ĐĐ.THÍCH MINH NIỆM CHIA SẺ VỀ CHA MẸ, CON CÁI….
Đức Nhân – Lê Hà thực hiện
ĐĐ.Thích Minh Niệm, tác giả cuốn sách Hiểu về trái tim (NXB Trẻ) dành cho trang Phật giáo – Tuổi trẻ buổi trò chuyện về lòng biết ơn, việc sống đẹp trong tinh thần báo ơn. Đây như câu chuyện đầu xuân cho những người trẻ, để cùng khơi lên lòng biết ơn, giá trị của gia đình, sự nương tựa tổ ấm (tâm linh và huyết thống) để vượt qua cám dỗ, chông chênh, vấp ngã trên hành trình một năm dài phía trước…
* Thưa thầy, đứng về phương diện tâm lý, việc tri ân và báo ân mang lại giá trị như thế nào?
– ĐĐ.THÍCH MINH NIỆM: Khoa học từ lâu đã xác nhận rằng, mọi cá thể trong trời đất đều phải chịu tác động qua lại lẫn nhau mới tồn tại được. Đó là nguyên lý tương tác. Trên thực tế thì không có bất cứ cá thể nào, dù là một hạt điện tử bé tí ti, cũng không thể tồn tại biệt lập. Vậy nên mọi cá thể đều phải trân quý và biết ơn những cá thể khác. Và dĩ nhiên, tùy vào trình độ hiểu biết mà mỗi cá thể ý thức mình đang chịu những ân tình hay sự đóng góp nào để mình tồn tại hay có được như ngày hôm nay mà sống với thái độ biết ơn. Có thể nói người có hiểu biết càng lớn thì lòng biết ơn càng lớn.
Lòng biết ơn thôi chưa đủ, phải thể hiện cụ thể ra hành động nữa thì cá thể đó mới mong đạt được thế cân bằng và hòa điệu với các cá thể khác, nhất là các cá thể có nhân duyên tác động nhiều nhất và hiện hữu xung quanh.
Khi A gửi đến B một nguồn năng lượng lành và B cũng gửi về A một nguồn năng lượng lành, thì sự tương tác giữa hai cá thể này diễn ra rất an ổn. Nhưng nếu A cứ gửi về B năng lượng lành, mà B không chịu gửi trả lại hoặc gửi trả bằng năng lượng bất lành, thì B sẽ phải nợ A. Nợ thì phải trả. Không tự trả thì vũ trụ sẽ tìm cách đòi lại để duy trì thế cân bằng giữa mọi cá thể. Cho nên, biết ơn và trả ơn là nghĩa vụ hiển nhiên của mỗi cá thể trong vũ trụ, chứ chẳng phải là hành động gì cao cả. “Uống nước nhớ nguồn” vốn là lẽ tự nhiên!
Khi ta biết ơn và trả ơn thì tức là ta đã nắm được một trong những nguyên lý cơ bản vận hành của trời đất. Ta đang sống thuận theo trời đất. Mà nếu lúc nào ta cũng tỉnh thức, lúc nào cũng sống trong ý thức biết ơn và tìm cách trả ơn, thì năng lượng lành sẽ không ngừng sản sinh trong ta. Tự nhiên ta sẽ không nói năng hay hành động gây tổn hại đến người khác, thậm chí ý niệm giận hờn hay phán xét cũng không có. Ta sẽ mời lên hàng loạt tâm lý tích cực dễ thương như chấp nhận, chịu đựng, bao dung, tha thứ, nâng đỡ, chia sớt, buông xả…
Nói chung là lòng biết ơn rất gần với lòng từ bi. Nói một cách khác, người có tình thương lớn thì chắc chắn có lòng biết ơn rất lớn.
Biết ơn và trả ơn có thể xem là quyền lợi chứ không chỉ là trách nhiệm bổn phận của mỗi người.
* Làm công tác trị liệu tâm lý lâu năm, thầy có thấy có rất nhiều bậc cha mẹ muốn con cái phải báo đáp công ơn, nếu không thì oan trách hay từ bỏ. Ngoài ra, họ có gây trở ngại rất lớn đối với sự nghiệp hay hạnh phúc của con cái? Vậy đó có phải là tình thương có điều kiện không?
– Bên cạnh những bậc cha mẹ hy sinh cả đời để con mình được ấm no, hạnh phúc, thì cũng có những bậc cha mẹ nghĩ về bản thân mình nhiều hơn nghĩ cho con cái. Thậm chí, nuôi con chỉ để sau này con nuôi lại mình. Họ tự quyền quyết định chuyện học hành, chọn nghề nghiệp và cả chọn bạn đời cho con nữa. Nhân danh tình thương, họ chẳng cần biết đến cảm nghĩ, khả năng hay khát vọng của con mình. Nếu con có phản ứng, đòi lại quyền làm chủ bản thân, thì họ kết tội là đứa con bất hiếu. Ta đã từng chứng kiến có biết bao đứa con khổ đau và cả quyên sinh vì cha mẹ.
Ở Việt Nam thời xưa có một món ăn rất kỳ lạ, đó là ếch trắng. Người ta khoét một lỗ nhỏ trên trái dừa nạo và bỏ con nòng nọc (tức con ếch con) vào trong đó rồi chôn xuống đất. Khoảng chừng 2-3 tuần sau người ta lấy lên, bổ trái dừa ra và có được một con ếch béo tròn màu trắng đục. Nhưng điều thương tâm là con ếch đó bị mù, vì suốt thời gian ấy nó sống trong điều kiện chật chội, đen tối, không có chút ánh nắng. Con ếch tuy trắng trẻo, béo tròn, nhưng nó ngoan ngoãn ngồi bất động như một chú ếch bằng nhựa. Thử nghĩ có con ếch nào muốn được trở thành như vậy không?
Tôi nghĩ không có bậc cha mẹ nào muốn làm khổ con mình cả, nhưng có thể do họ không ý thức hành động thương yêu của họ sẽ mang tới khổ lụy cho con cái như thế nào. Thương nhau mà không hiểu nhau thì đó không phải là tình thương đích thực, mà đó là sự thỏa mãn nhu cầu muốn được thương yêu. Một sự đổi chác. Một sự ích kỷ. Cho nên, làm cha mẹ cũng phải học tập và rèn luyện rất nhiều, chứ không phải hễ có khả năng sinh con là trở thành cha mẹ đâu.
Khi cha mẹ ý thức được con mình không chỉ là tác phẩm của riêng mình mà còn là sự kết hợp tinh hoa từ tổ tiên nhiều đời hay năng lượng của trời đất, nó không chỉ là sự tiếp nối của mình mà còn mang theo sứ mệnh thiêng liêng của vũ trụ, thì mình sẽ bớt can dự hay nhồi nặn cuộc đời con theo ý kiến nông cạn của riêng mình. Mình sẽ không muốn con mình trở thành chú ếch trắng mù lòa tội nghiệp. Mình sẽ tìm thấy hạnh phúc nơi sự vững chãi, tự do và cống hiến của con mình.
* Con cái ngày này có vẻ khó chịu lúc gần với cha mẹ, nên khi gặp những bế tắc tâm lý cũng không muốn giãi bày để tìm sự trợ giúp. Thầy có lời khuyên nào dành cho các bạn trẻ không?
– Ở bên Mỹ, có rất nhiều người trẻ mặc chiếc áo T-shirt có ghi hàng chữ “take me home”, nghĩa là “hãy đưa tôi về nhà”. Những người trẻ ấy đi ngơ ngác trên đường phố, trong học đường hay cả trong công sở. Họ lạc lõng, không nơi nương tựa. Trước kia họ chỉ tin vào tiền bạc, quyền lực hay sắc dục mà chẳng hề đoái hoài đến quan hệ gia đình. Có khi cả năm trời họ cũng chẳng thèm gọi điện cho cha mẹ. Đến khi bị thất bại, bị bỏ rơi, bị sụp đổ thì họ chới với và nghĩ tới gia đình. Họ biết gia đình chính là nơi an ổn nhất, có thể che chở được họ, nhưng họ không đủ bản lĩnh để lê gót trở về. Một phần vì sĩ diện. Một phần vì lo sợ cha mẹ trách mắng. Nhưng phần lớn là vì không đủ sức để rứt mình ra khỏi những đam mê, nghiện ngập.
“Hãy đưa tôi về nhà” chính là lời thỉnh cầu, van xin, mong ai đó đừng tiếp tục đưa họ vào cạm bẫy nữa, và cũng mong ai đó thương tình đưa tới một cánh tay nâng đỡ để giúp họ đủ nghị lực mà lên đường trở về nhà.
Cho nên, dù cha mẹ không hiểu được mình hay có khó khăn như thế nào, thì tôi vẫn mong các bạn trẻ cũng phải cố gắng giữ vững liên hệ với gia đình, xem đó như là bài tập thử thách đầu đời phải vượt qua. Các bạn phải có trách nhiệm làm cho cha mẹ lắng nghe và cảm thông mình, chứ đừng bắt họ phải tự lo liệu lấy. Họ cũng có nhiều khó khăn, áp lực, và nhiều khi là họ cũng đang kiệt sức.
Sau này trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, nhất là khi có con cái, thì các bạn sẽ thấy vai trò làm cha mẹ khó tới dường nào. Và khi ấy các bạn sẽ thấm thía hai chữ “gia đình”. Mà cần gì đợi đến khi ấy, nay mai có sa cơ lỡ vận thì tự dưng bạn sẽ biết là các bạn cần ai và tin tưởng ai nhất trong cuộc đời này. Đừng để tới khi cần mới tìm kiếm, có khi là muộn màng!
ĐĐ.Thích Minh Niệm trong một buổi nói chuyện trước công chúng
* Thầy có lời khuyên nào – để người trẻ thể hiện lòng biết ơn cha mẹ một cách thiết thực nhất?
– Nên dành cho mình một khoảng lặng để nhìn lại mối liên hệ giữa mình với đấng sinh thành. Nếu thấy mình còn nhiều thiếu sót hay đã gây ra lầm lỡ thì nên trực tiếp nói lời xin lỗi. Cũng có thể viết một lá thư tay bày tỏ nỗi lòng, và kèm theo lời cảm ơn chân thật tự đáy lòng. Tốt nhất là nên dành nhiều thời gian để gắn kết sâu sắc trở lại với cha mẹ. Món quà lớn nhất mà cha mẹ luôn chờ đợi đó chính là sự có mặt đích thực của con cái. Đã lâu rồi, chắc các bạn bận rộn với khá nhiều vai mà quên mất một cái vai rất dễ chịu, rất ngọt ngào và cũng dễ thương, đó là được làm con.
* Xin cám ơn thây đã dành thời gian cho cuộc trò chuyện này!
(Nguồn: Báo Giác Ngộ do Kim Trần gửi đến)
Discussion about this post