THÔNG ĐIỆP ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 2526
của Hòa Thượng Chánh Thư Ký, Xử lý Viện Tăng Thống.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
– Thưa chư tôn Hòa
Thượng, Thượng Tọa khả kính.
– Hàng Giáo Phẩm trong
Hội Đồng Lưỡng Viện.
– Giáo Hội Phật Giáo Việt
Nam
Thống Nhất.
– Chư Đại Đức Tăng Ni,
Phật Tử Ban Đại Diện Giáo Hội các cấp.
– Cùng toàn thể Phật
Giáo đồ, những người con trung kiên của Giáo Hội ở trong nước cũng như ngoài
nước.
Mùa Phật Đản lại về.
Cùng với Phật Giáo đồ trên toàn thế giới, cũng vào ngày giờ này, chúng ta thành
kính đón mừng lễ Đản Sanh của Đức Từ Phụ trong niềm hân hoan và lòng biết ơn vô
hạn đối với Ngài, đối với đạo lý giải thoát như thật do Ngài vạch ra. Trong
niềm hân hoan và biết ơn vô hạn đó, tôi xin gửi đến chư tôn Hòa Thượng, Thượng
Tọa, Đại Đức Tang Ni và đồng bào Phật Tử trong cũng như ngoài nước, lời cầu
chúc an lành, lời kêu gọi hòa hợp và tiến tu.
Đức Phật ra đời vì một
đại sự duy nhất là mở bày con đường giác ngộ tri kiến Phật cho tất cả chúng
sanh thấy lại diện mục xưa nay của bản thân mình, của đồng loại mình, để phá vỡ
những trói buộc do nhận thức mê mờ, tình cảm mù quáng, do ý chí xung đột bủa
vây mà vươn lên thành bậc Giác Ngộ.
Động cơ của sự ra đời để
mở bày con đường giác ngộ ấy, chính là lòng từ bi vô hạn đối trước những nỗi
khổ đau đang đè nặng lên thân phận kiếp người. Thật vậy, dưới ánh sáng của Phật
Pháp, chỉ khi nào tình thương của mọi người, của chính mình thương lấy mình và
thương nhau, chỉ khi nào phá vỡ được những trói buộc đã nói trên, con người mới
thực sự sống hòa bình, an lạc. Cư xử với nhau trong tình huynh đệ tương thân,
bình đẳng là mỗi từng bước một tiến lên địa vị giác ngộ của Phật Đà.
Chúng ta càng vững tin
hơn, vì 2526 năm lịch sử trôi qua, đã kéo theo biết bao sự nghiệp vĩ đại, kiêu
hùng của các nền văn minh, văn hóa của loài người chìm sâu trong bóng tối,
nhưng với đạo Phật thì vẫn mãi mãi còn đó. Vẫn Sống và vẫn Sáng. Sự hiện diện
của đạo Phật trong cuộc sống con người là nhằm mục đích thực hiện chân hóa,
thiện hóa, mỹ hóa cuộc đời mỗi ngày một tốt đẹp hơn. Do những nhân duyên ấy,
nên đạo Phật truyền bá tới đâu cũng được con người hân hoan đón nhận, coi như
sự phát triển của chính mình.
Khi đạo Phật truyền vào
nước ta, đã được ông cha ta niềm nở đón nhận, phát huy thành một lối sống, đặt
nền móng cho sự hình thành một truyền thống dân tộc lành mạnh, biến con người
Việt Nam bình dị thành những anh hùng, kiên trì, rộng lượng của những thời đại
Lý, Trần.
Cụ thể hóa trong thực
tế, đạo Phật đã là chất liệu xây dựng những nếp sống văn minh, tương thân,
tương trợ, xuyên qua đời sống Lục Hòa của Tăng Già. Sống Lục Hòa tức là sống
hòa hợp một cách chân thành, tha thiết đến sự nghiệp chung, nhưng không bỏ qua
những yêu cầu chính đáng của từng cá thể con người.
Ôn lại lịch sử đạo Phật
tại Việt Nam,
chúng ta sẽ rút được những kinh nghiệm quí báu của sự hòa hợp. Có sống hòa hợp
như thế mới mong làm tròn nhiệm vụ của Phật Tử đối với đại sự mở bày tri kiến
Phật của Đức Từ Phụ, mới mong làm nên những sự nghiệp ích nước, lợi dân. Điều
này có nghĩa, sống hòa hợp là điều kiện cần yếu cho sự tiến tu và sự tiến tu
chỉ có thể thực hiện được nếu có sống hòa hợp. Chính vì tinh thần hòa hợp và
nhu cầu tiến tu đó mà Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất đã ra đời và đã
từng làm rạng rỡ thêm những trang sử vàng son của Dân Tộc và Đạo Pháp. Cho nên
để thiết thực đón mừng Khánh Lễ Phật Đản năm nay, tôi mong mỏi chư tôn Hòa
Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni các cấp Giáo Hội, cùng toàn thể Phật Giáo
đồ trong và ngoài nước, hãy hòa hợp và tiến tu và dõng mãnh tiến tu để cùng nhau
hòa hợp.
Giờ đây hoa Ưu Đàm đã
nở, tôi mong cho hoa nở mãi và hương thơm của hoa tỏa khắp nơi, hầu đem lại một
cảnh sắc tươi vui cho con người và cuộc đời.
Cầu xin Đức Phật soi
sáng cho chúng ta.
Viện Tăng Thống ngày 4
tháng 4 năm 1982
Chánh Thư Ký Xử Lý Viện
Tăng Thống
Hòa Thượng Thích Đôn Hậu
(ấn ký)
Discussion about this post