CHA MẸ VÀ CON CÁI
QUA CÁI NHÌN NHÂN DUYÊN
Chân hiền tâm
Xưa ở Nhật Bản, có một người tên
Kisuke chăm sóc cha mẹ rất kính cẩn. Anh thường bị bạn bè lôi vào chốn trà đình
tửu quán, nhưng anh cương quyết từ chối với một lý do rất thú vị: “Một đứa con
có được thân thể là nhờ mẹ và tinh thần là nhờ cha. Vì thế không thể dẫn cha mẹ
đi uống rượu”.[1]
Thời nay ít ai lập luận như thế khi bị cuốn vào những trò đen đỏ, rượu chè. Có
người còn cho lòng trung tín và kính cẩn đối với cha mẹ là lạc hậu. Có người,
vì cờ bạc rượu chè đã giết cả cha lẫn mẹ. Đứng trên mặt giáo dục mà nói, đó là
sự suy đồi về đạo đức. Việc giáo dục đạo đức cho con trẻ ngay từ khi còn bé đã
không được chú trọng đúng mức. Đứng trên mặt Duyên khởi mà nhìn, mọi hiện tượng
đều không ra ngoài nhân duyên. Song hiện nay, ít ai tin vào nhân quả. Càng
không thấy được mặt nhân duyên của các pháp…
Công
ơn như trời biển
Với
cái nhìn của đức Phật, ân đức của cha mẹ rất lớn. Kinh Báo Ân nói: “Này thiện nam tử ! Cha có từ ân. Mẹ có bi
ân. Bi ân của mẹ dù nói một kiếp cũng không thể hết. Ta nay vì ông chỉ nói ít
phần. Giả như có người vì cầu phước
đức, lấy chiên đàn trầm hương dựng lập phòng xá, dùng các báu trang nghiêm v.v…
cung kính cúng dường cho một trăm đại Bà la môn tu tịnh hạnh, một trăm đại thần
tiên có thần thông, một trăm thiện hữu v.v… nhất tâm cúng dường như thế mãn đến
ngàn kiếp, không bằng một niệm trụ tâm hiếu thuận, dùng chút sắc vật cúng dường
bi mẫu, tùy thời cung phụng hầu hạ. Công đức trước, dù có trăm ngàn vạn phần
cũng không sánh được… cho nên các ông cần tăng tu hành hiếu dưỡng. Phước đức đó
không khác người cúng dường Phật”. Cúng dường hàng trăm, hàng ngàn các vị
có giới đức thần thông trong ngàn kiếp không bằng một niệm hiếu thuận, phụng
dưỡng cha mẹ.
Nhân duyên có công đức lớn
Ân
đức đầu tiên, là nhờ cái duyên cha mẹ ta mới có thân. Kế là “Cha mẹ nghĩ tưởng đến con không gì sánh
được. Từ lúc thọ thai cho đến khi sinh, chịu nhiều khổ não không thể nào nói.
Dù được bao thứ dục lạc, y phục, đồ ăn v.v… cũng đều một lòng nghĩ tưởng đến con.
Khi còn trong thai, máu mẹ nuôi dưỡng các căn. Khi ra khỏi thai sữa mẹ nuôi
dưỡng trăm ngàn vạn đấu…”.[2]
Phật nói tóm lược. Mình mổ xẻ ra mới thấy công cha nghĩa mẹ đong mãi không đầy.
Đa
phần con trẻ đều là hy vọng hạnh phúc của đấng sinh thành. Không thể tránh được
lo lắng, đùm bọc, yêu thương. Chín tháng cưu mang nặng nhọc nôn ọe, có khi đau
nhức khắp người. Tiết chế ăn uống, sinh hoạt v.v… những gì dù thứ mình thích
nhưng hại cho con đều tự hạn chế. Sinh nở ít người không đau. “Khổ nạn trong đời không phải là ít, nhưng
lần duy nhất tôi thấy kiếp người khổ nạn là khi sinh con đầu lòng. Đau đớn cùng
cực. Nhưng không một niệm oán trách mới lạ”.[3]
Con vui thì cha mẹ vui. Con đau, cha mẹ cũng đau. Tinh thần cho đến vật chất,
cố gắng lo toan cho con đầy đủ. Gạo tiền cơm áo khi đau, khi ốm, khi ăn, khi
học… khổ nhọc bao nhiêu cũng gắng cho tròn. Mười mấy năm trời lo toan mọi thứ
không hề tính kể.
Con
cái lớn rồi, đời sống con trẻ không yên, lòng cũng không yên. Ngay cả chết rồi,
cũng vẫn theo đó không rời. “Cha mất khi
tôi mười hai. Nhưng đến băm bảy, ngày tôi bỏ hết chuyện đời chuyên tâm cho việc
tu hành một năm, ông mới báo mộng mình đi đầu thai, nét mặt chưa hết lo lắng.
Trước đó, cái khoảng mấy chục năm trường, mỗi lần sắp có nạn tai, tôi đều thấy
ông như một điềm báo để mà chuẩn bị…”. Cái tình cha mẹ đối với con cái
không thể nói hết. Thiên chức cha mẹ hình như vốn vậy. Không phải chỉ có con
người, con vật yêu con không kém. Khi cần cũng dám liều thân. Ngày xưa ở nước
Căng-già, có người phụ nữ ôm con lội sông. Nước lớn, ôm con không thể qua được,
nhưng quyết không bỏ con trẻ mà sống cho mình. Cả hai cùng chết. Vì công đức đó
bà sinh lên trời.[4]
Lo
toan, khổ nhọc, thương yêu, hy sinh, giáo dưỡng nên đức sinh thành trưởng dưỡng
con cái rất là lớn lao. Dù công trưởng dưỡng không có thì công mang nặng đẻ đau
cũng nặng hai vai. Phật khuyên phải gánh cho tròn. Phật nói gánh được thì phước
ngang bằng phước cúng dường Phật.
Nhân duyên của những trái nghịch
Sự
đời không phải khi nào cũng thuận.
Là
do cái thế đối đãi ở thế giới này. Thế nào cũng có ít nhiều những cái nghịch
lòng xảy ra khi đã thấy cái thuận lòng. Chỉ là thiếu duyên thì ẩn. Đủ duyên thì
hiện. Không phải mẹ nào cũng đều hy sinh mọi thứ cho con. Không phải cha nào
cũng biết lo toan đầy đủ. Có mẹ bỏ con cho kiến dập vùi. Có cha đánh con đến
nỗi thương vong. Con trẻ, không phải ai cũng hiếu thuận, vẫn thấy có người dững
dưng với những lo toan vất vả của đấng sinh thành. Đứa thì thuận thảo. Đứa chưa
mở miệng đã thấy nhăn nhó… Mọi thứ đều có nhân duyên. Đều do nghiệp lực[5]
thiện ác mình đã gây tạo trong đời. Hoặc tôi lỡ gieo cái nhân không tốt với bạn
một kiếp nào đó. Kiếp này đủ duyên chúng ta trở thành mẹ con, nhưng thuận thì
ít mà nghịch thì nhiều. Hoặc với cha mẹ, tôi không lo toan đầy đủ, lại hay trái
nghịch lời cha mẹ dạy nên rồi chiêu cảm cái quả con cái trái nghịch. Hoặc trong
hiện tại, tôi không làm tròn những gì mà bậc cha mẹ đã làm, khiến phần công đức
cha mẹ vốn có không đủ để được hiếu thuận v.v… Có vô số duyên không tốt làm
nhân để cho cái quả nghịch lòng xảy ra. Tùy nhân tùy duyên mà thuận và nghịch
đan xen nặng nhẹ. Không có thương yêu đùm bọc mà vẫn hiếu thuận. Hoặc có thương
yêu đùm bọc mà không hiếu thuận. Hoặc không hiếu thuận cũng không có sự đùm bọc
thương yêu v.v…
Tâm tịnh thì cõi Phật tịnh
Do
nhân bất thiện quá khứ đủ duyên mà có cái quả nghịch lòng hiện tại.[6]
Nhưng ngay hiện tại, nếu ta hiểu về nhân quả, tỉnh giác làm chủ thân, khẩu, ý
nghiệp của mình, thì chuyển được nghiệp của mình và con, của cha và mẹ. Chính
vì chỗ này, Phật dạy phật tử tu hành, biết nhân biết quả để mà định tỉnh. Cái
định tỉnh này rất là quan trọng. Nó là cái nhân giúp ta không bị cuốn vào dòng
xoáy thương ghét. Nhờ đó mới thay đổi được những gì cần phải thay đổi.
Xét
theo âm đức sinh thành dưỡng dục, nhân duyên rất lành, đương nhiên con trẻ phải
có hiếu thuận, nhưng mà con trẻ trái nghịch, thì biết là do cái nhân không
thuận mình đã tạo ra với chúng. Hoặc do tâm hạnh của mình có chỗ thiếu xót với
người, không ở kiếp này thì những kiếp trước mà ra như thế. Thế giới nhân
duyên, không thể có quả mà không có nhân. Phải thấy cho được lỗi mình nằm ở chỗ
nào. Đối với cha mẹ bà con quyến thuộc bạn bè hàng xóm xã hội, mình có bạc ác
chơi ngang? Nếu không, thì với con trẻ mình lo chưa tròn, tình thương không đủ
để chúng cảm nhận? Hay lo quá đà, cái gì cũng muốn chúng theo ý mình, khiến
chúng phát điên? Xét hết kiếp này mà thấy mọi thứ mình đã vuông tròn không lỗi
thì do cái nhân ở kiếp quá khứ. Cái kiếp mà với nghiệp thức của mình hiện nay,
chưa thế thấu được, chỉ biết dựa vào kinh luận tin hiểu.
Quan
trọng là cần thấy đúng cái nhân để mà sửa trị. Phải diệt đúng nhân thì quả mới
tiêu. Nếu lỗi hiện tại không thấy, cứ đổ cho nhân kiếp trước, không chịu sửa
đổi cái nhân hiện tại thì nghiệp không tiêu. Giả như hiện đời mình dạy con trẻ
tham tiền vơ vét của người bất kể thủ đoạn. Một ngày đẹp trời nào đó, nó hớt
cái nhà cho mình ra đường… Thì phải thấy rằng, là do cái nhân dạy con của mình
không đúng. Phải thấy cái nhân gây ra cái quả, thành tâm sám hối không làm thế
nữa. Giữ tâm cho thiện, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền, công quả cúng dường
Tam bảo, làm phước giúp đỡ mọi người v.v… làm được thứ gì đó làm, mang công đức
đó hồi hướng cho mình cho con cùng với tất cả chúng sinh cộng nghiệp sống thiện
làm thiện, để được quả báo an lành. Làm vậy thì chuyển được nghiệp. Chấm dứt
hiện tại đau khổ. Không để thòng lòng khổ nạn vào những kiếp sau.
Nếu
không thấy được lỗi mình, một mực kêu trời kêu đất, không thì đổ cho cái nhân
kiếp trước rồi ì ra đó không chịu sám hối, thay đổi ý tưởng hành vi của mình
thì trước ba ba sau vẫn ba ba. Nếu còn khởi lên cái niệm ai oán phát lời nguyền
rủa thì con sẽ đọa. “Nếu nam nữ nào bội
ân không thuận, khiến cho cha mẹ sinh niệm ai oán, mẹ phát lời ác, con liền
theo đó mà đọa. Có khi rơi vào địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh”.[7]
Cũng là chuyển nghiệp, mà chuyển vào chỗ tối hơn. Con đọa, mình đâu được yên.
Khổ lại chồng khổ, kéo dài. Cho nên, Phật dạy cần phải thường xuyên quán tâm,
hiểu biết nhân quả. Quán tâm để kip tỉnh giác khi niệm ai oán muộn phiền xuất hiện.
Có vậy mới dừng được dòng nghiệp lực. Không thì cứ theo cái niệm tức giận mà
phát lời ác. Cái vòng oan nghiệt mình đã tạo ra tiếp tục xoay vần.
Về
phần con trẻ, vài chục năm trước, cái nhìn của tôi với việc hiếu hạnh rất ư
sòng phẳng giữa nhân và quả. Cha mẹ không có trách nhiệm với con thì nó ăn ở
bất nhân là chuyện thường tình, không có tội lỗi, cũng thấy đáng đời.[8]
Bây giờ…
Không
phải vì tôi đứng ở vị trí làm mẹ cần sự hiếu thuận của con mà nghĩ khác đi. Chỉ
vì cuộc đời trải nghệm qua nhiều. Đã như thật biết thế nào là “Khổ”, là “Tập”,
là “Diệt”, là “Đạo”. Cái nhìn không còn như xưa. Cái nhìn mang tính nhân quả
bây giờ không có cái tâm sòng phẳng sát phạt nghiêng về một bên. Một sự thương
cảm nhiều hơn. Về cả hai phía. Bởi vì quả chính là nhân, đủ duyên sinh ra quả
khác. Quả khác làm nhân, đủ duyên sinh ra quả nữa. Cứ thế xoay vần. “Tôi nhận
ra rằng: Với nó, tôi dễ nổi giận hơn với đứa khác, dù việc nó làm không phải
khi nào cũng sai. Trong khi con em, dù bực, tính mắng một trận nhưng thấy mặt
rồi, mọi thứ nguôi ngoi. Thiên hạ nói tôi và nó khắc nhau. Cũng vì những nổi
giận ấy, tình thương nó dành cho tôi vơi đi. Tôi biết có lúc nó đã oán tôi”.
Khắc nhau, chỉ là hệ quả của một cái nhân không thuận đã gieo từ kiếp quá khứ.
Tình thương trở nên gập ghềnh chỉ vì cái nhân không tốt đã tạo với nhau. Do
chính nhân đó nên mọi giận dữ rất dễ xảy ra. Và nếu không tỉnh để dừng, sự giận
dữ ấy sẽ là cái duyên tạo thành cái nhân oán thù. Để rồi tới đây, nhân duyên
ràng buộc qua lại… “Rối loạn như một ở
kén, rối ren như một ống chỉ, giống như cỏ munja và lau sậy babaja. Không thể
ra khỏi khổ xứ, ác thú, đọa xứ, sinh tử”. Chỉ vì “Không có giác ngộ. Đã không thâm hiểu được giáo pháp này”.[9]
May
mắn là trong cái mớ rối ren tưởng chừng không thể gỡ nổi, con người vẫn có khả
năng xoay chuyển vận nghiệp của mình. Nếu tin nhân quả mà Phật đã dạy và đủ
định tỉnh để dừng thì mọi rối ren sẽ được tháo gỡ, cho dù lúc đầu tương đối khó
khăn, bởi theo cái đà của dòng nghiệp lực, dễ quên. Cũng vì nhận ra cái rối ren
ấy, tôi đã thay đổi cái nhìn. Một mớ nhân duyên không biết khởi đầu từ đâu, như
trứng cho gà, gà lại sinh trứng, mà cứ đút đầu vào đó thì chỉ hại mình thiệt
người.
Cho
nên, chẳng may trong vai người mẹ bất hạnh, ai oán có khởi, tôi cũng nhủ rằng
điều đó không nên. Cái nhân từ trong chính mình. Nếu mình không chịu tỉnh giác,
thấy lỗi, sửa đổi, buông bỏ… hiện tại không những không vui, tương lai càng
thêm khốn đốn. Bởi vì cái niệm ai oán nhất định lưu dấu. Sợ nhất việc đó. Chính
vì quá khứ lưu dấu mà nay mọi thứ cứ như có sẵn vận mệnh cho mình và người.
Nhất cử nhất động cứ như có cái gì đó sai khiến trói buộc. Muốn thoát nhưng cứ
chui vào. Muốn tỉnh mà cứ hay quên. Cũng vì mọi thứ tích tụ, lưu giữ, trói
buộc. Cho nên, chọn đường tỉnh giác, thấy lỗi, buông bỏ… là cách khôn ngoan hơn
hết. Trách cứ, muộn phiền, oán giận chỉ làm khổ mình, buộc thêm rối ren. Buông
được, chính là tự mình an ổn cho mình. An ổn mình rồi, con cái nhất định thay
đổi. Niệm xấu không còn lưu dấu. Chỉ còn trí tuệ từ bi.
Giờ
còn nghe dạy niệm oán của mình nếu phát thành lời, sẽ khiến con trẻ đọa lạc,
càng thấy thất kinh. Nói gì thì nói, con cái là máu là huyết của mình, khi giận
thì nói cho hả. Nó có bề gì làm sao mình yên? Dù có hả dạ yên được, cái dây
nhân duyên oan nghiệt tạo ra với nhau lại sẽ vận hành tiếp tục. Cho nên, không
sinh cái niệm ai oán, không chỉ cứu con mà còn cứu mình, không chỉ kiếp này mà
cả những kiếp về sau.
Chảng
may trong vai người con bất hạnh, tôi tự nhủ rằng: “Tâm tịnh thì cõi Phật
tịnh”. Cảnh giới mình gặp bất hạnh vì mình đã gieo cái nhân bất tịnh.[10]
Cho dù không được thương yêu, không được dưỡng nuôi đàng hoàng, vẫn còn cái
công mang nặng đẻ đau. Dù muốn dù không nhân duyên thế rồi. Hiếu dưỡng phải có,
không thể tránh được. Cho nên, tự xét thân mình ngay trong hiện tại đã tạo
nghiệp gì mà có trái nghịch. Thấy được thì sửa. Không nữa thì quán nhân quả quá
khứ cho qua, không để muộn phiền xuất hiện. Vẫn cứ hết lòng với cha với mẹ để
xóa nghiệp cũ. Tôi không chủ trương thiên hạ chơi xấu, mình chơi xấu lại, mặc
dù cái tập trả đủa còn ẩn đâu đó. Chơi qua chơi lại, oan nghiệt kéo dài ích
chi? Ở đời phải biết thương mình. Thương cho đúng cách, cho có trí tuệ, để mình
và người yên vui. Với suy nghĩ đó, cho dù cha mẹ không sinh không nuôi, mình
thấy vẫn phải hết lòng trong những điều kiện mình có.
Vả
lại, bất hạnh chưa hẳn đã là bất hạnh. Vì pháp nhân duyên nên không có tánh cố
định. Giá trị của pháp tùy duyên mà hiện. Có khi chính cái bất hạnh nó giúp
mình rút kinh nghiệm để sống tốt hơn. “Một
thời, tôi thấy bất mãn mẹ mình vô cùng. Bởi bà đã để của cải em mình phung phí.
Khi tôi lớn lên, phải tự bương chãi nhọc nhằn, lời qua tiếng lại. Tôi nghĩ nếu
tôi có tiền cha mẹ để lại, mọi thứ nhất định khác đi. Nhưng rồi nhờ ánh sáng
đạo. Hiểu về nghiệp duyên nhân quả giữa người với người, tôi thấy thương mẹ
nhiều hơn. Tôi hiểu không phải do bà mà do duyên nghiệp của chính chúng tôi.
Không phải ở đời muốn hưởng là đã hưởng được. Mọi thứ đều có nhân duyên. Và
trong những duyên tương tự, tôi thành người có kinh nghiệm, tôi hiểu tôi cần
làm gì để được an vui. Với tôi, bà là hiện thân của vị Bồ-tát, dạy tôi biết sống
thế nào để có hạnh phúc bằng những nghịch duyên”.[11]
Ở đời, ít ai không sợ nghịch duyên, mọi thứ chỉ muốn thuận lòng. Nhưng chính
nghịch duyên giúp ta vững chải, hiểu biết sâu sắc những gì cần hiểu, hiểu thấu
nỗi khó của người để mà thương yêu. Không có nghịch duyên, nhẫn lực không chỗ
phát huy v.v…
Cho
nên với tôi, chỉnh sửa người mình, cái chính là để trau dồi nhẫn lực, có định,
có tuệ và vì lợi ích cho người hơn là vì sợ nghịch duyên mà phải thay đổi.
Thuận nghịch đều có cái hay của nó. Trong kinh Pháp Hoa, Phật nói: “Thuở ấy, vua đó thời chính là ta, còn tiên nhân đó nay chính là ông Đề-Bà-Đạt-Đa. Nhờ thiện-tri-thức Đề-Bà-Đạt-Đa mà ta đầy đủ sáu Ba-la-mật, từ – bi – hỷ – xả, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân sắc vàng tía, Thập trí lực, Tứ vô úy, Tứ nhiếp pháp, Thập bát bất cộng pháp, thần thông đạo lực, thành bậc Chánh đẳng chánh giác rộng độ chúng sinh. Tất cả công đức đều nhân nơi thiện-tri-thức Đề-Bà-Đạt-Đa mà có”.[12] Cho nên, quan trọng không phải là ở nghịch
duyên hay là thuận lòng mà là định tuệ. Có định có tuệ, nghịch duyên tức là
thuận duyên. Muốn có định tuệ, phải biết xả tâm, phải biết buông tâm đố kị, sân
giận, oán thù v.v…
Phật dạy báo ân
Trong
kinh Lễ Bái Sáu Phương,[13]
Phật dạy gia chủ tử Thi-ca-la-việt 5 cách phụng dưỡng cha mẹ: “Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha
mẹ. Tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ. Tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền
thống. Tôi bảo vệ tài sản thừa tự. Tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời. Này
gia chủ tử! Con cái phụng dưỡng cha mẹ theo 5 cách như vậy”.
1/ Được nuôi dưỡng, sẽ nuôi dưỡng
lại cha mẹ:
Đó là lẽ thường của luật Nhân quả. Song có khi mình thấy ít nhiều ngoại lệ, là
do nhân quả chi phối ba thời. Nhưng dù không được nuôi dưỡng mà vẫn có tâm
phụng dưỡng cha mẹ, là hạnh của hàng Bồ-tát. Là việc nên làm.
Thực
tế hiện nay, có người không có khả năng nuôi dưỡng cha mẹ. Có khi cha mẹ còn
phải nuôi lại. Song dù không có khả năng, vẫn phải có lòng chăm sóc, thăm hỏi.
Tránh việc cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, vui chơi khiến cha mẹ buồn. Cha mẹ lo
nghĩ buồn bực, chẳng may phát ra lời ác thì mình liền đọa.
2/ Làm bổn phận đối với cha mẹ: Bình thường thăm
hỏi, thưa thỉnh, lo cơm, lo nước. Ốm đau thì lo chăm sóc thuốc thang. Tùy theo
điều kiện của mình, lo cho cha mẹ sao cho tinh thần ông bà yên vui.
Kinh
dạy: “Nếu nam nữ nào theo lời mẹ dạy vâng
thuận không trái, chư thiên hộ niệm, phước lạc vô biên”.[14]
Đó là cái quả mà một người con thuận thảo được hưởng. Nhưng nếu cha mẹ muốn con
làm việc nghịch đạo thì sao? Việc này Phật cũng dặn dò: “Nếu cha mẹ khởi tà kiến thì nên giúp cha mẹ có chánh kiến. Nếu cha mẹ
làm việc ác, phải khuyến khích cha mẹ hướng đường thiện…”. Việc này đòi hỏi
người con phải có nhẫn lực, trí tuệ. Có trí mới biết việc nào dẫn đến quả xấu,
việc nào đưa đến quả tốt mà tránh, mới biết khuyên ngăn khích lệ cha mẹ làm cho
đúng pháp. Nhẫn lực giúp ta kiên trì khuyên ngăn cha mẹ không làm việc xấu mà
không khiến ông bà buồn. Bởi thường thứ gì nghịch ý cũng khiến phát sinh buồn
lòng. Ít ai hiểu rằng, đó là cách thương trí tuệ. Cho nên, cái khó là làm thế
nào để cha mẹ hiểu, không buồn, mà việc gây nhân vẫn không xảy ra. Có định, có
tuệ, có nguyện hồi hướng, ứng duyên liền có pháp dùng.
3/ Giữ gìn gia đình và truyền thống: Với anh chị em trong nhà thì đùm bộc thương yêu, không tính thiệt
hơn. Với gia đình riêng của mình thì biết tạo dựng hạnh phúc, dạy con ngoan
ngoãn, hiếu hạnh với cha mẹ mình. Cha mẹ nhất định an vui.
Giữ
gìn truyền thống, là nghĩ những việc có thể ảnh hưởng đến cha mẹ mình, đến danh
dòng tộc, không bao giờ làm. Không nên vì những ưa thích ham vui của mình, khiến người phỉ báng cười chê, làm mất danh dự cha mẹ. Nếu mình có tâm gìn giữ truyền thống gia đình thì có việc gì ảnh hưởng đến truyền thống đó, mình sẽ nhất quyết không làm. Phật dạy giữ gìn truyền thống, thì truyền
thống đó nhất định không khiến ta gây ác nghiệp.
4/ Bảo vệ tài sản thừa tự: Vì dạy cho gia chủ tử
nên có phần tài sản thừa tự này. Được thừa tự tài sản, là
một trong các phước
báu. Bảo vệ tài sản thừa tự chính là bảo vệ
phước báu của mình. Tài sản cha mẹ để lại, nếu thấy
phá tán, cha mẹ sẽ buồn. Vì thế, bảo vệ tài sản thừa tự
giúp cha mẹ vui, cũng là phụng dưỡng cha mẹ ở mặt tinh thần.
Khiến cho tài sản đó được phát triển thì càng tốt nữa. Cần
phát triển nó bằng hướng lương thiện. Không nên phát triển theo hướng cho vay nặng lãi, buôn bán ma túy, á phiện v.v… Phát
triển theo hướng như vậy là bán cái phước mà mua nạn tai.
Một cách bảo vệ tài sản thừa tự nữa là cúng
dường Tam bảo, bố thí, giúp đỡ anh em, giòng tộc, người dưng nghèo khó, bệnh
hoạn, lỡ thời. Vì nhân cúng dường bố thí sẽ giúp của cải sung túc hiện tại vững
bền, công việc làm ăn thuận lợi, có ra liền vào.
5/ Làm tang lễ khi cha mẹ qua đời:
Khi Di mẫu qua đời, đức Phật đã đích thân làm lễ cúng dường. Ngài dạy: “Cha mẹ sinh con, mang nhiều lợi ích cho con,
ân trọng dưỡng nuôi, bú mớm ẳm bồng, cần phải báo ân. Không được không báo ân. Chư Thiên nên biết, chư Phật quá
khứ,
thân mẫu
sinh thành đều diệt độ trước, chư Phật Thế Tôn
đều tự cúng
dường
trà tỳ xá lợi. Giả như
chư Phật Thế Tôn
tương
lai, thân mẫu
sinh thành cũng diệt độ trước, chư Phật sẽ
tự cúng
dường.
Do phương tiện này
mà biết, Như Lai
nên tự cúng dường
cha mẹ, chẳng phải Trời, Rồng,
Quỷ, Thần làm
được”.[15]
Cho nên, con cái đích thân làm lễ cúng dường cho đấng sinh thành, nhất định cần
thiết cho việc báo hiếu.
Tang
lễ, thì theo phong tục từng miền, nên tùy gia đình mà việc tổ chức tang lễ thấy có khác nhau. Nhưng dù
tang lễ thế nào, vẫn có hai việc cần làm là “không sát sanh” và cần “bố thí cúng dường”. Không nên giết
trâu, heo, gà v.v… làm cỗ mời nhau như tục làng quê vẫn làm. Cũng không vung
vãi đồ ăn thức uống phí phạm. Cúng được cỗ chay càng tốt. Bố thí, là thí cho
người nghèo khó. Không của thì mang công sức giúp người, dùng đó hồi hướng. Lấy
tiền phúng điếu đem tặng các viện mồ côi, dưỡng lão v.v…
cũng là hình thức bố thí. Làm
vậy, người chết được phước một phần, người sống sáu phần.[16]
Một công hai việc rất lành.
Phật tử, thì thêm tụng niệm, cúng dường Tăng
chúng thanh tịnh, lấy đó hồi hướng. Cần tự đích thân làm lễ cúng dường. Không
phải đưa tiền ra đó là xong, cần một tấm lòng. Tùy duyên mà làm cho hết sức
mình.
Song
việc bố thí muốn được thuận lòng người chết, kết quả nhờ
đó được mỹ mãn hơn, thì khi cha mẹ còn sống, mình nên
khuyến khích cha mẹ mở lòng
san sẻ. Ít nhất là thấy bố thí, không tâm khó chịu mà nên hoan hỉ vui theo. Việc san sẻ này, không phải chỉ có đạo Phật mới khuyến khích làm, ngay
cả Cao Đài, Thiên
Chúa v.v… thảy đều khuyến khích. Bởi vì cái quả của nó mang lại phước báu vô kể.
Đó là 5 việc mà Phật dạy cho Thi-ca-la-việt
phụng dưỡng cha mẹ. Chỉ cần đủ các điều kiện như ông thì cứ theo đó mà làm.
Không đủ thì tùy căn nghiệp mỗi người hiện đời mà có gia giảm, miễn làm hết sức
hết lòng là được.
Một cách báo hiếu trọng lượng hơn nữa là giúp
cha mẹ “qui y Tam bảo, có lòng tin kiên
cố đối với Tam bảo. Có lòng tin hiểu đối với 4 thứ Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Thành
tựu tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát, đoạn trừ nghiệp sát,
không cho mà lấy, tà dâm, nói dối, xa lìa nghiệp uống rượu, đoạn trừ nghiệp uống
rượu”.[17]
Giúp cho cha mẹ kiên cố lòng tin và chịu qui y Tam bảo còn tương đối dễ. Có đủ
lòng tin đối với Tứ đế, thành tựu tín, giới, đa văn… thì không phải dễ. Bản
thân nếu không có sự hiểu biết, giữ giới, tu tập sâu sắc thì không thể làm điều
đó. Đức Phật đã làm như thế đền ơn Di mẫu. Phụng dưỡng cha mẹ như thế nhất định
hơn hẳn cách thức mà Phật đã dạy cho chàng Thi-ca-la-việt. Bởi vì báo hiếu như
thế mới thật giúp cho cha mẹ có đủ chánh kiến, chánh ngữ, chánh mạng, chánh
nghiệp, không đi lầm đường, luôn được an vui hạnh phúc trong cõi vô thường tạm
bợ. Nhờ có chánh kiến, cha mẹ mới biết tạo dựng phước báu. Nhờ có phước báu,
con cái trả ân mới nhận lãnh được. Không thì dù cho con cái có lòng, cũng không
đủ duyên mà nhận.
Với hàng Bồ-tát tu Bồ-tát hạnh, Phật dạy: ““Này Thiện nam tử! Để cầu bồ-đề có 3 loại
ba-la-mật: 1/Bố thí ba-la-mật. 2/Thân cận ba-la-mật. 3/Chân thật ba-la mật. Nếu
có người phát tâm bồ đề vô thượng, dùng bảy báu đầy khắp Tam thiên đại thiên
thế giới thí cho vô lượng chúng sinh bần khổ, đó chính là Bố-thí ba-la-mật. Nếu
người phát đại bi tâm, vì cầu vô thượng chánh đẳng chánh giác, dùng vợ con mình
bố thí tâm không lẫn tiếc. Tay, chân, đầu, não v.v… đều theo sở cầu của người
mà thí, chính là Thân cận ba-la-mật. Còn người khởi tâm bồ-đề vô thượng, trụ vô
sở đắc, khuyên các chúng sinh đồng phát tâm này, dùng một bài kệ bốn câu nói
pháp chân thật thí cho chúng sinh, khiến họ qui hướng chánh giác vô thượng, đó
là Chân thật ba-la-mật. Hai bố thí trước, chưa gọi là báo ân. Tu Chân thật
ba-la-mật mới gọi là chân thật báo ân”.[18]
Sống được với tâm chân thật, cúng dường pháp bảo giúp cho chúng sinh hành
thiện, qui hướng Tam bảo, phát bồ-đề tâm… mới là chân thật báo ân.
Phật dạy nhiều cách báo ân, là do căn nghiệp
chúng sinh không đồng. Tùy lực tùy phần, hợp với pháp nào làm theo pháp đó. Có
làm, làm cho đầy đủ là được. Kị nhất là chê việc dễ cho là báo ân không trọn mà
pháp thâm sâu thì không đụng tới vì nói khó làm.
[1] Thiền Vị Trên Đầu
Lưỡi – Takashina Rozen – NS Hạnh Huệ và Thuần Bạch dịch.
[2] Kinh Đại Thừa Bản
Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
[3] Lời tâm sự của một người
mẹ.
[4] Kinh Đại Thừa Bản
Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
[5] Còn có nguyện lực. Như
Mục kiền Liên phát nguyện làm con bà Thanh Đề để cứu vớt mẹ. Đây chỉ nói đến
nghiệp lực.
[6] Quá khứ và hiện tại
nói đây chỉ cho sự trước sau, không nhất thiết là kiếp quá khứ và kiếp hiện
tại.
[7] Kinh Đại Thừa Bản
Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
[8] Chỉ là một suy nghĩ
sai lầm. Vì thế xin đừng tách nó ra khỏi bài viết như một câu khẳng định độc
lập.
[9] Kinh Trường Bộ, phẩm Kinh Đại Duyên, số 15.
[10] Đây nói về nghiệp
lực của chúng sinh, không nói đến nguyện lực.
[11] Lời tâm sự của một phụ nữ.
[12] Phẩm Đề Bà Đạt Đa.
[13] Kinh
Trường Bộ quyển II.
[14]Kinh Đại Thừa Bản
Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
[15] Kinh Tăng Nhất
A-hàm quyển 3. Phẩm Đại Ái Đạo Nhập Niết Bàn.
[16]
Theo Kinh Địa Tạng Bổn Nguyện.
[17] Kinh Cù Đàm Di –
Kinh Trung A-hàm quyển 4
[18] Kinh Đại Thừa Bản
Sinh Tâm Địa Quán, phẩm Báo Ân. Đại Chánh Tạng tập 3.
Discussion about this post