THIỀN ĐỊNH,
DƯỠNG CHẤT CHUYỂN HÓA TÂM
(MIND – ALTERING SUSTENANCE)
Nguyên tác : Marc Kaufman
Việt dịch : Trần Như Mai
Các khoa học gia đã tìm thấy Thiền tập
đều đặn có thể thay đổi cơ cấu hoạt động và hệ thống kinh mạch bên trong não
bộ.
Cuộc nghiên cứu
về não bộ đang bắt đầu đưa ra những bằng chứng cụ thể về những gì mà các hành
giả Thiền Phật giáo đã xác nhận qua nhiều thế kỷ nay: kỷ luật tinh thần và
Thiền tập có thể thay đổi cơ cấu hoạt động của não bộ và cho phép con người đạt
được nhiều mức độ tỉnh giác khác nhau.
Theo truyền
thống thì những trạng thái chuyển biến ấy đã được hiểu theo ngôn ngữ siêu việt
như là một cái gì vượt ra ngoài thế giới đo lường vật lý và sự đánh giá khách
quan. Nhưng, trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu tại Viện Đại học Wisconsin,
cùng làm việc với các vị sư Phật giáo Tây Tạng, đã có thể truyền đạt những kinh
nghiệm tinh thần ấy thành ngôn ngữ khoa học về các làn sóng điện từ gamma tầng
số cao và sự phối hợp đồng thời của não bộ. Và họ đã chỉ rõ thuỳ não trái phía
trước đỉnh đầu, vùng ngay sau trán bên trái, là nơi mà hoạt động não bộ liên
kết với Thiền định có cường độ cao đặc biệt.
Giáo sư Davidson
nói: “Điều mà chúng tôi tìm thấy là các hành giả hành Thiền lâu năm đã chứng tỏ
hoạt động não bộ của họ đã đạt đến một tầm mức mà chúng tôi chưa hề thấy trước
đây”. Ông là một nhà thần kinh học tại một phòng thí nghiệm mới trị giá 10 triệu đô-la của Viện Đại học, có
tên là Phòng Thí Nghiệm W.M.Keck Chuyên Khoa Chụp Hình Chức Năng và Biểu Hiện
của Não Bộ.
Ông nói :” Sự
luyện tập tinh thần của các hành giả đã mang lại hiệu quả trên não bộ của họ
cũng giống như sự tập luyện đánh “gôn” hay quần vợt sẽ nâng cao khả năng giao
đấu của các cầu thủ. Điều này chứng tỏ rằng não bộ có thể được luyện tập và
thay đổi về mặt sinh học theo những phương cách mà ít người có thể tưởng tượng
ra”.
Các khoa học gia
thường tin tưởng ngược lại – họ tin rằng sự liên hệ giữa các tế bào não đã được
xác lập ngay từ thời thơ ấu và không thay đổi lúc trưởng thành. Nhưng nhận định
đó đã chứng tỏ không còn đúng nữa trong thập kỷ vừa qua nhờ những tiến bộ trong
kỹ thuật chụp hình não bộ và các kỹ thuật khác. Các khoa học gia giờ đây đã đón
nhận khái niệm về sự phát triển liên tục của não bộ và “tính nhu nhuyến của
thần kinh não bộ ”.
Giáo sư Davidson
nói rằng những kết quả mới nhất về nghiên cứu Thiền định được xuất bản vào
tháng 11, trong tập “Những Bài Thuyết Trình Của Viện Hàn Lâm Khoa Học Quốc
Gia ”, đã đưa khái niệm về “tính nhu
nhuyến của thần kinh não bộ” tiến thêm một bước nữa bằng cách chứng tỏ rằng
việc huấn luyện tâm thức qua Thiền tập
(và có thể những
kiểu huấn luyện khác nữa) có thể tự nó thay đổi cơ cấu hoạt động và hệ thống
kinh mạch bên trong não bộ.
Những khám phá
mới này có lẽ là kết quả của một sự hợp tác lâu dài giữa Giáo sư Davidson và
Đức Đạt Lai Lạt Ma của Tây Tạng, một hành giả Phật giáo nổi tiếng nhất thế giới
hiện nay. Đầu tiên, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mời Giáo sư Davidson đến viếng thăm
trú xứ của Ngài ở Dharamsala ở Ấn Độ vào năm 1992 sau khi Ngài biết được những
công trình nghiên cứu mới mẻ của Giáo sư Davidson trong khoa thần kinh học về
các tình cảm. Người Tây Tạng có truyền thống lâu đời về Thiền định chuyên sâu,
và ngay từ đầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tỏ ra quan tâm đến việc cho phép Giáo sư
Davidson dùng phương pháp khoa học để khám phá tâm thức của các vị sư đệ
tử của Ngài đang lúc hành Thiền. Ba năm trước, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm
phòng thí nghiệm của Giáo sư Davidson trong hai ngày.
Cuối cùng Đức
Đạt Lai Lạt Ma đã gởi tám trong số những vị đệ tử đạt đạo nhất của Ngài đến
phòng Thí nghiệm của Giáo sư Davidson để họ được nối với máy điện não đồ và máy
chụp hình não bộ. Các vị hành giả Thiền Phật giáo trong cuộc thí nghiệm này đã
được huấn luyện theo truyền thống Thiền định Nyingmapa và Kagyupa vào khoảng
10,000 đến 50,000 giờ, trong thời gian từ 10 đến 40 năm. Một nhóm khác gồm 10
sinh viên thiện nguyện chưa hề có kinh nghiệm Thiền tập được chọn để so sánh
kết quả cuộc thí nghiệm sau một tuần được huấn luyện hành Thiền.
Các vị sư và các
thiện nguyện viên đều được gắn một mạng lưới gồm 256 điện cực và được yêu cầu
hành Thiền trong những khoảng thời gian ngắn. Suy nghĩ và những hoạt động tinh
thần khác được biết là sẽ làm cho dòng điện phát sinh ra những đột biến nhẹ
nhưng có thể do lường được, khi những nhóm lớn các tế bào thần kinh truyền tải
tín hiệu với nhau. Đó là những tín hiệu mà các điện cực sẽ nhận được.
Giáo sư Davidson
đặc biệt quan tâm đến việc đo lường các làn sóng điện từ gamma, đó là những
xung điện não bộ quan trọng nhất và có tầng số cao nhất.
Cả hai nhóm được
yêu cầu hành Thiền đặc biệt hướng tâm về lòng từ bi vô điều kiện. Giáo lý đạo
Phật mô tả trạng thái đó, và điều này cũng là trọng tâm giáo huấn của Đức Đạt
Lai Lạt Ma, như là “ thái độ không ngăn ngại sẵn sàng có mặt để cứu độ chúng
sinh”.Các nhà nghiên cứu chọn đối tượng chú tâm này vì nó không đòi hỏi tập
trung tư tưởng vào những đối tượng, ký ức hay hình ảnh đặc biệt nào, thay vào
đó hành giả tu dưỡng một trạng thái hiện sinh được chuyển hóa, đó là lòng từ
bi.
Giáo sư Davidson
nói kết quả cuộc nghiên cứu rõ ràng chứng tỏ Thiền tập đã kích hoạt tâm thức
thuần thục của các vị sư theo những
phương cách khác hẳn với các thiện
nguyện viên. Điểm quan trọng nhất là các điện cực đã ghi nhận được sự kích hoạt rất tích cực của làn sóng điện từ gamma
chuyển động rất nhanh và mạnh mẽ khác thường trong não bộ các vị sư, và tìm
thấy các chuyển động của những làn sóng ấy qua não bộ được tổ chức và phối hợp
tốt hơn nhiều so với các thiện nguyện viên.
Những thiện
nguyện viên chứng tỏ có một sự gia tăng nhỏ trong hoạt động của làn sóng điện
từ gamma lúc hành Thiền, nhưng một số vị sư lại có hoạt động của làn sóng điện
từ gamma mạnh mẽ hơn bất cứ một người mạnh khỏe bình thường nào đã được ghi
nhận từ trước đến nay.
Giáo sư Davidson
nói :” Những vị sư hành Thiền thâm niên nhất đã có những làn sóng điện từ gamma
đạt mức hoạt động cao nhất”.
“Sự đáp ứng theo liều lượng” này là điều mà
các nhà nghiên cứu tìm kiếm để đánh giá nguyên nhân và kết quả – theo đó một
liều lượng thuốc hay mức hoạt động cao hơn sẽ tạo được ảnh hưởng lớn hơn liều
lượng ở mức độ thấp.
Trong các cuộc
nghiên cứu trước đây, những hoạt động tinh thần như là sự tập trung vào một mục
tiêu, ký ức, học tập hay ý thức thường liên kết với kiểu phối hợp hoạt động
thần kinh não bộ được nâng cao như đã tìm thấy ở các vị sư. Những làn sóng điện
từ gamma mạnh mẽ được tìm thấy ở các vị
sư cũng liên hệ đến sự đan kết lại những kinh mạch khác hẳn nhau cũng như liên
hệ đến hoạt động tinh thần tích cực hơn và sự tỉnh giác cao hơn.
Công trình
nghiên cứu của Giáo sư Davidson cũng phù hợp với kết quả các công trình nghiên
cứu của ông trước đây khi ông chỉ rõ thùy não trái phía trước đỉnh đầu là một
khu vực của não bộ liên kết với trạng thái vui vẻ và các tư tưởng tình cảm tích
cực. Sử dụng máy chụp hình cọng hưởng từ tính (magnetic resonance imaging
machine) để chụp hình não bộ các vị sư đang hành Thiền, Giáo sư Davidson đã tìm
thấy hoạt động não bộ của các vị sư – được đo lường bằng máy điện não đồ – đặc
biệt rất cao ở vùng này.
Từ công trình nghiên
cứu này, Giáo sư Davidson kết luận rằng Thiền tập không những thay đổi cơ cấu
hoạt động của não bộ trong đoản kỳ, mà rất có thể sản sinh những đổi thay vĩnh
viễn. Ông nói, sự khám phá này dựa trên sự kiện là các vị sư đã có hoạt động
của làn sóng điện từ gamma cao hơn rất nhiều so với nhóm thiện nguyện viên,
ngay cả khi họ chưa bắt đầu hành Thiền theo hướng dẫn của các nhà nghiên cứu.
: The Age – January 9, 2005. Bài này xuất hiện lần đầu trên báo
The Washington Post – Jan 3, 2005
Discussion about this post