VÔ CẢM
Minh Niệm
Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì
ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung
quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau
thì ý niệm cao – thấp, sang – hèn, vinh – nhục… mới biến khỏi cuộc đời này.
Trái
tim khô
Cuộc sống ngày càng nhiều biến
động, đổi thay, đến nỗi có những điều rất bất thường nhưng người ta lại thấy nó
bình thường, và có những điều hết sức bình thường mà người ta lại cho đó là bất
thường. Chuẩn mực về đúng sai dường như đã không còn nằm trong “dinh lũy” của
triết lý hay đạo đức nữa, nó thuộc về quyền lực của kinh tế. Cái gì làm cho
kinh tế phát triển là đúng, còn ngược lại là sai.
Tốt nghiệp ra trường đã lâu mà ta
vẫn chưa kiếm được việc làm, cứ quanh quẩn trong gia đình thì lập tức bị xem là
hành động bất thường. Dù rằng mỗi ngày ta cũng làm việc vất vả phụ giúp gia
đình, nhưng thật khó thản nhiên khi “bị” hàng xóm, bạn bè, hay chính người thân
trong gia đình hỏi thăm, “Sao vẫn chưa đi làm hả?”, “Bộ tính sống kiểu này luôn
sao?”. Từ chối mức lương cao hay cơ hội thăng chức, để được sống thảnh thơi và
chăm sóc gia đình nhiều hơn cũng có thể bị xem là “ấm đầu”, là có vấn đề. Thời
buổi bây giờ ai cũng cong người lao tới phía trước mà ta lại cứ từ từ, an phận,
tức là ta đã tự tách mình ra khỏi dòng chảy của xã hội văn minh này. Ta tụt hậu
mất rồi.
Thành kẻ tụt hậu để mỗi sáng thức
dậy có thể nghe tiếng chim hót bên sân vườn, nhìn thấy mặt trời vương trên
những ngọn tre, ngắm thật lâu những người thân đi qua lại, ân cần hỏi thăm cô
bác hàng xóm, có thời gian dừng lại nhặt nhánh gai bên đường hay giúp cụ già
đẩy chiếc xe hàng rong lên con dốc, đủ thảnh thơi để lang thang trên con đường
làng râm mát, buồn buồn ghé qua nhà bạn uống trà và tán dóc đủ thứ chuyện trên
đời… Tụt hậu mà có thể sống, sống sâu sắc trong từng giây phút, sống trầm tĩnh
và an nhiên, sống hài hòa và thân thiết với mọi người xung quanh, thì cũng đáng
lắm chứ.
Còn tiến tới thì được gì, mất gì?
Người ta cứ đinh ninh rằng càng phát triển kinh tế, càng nắm bắt được nhiều thứ
(từ vật chất đến quyền lực) thì sẽ càng hạnh phúc, nhưng họ lại để cho hư hao
một thứ cực kỳ quan trọng, thứ duy nhất cảm nhận được hạnh phúc – đó là trái
tim biết rung động. Một trái tim biết rung động trước những khó khăn hay nỗi
khổ của kẻ khác là một trái tim chưa thương tật, một trái tim còn bình thường.
Đó chính là trái tim hạnh phúc, bởi vì hạnh phúc đích thực chỉ có mặt khi ta biết
sẻ chia.
Khi ta mong muốn có thêm những
điều kiện hưởng thụ và tìm mọi phương cách để đạt được, san bằng mọi trở ngại,
bất chấp mọi thủ đoạn, không kể gì đến sự thiệt thòi hay tổn hại của kẻ khác,
lạnh lùng và nghi ngờ mọi người xung quanh, đó chính là lúc trái tim ta rỉ máu
và khô cạn. Làm kinh tế phải có trái tim lạnh, không biết rung cảm thì mới
thành công. Nhưng thành công mà không có hạnh phúc thì thành công để làm gì?
Giả dụ vì một cơn biến động nào đó
mà những người thân yêu đều biến khỏi cuộc đời ta, và loài người cũng không còn
có mặt trên hành tinh này nữa, chỉ còn một mình ta với sản nghiệp khổng lồ thì
ta có thể sống và hạnh phúc không? Vậy mà bây giờ ta sống như thể không hề dính
dáng tới ai, không cần ai, không chịu ơn ai, không có trách nhiệm gì với ai, cố
gắng tồn tại chứ không phải đang sống vì sự sống là phải có sự cảm nhận và rung
động. Và chẳng biết tự bao giờ, trong đầu ta đã cài đặt sẵn mật lệnh“mặc kệ
nó”để dửng dưng đi ngang qua cuộc đời này như một kẻ xa lạ đến từ hành tinh khác.
“Mặc
kệ nó”
Đã lâu rồi, mỗi lần giở trang nhật
báo ra, ta không còn cảm giác rợn người và thương tâm trước những vụ tai nạn
giao thông thảm khốc nữa. Thay vào đó, ta lại thấy may mắn vì những người thân
của ta không có trong danh sách thương vong. Rồi như không có gì xảy ra, ta
thản nhiên lao vào dòng chảy giao thông như một cuộc chiến: tranh thủ vượt đèn
đỏ, bất chấp lằn đường, giành giật nhau từng khoảng trống trên đường, ăn vạ hay
hung hãn đánh nhau khi lỡ va chạm và hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả tai nạn
thật.
Ở Mỹ, nếu ta đến giúp người gặp
nạn thì có thể bị nghi là thủ phạm và sẽ phải mất nhiều thời gian để chứng minh
mình vô can trước cảnh sát hay tòa án. Thế nên, nhiều người đã phải học cách
nhẫn tâm, nhắm mắt làm ngơ trước nạn nhân kêu cứu để khỏi gánh chịu phiền phức,
“Chắc thế nào cũng có người gọi báo cảnh sát thôi”. Ở một số nước, luật quy
định gây tai nạn để lại thương tật tốn nhiều khoản bồi thường hơn gây tử vong.
Điều này vô tình biến những kẻ ích kỷ và hèn nhát thành kẻ đánh mất lương tri,
họ cố tình cán nạn nhân tới chết khi trót gây tai nạn, rồi lạnh lùng buông câu
hỏi, “Tôi phải trả bao nhiêu tiền cho cái xác này?”. Đó là sự thật khó tin
trong thời đại của chúng ta.
Ta cũng lánh xa dần thói quen
“click” chuột vào mục “tấm lòng nhân ái” của những trang tin điện tử, vì sợ
phải nhìn thấy những số phận éo le đến nghiệt ngã mà nao lòng: “Nhiều quá làm
sao giúp cho hết”, “Trách nhiệm này đâu phải của riêng ta”. Ta tự nhủ thầm như
thể có ai đang bắt bí sự thờ ơ vô tình của ta vậy, rồi thấp thỏm đi tìm cảm
giác dễ chịu từ những mục văn nghệ giải trí, hay những thông tin bổ ích cho
công ăn việc làm. Thỉnh thoảng gặp vài người quen nằng nặc xin tiền bảo trợ cho
hội từ thiện nào đó, ta lại giương mắt nghi ngờ, vặn vẹo đủ điều, như thể không
còn ai là người tốt thật trên đời.
Cái đáng lo sợ nhất cho giới trẻ
bây giờ không phải là thiếu kiến thức, mà là thiếu niềm tin. Họ đã thôi bỡ ngỡ
đến tỉnh rụi trước sự giả trá. Họ từng nghe có những em học sinh đu dây qua
sông đi học, những đứa bé bị bóc lột lao động đến kiệt sức để kiếm tiền đóng
học phí, nhưng không biết những người có trách nhiệm cao nhất ở đâu khi họ đã
từng hăng hái ký vào Công ước Quốc tế về quyền bảo vệ trẻ em. Họ cũng từng biết
có những cái chợ vô hình mà nơi đó người ta bán thần thánh, bán chức tước, bán
trinh tiết và bán cả mạng người. Người lớn im lặng. Nhà chức trách làm ngơ. Thử
hỏi người trẻ dựa vào đâu để tin có chánh nghĩa, có công lý? Họ lấy gì để tiếp
nối đây? Đứt đoạn mất rồi!
Tất nhiên, không phải đến bây giờ
người ta mới sống vô cảm, nhưng phải nhìn nhận rằng cuộc tổng tấn công toàn
diện của kinh tế đã phá vỡ tan tành thành trì đạo đức, khiến biết bao kẻ cam
tâm vứt bỏ bản chất thiên nhiên của con người để trở thành cỗ máy vô tri. Ta
thích kiểu sống “độc lập” – không muốn đụng chạm tới ai và cũng không muốn ai
phiền nhiễu tới mình. Ta luyện tập thuần thục thói quen “mặc kệ” mọi biến động
xung quanh, dù với người thân, để thẳng tiến tới mục đích làm giàu hay thỏa mãn
quyền lực. Như Đức Dalai Lama từng than, “Chúng ta đã lên tới mặt trăng và trở
về, vậy mà quá khó để bước qua đường gặp người hàng xóm mới” (We’ve been all
the way to the moon and back, but have trouble crossing the street to meet the
new neighbor). Chừng nào ta vẫn còn tin thỏa mãn danh vọng là hạnh phúc lớn
nhất của con người, vẫn bỏ cái chung vì cái riêng, thì ta sẽ mãi không thuộc về
nơi này và sẽ mãi độc hành với trái tim khô.
Đi
lại từ đầu
Ai chưa từng sống qua miền thôn quê của nước Mỹ, nơi mà ngay
cả giới truyền thông của Mỹ cũng chưa từng đặt chân tới, có thể sẽ nhận xét
phiến diện về người Mỹ.
Không cần đứng bên lề đường và giơ ngón tay cái lên nhiều
giờ, nhiều ngày, như ở đô thị để xin một cuốc đi xe nhờ, cứ thong thả bước đi
thì tự khắc sẽ có người dừng xe lại hỏi thăm và đón ta. Không người này thì
cũng có người khác. Bất cứ thứ thực phẩm gì có trên xe, họ đều đem ra mời như
gặp lại người thân quen. Có khi họ mời ta về nhà nghỉ ngơi, hoặc sẵn lòng đưa
ta thẳng tới nơi ta cần tới dù không cùng đường về nhà họ.
Ngay cả những khu đông người như thị trấn cũng không có tín
hiệu đèn đỏ. Xe này nhường xe kia, người này nhường người nọ. Điều thú vị là những
người lái xe rất hay vẫy tay chào nhau hoặc chào những người đi bộ bên đường,
dù không quen biết nhau. Có lẽ vì họ không bận rộn và hối hả như những người
sống ở đô thị, hoặc vì họ thấy đó là một niềm vui, là điều cần thiết. Một cái
vẫy tay kèm theo nụ cười nhẹ nhàng khiến kẻ đón nhận cảm thấy sự có mặt của
mình rõ ràng và giá trị hơn, không gian trở nên rộng lớn hơn; và đối với những
người khách lạ thì cảm thấy được chào đón và yên lòng hơn.
Chỉ trừ những nơi nuôi gia súc bắt buộc phải làm hàng rào, còn
hầu hết nhà cửa ở miền quê đều không bao giờ khóa, kể cả khi họ đi vắng. Ta có
thể tự vào nhà lấy nước uống và đánh một giấc ở góc nào đó để chờ họ về mà
không phải lo sợ họ nổi giận, rút súng ra dọa, hay báo cảnh sát như ở nhiều nơi
giàu có trên đất nước Mỹ. Hàng xóm muốn qua mượn đồ, biếu chút quà, hay chỉ qua
chơi thì cứ tự nhiên đẩy cửa vào nhà mà không cần phải lấy hẹn trước. Những
công việc nặng nhọc như đào giếng, dựng nhà, thu hoạch cả cánh đồng nho… đều có
những bàn tay hăng hái của xóm giềng phụ giúp. Mỗi cuối tuần, họ đem cả gia
đình đến họp mặt tại ngôi nhà chung của làng để vui chơi, đàn ca và ăn uống. Có
những buổi hàn huyên đến tận khuya, khi có trăng đưa lối về nhà.
Có những ngôi làng hẻo
lánh chỉ có khoảng vài ba chục gia đình, nhưng nơi ấy chưa bao giờ im lìm đến
ngạt thở như những khu biệt thự sang trọng trong thành phố lớn. Luôn luôn có
những tiếng cười nói, gọi nhau ơi ới ngoài sân vườn hay trên cánh đồng. Trẻ con
thường chỉ học ở nhà, tuy cũng theo chương trình của nhà trường nhưng do phụ
huynh hướng dẫn. Có những đứa bé lớn lên chưa bao giờ đến trường, và nếu có thì
cũng chỉ học hết tiểu học hoặc trung học. Không phải vì không có điều kiện đến
trường, mà vì cha mẹ chúng thấy không cần thiết và không mấy tin tưởng vào hệ
thống giáo dục có thể làm cho con họ tốt hơn, trái lại, sẽ làm hư hại tâm hồn
nhiều hơn. Mà thật, quan niệm thất học là thứ tệ nạn không có chỗ đứng ở
những nơi mà người ta sống và hành xử với nhau không phải bằng cái đầu khôn
khéo và đầy ắp kiến thức, mà bằng trái tim chân thành.
Ở Alaska,
nơi có khí hậu cực kỳ khắc nghiệt và kinh tế đứng gần hạng bét nước Mỹ, lại có
nhiều cộng đồng rất vững mạnh. Họ sống trong rừng sâu hay thung lũng vắng, gần
như biệt lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Dù sống bằng nghề nông, nhưng phần
lớn lại xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau và từng sống ở những đô thị
lớn. Đặc biệt, không ai sở hữu tài sản riêng, mọi thứ đều chia sẻ đồng đều với
nhau. Nơi đó, số lượng công việc được làm không quan trọng bằng chất lượng sống
mỗi ngày, nên âm nhạc, yoga hay thiền định luôn là nguồn thức ăn tinh thần.
Điều bất ngờ nhất là họ tránh xa ti-vi, và trẻ con không hề biết đến các trò
chơi điện tử. Tuy nhiên, họ cũng không ngừng cải thiện lối sống bằng thói quen
đọc sách. Sách đã đem họ tới gần với tinh hoa của thế giới.
Không phải bất kỳ miền quê nào của nước Mỹ cũng có khung cảnh
sinh hoạt chan hòa và hạnh phúc như vậy. Nhưng nhìn chung, những nơi nào mà vật
chất ít chiếm cứ thì nơi ấy con người được là chính mình hơn, làm chủ cuộc sống
nhiều hơn. Con người ở khắp nơi trên thế giới, và ngay cả những xứ sở mệnh danh
là siêu cường quốc, còn đang loay hoay tìm kiếm hạnh phúc bằng đủ mọi phương
cách, nhưng họ vẫn chưa thấy rằng ham muốn vật chất là một trong những
trở lực lớn nhất của hạnh phúc.
Thực ra, vật chất không phải là thứ nguy hiểm đáng sợ, nó
cũng có vị trí nhất định trong đời sống con người. Nhưng khổ nỗi, hễ con người
chạm tới nó là dễ dàng bị nó quật lại, điều khiển, và rút mòn sinh lực. Nó
thường mạnh hơn nội lực con người, vì nó có thể đánh thức ma lực ham muốn. Mà,
càng ham muốn thì càng phát triển bản ngã ích kỷ, nên không còn đủ thời gian và
năng lực để quan tâm đến những người thân yêu, chứ nói gì đến xóm giềng hay
toàn xã hội. Và, càng ham muốn thì tâm càng biến động, trong khi hạnh phúc chỉ
đến từ sự bình yên – trạng thái chấp nhận hoàn toàn những gì đang có trong hiện
tại, tức là không mong cầu hay chống cự điều gì nữa.
Có thể nói có hai cách để sống: một là sống ít ham muốn mà có
nhiều hạnh phúc, hai là nhiều ham muốn mà ít hạnh phúc. Tuy nhiên, hầu như ai
cũng muốn sống theo cách thứ ba – vừa ham muốn vừa hạnh phúc, nhưng cách này
chưa bao giờ trở thành hiện thực cả. Trong thực tế, càng lên tới đỉnh cao danh
vọng thì ta càng đánh mất cơ hội thưởng thức cuộc sống và khả năng yêu thương vốn
rất bao la của mình. Sống mà không được yêu thương hay không thể trải lòng ra
để yêu thương thì đâu thể nào có hạnh phúc. Có chăng, cũng chỉ là những cảm
giác hấp dẫn và bay bổng nhất thời, đó không phải là nhu cầu lớn nhất của con
người. Khi chưa tìm thấy được nhu cầu cao nhất của bản ngã thì ta sẽ mãi còn
khắc khoải, chênh vênh, lạc lõng, và trôi lăn giữa cuộc đời này.
Ta cứ khăng khăng đòi phải phát triển, phải vươn lên, phải
hiện đại hóa mọi thứ. Nhưng cũng chính ta lại bàng hoàng, phẫn nộ, kêu than tại
sao con người ngày nay trở nên lạnh lùng, tàn nhẫn, và hung ác đến thế. Tất cả
những cuộc tương tàn đẫm máu giữa những kẻ xa lạ, đến những vụ thảm sát man rợ
giữa những người thân trong gia đình mà ta thấy nhan nhản mỗi ngày trên mặt
báo, nếu không phải do động cơ ham muốn và hơn thua nhau thì là cái gì? Nói
cách khác, thái độ sống ích kỷ, dửng dưng, vô cảm là một trong những loại siêu
vi khuẩn hàng đầu hủy diệt sự liên kết giữa các tế bào trong xã hội.
Do đó, con đường thoát cho nhân loại chắc chắn không thể nào
là cứ cố gắng phát triển kinh tế hơn nữa. Đã đến lúc phải thẳng thắn thừa nhận
mặt trái quá khủng khiếp của nó. Thay vào đó, hãy quay về nâng dậy những giá
trị quý báu của tâm hồn. Khi đã thực sự dừng lại và nhìn sâu thì
ai cũng sẽ biết chia sớt và nâng đỡ những mảnh đời khốn khổ, đáng thương xung
quanh. Chỉ khi nào con người trở về bản chất biết quan tâm nhau và sống vì nhau
thì ý niệm cao – thấp, sang – hèn, vinh – nhục… mới biến khỏi cuộc đời này.
Vẫn chưa quá muộn để ta cùng
nhau đi lại từ đầu, vì nẻo ấy ta đã đi qua và tổ tiên ta cũng đã từng
trải nghiệm thành công. Nhưng chuyến đi lại này ta quyết phải đi cho thật kỹ,
thật hay. Đi lại từ đầu là thoát khỏi sự xiềng xích của vật chất để trả ta về
lại với thiên nhiên, với tình người. Đi lại từ đầu là vui vẻ đi chung đường, đi
bên nhau mà không lo ngại gì nhau, luôn sẵn lòng với nhau. Đi lại từ đầu là đi
trong tỉnh thức, an nhiên.
Đi về đâu, hỡi em?
Dửng dưng trên đường nhỏ
Dòng người đây thân quen
Vẫn bên em từ đó.
Minh Niệm
(NS. Giác Ngộ)
Discussion about this post