Sau đây là hai câu chuyện của Ananda và Peter – đôi cột trụ lớn của hai truyền thống đạo lý lớn của nhân loại. Ananda là của Đông phương; Peter Tây phương. Mỗi nhân vật là một hiện thân từ chữ Đạo, tuỳ duyên mà ứng hiện trong cái lớn lao vô cùng huyền diệu về hiện tượng con người.
Từ Ananda
Trong Surangama Sutra, tức kinh Lăng Nghiêm (“cứu cánh kiên tâm”), có thuật lại câu chuyện của Ananda, một trong những đại đệ tử hàng đầu, cũng là “thị giả” (trợ lý), của Phật Thích Ca Mâu Ni. Hôm ấy là một ngày giỗ tổ, Ananda đi khất thực một mình. Ananda gặp một nàng thiếu phụ xinh đẹp và khiêu gợi tên là Matanga. Nàng ta dùng thần chú Ấn giáo để khích dụ ông vào phòng ngủ của mình. Dù là một đệ tử cao cấp của Phật, nhưng công phu tu tập chưa đến hạng siêu thừa, vốn thêm là một bậc trí giả thiên về lý luận, phiên giải, Ananda suýt nữa là bị vấp ngã.
May nhờ lúc đó, Phật đã phải dùng thần chú Lăng Nghiêm, để thức tỉnh Ananda, kêu gọi ông và nàng Matanga trở về diện kiến Phật. Gặp Phật, Ananda cảm thấy xấu hổ, khóc lóc. Ông quỳ xuống đảnh lễ đức Phật, tự giận mình là người học rộng, nghe nhiều mà đạo lực vẫn chưa toàn. Trước mặt nhiều môn đồ và đệ tử khác, Phật an ủi Ananda, xong rồi truy hỏi ông về “dâm ái,” “vọng tưởng” và “chân tâm.” Kinh Lăng Nghiêm là bộ kinh ghi chép những gì mà Ananda nhớ lại từ những câu tra vấn và thuyết giảng của Phật cho Ananda và thánh chúng nhân dịp pháp thoại này.
Lăng Nghiêm là một đại phẩm tước cơ bản về siêu hình học Phật giáo. Nó đứng song song với kinh Kim Cương, một tác phẩm tri thức luận. Ananda là một nhà trí thức hàng đầu trong các đệ tử lớn của Phật trong khi Ngài còn tại thế. Với một trí nhớ phi thường, kẻ đa văn Ananda đã nhớ rõ các bài giảng của Phật. Hai trăm năm sau khi Phật lìa trần, trí nhớ và sự kể lại của Ananda đã được ghi chép thành những bộ kinh Phật. Vì thế, nếu như không có Ananda thì gia tài kinh điển của Phật giáo sẽ không được dồi dào, phong phú như vậy. Tuy nhiên, trên cơ sở tu học thì ông là người đắc đạo chậm nhất.
Có hai điều làm cản trở con đường chứng đạo của Ananda. Thứ nhất, khả năng trí thức siêu việt của ông; và thứ hai, năng lực dục tình vốn chưa hoàn toàn được chuyển hóa. Andanda được coi như là đứa em út trong hàng đệ tử của Phật hồi ấy. Ngài đã tỏ ra thân ái và thương yêu Ananda rất nhiều cũng chỉ vì ông là người kém cỏi nhất trên đường tu học. Nhưng Phật cũng biết rằng chính Ananda sẽ là nhân vật phát huy chánh Pháp hiệu năng hàng đầu. Và như lịch sử đã chứng minh, Ananda đã là “viên đá trọng yếu” và là “chìa khóa” cho sinh lực đạo Phật – mà nếu không có, Á Đông không thể như đã là.
Ananda là biểu tượng của thân xác và tri thức trên con đường giác ngộ chân Tâm. Trong tinh yếu tu học, Phật pháp không thể hiển dương nếu không phải khởi đi, và đối đầu với, để vượt qua hai năng lực lớn lao của cá thể. Đó là đôi vế trí thức và ái dục giới tính. Cả hai đều là hiện thân của tự-ngã. Một bên là ý chí thâu gọm thế gian qua “cái biết” của mình; đằng kia là bản năng tồn hữu qua cơ năng thân xác.
Khi Ananda sắp bị nàng Matanga dụ dỗ, chàng suýt nữa là rơi vào năng lực xác thân. Đây là một khổ nạn đầy thử thách mà truyền thống tu học nhà Phật gọi là “nạn Ma Đăng Già.” Sự “ngã ngựa” của Ananda là một thời quán thiết yếu trên con đường đi đến giác ngộ. Bởi vì chính từ bản sắc sinh hiện, mỗi cá nhân tự mình là một sự chối từ, một vọng tưởng trong chân Tâm, mang trong tim một gánh nặng chủ quan lạc giòng, nhưng tối hậu rồi cũng sẽ tìm ra lại bến bờ chân thực.
Đến Peter
Bây giờ, chúng ta hãy đi sang Kinh Tân ước. Trong Matthew 26-27, đoạn kể về Peter (Phê-Rô), một đệ tử hàng đầu (apostle) của Chúa Jesus. Trước đêm bị bắt và đóng đinh trên thập tự giá, Chúa Jesus đã cùng dùng cơm tối với 12 môn đồ. Ngài làm phép thánh bằng bánh mì và rượu, xong rồi đưa cho các đệ tử mà nói, “Hãy lấy bánh này mà ăn vì nó là thân xác của ta; hãy uống từ cốc này vì đây là máu của ta.” Và Chúa tuyên bố rằng đêm hôm ấy, các đệ tử có mặt sẽ mất đức tin trước mặt Ngài. Peter trả lời rằng ông sẽ không là người như thế.
Chúa nhìn Peter mà nói, “Ta nói cho ngươi nghe, trước khi gà gáy sáng mai, nhà ngươi sẽ từ chối ta ba lần.” Và y đúng như vậy. Đêm hôm ấy, sau khi Chúa đã nhắn nhủ Peter rằng, “Tinh thần thì cao, nhưng thân xác vốn là yếu,” Peter đã từ chối Chúa Jesus đúng ba lần với những kẻ đang truy bức Ngài. Lần cuối cùng khi Peter từ chối Chúa vừa xong thì tiếng gà gáy sáng vang lên. Peter nhận thức ra lỗi lầm của mình và – như Ananda đã – bật khóc nức nở.
Và cũng như Ananda, sau khi Chúa Jesus đã qua đời, Peter là người đã nắm “chìa khóa của giọt máu” từ Chúa (máu là tinh thần). Peter, một thiên tài tổ chức, là viên đá linh hiển, để cùng với môn đồ Paul (Pao-Lô), một lý thuyết gia, xây dựng lên giáo hội Thiên Chúa. Không có Peter thì không có giáo hội La Mã như gần hai ngàn năm qua. Từ một kẻ đã phủ nhận Chúa, Peter đã trở nên một nhân vật hàng đầu cho sự thành hình và phát huy đạo Chúa. Kẻ chối từ nay đã trở nên kẻ minh định. Nói như Hegel, “Đánh mất chính mình để tìm ra chính mình là con đường của Tinh thần.”
***
Cả hai Peter và Ananda là hiện thân từ thể xác; trong khi Chúa Jesus và Phật Thích Ca là biểu tượng Tinh thần. Cả hai đệ tử hàng đầu này là những người đã “ngã ngựa” trước Phật và Chúa. Nhưng họ đã đứng lên được. Và đây là bài học trong câu chuyện: Trong cơ sự làm người, ý chí vực dậy sau khi ngã xuống chính là chìa khóa cho sự chuyển hóa từ thân xác sang Tinh thần. Không ai đã làm người mà không có lúc bị té ngã. Điều quyết định là ở chỗ hắn ta có ý chí đứng dậy làm lại cuộc đời hay không. Như Nietzsche nói, Whatever does not kill me only makes me stronger. Cái gì không giết chết ta thì chỉ làm cho ta mạnh thêm mà thôi.
Trong lịch sử của hai tôn giáo Chúa và Phật, còn có hai nhân vật khác: Nagarjuna (Long Thọ) và Augustine (Âu Tinh). Tuổi trẻ của hai nhân vật này cũng mang nhiều hư hỏng nhục dục. Sau khi đã trải nghiệm qua đời sống thân xác, từ biến cố tử sinh, hai người đã ý thức về Đạo để chuyển hóa chính mình thành bậc thánh. Ý nghĩa? Rằng không ai có thể đến với cõi Tinh thần nếu mà thân xác, tức là năng lực dục vọng, đã không một lần từ chối Tinh thần. Nhưng cuối cùng năng lực thân xác sẽ phải “chết” đi, tức là được chuyển hóa, để cho Tinh thần được sống lại. Đó là tinh hoa trong câu chuyện Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, chết đi, rồi phục sinh trong sự sống vĩnh hằng.
Thân xác sẽ chối từ ý chí cứu cánh trong mỗi cá nhân. Và không như Peter, thân xác sẽ phủ nhận Tinh thần không những chỉ có ba lần trong suốt cuộc đời – mà là ba lần trong một ngày. Cho đến khi “gà gáy” báo hiệu bình minh đến, thì thân xác mới tỉnh thức mà đứng dậy – như Peter đã. Cũng như thế, Ananda đã vùng dậy chạy thoát ra khỏi bàn tay vuốt ve của nàng Matanga nhờ linh lực thần chú Lăng Nghiêm, tức “cứu cánh kiên tâm,” của Phật.
Sau này trên con đường truyền giáo, trong hai lá thư gởi cho các tín hữu, Peter đã nhắn nhủ, “Hãy đi tới để mà chính mình được dựng nên. Hãy là những viên đá sinh hữu nhằm xây đắp ngôi đền Tinh thần linh thiêng,” Peter nhấn mạnh, “Hãy bổ sung đức tin bằng tiết hạnh, tiết hạnh với kiến thức, kiến thức bằng tự chế, tự chế với quyết tâm, quyết tâm với lòng thành, lòng thành trong tương ái, và tương ái với tình yêu.”
Và đức Phật, trong phần giảng pháp gần giữa kinh Lăng Nghiêm, đã cảnh cáo Ananda rằng, “Ananda, nếu ông không nỗ lực tu hành – vốn trải nhiều kiếp – thì Bồ Đề, Niết Bàn đối với ông hãy còn xa vời lắm. Dầu ông có học nhiều, nhớ kỹ nghĩa lý nhiệm mầu suốt mười hai bộ kinh, thì cũng chỉ giúp ông phương diện hý luận, chứ không giúp gì cho sự giải thoát của mình.”
Từ Ananda và Peter là một bài học biểu dụ bằng hai cuộc đời. Thân xác và tri thức cả hai vốn là cần thiết, nhưng mà chưa đủ. Hãy suy rộng ra. Khi ở vào thời điểm mà con người chỉ còn biết vào thân xác và tri thức, để rồi bỏ quên năng lực Tinh thần, thì đó là một nền văn minh bị lạc lõng và không định hướng. Dựa ý theo một mệnh đề của Kant thì, “Tinh thần mà không có thân xác và tri thức là mù quáng; thân xác và tri thức mà thiếu vắng Tinh thần đều trống rỗng.”
Nếu ai có mắt biết nhìn, tai biết nghe, đều phải nhận ra rằng khối nhân loại ngày nay đang đạp đổ giá trị Tinh thần để mà tôn vinh thân xác và tri thức. Trên bàn thờ cao nhất trong ngôi nhà sinh hữu của hắn đang có hai vị thần đế đang ngồi chểm chệ. Bên trái là thân xác, vốn chỉ biết phủ nhận; bên phải là tri thức, vốn chỉ biết kiêu hãnh. Ít ai biết đến rằng Tinh thần đang bị áp đặt trong chiếc hòm đậy kín nằm sau lưng bức liễn chói lọi. Và sẽ có một ngày, rất gần, chủ nhà sẽ nhớ lại, qua tiếng gà gáy báo hiệu bình minh, hay là bằng thần chú Lăng Nghiêm huyền diệu, để mà lên tiếng kêu cho Tinh thần đội hòm sống dậy.
Đó cũng là khi mà hai thể loại con người Đông và Tây, của Ananda và Peter, sẽ hoá nhập thành thân để uống chia cùng một giọt máu mới. Đây chính là lúc mà nhân loại được trùng tu.
TS Nguyễn Hữu Liêm (Giáo sư Triết học tại San Jose City College, California)
.
Discussion about this post