Hiện nay, Phật giáo Việt Nam đang đẩy mạnh công tác hoằng pháp, coi đó là chiến lược mũi nhọn để phát triển Phật giáo. Theo thiển ý của người viết, dù sử dụng phương thức nào đi nữa thì cốt lõi của hoằng pháp phải là sự tu học và đời sống an lạc của chính Tăng Ni. Để hiểu rõ ý nghĩa đời sống tu học của Tăng Ni đối với việc hoằng pháp, trước hết chúng ta cần xác định mục đích của hoằng pháp là gì.
Mục đích của hoằng pháp căn bản có hai điều: Một là giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn. Hai là phụng sự xã hội, đem lại lợi ích, an lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh. Nhưng làm sao để Phật pháp được trường tồn, Phật giáo được ổn định, hưng thịnh và phát triển? Để cho Phật giáo phát triển, chúng ta phải quan tâm, thực hiện rất nhiều thứ, nhưng nền tảng vẫn nằm ở các vị tu sĩ Phật giáo, chủ thể hoằng pháp. Tăng Ni có vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ gìn ngọn đèn Chánh pháp, làm cho Phật pháp hưng thịnh và phát triển. Cho nên trong sự nghiệp hoằng pháp, Tăng Ni phải là đối tượng được quan tâm hàng đầu. Tăng Ni tốt, Phật pháp sẽ tốt. Tăng Ni có an lạc, hạnh phúc thì mới đem được an lạc, hạnh phúc đến với cuộc đời.
Một câu hỏi đặt ra ở đây là hiện nay Tăng Ni có thật sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống tu hành của mình chưa? Cuộc sống trong chốn thiền môn có phải là cảnh Niết-bàn như vẻ bề ngoài đang có chưa?
Nhiều người nghĩ rằng hoằng pháp là làm cái nọ cái kia để thu hút tín đồ như tổ chức phóng sanh, làm từ thiện, mở khóa tu cho Phật tử… Những việc làm này là cần thiết nhưng nó không phải là cái gốc của sự hoằng pháp. Cái gốc của sự hoằng pháp chính là mỗi Tăng Ni đều được sống và tu học an vui trong Chánh pháp.
Hình như từ trước đến giờ ít có ai đặt ra thắc mắc xung quanh vấn đề này. Giáo hội Phật giáo nói chung và trụ trì các tự viện nói riêng chỉ kêu gọi Tăng Ni phải hoằng pháp ngoài xã hội nhưng lại quên quan tâm đến việc Tăng Ni có hoằng pháp cho chính mình chưa, tức là có hưởng được lợi ích, sự an lạc từ giáo pháp của Phật hay chưa. Giáo hội các cấp tổ chức rất nhiều hội nghị hoằng pháp để thảo luận và đề ra phương pháp phổ biến Phật pháp trong xã hội, nhưng lại chưa có một hội thảo nào chọn vấn đề tu hành của Tăng Ni, làm sao cho Tăng Ni được an vui trong cuộc sống tu hành của mình làm trọng tâm. Tôi nhớ từng đọc một báo với tựa đề là “Xã hội cần gì ở Phật giáo?”. Tuy nhiên, tôi nghĩ trước khi hỏi xã hội cần gì ở Phật giáo, ta nên hỏi “Tăng Ni cần gì khi đi tu?”. Xã hội có lẽ cần rất nhiều thứ ở Phật giáo: cần Phật giáo làm từ thiện, nuôi họ khi về già, mở lớp để giữ con cho họ yên tâm đi làm… Phật giáo nói chung và Tăng Ni nói riêng không thể nào đáp ứng hết cái mà xã hội cần. Nhưng nếu như Tăng Ni có thể đáp ứng hết được thì họ có còn là tu sĩ Phật giáo đúng nghĩa nữa không?
Khi nghe một số người yêu cầu/ chủ trương Tăng Ni nên học sư phạm mầm non để nuôi trẻ, một vị đã bức xúc nói rằng: “Nếu muốn nuôi thì tự đẻ nuôi chứ mắc gì đi nuôi con người khác”. Rõ ràng mục đích đi tu là để tìm cầu giác ngộ giải thoát chứ không phải đi tu là để giữ trẻ. Phật giáo chủ trương phục vụ chúng sanh, có nghĩa là đem giáo pháp để giúp người ta tu hành chứ không phải phục vụ về mặt vật chất. Nhưng Tăng Ni muốn đem giáo pháp để lợi lạc chúng sanh thì trước hết họ phải thật sự cảm nhận được lợi lạc từ giáo pháp trước. Nếu bản thân mình không thấy có gì lợi lạc trong giáo pháp mà lại đi đem giáo pháp ấy đến cho người khác thì việc hoằng pháp chỉ có hình thức mà thôi.
Một số Tăng Ni hiện nay dấn thân vào con đường hoằng pháp, lấy việc hoằng pháp và cứu giúp người khác làm niềm vui. Điều này có thể rất tốt mà cũng có thể rất tai hại. Nó tốt khi người đó có niềm vui nội tâm do ứng dụng giáo pháp rồi đem lợi ích ấy chia sẻ với mọi người. Nhưng nếu như bản thân người hoằng pháp không có gì, thì về mặt hình thức tuy đang làm việc hoằng pháp nhưng thực chất đó là hướng ngoại, chạy theo niềm vui bên ngoài, rốt cuộc cũng không thoát khỏi cái lưới danh lợi ở thế gian.
Việc tu hành ngày xưa khá đơn giản. Ngày nay, do tác động và nhu cầu xã hội, người tu cũng phải chịu nhiều áp lực. Để cho Tăng Ni được an tâm tu hành và có điều kiện tu tập phát triển tâm linh, theo tôi, Phật giáo nói chung cần làm những điều sau đây:
Đối với Giáo hội các cấp, cần tích cực hỗ trợ Tăng Ni về mặt hành chánh, tạo điều kiện thuận lợi để Tăng Ni có thể yên tâm tu học một cách hợp pháp.
Đối với thầy tổ, cần đối xử với đệ tử như cha mẹ đối với con cái, lo cho đệ tử đầy đủ từ vật chất đến tinh thần, có trách nhiệm dạy đồ chúng nên người, cũng như hướng dẫn đồ chúng tu học đúng Chánh pháp.
Đối với trụ trì thì cần đảm bảo nơi ăn chốn ở cho đại chúng, không được để quá thiếu thốn. Trụ trì chỉ nên coi mình như người đại diện chùa quản lý công việc, điều hành và coi sóc việc tu học của đại chúng. Trụ trì và chúng thường trú nên thân thiện, chan hòa chứ không nên coi mình như chủ chùa, còn đại chúng như người ăn nhờ ở đậu, vui thì cho ở, không vui thì mời đi, khiến cho một số Tăng Ni trẻ không có chỗ nương thân.
Đối với Tăng Ni nói chung, nhất là những người mới xuất gia thì cần phải nhận thức rõ lý tưởng của người xuất gia. Lý tưởng của người xuất gia là tìm cầu giác ngộ giải thoát, là sống cuộc sống cao thượng vượt lên trên những thứ tầm thường như tình tiền danh lợi của thế gian, là cống hiến đời mình để cứu khổ độ sanh.
Phật giáo nói chung nên tiết kiệm. Tổ chức các sự kiện cần chú trọng nội dung hơn là hình thức. Tôi thấy một số chùa khi tổ chức lễ lạt, chỉ riêng phần trang trí không thôi đã tốn khá nhiều tiền, vô cùng lãng phí. Bản thân người tu không làm gì ra tiền, muốn có tiền phải kêu gọi Phật tử hoặc kiếm bằng cách này cách nọ, trong đó cũng có những cách sai với Chánh pháp. Tu mà cứ bị áp lực tiền bạc thì tâm làm sao thanh tịnh được?
Nếu có thể làm được những điều này thì chúng ta đã phần nào tạo ra được một môi trường tu học tốt đẹp và đáng sống trong chốn thiền môn. Trong thời đại vật chất phát triển như ngày nay, con người không dễ gì từ bỏ sự hưởng thụ dục lạc để sống đời sống lý tưởng. Cho nên chúng ta càng phải trân trọng và thương yêu những người dám từ bỏ gia đình để sống không gia đình. Phải bảo vệ những người mới phát tâm xuất gia như bảo vệ mầm non, chứ nếu đi tu mà khó quá, khổ quá thì thử hỏi ai còn dám đi tu?
Nhiều người nghĩ rằng hoằng pháp là làm cái nọ cái kia để thu hút tín đồ như tổ chức phóng sanh, làm từ thiện, mở khóa tu cho Phật tử… Những việc làm này là cần thiết nhưng nó không phải là cái gốc của sự hoằng pháp. Cái gốc của sự hoằng pháp chính là mỗi Tăng Ni đều được sống và tu học an vui trong Chánh pháp. Bởi vì một điều đơn giản là chúng ta không thể cho người khác cái mà ta không có. Chúng ta không thể cho người khác sự an vui khi bản thân chúng ta không có sự an vui đó. Thông thường chúng ta cho rằng hoằng pháp là chuyện của những thành viên Ban Hoằng pháp. Thật ra tất cả Tăng Ni hay thậm chí Phật tử đều là ủy viên Ban Hoằng pháp vì hễ là người con Phật đều có trách nhiệm truyền bá giáo pháp chân chính của Đức Phật, và ai cũng có khả năng làm việc đó. Chỉ cần tất cả người tu được an vui trong Chánh pháp, nội tâm được hạnh phúc thì nguồn năng lượng lành đó đã được lan tỏa trong thế gian, khiến cho ai thấy nghe đều cảm thấy an lạc mà phát tâm thực hành theo Phật pháp thì đó đã là hoằng pháp rồi.
Tôi viết bài này khi hay tin một Ni sinh trẻ vừa có quyết định đau lòng là tự vẫn. Người tập tu cũng là con người như bao nhiêu con người khác, có lúc vẫn bị bế tắc, không tìm được giải pháp cho chính mình trong hoàn cảnh bất như ý. Tuy nhiên, việc có người tìm đến cái chết cũng nói lên một điều rằng họ không an lạc trong đời sống mà họ đang có. Ta thử nghĩ, hoằng pháp để cho có nhiều người theo Phật giáo nhưng bản thân người tu không hạnh phúc, việc có nhiều tín đồ còn ý nghĩa gì nữa?
Thích Trung Hữu
Discussion about this post