếu trong mệnh
không có, Phật Bồ tát đến ban cho chúng ta, vậy thì con người cần gì phải tu
nữa. Mỗi ngày nịnh bợ Phật Bồ tát là được? Không hề có việc này, nịnh bợ cũng
vô ích. Phật Bồ tát thương mà không thể giúp. Chúng ta thường nói: “được
Phật Bồ tát bảo hộ, gia trì”. Sự bảo hộ, gia trì đó không gì khác hơn là
đem những đạo lý này nói rõ, đem chân tướng sự thật nói tường tận cho chúng ta.
Chúng ta hiểu được đạo lý, y theo phương pháp Phật dạy, chính mình tu tập thì
liền có quả báo thù thắng, đó là gia trì của Phật Bồ tát, vạn nhất không nên mê
tín.
Do
đó, người chân thật thông hiểu, chân thật giác ngộ sẽ biết nên đặt tiền ở đâu
cho tốt. Xã hội hiện tại thường đầu tư vào cổ phiếu, đất đai, đủ loại phương
pháp để kinh doanh tiền của. Trong hai năm kinh tế không, một trăm vạn biến
thành mười vạn, dẫn đến rất nhiều người tự sát. Kinh Phật nói: “Tài vi năm
nhà cộng hữu”, không phải chúng ta có tiền của, chẳng qua là tiền của hiện
ra trước mắt để chúng ta xem thấy và cảm giác nó thuộc sở hữu của mình mà thôi.
Phật dạy bố thí, cúng dường cha mẹ, cúng dường Tam Bảo, bố thí tất cả chúng
sanh, tiền của chúng ta sẽ không bao giờ thiếu. Phải ghi nhớ, tiền dùng không
thiếu là tốt, không cần phải tích luỹ, không cần nhiều. Nhiều tiền của, tai nạn
liền đến, cho nên phải biết xả tài. Nhà Nho cũng nói “tích nhi năng tán”,
xả ra mới là người thông minh. Người Trung Quốc hay cúng thần tài, ai cũng muốn
phát tài, nhưng người thời trước có trí tuệ, thông minh, họ không mê tín.
Hiện
tại người ta cúng thần tài, thậm chí cúng Quan Công, Quan Vũ thời Tam Quốc.
Quan Công với phát tài có quan hệ gì chứ? Chẳng quan hệ gì. Quan phu tử không
có sở trường gì nhưng ông làm được trung nghĩa, oai vũ bất phục, phú quý không
màng, là mô phạm để chúng ta học theo. Khoảng thời gian ông ở nơi Tào Tháo, Tào
Tháo đã dùng hết tâm sức, hy vọng ông đầu hàng. Thế nhưng Quan phu tử tuy thân
ở Tào dinh nhưng tâm thường hay nhớ đến hiền chủ. Đây là mô phạm tốt nhất cho
người đời sau. Tuy ngài vượt năm quan, trảm sáu tướng về đến Hiền chủ, Tào Tháo
vẫn rất bội phục đối với ông. Người trung nghĩa như vậy, trên thế gian rất khó
tìm. Không những hiện tại không có mà vào thời xưa cũng rất ít. Người hiện tại
thấy lợi thì quên nghĩa, chỗ nào đãi ngộ tốt, địa vị cao một chút thì lập tức
chạy theo. Những người như vậy đều phải cúng dường Quan phu tử, mỗi ngày nhìn
thấy ngài liền sanh tâm hổ thẹn.
Trung
Quốc thời xưa cúng thần tài. Thần tài là Phạm Nặc, ông thuộc thời đại chiến
quốc, đại phu của Việt Vương Câu Tiễn. Việt Vương cũng tương đối cừ khôi. Chúng
ta phải nên biết từ xưa đến nay, anh hùng hào kiệt xây dựng một chánh quyền
chẳng phải là việc thật khó, nhưng việc phục hưng một quốc gia đã diệt vong mới
là rất khó và hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc. Việt Vương Câu Tiễn là điển
hình thành công. Sau khi bị nước Ngô tiêu diệt, ông vẫn có thể phục hưng trở
lại, có thể báo được thù, tất cả đều nhờ Phạm Nặc và Văn Chủng. Hai người này
trợ giúp Việt Vương hồi phục quốc gia, tiêu diệt nước Ngô. Phạm Nặc là người
thông minh, sau khi đại công cáo thành, ông liền khuyên Văn Chủng phải mau rời
khỏi Việt Vương Câu Tiễn. Ông nhận biết rất rõ ràng con người này chỉ có thể
cùng hoạn nạn, không thể cùng phú quý. Ông khuyên Văn Chủng phải rời khỏi, bảo
toàn tánh mạng của chính mình. Việt Vương Câu Tiễn vào lúc hoạn nạn luôn xem
trọng những người tài năng, đến khi thiên hạ thái bình, Việt Vương không cần,
thậm chí luôn tìm biện pháp loại trừ vì sợ họ tạo phản. Phạm Nặc thông minh nên
tự mình rời bỏ, để lại một bức thư cho Văn Chủng. Văn Chủng xem xong cho rằng
không nghiêm trọng như ông đã nói. Kết quả không ngoài dự đoán của Phạm Nặc,
Câu Tiễn ban cho Văn Chủng tự chết. Mỗi triều đại Trung Quốc gần như đều có
việc giết công thần. Phạm Nặc lén trốn đi, đổi tên đổi họ thành Đào Chu Công.
Ông làm nghề buôn bán, không bao lâu, ông phát tài to. Sau khi phát tài, ông
đem tất cả tiền của ra bố thí, cứu tế bần khổ. Từ buôn bán nhỏ, ông làm vài năm
lại phát tài, phát tài rồi lại bố thí, sách sử ghi chép “Tam tụ Tam tán”.
Ông có thể tán tài ra, bố thí ân đức, đây là tấm gương tốt cho người buôn bán.
Người làm buôn bán kiếm được tiền của xã hội, hoàn trả về cho xã hội, cho nên
cúng dường ngài là thần tài rất có đạo lý.
Chúng
ta kinh doanh buôn bán, phải lấy Phạm Nặc làm mô phạm. Ông là người có trí tuệ,
có học vấn, không luận làm bất cứ việc gì ông đều thành công. Cho nên phải hiểu
tán tài, biết kết ân huệ với tất cả chúng sanh, trong Phật pháp chúng ta gọi là
kết duyên, khi chúng sanh nhận ân huệ thì chúng ta có thể gặp nạn hay sao?
Không thể. Không có gì ăn sẽ tự nhiên có người đưa đồ ăn đến, không quần áo mặc
sẽ có người đưa quần áo đến, không thiếu thứ nào. Thậm chí không có nhà ở cũng
sẽ có người đưa nhà cho ở, vô cùng tự tại. Chỉ cần chịu tu bố thí thì phước báu
tự nhiên. Cho nên không cần đầu tư tiền vào ngân hàng, để ở đâu cũng không đáng
tin bằng bố thí cho tất cả chúng sanh. Nhất định số tiền đó không thể mất, hơn
nữa còn có lợi tức gấp nhiều hơn lợi tức trong bất cứ hình thức đầu tư buôn bán
nào. Tôi nói lời này là lời chân thật.
Bản
thân tôi là thí dụ, mười phương cúng dường đến cho tôi, tôi thảy đều đem bố thí
hết. Tôi đến bất cứ nơi nào, trên người không cần mang theo một đồng, nghĩ cái
gì thì người ta đều đưa đến cúng dường, thậm chí dùng không hết. Thật tự tại.
Thọ dụng trên đời sống vật chất là tuỳ tâm sở dục. Bản thân tôi đời trước không
có phước. Phước báu này của tôi là tu được từ lúc nào? Sau khi học Phật hiểu rõ
được đạo lý tôi mới thật làm, vậy thì phương pháp bố thí này, đại sư Chương Gia
dạy cho tôi, tôi thật làm, đã làm rất có hiệu quả, tôi tin sâu không nghi, chân
thật tin tưởng, đại sư dạy tôi “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng”.
Chỉ cần chịu bố thí, đến khi thiếu kém thứ gì, trong lòng vừa nghĩ thì liền có
người đưa đến. Những năm đầu tu tương đối ít nhưng tôi cũng đã có cảm ứng. Khi
tôi đang cầu học, đời sống rất gian khổ khó khăn. Tôi mong muốn kinh sách, muốn
nghiên cứu kinh giáo, trong lòng vừa nghĩ thì đại khái không đến một tháng có
người mang đến. Đến nay tôi chỉ nhớ lần thời gian dài nhất là sáu tháng tôi mới
có được quyển sách mình cần, đó là quyển Trung Quán Luận Sớ. Còn các quyển khác
như Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao, tôi vừa mới học Phật, trong lòng nghĩ muốn thì liền
sau một tháng có người mang đến. Chân thật “Hữu cầu tất ứng”. Miễn là
mong cầu đó đúng lý đúng pháp thì đều cảm ứng. Tôi luôn hiểu rõ đạo lý này,
thấu suốt chân tướng sự thật.
Nhiều
năm đến nay kể từ 26 tuổi học Phật, lão sư dạy bảo, tôi chăm chỉ làm, càng làm
cảm ứng càng không thể nghĩ bàn. Cho nên từng câu từng chữ trên kinh Phật, tôi
tin sâu không nghi, y giáo phụng hành, rồi chính mình được lợi ích. Bố thí tài
được tài phú, bố thí ăn uống thì được ăn uống, bố thí quần áo được quần áo, bố
thí phòng ốc được phòng ốc, linh nghiệm vô cùng. Bố thí Phật pháp được thông
minh trí tuệ, được biện tài vô ngại, đó là điều mọi người đều cần đến. Chúng ta
phải tu pháp bố thí, cúng dường. Bố thí vô uý rất đơn giản, thuận tiện chính là
ăn chay. Ăn chay để từ nay về sau không hại tất cả chúng sanh. Tuy Phật pháp
không khuyên người ăn trường chay, Phật chỉ khuyên không sát sanh, không
hề khuyên tránh ăn thịt. Bởi vì năm xưa, tăng đoàn của Thế Tôn mỗi ngày bưng
bình bát đi khất thực, Phật pháp “từ bi vi bổn, phương tiện vi môn”,
người ta cúng dường thứ gì thì phải ăn thứ đó. Hiện tại các quốc gia Tiểu thừa
Phật giáo như TháiLan, Xilanka đều khất thực, họ vẫn ăn thịt, không phân biệt
cũng không chấp trước. Tuyệt nhiên không được yêu cầu tín đồ phải làm thức ăn
chay cho mình. Như vậy quá phiền cho tín chủ
(Còn tiếp …)
KINH
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC
Pháp
sư: HT. TỊNH KHÔNG
Biên
dịch: Vọng Tây cư sĩ
Biên
tập: PT. Giác Minh Duyên
Discussion about this post